Thưa mẹ, con xin đi tình nguyện!

  • Thread starter Thread starter seeing
  • Ngày gửi Ngày gửi

seeing

New member
Xu
0
Thưa mẹ, con xin đi tình nguyện!
TT - Không ít bạn trẻ nghĩ cha mẹ cấm đoán họ tham gia các hoạt động tình nguyện là muốn con cái tập trung hoàn toàn vào việc học và xem các hoạt động cộng đồng là lãng phí thời gian. Trong khi đó, nhiều bậc phụ huynh lại chạnh lòng khi thấy con mình say sưa chuyện của “người ta” mà thờ ơ với người nhà...

ImageView.aspx
Những hoạt động tình nguyện sẽ giúp các bạn trẻ trưởng thành hơn - Ảnh: Minh Đức

Phải chăng vì cha mẹ và con cái thiếu những sẻ chia!
Tại cha mẹ khó hay tại con không giãi bày?

Cha mẹ - tài sản quý nhất
Giới trẻ phương Tây chúng tôi sống xa gia đình từ sớm nên cơ hội gần gũi với cha mẹ chắc chắn ít hơn so với bạn trẻ Việt Nam. Đối với dân mê hoạt động xã hội thì cơ hội này càng ít hơn nữa. Nhưng theo cá nhân tôi quan sát chính việc vào đời sớm này lại giúp giới trẻ chúng tôi quan tâm đến gia đình nhiều hơn.
Theo kinh nghiệm của tôi, trước khi tham gia hoạt động tình nguyện, các bạn nên cân nhắc một số điều như: Liệu những hoạt động đó sẽ có ích gì cho việc cải thiện tính cách, tương lai của mình? Tránh trường hợp tham gia mà không biết rõ mục đích của các hoạt động này hoặc chỉ vì “a dua” cho vui với bạn bè. Đảm bảo gia đình biết rõ thông tin hoạt động bạn tham gia để họ an tâm cũng như có sự lưu ý, hỗ trợ khi cần thiết. Hãy nhớ mình biết yêu thương và san sẻ không chỉ với những người thiếu may mắn trong cuộc sống mà còn với cả các thành viên trong gia đình.
Thật đáng buồn khi một người trẻ luôn hết mình vì người khác nhưng lại quên quan tâm cha mẹ - tài sản lớn nhất của cuộc đời chúng ta.
William Brown (22 tuổi, người Mỹ) - C.N. ghi
“Lấm lét trước người bố đang giận dữ, tôi lí nhí thưa lý do về nhà muộn: “Dạ, ngày mốt phải có xe hoa cho chương trình, tụi con phải tranh thủ tiến độ”. Rầm! Cả bọn giật mình với tiếng đập bàn. “Không lý do gì cả. Tổ chức nào lại làm việc đến 3g sáng. Làm gì cũng phải có giờ giấc nghỉ ngơi...”. Đó là câu chuyện của bạn K. Hoài (31 tuổi, hiện là quản lý một doanh nghiệp) kể về lần tham gia hoạt động tình nguyện tại địa phương. Hoài nhớ lại: “Sau lần đó, tôi bị “giam lỏng” mấy tuần liền, bạn bè không dám rủ rê dù hoạt động đang vào đợt cao điểm”.
Bạn Mẫn Đạt (21 tuổi, SV Trường nghề Lý Tự Trọng, TP.HCM) kể: “Một chủ nhật nọ tôi xin đi làm công tác xã hội ở mái ấm. Cả nhà phản đối vì trước đó tôi đã đi nhiều và chủ nhật lại là ngày gia đình họp mặt. Nhưng là người tham gia tổ chức chương trình, không thể vắng mặt, tôi liều đi. Lần đó về bố mẹ không cho tôi tham gia sinh hoạt nhóm tình nguyện nữa”.
Bạn Nam Phương (20 tuổi, SV Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM) chia sẻ: “Từ nhỏ tôi không tham gia hoạt động cộng đồng nào vì ba mẹ chỉ muốn tôi tập trung học. Vào đại học, biết đến những hoạt động tình nguyện thú vị, tôi tham gia nhưng giấu cả nhà. Ba mẹ hỏi đi đâu thì nói là đi học này nọ, hoặc trả lời qua loa, lảng sang chuyện khác”.
Trong khi nhiều bạn trẻ khổ tâm vì cha mẹ không thấu hiểu và phản đối những đóng góp của mình với cộng đồng, thì nhiều bậc phụ huynh cũng buồn lòng vì con cái mãi “hướng ngoại” nên vô tâm với gia đình.
Bà Nguyễn Thị Tuất (52 tuổi, ngụ Q.10, TP.HCM), có hai người con đều rất ham mê công tác Đoàn - Hội, tâm sự: “Bản thân tôi rất vui khi thấy con mình chẳng những học giỏi mà còn nhiệt tình việc xã hội. Nhưng đôi khi tôi cũng buồn vì con mình vô tình quên mất những việc nhỏ trong nhà, hay đơn giản thường vắng mặt trong các bữa cơm, buổi họp mặt gia đình”.
Còn ông H.M. (57 tuổi, ngụ Q. Bình Tân, TP.HCM) bày tỏ: “Mỗi lần thấy con tư vấn chuyện tình cảm với bạn bè qua điện thoại, tôi lại thấy mình cô đơn hơn bao giờ hết, bởi hiếm khi nào con hỏi thăm tôi những câu tương tự. Đồng nghiệp, hàng xóm không tiếc lời khen con tôi tháo vát, nhưng họ đâu biết nó chỉ giỏi chuyện ngoài đường, còn trong nhà thì... Ước gì lúc nào đó con tôi nhận ra điều này”.
Gỡ “nút thắt”
Thừa nhận việc quá hào hứng tham gia hoạt động xã hội có thể dẫn đến sao nhãng việc học, việc nhà, hay ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe... là những lý do chính làm bố mẹ lo lắng, phiền lòng, nhiều bạn trẻ khẳng định sẽ đảm bảo kết quả học tập và lấy sự trưởng thành của mình để chứng minh với cha mẹ việc mình tham gia hoạt động xã hội là cần thiết.
Mẫn Đạt cho biết: “Hôm nào không đi học, mình ở nhà phụ việc nhà. Mỗi chủ nhật, mình chỉ dành 3-4 giờ đi sinh hoạt rồi về ăn cơm với gia đình”. Nam Phương đã thuyết phục cha mẹ bằng những thay đổi tích cực trong lối sống hằng ngày: “Sau chiến dịch Mùa hè xanh, mình dậy sớm đi chợ cùng mẹ, biết tự giặt, ủi quần áo. Mẹ rất ngạc nhiên và vui lắm!”. Phương khoe thêm: “Hồi chiến dịch Xuân tình nguyện, ba mẹ còn hỏi thăm mọi người trong mặt trận của mình, hỏi mình làm nhiều việc không, và sáng mẹ còn dậy nấu cơm để mình đem theo.”
Bà Nguyễn Thị Tuất cũng chia sẻ: “Cá nhân tôi rất ủng hộ việc bạn trẻ tham gia công tác xã hội, vốn rất có ích cho kỹ năng sống cũng như hỗ trợ việc hòa nhập xã hội. Nhưng nói thế không có nghĩa tôi ủng hộ các bạn trẻ chỉ biết “hướng ngoại”, coi gia đình chẳng khác gì chỗ trọ. Tôi mong các bạn trẻ sẽ chú ý hơn nữa cảm xúc của cha mẹ.”
Hoạt động tình nguyện đem lại cho các bạn trẻ những trải nghiệm và trách nhiệm với xã hội, từ cơ hội rèn luyện kỹ năng sống đến tinh thần biết sống vì người khác biết cảm nhận những giá trị đang tồn tại xung quanh mình. Nhưng bạn trẻ đừng vì quá ham mê những trải nghiệm ngoài cộng đồng mà quên mất mình cũng là một thành viên của gia đình. Và các bậc phụ huynh cũng hãy trò chuyện cùng con để giúp con cân bằng việc nhà với việc vác tù và hàng tổng.
CÔNG LÊ - CÔNG NHẬT
 

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top