dream_high
Moderator
- Xu
- 0
Thủ tục đăng ký việc nuôi con nuôi
1. Những quy định chung
Nuôi con nuôi là việc xác lập quan hệ cha mẹ và con giữa người nhận nuôi con nuôi và người được nhận làm con nuôi, bảo đảm cho người được nhận làm con nuôi được trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục phù hợp với đạo đức xã hội.
Việc cho, nhận trẻ em làm con nuôi chỉ được thực hiện trên tinh thần nhân đạo, nhằm bảo đảm lợi ích tốt nhất cho trẻ em và tôn trọng các quyền cơ bản của trẻ em. Nghiêm cấm lợi dụng việc nuôi con nuôi nhằm mục đích bóc lột sức lao động, xâm phạm tình dục, mua bán trẻ em hoặc vì mục đích trục lợi khác.
Người được nhận làm con nuôi phải là người từ 15 tuổi trở xuống. Người trên 15 tuổi có thể được nhận làm con nuôi nếu là thương binh, người tàn tật, người mất năng lực hành vi dân sự hoặc làm con nuôi của người già yếu cô đơn (khoản 1 Điều 68 Luật Hôn nhân và gia đình).
- Người nhận con nuôi phải có đủ các điều kiện sau đây:
+ Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ;
+ Hơn con nuôi từ 20 tuổi trở lên;
+ Có tư cách đạo đức tốt;
+ Có điều kiện thực tế bảo đảm việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con nuôi;
+ Không phải là người đang bị hạn chế một số quyền của cha, mẹ đối với con chưa thành niên hoặc bị kết án mà chưa được xoá án tích về một trong các tội cố ý xâm phạm tính mạng, sức khoẻ, nhân phẩm, danh dự của người khác; ngược đãi hoặc hành hạ ông, bà, cha, mẹ, vợ, chồng, con, cháu, người có công nuôi dưỡng mình; dụ dỗ, ép buộc hoặc chứa chấp người chưa thành niên phạm pháp; mua bán, đánh tráo, chiếm đoạt trẻ em; các tội xâm phạm tình dục đối với trẻ em; có hành vi xúi giục, ép buộc con làm những việc trái pháp luật, trái đạo đức xã hội (điều 69 Luật Hôn nhân và gia đình).
+ Trong trường hợp vợ chồng cùng nhận nuôi con nuôi thì cả hai đều phải có đủ các điều kiện trên.
Việc cho người nước ngoài thường trú ở nước ngoài xin nhận trẻ em Việt Nam làm con nuôi được xem xét giải quyết, nếu Việt Nam và nước nơi người xin nhận con nuôi thường trú đã ký kết hoặc cùng gia nhập điều ước quốc tế về hợp tác nuôi con nuôi. Việc cho người nước ngoài thường trú tại nước chưa ký kết hoặc chưa cùng gia nhập với Việt Nam điều ước quốc tế về hợp tác nuôi con nuôi thì việc nhận trẻ em Việt Nam làm con nuôi chỉ được xem xét giải quyết, nếu người đó thuộc một trong các trường hợp sau: (a) Có thời gian công tác, học tập, làm việc tại Việt Nam từ 6 tháng trở lên; (b) Có vợ, chồng, cha, mẹ là công dân Việt Nam hoặc người gốc Việt Nam; (c) Có quan hệ họ hàng, thân thích với trẻ em được xin nhận làm con nuôi hoặc đang có con nuôi là anh, chị, em ruột của trẻ em được xin nhận làm con nuôi; (d) Đối với người nước ngoài không thuộc một trong các trường hợp nêu trên, nhưng nhận trẻ em khuyết tật, tàn tật, mất năng lực hành vi dân sự, nạn nhân của chất độc hóa học, nhiễm HIV/AIDS, mắc các bệnh hiểm nghèo khác đang sống tại cơ sở nuôi dưỡng được thành lập hợp pháp hoặc đang sống tại gia đình cũng được xem xét giải quyết; (đ) Các trường hợp khác do Bộ trưởng Bộ Tư pháp quyết định.
Việc nhận con nuôi phải được sự đồng ý bằng văn bản (bằng Giấy thỏa thuận về việc cho và nhận con nuôi – theo mẫu BTP-NG/HT-2007-CN.1) của cha mẹ đẻ của người được nhận làm con nuôi; nếu cha mẹ đẻ đã chết, mất năng lực hành vi dân sự hoặc không xác định được cha, mẹ thì phải được sự đồng ý bằng văn bản của người giám hộ. Nếu người được xin làm con nuôi từ 9 tuổi trở lên thì còn phải được sự đồng ý của trẻ em đó (điều 71 Luật Hôn nhân và gia đình; Điều 26 Nghị định 158).
Ngoài những quy định trên, người nước ngoài nhận trẻ em Việt Nam làm con nuôi phải có đủ điều kiện để nuôi con nuôi theo pháp luật của nước nơi người đó thường trú.
Việc nuôi con nuôi bị từ chối trong các trường hợp sau đây:
+ Người xin nhận con nuôi không đáp ứng đủ các điều kiện nuôi con nuôi theo quy định;
+ Trẻ em được nhận làm con nuôi không đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định;
+ Có căn cứ để khẳng định việc xin nhận con nuôi là nhằm mục đích mua bán trẻ em, bóc lột sức lao động của trẻ em, xâm phạm tình dục đối với trẻ em hoặc nhằm mục đích trục lợi khác.
Cơ quan đại diện Việt Nam chỉ giải quyết việc đăng ký nuôi con nuôi cho (i) người nước ngoài thường trú tại nước tiếp nhận xin nhận trẻ em Việt Nam cu trú tại nước đó làm con nuôi; (ii) người nhận nuôi là công dân Việt Nam tạm trú tại nước tiếp nhận xin nhận trẻ em Việt Nam cư trú tại nước tiếp nhận làm con nuôi. Trường hợp Cơ quan đại diện từ chối đăng ký việc nuôi con nuôi thì phải giải thích rõ lý do.
Khi quyết định của toà án về việc chấm dứt nuôi con nuôi có hiệu lực pháp luật thì cơ quan đại diện phải ghi việc chấm dứt nuôi con nuôi vào sổ hộ tịch.
Những giấy tờ do cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài cấp hoặc xác nhận phải được Vụ Lãnh sự Bộ Ngoại giao nước tiếp nhận hoặc cơ quan khác được uỷ quyền chứng thực.
* Lưu ý: Luật pháp nhiều nước quy định việc nuôi con nuôi làm chấm dứt hoàn toàn các quan hệ giữa người được nhận làm con nuôi với cha mẹ đẻ. Tuy nhiên, phù hợp với truyền thống Việt Nam, luật pháp nước ta cho phép duy trì một số quan hệ pháp lý giữa người được nhận làm con nuôi với cha mẹ đẻ như quyền thừa kế (Điều 679 Bộ Luật Dân sự).
2.Trường hợp cả cha mẹ nuôi và con nuôi đều là công dân Việt Nam và cùng sinh sống ở nước ngoài
Cơ quan có thẩm quyền đăng ký việc nuôi con nuôi là Cơ quan đại diện ở nước hoặc khu vực lãnh sự nơi cư trú của cha mẹ nuôi và con nuôi. Nếu khác nơi cư trú thì Cơ quan nào cũng có thẩm quyền đăng ký việc nuôi con nuôi nhưng phải thông báo cho Cơ quan đại diện kia biết để ghi chú vào Sổ hộ tịch.
Hồ sơ gồm:
- Giấy thoả thuận về việc cho và nhận con nuôi (sau đây gọi tắt là Giấy thỏa thuận) (theo mẫu BTP-NG/HT-2007-CN.1) do cha mẹ đẻ và người nhận làm con nuôi lập, kể cả trường hợp đã ly hôn. Trong trường hợp một bên cha hoặc mẹ đẻ đã chết, mất năng lực hành vi dân sự hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự, thì chỉ cần chữ ký của người kia; nếu cả cha và mẹ đẻ đã chết, mất năng lực hành vi dân sự hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự, thì người hoặc tổ chức giám hộ trẻ em thay cha, mẹ đẻ ký Giấy thỏa thuận. Đối với trẻ em đang sống tại cơ sở nuôi dưỡng mà không xác định được địa chỉ của cha, mẹ đẻ thì người đại diện của cơ sở nuôi dưỡng ký Giấy thỏa thuận.
Nếu người được nhận làm con nuôi từ đủ 9 tuổi trở lên, thì trong Giấy thỏa thuận phải có ý kiến của người đó về việc đồng ý làm con nuôi bằng việc ghi “Đồng ý” và ký tên vào Giấy thỏa thuận, trừ trường hợp người đó bị mất năng lực hành vi dân sự hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự. Trường hợp trẻ em khong biết chữ, thì Lãnh sự phải đọc và giải thích rõ việc sẽ làm con nuôi, nếu đồng ý thì điểm chỉ vào Giấy thỏa thuận thay cho việc ký.
Trường hợp người nhận con nuôi cư trú ở nước mà Cơ quan đại diện thực hiện việc đăng ký nuôi con nuôi đặt trụ sở thì Giấy thỏa thuận về việc cho và nhận con nuôi phải có xác nhận của Cơ quan đại diện nơi người nhận con nuôi cư trú về việc người đó có đủ điều kiện nuôi con nuôi theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình.
- Bản sao Giấy khai sinh của người được nhận làm con nuôi (xuất trình bản chính để đối chiếu). Trường hợp nhận con nuôi là trẻ sơ sinh thì phải đăng ký khai sinh trước khi công nhận nuôi con nuôi.
- Tuỳ từng trường hợp, hồ sơ của trẻ em được cho làm con nuôi còn phải có giấy tờ tương ứng sau đây:
+ Biên bản xác nhận về việc trẻ em bị bỏ rơi, nếu trẻ em đó có nguồn gốc bị bỏ rơi;
+ Biên bản xác nhận về việc trẻ em bị bỏ lại cơ sở y tế, nếu trẻ em đó có nguồn gốc bị bỏ lại cơ sở y tế;
+ Bản sao Giấy chứng tử của cha, mẹ đẻ của trẻ em, nếu cha, mẹ đẻ của trẻ em đó đã chết hoặc bị tuyên bố là đã chết;
+ Bản sao bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Toà án tuyên bố cha, mẹ đẻ của trẻ em mất năng lực hành vi dân sự, nếu cha, mẹ đẻ của trẻ em đó mất năng lực hành vi dân sự.
- Người nhận con nuôi còn phải xuất trình hộ chiếu hoặc giấy tờ thay hộ chiếu để Lãnh sự đối chiếu.
3. Trường hợp con nuôi là công dân Việt Nam cư trú ở nước ngoài, còn cha mẹ nuôi là người nước ngoài
Cơ quan có thẩm quyền công nhận việc nuôi con nuôi là Cơ quan đại diện ở nước hoặc khu vực lãnh sự nơi cư trú của người con nuôi. Cơ quan đại diện chỉ đăng ký việc nuôi con nuôi nếu không trái với pháp luật nước tiếp nhận hoặc nước tiếp nhận không phản đối.
* Lưu ý: - Cơ quan đại diện chỉ giải quyết cho người nước ngoài thường trú tại nước tiếp nhận xin nhận trẻ em Việt Nam cư trú tại nước đó làm con nuôi, nếu trẻ em đó hiện tại không có hộ khẩu thường trú ở trong nước. Trong trường hợp trẻ em Việt Nam được xin nhận làm con nuôi hiện có hộ khẩu thường trú ở trong nước thì hướng dẫn đương sự làm thủ tục tại Ủy ban nhân dân tỉnh nơi thường trú của trẻ đó.
- Việc cho người nước ngoài thường trú ở nước ngoài xin nhận trẻ em Việt Nam làm con nuôi được xem xét giải quyết, nếu Việt Nam và nước nơi người xin nhận con nuôi thường trú đã ký kết hoặc cùng gia nhập điều ước quốc tế về hợp tác nuôi con nuôi. Việc cho người nước ngoài thường trú tại nước chưa ký kết hoặc chưa cùng gia nhập với Việt Nam điều ước quốc tế về hợp tác nuôi con nuôi thì việc nhận trẻ em Việt Nam làm con nuôi chỉ được xem xét giải quyết, nếu người đó thuộc một trong các trường hợp sau: (a) Có thời gian công tác, học tập, làm việc tại Việt Nam từ 6 tháng trở lên; (b) Có vợ, chồng, cha, mẹ là công dân Việt Nam hoặc người gốc Việt Nam; (c) Có quan hệ họ hàng, thân thích với trẻ em được xin nhận làm con nuôi hoặc đang có con nuôi là anh, chị, em ruột của trẻ em được xin nhận làm con nuôi; (d) Đối với người nước ngoài không thuộc một trong các trường hợp nêu trên, nhưng nhận trẻ em khuyết tật, tàn tật, mất năng lực hành vi dân sự, nạn nhân của chất độc hóa học, nhiễm HIV/AIDS, mắc các bệnh hiểm nghèo khác đang sống tại cơ sở nuôi dưỡng được thành lập hợp pháp hoặc đang sống tại gia đình cũng được xem xét giải quyết; (đ) Các trường hợp khác do Bộ trưởng Bộ Tư pháp quyết định.
Hồ sơ gồm:
Hồ sơ xin nhận con nuôi phải được lập thành 02 bộ, mỗi bộ gồm có các giấy tờ sau đây:
- Đơn xin nhận trẻ em Việt Nam làm con nuôi (theo mẫu TP/HTNN-2003-CN1, CN1.a, CN2 hoặc CN2.a của Bộ Tư pháp). Nếu người xin nhận con nuôi đang có vợ hoặc chồng thì trong đơn còn phải có ý kiến thoả thuận của vợ hoặc chồng về việc nuôi con nuôi (cả hai người cha mẹ nuôi phải xuất trình hộ chiếu hoặc giấy tờ thay hộ chiếu và ký trước mặt Lãnh sự; trường hợp một trong hai người không có mặt khi nộp hồ sơ thì chữ ký trong đơn của người đó phải được chính quyền sở tại chứng nhận);
- Bản sao Hộ chiếu hoặc giấy tờ thay hộ chiếu của người xin nhận con nuôi, xuất trình bản chính để đối chiếu;
- Giấy phép còn giá trị của cơ quan có thẩm quyền của nước mà người xin nhận con nuôi thường trú cấp, cho phép người đó nhận con nuôi. Nếu nước nơi người xin nhận con nuôi thường trú không cấp loại giấy phép này thì thay thế bằng giấy xác nhận có đủ điều kiện để nuôi con nuôi theo pháp luật của nước đó;
- Bản điều tra về tâm lý, gia đình, xã hội của người xin nhận con nuôi do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của nước nơi người xin nhận con nuôi thường trú cấp;
- Giấy xác nhận do tổ chức y tế có thẩm quyền của nước nơi người xin nhận con nuôi thường trú cấp chưa quá 6 tháng, tính đến ngày nhận hồ sơ, xác nhận người đó có sức khoẻ, không bị mắc bệnh tâm thần hoặc không mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình, không mắc bệnh truyền nhiễm;
- Giấy tờ xác nhận về tình hình thu nhập của người xin nhận con nuôi, chứng minh người đó bảo đảm việc nuôi con nuôi;
- Phiếu lý lịch tư pháp của người xin nhận con nuôi do cơ quan có thẩm quyền của nước nơi người đó thường trú cấp chưa quá 12 tháng, tính đến ngày nhận hồ sơ;
- Bản sao Giấy chứng nhận kết hôn của người xin nhận con nuôi, nếu người xin nhận con nuôi là vợ chồng đang trong thời kỳ hôn nhân;
- Đối với những người thuộc một trong các đối tượng: (a) Có thời gian công tác, học tập, làm việc tại Việt Nam từ 6 tháng trở lên; (b) Có vợ, chồng, cha, mẹ là công dân Việt Nam hoặc người gốc Việt Nam; (c) Có quan hệ họ hàng, thân thích với trẻ em được xin nhận làm con nuôi hoặc đang có con nuôi là anh, chị, em ruột của trẻ em được xin nhận làm con nuôi; thì phải có giấy tờ phù hợp do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam hoặc của nước nơi người đó thường trú cấp để chứng minh;
- Bản sao Giấy khai sinh của trẻ em được xin nhận làm con nuôi (xuất trình bản chính để Lãnh sự đối chiếu);
- Hai ảnh mầu của trẻ em, chụp toàn thân cỡ 10 x 15 cm hoặc 9 x 12 cm;
- Giấy đồng ý cho trẻ em làm con nuôi của cha mẹ đẻ của trẻ em đó. Trong trường hợp cha mẹ đẻ của trẻ em đó đã chết hoặc bị tuyên bố là đã chết hoặc mất năng lực hành vi dân sự thì chỉ cần giấy đồng ý của người kia. Trong trường hợp cả cha và mẹ đẻ của trẻ em đã chết hoặc bị tuyên bố là đã chết hoặc mất năng lực hành vi dân sự thì phải có giấy đồng ý của người giám hộ của trẻ em đó;
- Giấy xác nhận của tổ chức y tế có thẩm quyền của nước nơi trẻ em được xin nhận làm con nuôi cư trú về tình trạng sức khoẻ của trẻ em, trong đó ghi rõ tình trạng đặc biệt, nếu có;
- Bản cam kết của người xin nhận con nuôi về việc thông báo định kỳ 6 tháng một lần (theo mẫu TP/HTNNg-2003-CN.3) cho Cơ quan đại diện và Cơ quan con nuôi quốc tế về tình trạng phát triển của con nuôi trong ba năm đầu tiên, sau đó mỗi năm tiếp theo thông báo một lần cho đến khi con nuôi đủ 18 tuổi;
- Giấy tờ chứng minh việc cư trú của trẻ em Việt Nam ở nước ngoài;
- Đối với trẻ em từ 9 tuổi trở lên thì còn phải có sự đồng ý bằng văn bản của trẻ em đó.
- Tuỳ từng trường hợp, hồ sơ của trẻ em được cho làm con nuôi còn phải có giấy tờ tương ứng sau đây:
+ Biên bản xác nhận về việc trẻ em bị bỏ rơi, nếu trẻ em đó có nguồn gốc bị bỏ rơi;
+ Biên bản xác nhận về việc trẻ em bị bỏ lại cơ sở y tế, nếu trẻ em đó có nguồn gốc bị bỏ lại cơ sở y tế;
+ Bản sao Giấy chứng tử của cha, mẹ đẻ của trẻ em, nếu cha, mẹ đẻ của trẻ em đó đã chết hoặc bị tuyên bố là đã chết;
+ Bản sao bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Toà án tuyên bố cha, mẹ đẻ của trẻ em mất năng lực hành vi dân sự, nếu cha, mẹ đẻ của trẻ em đó mất năng lực hành vi dân sự.
- Các bản sao phải được công chứng hợp lệ. Giấy tờ do cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài cấp phải được hợp pháp hoá theo quy định về hợp pháp hoá lãnh sự.
4. Trường hợp cha mẹ nuôi là công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài, còn con nuôi là công dân Việt Nam tạm trú ở nước ngoài
Hồ sơ và thủ tục tương tự như nêu tại mục 3 nêu trên. Riêng Giấy phép cho người Việt Nam định cư ở nước ngoài nhận con nuôi hay giấy xác nhận về việc công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài có đủ điều kiện nuôi con nuôi do cơ quan có thẩm quyền của nước nơi công dân Việt Nam định cư cấp.
5. Trường hợp người nước ngoài nhận trẻ em Việt Nam đang sinh sống ở Việt Nam làm con nuôi:
Lãnh sự hướng dẫn người nước ngoài hay công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài làm hồ sơ như quy định tại các mục 3, 4 nêu trên và nộp cho Cơ quan con nuôi quốc tế thuộc Bộ Tư pháp Việt Nam.
Lãnh sự hợp pháp hoá các giấy tờ do cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài cấp, công chứng hoặc xác nhận để nộp cho Cơ quan con nuôi quốc tế thuộc Bộ Tư pháp Việt Nam, trừ trường hợp điều ước quốc tế mà Việt Nam và nước liên quan đã ký kết hay cùng gia nhập quy định miễn hợp pháp hoá.
Hiện nay Việt Nam chỉ tiếp nhận hồ sơ xin trẻ em Việt Nam làm con nuôi đối với công dân các nước đã ký hiệp định hợp tác về con nuôi với Việt Nam.