Thử thách mới của chàng sinh viên khiếm thị
Chúng tôi đến dự lễ bảo vệ khóa luận tốt nghiệp của anh trong một buổi sáng tháng 7 tại Trường ĐH Văn Hiến. Anh đang hòa trong đám đông, đôi mắt long lanh thật đẹp. Ai có thể tin rằng đôi mắt ấy lại không còn nhìn được ánh sáng nữa! Căn bệnh lao màng não đã lấy đi ánh sáng của đôi mắt từ khi anh được 11 tuổi.
TS Nguyễn Thị Bích Hồng chúc mừng Hùng sau buổi bảo vệ luận văn - Ảnh: L.X.
Anh là Nguyễn Mạnh Hùng, sinh viên lớp TL06 khoa tâm lý học Trường ĐH Văn Hiến. Anh hoàn thành phần trình bày của mình trong tiếng vỗ tay đầy thán phục của cả hội trường. PGS.TS Trần Tuấn Lộ - trưởng khoa tâm lý học Trường ĐH Văn Hiến - xúc động nói: “Ngày nhận Hùng vào học tôi cứ lo không biết em sẽ học làm sao rồi tổ chức thi cho em thế nào. Hôm nay thấy em đã bảo vệ khóa luận một cách xuất sắc, không hề thua kém các bạn bình thường, tôi mừng lắm!”.
Tiến sĩ tâm lý học Nguyễn Thị Bích Hồng, người hướng dẫn Hùng, nói: “Trong quá trình hướng dẫn Hùng thực hiện đề tài, đôi khi tôi cũng gây ra những khó khăn cho em nhưng khi gặp những điều đó chính em đã đề ra hướng giải quyết khiến tôi phải giật mình”.
Đề tài khóa luận của anh là “Những khó khăn về tâm lý của học sinh, sinh viên khiếm thị học hòa nhập”. Đây là một đề tài anh đã ấp ủ từ rất lâu. “Mình thấy nó rất thiết thực với người khiếm thị. Sau này nếu có điều kiện mình sẽ tiếp tục phát triển thêm ở chương trình cao học” - Hùng chia sẻ.
Anh là một trong ba sinh viên đủ điều kiện được trường chọn làm khóa luận. Lớp có 27 sinh viên, chỉ một mình anh là sinh viên khiếm thị song bốn năm liền anh đều có mặt trong tốp dẫn đầu. Điểm luận văn xuất sắc và tấm bằng loại giỏi là thành quả rất xứng đáng với những nỗ lực của anh trong nhiều năm miệt mài học tập.
Anh tâm sự: “Mong muốn lớn nhất của mình hiện nay là có được việc làm ổn định và tiếp tục học lên cao học. Điều kiện tuyển thẳng vào cao học của mình chỉ còn thiếu tấm bằng toefl nhưng từ trước tới giờ người khiếm thị chưa được thi toefl. Vì vậy mình lo lắm! Những điều tưởng chừng bình thường và đơn giản như vậy nhưng đối với người khiếm thị lại là một sự nỗ lực, thách thức không dễ vượt qua”.
Theo TTO.