PHÚC KEYNES
New member
- Xu
- 0
THƯ GỬI MỘT NGƯỜI BẠN NHẬT
(Lettre à un ami japonais)
(Lettre à un ami japonais)
Jacques Derrida
(1930-2004)
(1930-2004)
Ngày 10 tháng 7, 1983
Giáo sư Izutsu quý mến,
Khi chúng ta gặp nhau, tôi có hứa gửi cho giáo sư một số suy nghĩ - khái lược và sơ bộ - về từ "giải kiến tạo" [déconstruction]. Nói gọn, có thể coi đó là bước dạo đầu cho khả năng dịch từ này sang tiếng Nhật. Và việc dịch chí ít cũng phải cố gắng tránh, nếu có thể, tính quyết định tiêu cực cần tránh trong ý nghĩa [significations] hoặc nghĩa rộng [connotations]của nó. Câu hỏi, vì vậy, có lẽ sẽ là: giải kiến tạo không phải là gì? hay đúng hơn, không nênlà gì. Tôi nhấn mạnh những từ này ("có thể" và "nên"). Bởi vì nếu như ta có thể dự đoán được những khó khăn của việc dịch thuật (và vấn đề về giải kiến tạo từ đầu đến cuối chính là vấn đềvề dịch thuật và về ngôn ngữ các khái niệm, của kho [corpus] khái niệm trong cái gọi là siêu hình học “Phương Tây”), thì ta cũng không nên bắt đầu bằng việc tin tưởng, một việc làm ngây thơ, rằng từ «déconstruction»trong tiếng Pháp tương ứng với một ý nghĩa rõ ràng và duy nhất nào đó. Ngay trong ngôn ngữ "của tôi" vốn đã có vấn đề rắc rối [sombre] về dịch thuật giữa những nghĩa có thể dự kiến, chỗ này hay chỗ khác, đằng sau từ này, và bản thân cách sử dụng, trữ lượng của nó. Và hiển nhiên là sự việc thay đổi tùy vào bối cảnh, ngay cả trong tiếng Pháp. Còn hơn thế nữa, trong các bối cảnh Đức, Anh, và trước hết là Mỹ, nơi cũng chínhtừ này đã được gắn liền với những hàm nghĩa, suy tư, giá trị, xúc cảm hay tình cảm, rất khác nhau. Việc phân tích chúng sẽ rất thú vị và xứng đáng một nghiên cứu riêng.
Khi chọn từ này, hoặc là khi từ này áp đặt chính nó lên tôi, tôi nghĩ đó là trong “De la grammatologie” (Về văn phạm học), tôi không nghĩ rằng nó sẽ được ghi nhận với một vai trò trung tâm đến vậy trong cái diễn ngôn đang thu hút sự quan tâm của tôi vào lúc đó. Một trong số những việc tôi muốn làm bấy giờ, là dịch và cải biến để dùng vào mục đích của tôi từ Destruktionhoặc Abbaucủa Heidegger. Cả hai từ trong bối cảnh này đều biểu thị một hoạt động nhằm vào cái cấu trúc hay kiến trúc truyền thống của các khái niệm nền tảng của bản thể luận hay siêu hình học phương Tây. Nhưng, trong tiếng Pháp, thuật ngữ «destruction» ngụ ý quá rõ một sự hủy diệt, một sự triệt giảm tiêu cực, có lẽ gần với «démolition»("phá hủy") của Nietzsche hơn là cách diễn giải của Heidegger hoặc với cách đọc mà tôi đề xuất. Vì vậy tôi loại chúng ra. Tôi nhớ mình đã tìm hiểu xem từ «déconstruction»(từ này đến với tôi rõ ràng khá bất chợt) có phải là một từ Pháp thực thụ hay không. Tôi tìm thấy nó trong “Littré”.Các cổng nghĩa [portées] ngữ pháp, ngôn ngữ học, hoặc tu từ pháp trong đó đều liên hệ với cổng nghĩa "cơ học" [machinique]. Sự liên hệ này đối với tôi là rất may mắn, nó phù hợp một cách rất may mắn với những gì tôi, chí ít, muốn đề xuất. Tôi xin phép được trích dẫn một số mục từ trong “Littré”. "Déconstruction(tháo gỡ): Hành động tháo gỡ./ Thuật ngữ ngữ pháp. Phân tách liên kết [construction] các từ trong câu”. ‘Về tháo dỡ [déconstruction], thường nói xây dựng’, Lemare, ‘Về cách học tiếng’, ch. 17, trong “Giáo trình tiếng Latinh. Déconstruire:. 1 Tháo rời các bộ phận của một tổng thể. Tháo rời một cỗ máy để vận chuyển nó đi nơi khác. 2. Thuật ngữ ngữ pháp [...] Diễn nôm câu thơ, làm cho nó giống như văn xuôi, bằng cách bỏ vận luật./ Tuyệt đối. ‘Trong phương pháp của các câu đã nói [prénotionnelles], người ta cũng bắt đầu bằng việc dịch, và một trong những ưu điểm của nó là không bao giờ cần phải phân tách các thành phần’, Lemare, ibid. 3. Tự phân giải […] Mất đi cấu tạo của mình. ‘Học vấn hiện đại chứng tỏ cho chúng ta biết rằng trong một xứ của Phương Đông bất biến, một ngôn ngữ khi đạt đến sự hoàn hảo đã tự phân rã[s’est déconstruite] và được thay đổi từ bên trong, tuân theo quy luật thay đổi tự nhiên, duy nhất của tinh thần con người’, Villemain, Lời nói đầu ‘Từ điển Viện hàn lâm’.”
Đương nhiên cần phải dịch tất cả những điều này sang tiếng Nhật, nhưng điều đó chỉ giúp trì hoãn vấn đề. Khỏi cần phải nói, rằng nếu như tất cả các nghĩa được liệt kê trong Littré khiến tôi quan tâm bởi sự gần gũi của chúng với những gì tôi "muốn nói" [voulais-dire], thì chúng cũng chỉ có liên hệ, một cách ẩn dụ, nếu có thể nói vậy, đến các mô hình hoặc những vùng nghĩa, chứ không phải là với toàn bộ những gì mà giải kiến tạo hướng tới ở tham vọng cao nhất của nó. Tham vọng ấy không giới hạn trong một mô hình ngữ pháp-ngôn ngữ học, thậm chí cả trong một mô hình ngữ nghĩa, lại càng không phải trong một mô hình cơ học. Những mô hình này bản thân chúng cũng phải đặt vấn đề giải kiến tạo. Thêm nữa, sự thật là những "mô hình" này chính là cội nguồn nhiều sự hiểu lầm về khái niệm và từ "giải kiến tạo" do người ta có xu hướng quy giản chúng về các mô hình ấy.
Cũng cần phải nói rằng tại Pháp từ này hiếm khi được sử dụng, thường không được biết đến. Nó đã phải được tái tạo cách nào đó, và giá trị sử dụng của nó được xác định bởi cái diễn ngôn khi đó được nỗ lực tạo ra xung quanh và trên cơ sở cuốn “De la grammatologie”. Chính giá trị sử dụng này là cái mà bây giờ tôi sẽ cố gắng làm rõ, chứ không phải là một ý nghĩa sơ đẳng hay vài thông tin về từ nguyên nằm trong hay ngoài một đại bối cảnh [stratégie contextuelle].
Thêm đôi lời về chủ đề "bối cảnh". Hồi đó cấu trúc luận [structuralisme] đang thống trị. "Giải kiến tạo" [Déconstruction]có vẻ cũng đi cùng hướng, bởi vì từ này có biểu thị một sự quan tâm nhất định đến các cấu trúc (mà bản thân chúng cũng không đơn thuần chỉ là những ý tưởng, hình thức, tổng hợp hay hệ thống). Giải kiến tạo, đó cũng là một hành vi cấu trúc luận [un geste structuraliste], hoặc trong mọi trường hợp, một hành vi có mặc định sự cần thiết nhất định của cách đặt vấn đề cấu trúc luận. Nhưng đó cũng là một hành vi phản-cấu trúc luận [anti-structuraliste], và số phận của nó phụ thuộc một phần vào tính nước đôi này. Vấn đề là phải phục hồi [défaire], tháo rời [décomposer], giải trầm tích [désédimenter] các cấu trúc (tất cả các loại cấu trúc, ngôn ngữ học, “ngôn trung luận” ["logocentric"], “âm trung luận” ["phonocentric"] – cấu trúc luận khi đó bị chi phối trước hết bởi các mô hình ngôn ngữ học, bởi cái gọi là ngôn ngữ học cấu trúc, còn được gọi là ngôn ngữ học Saussure –, xã hội-thể chế, chính trị, văn hóa, và trên tất cả và trước hết, là triết học). Đây là lý do tại sao, đặc biệt là tại Hoa Kỳ, người ta thường liên hệ chủ đề quán xuyến (motif) của giải kiến tạo với “chủ nghĩa hậu cấu trúc” (một từ không ai biết tại Pháp cho đến khi nó "trở về" từ Hoa Kỳ). Nhưng việc phục hồi, tháo rời, giải trầm tích các cấu trúc - một vận động có lịch sử lâu dài hơn, theo một nghĩa nào đó, so với phong trào “cấu trúc luận” mà nó đặt thành vấn đề - không phải là một hoạt động tiêu cực. Thay vì phá hủy, đúng hơn là phải hiểu một "tổng thể" đã được kiến tạo [construit] ra sao và làm thế nào để tái kiến tạo [reconstruire] nó như vậy. Tuy nhiên, diện mạo tiêu cực đã, và vẫn, là điều khó xóa bỏ hơn những gì gợi nên bởi hình thức ngữ pháp của từ (dé-), cho dù nó còn có thể có nghĩa phục hồi phả hệ [dérivation généalogique] chứ không chỉ là nghĩa phá hủy. Đó là lý do tại sao từ này, ít nhất là riêng nó, chưa bao giờ làm tôi thỏa mãn (nhưng vậy thì từ nào?), và nó luôn luôn phải được sự bao bọc bởi một diễn ngôn. Thật khó xóa còn vì, trong công trình về giải kiến tạo, cũng như ở đây, tôi luôn phải nhân gấp bội những cảnh báo, và cuối cùng gạt sang một bên tất cả các khái niệm triết học truyền thống, trong khi lại phải tái khẳng định sự cần thiết sử dụng chúng, ít nhất là bằng gạch xoá. Do đó, đã có kẻ nói, một cách vội vàng, rằng đó là một thứ thần học tiêu cực (điều này không đúng cũng không sai, nhưng tôi không tranh luận ở đây).
Trong mọi trường hợp, bất chấp vẻ ngoài của nó, giải kiến tạo không phải là một sự phân tích hay phê bình, và khi dịch phải lưu ý đến điều đó. Nó không phải là một sự phân tích, đặc biệt bởi vì sự tháo rời một cấu trúc không phải là sự một thoái hồi về một yếu tố đơn giản, một nguồn gốc bất khả phân ly. Những giá trị này, cũng như giá trị của phân tích, tự chúng đã là những triết tố [philosophèmes] cũng bị giải kiến tạo. Đó cũng không phải là phê phán, theo nghĩa chung hay theo nghĩa của Kant. Chính hành động krinein hoặc krisis (quyết định, lựa chọn, đánh giá, phân định), giống như toàn bộ cơ chế phê phán siêu việt, cũng là một trong những "chủ đề" hay “đối tượng” chủ yếu của giải kiến tạo. Tôi sẽ nói giống như vậy về phương pháp. Giải kiến tạo không phải là một phương pháp và không thể biến thành một phương pháp. Nhất là khi nhấn mạnh ý nghĩa trình tự [procédurière] hay kỹ thuật của từ này. Sự thật là trong một số giới (đại học hoặc văn hóa, tôi nghĩ đặc biệt là tại Hoa Kỳ), “ẩn dụ” kỹ thuật và phương pháp – có vẻ đương nhiên gắn liền với từ “giải kiến tạo” – vẫn có khả năng cuốn hút và làm lạc lối. Do đó mà có cuộc tranh luận rất rộng lớn trong những giới này: Liệu giải kiến tạo có thể trở thành một phương pháp đọc và diễn giải hay không? Và nếu có, các thể chế học thuật có thể làm chủ và thuần hóa nó hay không?
Sẽ là không đủ nếu chỉ nói rằng giải kiến tạo không thể quy giản thành một công cụ phương pháp luận, một bộ quy tắc và trình tự có thể chuyển vị [transposables] nào đó. Cũng sẽ không đủ nếu chỉ nói rằng mỗi "sự kiện" giải kiến tạo đều duy nhất, hoặc trong mọi trường hợp, hết sức gần với một cái gì đó giống như thành ngữ hay chữ ký. Cũng cần phải làm rõ, rằng giải kiến tạo thậm chí không phải là một hành động hay hoạt động. Không chỉ vì trong đó có cái gì đó “bị động” hay "nhẫn nại" (nói như Blanchot, thụ động hơn tính thụ động, hơn cái tính thụ động mà ta thường đối lập với tính chủ động). Không chỉ vì nó không trở về một chủ thể (cá nhân hoặc tập thể), kẻ sẽ nắm quyền chủ động và áp dụng nó cho một đối tượng, một văn bản, một chủ đề v.v…Giải kiến tạo diễn ra, đó là thứ sự kiện không chờ nghị quyết, ý thức, sự tổ chức của chủ thể, hay thậm chí của thời hiện đại. Giải kiến tạo tự nó diễn ra. Tự thân giải kiến tạo. [Ça se déconstruit.] “Nó” [ça] ở đây không phải là một thứ vô nhân xưng mà người ta đem đối lập với tính chủ quan cá nhân [egological]. Mà là đang giải kiến tạo (Littréviết, "tự phân giải” [se déconstruire]...mất đi cấu tạo của mình). Và “tự thân” ("se") trong “Tự thân giải kiến tạo” [Ça se déconstruit] - không phải là tính phản thân của một cái tôi hay một ý thức - mang trong nó toàn bộ bí ẩn. Tôi nhận thấy, bạn thân mến, rằng trong khi cố gắng giải thích một từ để giúp cho việc dịch nó, tôi đã chỉ làm khó thêm: “nhiệm vụ bất khả thi của dịch giả” (Benjamin), “giải kiến tạo” còn có nghĩa như vậy nữa.
Nếu giải kiến tạo diễn ra ở khắp mọi nơi mà “nó” [ça] diễn ra, nơi có cái gì đó (và điều này không giới hạn trong ý nghĩa hay trong văn bản, theo cái ý nghĩa thông thường và sách vở của từ này), chúng ta vẫn còn phải nghĩ đến những gì đang diễn ra ngày nay, trong thế giới của chúng ta và trong “thời hiện đại”, tại thời điểm mà giải kiến tạo đang trở thành chủ đề quán xuyến [motif], với ngôn từ của nó, các chủ đề đặc hữu của nó, chiến lược di động của nó v.v… Tôi không có lời đáp đơn giản, có thể nghi thức hóa, cho vấn đề này. Tất cả các tiểu luận của tôi là những nỗ lực để tìm ra nó cho câu hỏi choáng ngợp này. Chúng chỉ là những triệu chứng khiêm tốn của câu trả lời chứ không hẳn là những nỗ lực diễn giải. Tôi thậm chí không dám nói, theo lược đồ Heidegger, rằng chúng ta đang ở vào "kỷ nguyên" tồn tại-trong-giải kiến tạo [l’être-en-déconstruction], một tồn tại-trong-giải kiến tạo cũng biểu hiện hoặc đồng thời tự ẩn giấu trong các "kỷ nguyên" khác. Ý tưởng về "kỷ nguyên", và trước hết là ý tưởng về một tập hợp của vận mệnh thực tại, về sự thống nhất của cứu cánh hay tán xạ [dispensation] của nó (Schicken, Geschick) sẽ không bao giờ có tính thuyết phục.
Để thật hệ thống, tôi phải nói rằng khó khăn của việc định nghĩa, và do đó của việc dịch từ "giải kiến tạo", xuất phát từ chỗ tất cả các vị từ, tất cả các khái niệm định danh, tất cả các nghĩa từ vựng, và thậm chí các kết hợp cú pháp, mà ở một thời điểm dường như cho phép vận dụng để định nghĩa hoặc dịch thuật, cũng bị giải kiến tạo hoặc có thể bị giải kiến tạo [déconstructible], trực tiếp hoặc không, v.v. Và điều này đúng với bản thân đơn vị từ giải kiến tạo, cũng như với mọi từ. “De la grammatologie” đặt vấn đề với đơn vị "từ" và tất cả những đặc tính được thừa nhận rộng rãi của nó, đặc biệt là ở dạng danh nghĩa. Do vậy, đó chỉ là một diễn ngôn, hay đúng hơn là một lối viết, có thể trang điểm để bù đắp cho sự bất khả của từ, nhằm làm cho nó sánh với "tư tưởng". Tất cả các ngữ đoạn kiểu "giải kiến tạo là X" hay "giải kiến tạo không phải là X" tiên khởi [a priori] đã không thích đáng, nói cách khác, chí ít thì cũng là sai. Như giáo sư biết, một trong những thách thức chủ yếu của cái được gọi là "giải kiến tạo" trong các văn bản của tôi, đó chính là lối khu biệt của bản thể luận và trước hết là lối trình bày ở thì hiện tại của ngôi thứ ba: S là P.
Từ "giải kiến tạo", giống như tất cả các từ khác, chỉ có được giá trị của nó nhờ tham dự vào một chuỗi những thay thế có thể, trong cái mà ta vẫn gọi nhẹ bỗng là "ngữ cảnh". Đối với tôi, đối với những gì tôi đã hoặc vẫn đang cố gắng viết, nó chỉ hữu dụng trong một ngữ cảnh nhất định, khi nó thay thế và cho phép xác định bằng rất nhiều những từ khác, ví dụ "lối viết", "dấu tích", "différance"[1], " bổ sung ", "hôn phối” [hymen], “pharmakon”[2], "lề", “entame”[3], "phụ", v.v. Theo định nghĩa, danh sách này không bao giờ có thể kết thúc, và tôi mới chỉ liệt kê các danh từ - đó là không đầy đủ và chỉ vì lý do kinh tế. Thật ra, cần phải liệt kê cả những câu và chuỗi câu, mà đến lượt chúng, trong một số văn bản của tôi, lại định nghĩa những danh từ kia.
Những gì không phải là giải kiến tạo? tất cả, quả thế! Những gì là giải kiến tạo? không có gì hết, quả thế! Vì tất cả những lý do này, tôi không nghĩ rằng đó là một từ thích đáng [un bon mot]. Trước hết là nó không đẹp [beau]. Nhưng chắc chắn nó có đem lại một vài lợi ích, vào một tình huống rất xác định. Muốn biết những gì đã áp đặt nó vào cái chuỗi những thay thế có thể, bất chấp sự không hoàn hảo căn bản của nó, cần phải phân tích và giải kiến tạo cái "tình huống rất xác định” kia. Đó là một công việc khó khăn và tôi sẽ không làm ở đây.
Thêm một vài từ để kết luận bởi lá thư này đã quá dài. Tôi không tin rằng dịch thuật là một sự kiện thứ cấp và phái sinh trong mối tương quan với ngôn ngữ hoặc văn bản nguồn. Và như tôi vừa nói, "giải kiến tạo" là một từ về bản chất là có thể thay thế trong một chuỗi các khả năng thay thế. Việc này cũng có thể được thực hiện từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác. Cơ hội của (sự) giải kiến tạo, đó là cơ hội để một từ khác (chính từ ấy và một từ khác) có thể được tìm thấyhay sáng tạora trong tiếng Nhật để nói về cùng một điều (chính điều ấy và một điều khác), để nói về giải kiến tạo, và để dẫn nó đến xứ sở khác, để viết và phiên âm nó. Bằng một từ có lẽ đẹp hơn.
Khi tôi nói về việc viết một từ khác đẹp hơn, tôi rất hiểu rằng bản dịch cũng hàm chứa rủi ro và cơ hội như thơ ca. Làm thế nào để dịch “thơ"? một “bài thơ"?...
Xin cảm ơn và gửi tới bạn, Giáo sư Izutsu, những tình cảm chân thành nhất của tôi.
Jacques Derrida
(Ngô Tự Lập dịch từ bản tiếng Pháp)