Thói háo danh

ButNghien

Học tập suốt đời!
Thành viên BQT
Xu
46
Cách đây không lâu có một sáng kiến gây nhiều tranh cãi trong giới học nghiên cứu và xã hội. Đó là sáng kiến xây dựng “Trung tâm bảo tồn di sản tiến sĩ Việt Nam thời hiện đại”, dự kiến xây dựng quy mô với diện tích rộng mấy chục ha, trong đó ghi tên hàng ngàn tiến sĩ thời hiện đại, như là một Văn Miếu Quốc tử giám thời hiện đại.

Vì sao dư luận lo ngại về cái dự án mới nghe ra rất văn hóa này? Thứ nhất, cái thói háo danh, căn bệnh sính bằng cấp, coi trọng bằng cấp trong xã hội giờ đã thành căn bệnh trầm kha. Thứ hai, coi chừng chúng ta dựng “bia giấy” vì thời hiện đại này “tiến sĩ giấy” đầy rẫy.

Mấy ông tiến sĩ loại ấy lên bia, không gọi là “bia giấy” thì gọi là gì? Đó cũng là một danh từ mới phát sinh ở thời hiện đại, sau hơn một thế kỷ thi sĩ Nguyễn Khuyến sáng tạo nên danh từ “tiến sĩ giấy”! Chính vì lý do đó dư luận lo âu sẽ có rất nhiều “tiến sĩ giấy” chui vô cái trung tâm có tính văn hóa cấp quốc gia này. Dư luận chỉ ra cái nên làm là nên ghi danh, vinh danh các nhà khoa học Việt Nam ở trong và ngoài nước có công trình giá trị, đóng góp xứng đáng cho khoa học, cho nhân loại, chứ không phải vinh danh toàn bộ.

Theo thống kê của cơ quan chức năng, nước ta có hơn 14.000 tiến sĩ. Con số này ngày càng tăng và được đào tạo từ nhiều nguồn khác nhau. Có tiến sĩ thật, nổi tiếng với những công trình để đời, nhưng cũng có vị ngủ một đêm dậy trở thành tiến sĩ. Và có những “tiến sĩ giấy” chính gốc qua những cuộc mưu cầu vì lợi danh, bất chấp liêm sỉ. Bộ GD-ĐT vừa yêu cầu 35 cơ sở đào tạo tiến sĩ ngưng tuyển sinh vì không đủ điều kiện đào tạo, cho thấy lâu nay việc đào tạo tiến sĩ ở trong nước đã bị buông lỏng như thế nào.

Các nhà khoa học, nhà giáo dục tâm huyết với đất nước từ lâu cảnh báo chất lượng đào tạo sau đại học ở nước ta và cả việc căn cứ để được phong học hàm phó giáo sư, giáo sư cũng có quá nhiều điều bất cập. Chuyện đạo văn, “đạo dịch” trong những ngày qua rất xấu hổ cho giới nghiên cứu. Nổi cộm nhất trong nhiều vụ đạo văn là vụ phó giáo sư Phan Thị Cúc của trường ĐH Công nghiệp TPHCM đạo các giáo trình “đạo dịch” từ nước ngoài của giáo sư - tiến sĩ Trần Ngọc Thơ ở ĐH Kinh tế TP HCM. Qua vụ này, một giáo sư dạy đại học lâu năm nói rằng đó là “chuyện nhỏ như con thỏ”, vì theo ông chuyện đạo qua đạo lại trong các luận văn tiến sĩ, trong các giáo trình đang được lưu hành ở nhiều trường ĐH trong nước ta là chuyện “rờ đâu cũng thấy”!

Nhận định đó cho thấy chất lượng đào tạo sau ĐH ở nước ta thực đáng báo động. Có điều đáng suy nghĩ là cả hai vị “đạo gia” nói trên vẫn chưa được bộ GD-ĐT xử lý và giải quyết triệt để. Ở các nước có nền khoa học tiên tiến, thường có một cơ quan thẩm định khoa học, như ở Mỹ có Nha liêm chính khoa học, để giải quyết các vấn đề về đạo đức khoa học và họ giải quyết rất nhanh chóng. Còn ở nước ta, như vụ “đạo dịch” của giáo sư-tiến sĩ Trần Ngọc Thơ chẳng hạn, sau khi dư luận phát hiện chuyện “đạo dịch” của ông, giáo sư Thơ trả lời báo chí loanh quanh và rồi im! Vậy cho đến nay ai, cơ quan nào sẽ giải quyết chuyện “đạo dịch” này? Bộ GD-ĐT, Bộ KH-CN hay Hội đồng chức danh giáo sư Nhà nước? Những vụ việc kiểu như vậy cần phải được giải quyết nhanh chóng và khoa học, để bảo vệ danh dự, uy tín cho cá nhân, cho nền học thuật nước nhà. Chẳng lẽ thời đại KH-CN tiên tiến ở thế kỷ 21 không thể làm rõ vấn đề của giáo sư Thơ?

Tất cả cho thấy thực trạng nền khoa học quốc gia của chúng ta đang có vấn đề. Nếu không có biện pháp chấn chỉnh, không tôn trọng tiêu chí trung thực và liêm chính trong khoa học, làm khoa học rởm, sính bằng cấp cho thỏa mãn thói háo danh, chúng ta sẽ trả giá đắt.

Theo Đất việt.
 

VnKienthuc lúc này

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top