T
Tuyền Nguyễn
Guest
Thơ Việt, mười lăm năm ấy!
“Tuấn kiệt như sao buổi sớm/ Nhân tài như lá mùa thu”. Từ bao đời nay, người tài bao giờ cũng hiếm. Phải rất nhiều năm, thơ ca Việt mới xuất hiện được một vài tài danh kiệt xuất như Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Cao Bá Quát… Và mười lăm năm qua, chưa phải là một khoảng thời gian quá dài để chúng ta lo lắng, sốt ruột.
1. Chúng ta đã có một thời oanh liệt trong thi ca. Hay nói theo cách của nhà phê bình, lý luận văn học Hoài Thanh: Chúng ta đã từng có “một thời đại của thi ca”. Đó là sự phát triển rực rỡ của thơ mới với nhiều tác giả đặc sắc như Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên, Huy Cận, Xuân Diệu, Nguyễn Bính và nhiều người khác của giai đoạn 1930 - 1945. Đọc “Thi nhân Việt Nam” của Hoài Thanh và Hoài Chân, chúng ta thấy lạ là: Có khá nhiều người làm thơ xuất hiện ở thời điểm ấy, tuy số lượng thơ chưa nhiều, nhưng đã trở thành tác giả và trở thành tác giả từ rất sớm.
Thời chống Pháp, chúng ta cũng có những tác giả tiêu biểu. Thời chống Mỹ, cũng thế. Rất nhiều tác giả đã kết thành đội ngũ. Và đội ngũ này đã được xác định: Công việc sáng tác văn học cũng là một nhiệm vụ của cách mạng.
Loại trừ thơ mới, còn thơ chống Pháp và thơ chống Mỹ, người viết luôn bám vào một đề tài cụ thể, một chủ đề cụ thể. Hay nói một cách chính xác hơn: Một nhiệm vụ cụ thể. Đó là nhiệm vụ chống ngoại xâm. Và cái hiện thực này đã trở thành từ trường, một lực hút rất lớn lôi cuốn người viết. Và cái “hiện thực trung tâm” ấy đã được người viết cùng nhau hướng tới và phản án.
Tuy nhiên, nói lại cho công bằng: Chúng ta đã có một nền thơ ca đánh giặc hơn là nền thơ ca chiến tranh.
Cuốn theo cái hướng ấy, người viết đã đồng hành cùng dân tộc.
Và chính sự “đồng hành cùng dân tộc” ấy đã giúp người viết có nhiều độc giả cùng chí hướng với mình, tạo đìều kiện thuận lợi cho sự quan tâm và chia sẻ. Và cũng có thể nhờ vậy mà tăng thêm yêu tố thành công.
Bên cạnh đó, cũng có một nguyên nhân khác làm cho số độc giả gia tăng. Ấy là sự đơn điệu, nghèo nàn, đơn phương, khép kín của kênh thông tin. Dường như cái sự độc quyền, độc tôn của xuất bản, truyền thông đã đem lại lợi thế cho văn học và những người sáng tác văn học thời ấy.
2. Thơ mới từng có thành tựu và vai trò lớn lao như vậy. Nhưng sau 1954, không phải tác giả nào cũng tiếp tục ổn định và giữ vững phong độ mãi.
Thơ sau 1954 của Xuân Diệu là một loại thơ khác. Sau 1954, trong thơ, Xuân Diệu không còn là Xuân Diệu thuở nào. Thành tựu lớn nhất của Xuân Diệu sau 1954, có thể là mảng phê bình thơ cổ.
Nguyễn Bính cũng vậy. Chúng ta đều biết Nguyễn Bính là một nhà thơ giang hồ thứ thiệt. Câu nổi tiếng và có thể được coi là hay nhất của ông là “Một mình làm cả cuộc phân ly”. Nhưng sau 1954, Nguyễn Bính chỉ còn để lại dấu ấn một vài câu trong “Gửi người em gái miền Nam”. Cũng có thể vào thời điểm ấy (một vài năm 60 của thế kỷ trước), ông đã giang hồ bằng nỗi nhớ tới một người con gái mình yêu ở miền Nam xa cách chăng?
Trong số này, có lẽ chỉ có Chế Lan Viên là viên mãn trong thơ hơn cả. Càng có tuổi, thơ ông càng hay và càng sâu sắc. Không phải không có lúc ông ngả nghiêng vì thời sự, thời cuộc, nhưng ở thời điểm nào, ông cũng có những tác phẩm để đời.
Riêng đối với Tố Hữu thì có hơi khác. Ông là một trường hợp đặc biệt trong thơ, nhất là thơ ca cách mạng Việt Nam. Đến với cách mạng từ rất sớm, nhập cuộc với nhân dân từ rất sớm, có tài, có đức tin vào lý tưởng cách mạng từ rất sớm… do vậy, thơ ông đã sớm đi vào lòng độc giả. Cái lớn lao nhất của Tố Hữu là ông đã truyền cảm hứng cho hàng triệu người qua hai cuộc chiến (chống Pháp và chống Mỹ), xứng đáng là nhà thơ của dân tộc. Cho đến năm 1986, Tố Hữu vẫn là Tố Hữu qua tập thơ "Một tiếng đờn".
Còn Phạm Tiến Duật, về cơ bản, là nhà thơ của Trường Sơn. Thơ ông đã cực kỳ phát tiết tinh hoa vào những năm 60 - 70 của thế kỷ trước với chùm thơ: “Lửa đèn”, “Gửi em cô thanh niên xung phong”, “Tiểu đội xe không kính”, “Nhớ” đoạt giải nhất cuộc thi thơ của tuần báo Văn Nghệ. Khi ra khỏi hiện thực Trường Sơn, Phạm Tiến Duật không còn là Phạm Tiến Duật của thuở nào. Thơ ông cũng bình bình và trồi sụt như mọi người.
Nhân đây, cũng xin được nói thêm: Sau 1975, trong khi nhiều nhà thơ chống Mỹ bị “cắt khúc”, thì vẫn có những nhà thơ “liền mạch”. Đó là Hữu Thỉnh, Thi Hoàng, Thanh Thảo và ba nhà thơ này vẫn xứng đáng là trụ cột của thơ ca Việt Nam, tính đến thời điểm này.
Trong các nhà thơ nữ thời chống Mỹ, phải kể đến Xuân Quỳnh, Ý Nhi. Chỉ tiếc Xuân Quỳnh đã mất từ lâu, còn Ý Nhi làm thơ không nhiều và rất hiếm khi xuất hiện trên thi đàn.
Nêu thế để thấy: Có khá nhiều nhà thơ của một thời, nhưng để là nhà thơ của một đời thật khó lắm thay!
3. Thời chống Pháp, chúng ta có không ít nhà thơ một bài. Có khi chỉ nhờ có một bài thơ mà trở nên nổi tiếng. Có thể kể tên: Trần Hữu Thung, Minh Huệ… Đối với những người đã mất thì không nói làm gì. Nhưng đối với những người còn sống, làm thơ mà chỉ được độc giả nhớ đến có một bài, lại được nhớ trong một khoảng thời gian khá dài, thì quả là điều may mắn kỳ lạ. Nhưng chúng ta đã có thời như thế: Một bài đi vào lòng độc giả (chưa chắc vì có giá trị nghệ thuật) đủ làm nên một nhà thơ có tiếng! Có tác giả có tiếng vang rất lớn nhưng nếu đọc kỹ lại, có khi cũng chỉ được kể tên số lượng thơ không quá năm đầu ngón tay. Quang Dũng là trường hợp điển hình. Nhưng Quang Dũng lớn ở chỗ: Chỉ bằng “Tây tiến” thôi, ông đã vinh danh, làm vẻ vang cho cả một đoàn quân, cho dù đoàn quân này không hề có một chiến tích nào đáng kể. Chắc chắn nếu không có Quang Dũng, đoàn quân Tây tiến sẽ không được nhớ nhiều trong quá khứ, hiện tại và tương lai. Và chỉ bằng một “Tây tiến” thôi, cũng đủ để ông đáng được gọi là thi sĩ.
Cũng có một vài nhà thơ trưởng thành trong thời chống Pháp, trong quân đội… và không phải là không có thành tựu nhất định, nhưng cho đến khi gặp trục trặc trong cuộc đời thì không viết được nữa. Sự khắc nghiệt của số phận gần như đã đánh gục họ. Đến thời mở cửa, họ gần như ít có thêm tác phẩm nào từng được viết trước đó để mà khoe. Ấy là trường hợp của nhóm “Nhân văn giai phẩm”.
Nêu thế để thấy: Bên cạnh tài năng, bản lĩnh cũng là một yếu tố cần thiết góp phần làm nên tài năng.
4. Thời còn Chế Lan Viên, Xuân Diệu… có nhiều người thuộc diện cha chú hoặc thuộc diện đàn anh, đàn chị vẫn thường quan tâm đến những người viết trẻ.
Những Nguyễn Xuân Thâm, Nguyễn Quang Hà…và nhiều người nữa, từng được quan tâm.
Chính Chế Lan Viên, vào năm 1974, đã mời (thậm chí còn đọc cho Nguyễn Xuân Thâm nội dung đơn để Nguyễn Xuân Thâm chép) vào Hội Nhà văn. Và cũng chính Chế Lan Viên, Xuân Diệu… còn viết khá nhiều thư, góp ý rất cụ thể cho những người mới cầm bút, mới có những vần thơ trong trẻo, hồn nhiên và vụng về đầu tiên.
Chắc chắn, nếu không có con mắt xanh của Xuân Diệu, Nguyễn Quang Hà đã không chuyến sang làm văn xuôi và chúng ta đã không có nhà văn xuôi Nguyễn Quang Hà như bây giờ.
Trong văn xuôi, Đỗ Chu cũng có may mắn như vậy. Ngay từ đoạn văn ngắn “Ao làng” và một vài truyện ngắn đầu tay khác, Đỗ Chu đã được các nhà văn, nhà thơ đàn anh như Kim Lân, Nguyễn Khải, Nguyễn Minh Châu, Chế Lan Viên quan tâm, động viên, cổ vũ.
Trần Đăng Khoa cũng vậy. Từ những bài thơ đầu tiên, Khoa đã được nhiều nhà thơ tên tuổi đặc biệt quan tâm, nâng đỡ.
Thời xa xưa, người đọc và người viết đọc của người viết nhiều lắm. Có khi chỉ được đăng một chùm thơ trên báo Văn Nghệ, tạp chí Tác Phẩm Mới hoặc một vài bài thơ trong các tập thơ “Sức mới”, “Hoa trăm miền”… đã được coi là người nổi tiếng. Còn bây giờ, số nhà văn, nhà thơ đọc nhau, càng ngày càng ít. Có khá nhiều nhà thơ thưởng xuyên gặp gỡ nhau, chơi với nhau, nhưng cũng không biết bạn mình đã viết gì, có tác phẩm gì.
Thời xa xưa, biên tập ở các báo, tạp chí văn, nhất là ở các nhà xuất bản, đa phần là nhà văn. Nhiều người trong số đó đã có vai trò “bà đỡ” cho những đứa con tinh thần của nhà văn. Giờ thì hầu như không còn. Đa số biên tập viên chỉ có vai trò chỉnh sửa thuần túy, gọi là, không quan tâm và đặt chất lượng nghệ thuật lên hàng đầu nữa, và có vẻ cũng không đủ năng lực và tự nâng cao năng lực để làm việc ấy.
Các phóng viên văn học của nhiều tờ báo cũng vậy. Đa phần là nói dựa. Không ít người chỉ viết bài qua sự cảm nhận và dẫn dắt của người khác. Thậm chí, có người không đọc nhưng vẫn viết bài về một tác phẩm như thể mình đã đọc rồi. Có nhiều thứ quan trọng hơn đối với những người này!
Ngày nay, những tác nhân có tác động, ảnh hưởng ít nhiều đến người viết như thế, ngày một ít hoặc hầu như không có nữa. Nhưng cũng có thể, với nội lực của người viết mạnh hơn, họ chẳng còn cần những sự nâng đỡ như thế!
5. Nếu coi thơ chống Pháp, chống Mỹ thiên về hướng ngoại, thì có thể coi thơ sau 1975, thơ của những người tuổi 8X, 9X… thiên về hướng nội. Mặt khác, khi “hiện thực trung tâm” bị thay thế bởi một hiện thực khác vừa phong phú hơn, vừa đa dạng hơn, thì cái đích của thơ ca cũng rộng lớn, khoáng đạt và gợi mở hơn. Cái đích ấy có thể là: Thân phận, số phận con người trong một xã hội vươn tới văn minh, tiến bộ. Và cái được thể hiện, cái phải hướng tới, cũng phải là những cái phổ quát mà nhân loại cùng quan tâm.
Mươi, mười lăm năm trở lại đây, thơ Việt vẫn đang phát triển. Chúng ta đã có một đội ngũ đông đảo hơn. “Diện” thơ vì thế mà cũng rộng hơn và giọng điệu cũng ngày một đa thanh, đa sắc hơn. Và cũng chính vì thế mà sự cạnh tranh cũng ngày một mạnh mẽ hơn. Bây giờ, cũng như trong các lĩnh vực khác, trong thơ, để vượt lên hơn hẳn nhau, là khó.
Về mặt thi pháp, lớp người làm thơ sau 1975, cũng có những bước tiến vượt bậc. Sự khác nhau về phong cách đã tạo ra sự khác biệt tương đối rõ rệt. Người được coi là tiên phong trong đổi mới thơ chính là nhà thơ Nguyễn Quang Thiều.
Với thế hệ trẻ hơn, cơ hội trở thành một nhà thơ nổi tiếng ngày nay khó hơn rất nhiều. Có một bài thơ để độc giả nhớ thì hầu như không thể có nữa. Nhưng đó không phải là điều đáng bàn. Điều đáng mừng là ngày càng xuất hiện những tác giả tuổi còn rất trẻ nhưng phong cách cũng như tư tưởng đã có nét riêng và chững chạc không thua kém các bận đàn anh. Có vẻ như sự nổi tiếng về thơ này không thể đi bằng con đường qua sách giáo khoa trong nhà trường hay nhờ vài chùm thơ đăng trên một số tạp chí văn, báo văn. Giá trị nghệ thuật thật sự của thơ giờ đây đang được thẩm định theo quy luật phổ biến trong nhiều lĩnh vực: Đó là sự thẩm định trong giới. Sự thẩm định này càng cần khi mà giờ đây người người làm thơ, nhà nhà làm thơ. Nhờ internet, ai cũng có thể xuất bản “thơ”!
6. “Tuấn kiệt như sao buổi sớm/ Nhân tài như lá mùa thu”. Từ bao đời nay, người tài bao giờ cũng hiếm. Phải rất nhiều năm, thơ ca Việt mới xuất hiện được một vài tài danh kiệt xuất như Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Cao Bá Quát… Và mười lăm năm qua, chưa phải là một khoảng thời gian quá dài để chúng ta lo lắng, sốt ruột.
Có nhiều nguyên nhân như tôi đã nêu ở trên.
Trong thời gian tới, để phấn đấu có nhiều tác phẩm văn học, nghệ thuật có giá trị tư tưởng và nghệ thuật cao, phải:
A. Về phía người cầm bút
* Không ngừng mở rộng giao lưu
* Không ngừng nâng cao tri thức trong một thế giới mở và phẳng.
* Không ngừng nâng cao bản lĩnh nghề nghiệp và lòng yêu nghề.
* Không ngừng tự giải phóng sức sáng tạo cá nhân.
B. Về phía người quản lý:
* Nhìn nhận, đánh giá đúng tầm quan trọng của văn học, nghệ thuật.
* Có sự thấu hiểu và chia sẻ về mặt quan điểm với người viết.
* Đầu tư có trọng điểm và mang tính đột phá.
* Phát hiện và tạo điều kiện thuận lợi, kịp thời cho những tài năng văn học, nhất là những người còn trẻ, mới xuất hiện.
Bên cạnh đó, những cơ quan (Hội Nhà văn, các nhà xuất bản…) cần tăng cường vai trò thẩm định, hướng dẫn độc giả để giúp họ phân biệt đâu là giá trị thơ ca đích thực.
Và điều quan trọng nhất là mỗi nhà văn phải là một nhà tư tưởng, phải gắn bó sâu sắc với số phận, vận mệnh của nhân dân và dân tộc mình.