Thơ Nguyễn Đình Thi trong hành trình thơ hiện đại Việt Nam

  • Thread starter Thread starter Cua Ta
  • Ngày gửi Ngày gửi

Cua Ta

New member
Thơ Nguyễn Đình Thi trong hành trình thơ hiện đại Việt Nam

MỞ ĐẦU

1. LÍ DO CHỌN ĐỀ TÀI
Trong nền thơ hiện đại Việt Nam, Nguyễn Đình Thi (1924-2003) thuộc thế hệ những nhà thơ xuất hiện và trưởng thành cùng với cách mạng và kháng chiến. Ông là một nghệ sĩ lớn, một trong những gương mặt nổi bật của nền văn hóa, văn học Việt Nam thế kỷ XX. Dù sáng tác với nhiều thể loại khác nhau, thể loại nào cũng có tác phẩm để lại dấu ấn trong người nghe, người đọc. Nhưng, với Nguyễn Đình Thi, như ông vẫn hằng tâm sự, thơ “ đó là một cái thiết tha nhất của tôi, và cũng là cái tìm tòi rất khổ của tôi (tuy nó có cái vui của nó)”[ 34, tr 225]. Tìm hiểu “Thơ Nguyễn Đình Thi trong hành trình thơ hiện đại Việt Nam”, trước hết, chính là phát hiện những đóng góp của thơ ông trong “cuộc tìm tòi” ấy.

Mặt khác, nhìn lại truyền thống văn học dân tộc, thơ mà đặc biệt thơ trữ tình là thể loại phát triển phong phú, rực rỡ và đạt nhiều thành tựu hơn cả. Sau mười thế kỷ văn học trung đại, bước vào thế kỷ XX, cùng với quá trình hiện đại hóa nền văn học dân tộc, phong trào Thơ mới (1932-1945) đã mở ra cả “một thời đại thi ca” với một thế hệ các nhà thơ nổi tiếng như Thế Lữ, Lưu Trọng Lư, Xuân Diệu, Huy Cận, Chế Lan Viên…Hành trình thơ Việt Nam hiện đại là sự tiếp bước từ thành tựu của phong trào thơ ấy, trong một thời đại mới nhưng không thể lặp lại. Cùng với nhiều nhà thơ khác ở thế hệ mình, Nguyễn Đình Thi là một trong những người đi tiên phong với ý thức “một thời đại mới của nghệ thuật thường bao giờ cũng tạo ra một hình thức mới”. Vì vậy, tìm hiểu “Thơ Nguyễn Đình Thi trong hành trình thơ hiện đại Việt Nam” cũng chính là một cách nhận diện vị trí văn học sử của một tác gia trong thành tựu chung của nền văn học sau Cách mạng tháng Tám năm 1945.

Đồng thời, trước yêu cầu của xu thế hội nhập hôm nay, nền văn học chúng ta, trong đó có thơ cần phải không ngừng cách tân mới có sức cuốn hút người đọc, nhưng vấn đề đặt ra là đổi mới như thế nào? Thiết nghĩ, bài học về sự tìm tòi của thơ Nguyễn Đình Thi vẫn gợi ra được nhiều điều tâm huyết đáng suy ngẫm.

Ngoài ra, Nguyễn Đình Thi còn là một trong những tác gia đã nhiều năm được nghiên cứu và giàng dạy trong nhà trường từ phổ thông đến đại học. Vì vậy, tiếp cận “Thơ Nguyễn Đình Thi trong hành trình thơ hiện đại Việt Nam”, phát hiện đóng góp nổi bật của thơ trong quá trình cách tân của thơ Nguyễn Đình Thi cả về tư tưởng và nghệ thuật là việc làm cần thiết, có ý nghĩa lý luận và thực tiễn.

2. LỊCH SỬ VẤN ĐỀ
Thơ Nguyễn Đình Thi xuất hiện vào những năm đầu kháng chiến chống Pháp. Những ý kiến sớm nhất về thơ Nguyễn Đình Thi được Xuân Diệu ghi lại trong biên bản Hội nghị tranh luận văn nghệ ở Việt Bắc (25-28/9/1949). Tựu trung các ý kiến có thể phân thành ba loại như sau:

Loại phản ứng quyết liệt với thơ không vần của Nguyễn Đình Thi gồm có: Cụ Ngô Tất Tố cho rằng: “Thơ không vần thì đừng gọi là thơ”. Thế Lữ thì coi thơ Nguyễn Đình Thi như là “một cuộc thí nghiệm”: “Anh Thi có một hồn thơ mãnh liệt, mà không dùng những hình thức quen, muốn đi tìm cái mới…Anh Thi chỉ để vào đấy những điều chỉ riêng mình anh rung cảm…Còn một cái nguy, là anh Thi đã gieo rắc lối thơ của anh vào trong làng thơ”Và đi đến kết luận: “Thơ anh Thi nguy hiểm, và còn là một cái nguy cơ”.Thanh Tịnh tỏ ý tán thành ý kiến của Ngô Tất Tố và Thế Lữ, rồi nhấn manh thêm: “Nếu đưa ra lối thơ đó, ai cũng làm thơ không vần mà không hiểu gì cả có thể thành loạn thơ”. Phạm Văn Khoa thì cho rằng, có những bài lời văn đẹp, xúc cảm đẹp, nhưng chưa phải là thơ, vì nó thiếu vần”

Loại ý kiến dè dặt hơn, vừa chỉ ra những mặt được và chưa được của thơ Nguyễn Đình Thi. Đó là ý kiến của Xuân Diệu, Tố Hữu, Xuân Thủy, Nguyễn Huy Tưởng….Ngay trong lời mở đầu, Xuân Diệu muốn dặt vấn đề nhìn thơ Nguyễn Đình Thi một cách toàn diện hơn trong mối quan hệ hình thức với nội dung là một “không phải nói đến vấn đề thơ không vần, cũng không phải chuyện những câu thơ dài, ngắn tự do. Từ đó Xuân Diệu nêu nhận xét: “Thơ anh Thi từng bộ phận thì hay, và có những câu rất hay…nhưng chắp lại với nhau thì không thành ra hay…Thơ anh thi tính cách trí óc nhiều, tình cảm ít…vì tình cảm chưa chín mùi”. Về hình thức, Xuân Diệu cho rằng “Câu thơ của anh Thi đúc quá…rất kiệm chữ. Đó là một ưu điểm” . Ông quan niệm: “người ta yêu một thi sĩ là vì tình cảm của anh, vì tâm hồn của anh cứ không phải vì thơ có vần hay không vần. Nhưng bây giờ nói đến trong bài thơ, thì vần rất là hệ trọng” và theo ông trong đại đa số trường hợp thì bài thơ “nên có vần”. Nguyễn Huy Tưởng không dấu ý nghĩ thật của mình khi phát biểu: “Giữa tôi và anh Thi có một sự đồng lõa, vì tôi cũng thích thơ không vần. Nên anh Thi bị công kích tôi thấy tôi cũng bị công kích, và khen anh Thi thì tôi cũng được khen”; nhưng cũng thấy được: “Thơ anh như hạt ngọc lung linh chứ khhong phải dòng suối lôi cuốn người ta đi…Thơ anh bị ảnh hưởng của lời nhạc nhiều. Đó là yếu tố tạo nên một cái gì chưa vững. Nó là tiếng nói bập bẹ, mâu thuẫn với anh”

Tố Hữu giải thích thêm ý kiến của Xuân Diệu,và đặt vấn đề một cách thận trọng hơn: “Anh Xuân Diệu đưa thơ anh Thi ra không phải quy vào chuyện vần hay không vần. Toàn bộ thơ anh Thi chứa đựng một nội dung lạ. Đây là một điệu thơ khác, những điệu thơ khác (điệu tâm hồn) để anh em xem xét. Vần hay không vần cũng sẽ giải quyết nhưng mà sau.” Và, sau khi nghe những lời phát biểu của Nguyễn Đình Thi , Tố Hữu kết luận theo kiểu nước đôi: “Làm thơ không phải do trí tuệ muốn, mà do sự sống bản thân của mình…Có những lúc tôi yêu thơ anh Thi, và cũng có lúc tôi thù ghét nó”…Từ đó, Tố Hữu gợi ra tiêu chuẩn đánh giá của một thời: “Nếu tác phẩm chưa nói, hay nói ngược lại cuộc sống của quần chúng, thì phải xem là không hay, vì chưa nói lên được nỗi niềm quần chúng”.

Loại ý kiến ủng hộ thơ Nguyễn Đình Thi: Trong không khí sôi nổi của cuộc tranh luận, những ý kiến ủng hộ thơ Nguyễn Đình Thi cũng phát biểu thẳng thắn. Chị Tâm Trung: “Tôi là một quần chúng yêu thơ, thích thơ anh Thi. Có những đoạn thơ, những câu thơ anh Thi đã truyền cảm rất mạnh…Thơ anh Thi có sự bố trí rõ rệt, có tính cách trí tuệ”. Nhà văn Nguyên Hồng khẳng khái “phản đối tất cả những ý kiến nói thơ anh Thi là cuộc thí nghiệm”, phản đối cả ý kiến của Xuân Diệu nói thơ Nguyễn Đình Thi đầu Ngô mình Sở, và nói thẳng: “Ý riêng tôi, thì anh Thi rất thành công, ngay bây giờ đã thành công rồi. Anh Thi tiêu biểu cho tâm hồn rộng rãi, rải rác. Tôi tin sẽ có những bài thơ kỳ diệu của dân tộc ở loại thơ đó[34, tr 221]. Để ủng hộ Nguyễn Đình Thi, Văn Cao nói: “Tôi cũng theo đuổi thơ không vần”.

Cuộc tranh luận sau đó vẫn còn kéo dài thêm một thời gian nữa, nhưng từ sau năm 1954 đến nay, hình như càng ngày giới nghiên cứu phê bình càng nhìn nhận thơ Nguyễn Đình Thi thỏa đáng hơn.

Trên Tạp chí Văn học số tháng 12 năm 1969, Nguyễn Xuân Nam đăng bài viết khá công phu về “Thơ Nguyễn Đình Thi” , nhìn lại một cách khái quát những cảm hứng nổi bật trong thơ Nguyễn Đình Thi (viết về người chiến sĩ, về tình yêu quê hương đất nước, về tình yêu lứ đôi) qua từng “bước đường sáng tác thơ”.

Trên tuần báo Văn nghệ số 636, ngày 3/1/1976, nhà phê bình Hoài Thanh đã phát hiện cái nhìn cuộc sống nhiều bình diện trong thơ của Nguyễn Đình Thi “Có những nhà thơ chỉ nói cái vui chiến đấu và chiến thắng, Nguyễn Đình Thi thì còn nói thêm những xót xa, mất mát …anh hiểu rõ cái giá chúng ta phải trả hiểu rõ những phẩm chất cao quý của đồng bào, đồng chí chúng ta, hiểu rõ hạnh phúc to lớn chúng ta giành được”. Hoài Thanhyêu cái nhìn và tấm lòng của Nguyễn Đình Thi đối với đất nước đồng thời cũng nêu nhận xét về chỗ hay và chưa hay của thơ Nguyễn Đình Thi một cách rất tinh tế: “Người đọc thơ anh thường có cảm giác như nghe giọng nói từ từ của một người vừa trầm ngâm suy nghĩ vừa nói. Trước hết nói với mình, nói cho mình. Cái hay là thật, nhưng nhiều khi thật mà chưa hay”.

Trên tuần báoVăn nghệ năm 1984, Hà Minh Đức trong bài “Nhìn lại chặng đường thơ Nguyễn Đình Thi” đã chỉ ra con đường đến với thơ của Nguyễn Đình Thi là “từ triết học và văn xuôi chính luận”. “Thơ Nguyễn Đình Thi vừa hướng vào cuộc đời cụ thể lại vừa hướng đến những lý tưởng và mơ ước thi vị” “trong mỗi bài thơ đều có ý thức khái quát hóa nghệ thuật”.

Tôn Phương Lan trên Tạp chí Văn học, số 4/1984, trong bài viết “ Thơ Nguyễn Đình Thi” đã nêu nhậ xét: “ Thơ Nguyễn Đình Thi mang đấu ấn khá rõ của một hướng đi từ sách vở đến với cuộc đời. Thơ anh vừa có sự thâm trầm, suy tư, vừa dạt dào cảm xúc. Quá trình làm thơ của anh cũng chứng tỏ sự trăn trở tìm tòi của cái mới cho nghệ thuật biểu hiện…” [34, tr 281].

Đinh Quang Tốn đi vào “Ngôi nhà của Nguyễn Đình Thi” và cho rằng “đôi cánh đưa anh bay trên bầu trời nghệ thuật cao rộng một cách vững vàng là thơ và tiểu thuyết…Nhưng càng ngày thời gian đã giúp chúng ta xác định một cách rõ ràng cánh phải của anh là cánh thơ”. Từ đó, tác giả bài viết phát hiện: “ Thơ Nguyễn Đình Thi có phong cách riêng, đó là sự sâu nặng trong nghĩa tình, sâu nặng trong tư tưởng, sâu nặng trong triết lý qua hình thức thơ gân guốc khỏe mạnh. Anh không chú ý nhiều ở từ ngữ mà tập trung vào cách diễn đạt, làm cho những câu thơ nổi hẳn lên, không còn ở dạng bình thường”[34, tr 72].

Hoàng Cát trong bài viết “Nguyễn Đình Thi-nhà thơ hiện đại” đăng trên báo Giáo dục và Thời đại số 21, ngày 13/3/1998 đã ghi nhận “ngay từ đầu xuất hiện trên thi đàn Việt Nam, Nguyễn Đình Thi đã ráo riết chủ trương cách tân triệt để hình thức câu thơ, cách tân sâu sắc lối biểu cảm của thơ, đặc biệt là đối với thể thơ thất ngôn” [34, tr 248]. Đồng thời khẳng định, thơ Nguyễn Đình Thi là thơ hiện đại, “hiện đại đích thực của một tài năng thực thụ lớn, thực thụ khác người và thực thụ chân tài”

Trần Đăng Xuyền trongGiảng văn, văn học Việt Nam (Nxb GD, 1999) nhận định về thơ Nguyễn Đình Thi: “Ông đã mạnh dạn ném ra một kiểu thơ tự do không quá câu nệ về vần điệu bên ngoài mà chú trọng đến nhạc điệu ở bên trong. Một kiểu thơ hướng nội rất sâu”.

Mai Hương trên Tạp chí Văn học số 3/1999, trong bài viết “Nguyễn Đình Thi từ quan niệm đến thơ” đã tìm hiểu sâu hơn vào ngôn ngữ thơ Nguyễn Đình Thi và cũng nêu nhận xét: Nguyễn Đình Thi không cầu kì và không thích sự cầu kì. Sáng tạo nghệ thuật với ông là phải tự nhiên…Dường như thơ ông chính là điểm giao thoa hội tụ giữa thi pháp hiện đại và truyền thống. Đó chính là lí do mang lại sức sống, sức hấp dẫn cho thơ”.

Theo Triều Dương thì “ngay những bài thơ đầu tay, Nguyễn Đình Thi đã có giọng điệu riêng tạo chất riêng và cứ thế rỉ rả cho dến tận bây giờ, góp vào thi ca Việt nam một thi pháp lạ, một vẻ đẹp sang trọng.”[ 34, tr 252]
Giáo sư Nguyễn Đăng Mạnh đã có những nhận xét rất xác đáng về thơ Nguyễn Đình Thi: “Thơ Nguyễn Đình Thi là thơ hướng nội rất sâu. Lời đúc, mỗi chữ như một giọt tâm hồn chắt ra đầu ngọn bút”.

Chu Văn Sơn lại cho rằng: “Thơ Nguyễn Đình Thi đã tạo ra một điệu mới như tiếng sóng reo trong lặng lẽ, tấu lên một thứ nhạc mới - trong lặng mà rung ngân...”. Và cũng theo Chu Văn Sơn, nếu: “Nguyễn Đình Thi cứ dám là mình, cứ dám đi cho thật hết cái lẽ phải của thơ theo quan niệm của mình không tìm cách dung hòa giữa cách tân và truyền thống trước sự phản ứng gay gắt của một số nhà thơ và độc giả đương thời thì rất có thể ông đã có vai trò như Xuân Diệu với phong trào Thơ mới” (Chu Văn Sơn).

Ngoài ra còn nhiều bài viết khác của Nguyễn Đăng Mạnh, Phan Cự Đệ, Triều Dương, Phạm Hổ, Vũ Quần Phương, Đỗ Minh Phương, Lê Thị Chính…. Ở mỗi bài đi sâu phát hiện thêm một khía cạnh của thơ Nguyễn Đình Thi. Tuy vậy, vẫn chưa có công trình nghiên cứu nào trực tiếp đề cập đến vị trí thơ của Nguyễn Ðình Thi trong hành trình thơ Việt Nam hiện đại.

3. ĐỐI TƯỢNG VÀ PHẠM VI NGHIÊN CỨU

Đối tượng nghiên cứu: Tìm hiểu những đóng góp nổi bật của thơ Nguyễn Đình Thi về tư tường và nghệ thuật để từ đó thấy được vị trí của thơ Nguyễn Đình Thi trong hành trình thơ hiện đại Việt nam..

Giới hạn phạm vi nghiên cứu: Thơ Nguyễn Đình Thi với các tập thơ Người chiến sĩ (1956); Bài thơ Hắc Hải (1959); Dòng sông trong xanh (1974); Tia nắng (1983); Trong cát bụi (1992); Sóng reo (2001).

4.
PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU
Để nghiên cứu đề tài này chúng tôi sử dụng chủ yếu các phương pháp sau:
4.1. Phương pháp phân tích, tổng hợp: Đây là phương pháp được coi là điều kiện cần và đủ khi tiến hành nghiên cứu bởi vì chỉ trên cơ sở phân tích những vấn đề đặt ra, chúng tôi vận dụng thi pháp học để giải mã văn bản ngôn từ nhằm chỉ các đóng góp về nội dung và nghệ thuật được thể hiện trong thơ Nguyễn Đình Thi.

4.2. Phương pháp so sánh
đồng đại và lịch đại:
So sánh đồng đại để làm nổi bật nét tương đồng và khác biệt, đồng thời so sánh lịch đại để thấy được sự tiếp nối và đổi mới về nội dung và nghệ thuật trong thơ Nguyễn Đình Thi.

4.3. Phương pháp thống kê, phân loại:
Vận dụng phương pháp này để làm căn cứ xác đáng cho những nhận định thông qua việc tập hợp những số liệu, tiêu chí cụ thể nhằm nhận diện một cách đầy đủ sự thay đổi, chuyển biến về cách nghĩ, cách viết, cách thể hiện trong thơ Nguyễn Đình Thi.

4.4. Phương pháp hệ thống:
Sử dụng phương pháp này để thiết lập một hệ thống tương đối đầy đủ những tư liệu, dẫn chứng nhằm làm sáng tỏ vấn đề mà đề tài nêu ra, đồng thời để xây dựng một cấu trúc luận văn hợp lý.
Ngoài ra, chúng tôi còn sử dụng lý thuyết thi pháp học hiện đại để phân tích và lý giải một số bình diện thi pháp trong nghệ thuật thơ Nguyễn Đình Thi.

5. ĐÓNG GÓP CỦA LUẬN VĂN

Luận văn góp phẩn chỉ ra những đóng góp của thơ Nguyễn Đình Thi trong tiến trình phát triển thơ Việt Nam hiện đại thông qua việc phát hiện những nổ lực cách tân của thơ Nguyễ Đình Thi về tư tưởng và nghệ thuật.
Luận văn sẽ là một tài liệu bổ ích góp phần vào việc tìm hiểu, nghiên cứu sâu hơn thơ của Nguyễn Đình Thi. Ngoài ra, kết quả nghiên cứu của luận văn sẽ góp phần làm phong phú thêm cho nội dung các bài giảng liên quan trong quá trình nghiên cứu và giảng dạy ở các bậc học.

6. CẤU TRÚC CỦA LUẬN VĂN

Ngoài phần Mở đầu, Kết luận, Tài liệu tham khảo, luận văn được cấu trúc thành ba chương sau đây:
Chương 1. Nguyễn Đinh Thi - Cuộc đời và quan niệm nghệ thuật
Chương 2. Cái tôi trữ tình giàu bản sắc-một đóng góp nổi bật của thơ Nguyễn Đình Thi trong hành trình thơ Việt Nam.
Chương 3. Những nỗ lực cách tân về nghệ thuật
 
Sửa lần cuối bởi điều hành viên:

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top