• Chào mừng Bạn tham gia Diễn Đàn Kiến Thức tổng hợp No.1 VNKienThuc.com - Định hướng VN Kiến Thức
    -
    HÃY TẠO CHỦ ĐỀ KIẾN THỨC HỮU ÍCH VÀ CÙNG NHAU THẢO LUẬN

Thơ mới và sự phát triển của thơ đương đại

Bút Nghiên

Smod Trùm ^^
Thơ mới và sự phát triển của thơ đương đại

Thơ mới là sự giải phóng hoàn toàn con người cá nhân về tinh thần thẩm mĩ trong sự thống nhất với các hình thức tương ứng như thơ văn xuôi, thơ tự do, thơ khổ, câu thơ, vần điệu ngôn ngữ v.v… Nó đã vượt qua hành trình của chính nó và để laị dấu ấn đậm đà trong thơ đương đại. Bài viết này là sự khẳng định mối dây liên hệ về sự phát triển của thơ trong hai chặng đường đó.

Thơ đương đại dĩ nhiên là khác với thơ mới nhưng không vì thế mà nó xa lạ với thơ mới. Điều dễ nhận thấy là vai trò con người cá nhân trước các đối tượng tạo cảm ứng. Về vấn đề con người cá nhân, A.F Losep đã khẳng định: “Cá nhân, chủ thể con người riêng biệt, ở đây không còn nẩy sinh bằng con đường tự nhiên trong đời sống xã hội và nhà nước nữa mà đã đối lập hẳn bản thân mình với xã hội và tự nhiên: nó đám sâu vào bản thân nó, tự tách ra mọi các xung quanh, chủ yếu sống bằng những cảm xúc của mình, khép mình lại; và nếu như nó hướng tới thiên nhiên thì điều đó diễn ra không phải bằng con đường tự nhiên và tự phát, hữu cơ mà chỉ là do những nỗ lực có ý thức của nó, những nổ lực trí tuệ, tình cảm và ý trí, bằng cách khúc xạ những dữ kiện thiên nhiên và xã hội qua một bộ máy cực kỳ phức tạp của đời sống độc lập bên trong của nó…” 1.Dĩ nhiên, không có con người cá nhân chung chung; con người cá nhân bao giờ cũng gắn với một điều kiện lịch sử xã hội cụ thể. Khi nói đến con người cá nhân trong thơ mới và thơ đương đại là nói tới con người cá nhân của hiện đại. Nó gắn liền với những sắc màu theo các bước phát triển của lịch sử xã hội. Ở đây có sự hóa điệu về lý tưởng thẩm mĩ của thơ mới và thơ đương đại. Cái lý tưởng thẩm mĩ của thơ mới đã được Lưu Trọng Lư khẳng định một cách sinh động qua sự so sánh: “ …Các cụ ta ưa những màu đỏ choét; ta lại ưa những màu xanh nhạt… các cụ bâng khuân vì tiếng trùng canh khuya; ta nao nao vì tiếng gà lúc đứng ngọ. Nhìn một cô cái xinh xắn, ngây thơ, các cụ coi như đã làm một điều tội lỗi; ta thì cho là mát mẻ như đứng trước một cánh đồng xanh.

Cái ái tình của các cụ chỉ là sự hôn nhân, nhưng đối với ta như trăm hình muôn trạng, cái tình say đắm, cái tình thoảng qua, cái tình gần giũ, cái tình xa xôi… cái tình trong giây phút, cái tình ngàn thu” 2. Nó được Hoài Thanh khẳng định: “Đời chúng ta nằm trong vòng chữ tôi. Mất bề rộng ta tìm bề sâu. Nhưng càng đi sâu càng lạnh. Ta thoát lên tiên cùng Thế Lữ, ta phiêu lưu trong trường tình cùng Lưu Trọng Lư, ta điên cuồng với Hàn Mạc Tử, Chế Lan Viên, ta đắm say cùng Xuân Diệu. Nhưng động tiên đã khép tình yêu không bền, điên cuồng rồi tỉnh say đắm vẫn bơ vơ. Ta ngẩn ngơ buồn trở về hồn ta cùng Huy Cận”.3

Lí tưởng thẩm mĩ nói trên của thơ mới cũng là cái dễ dàng nhìn thấy trong thơ đương đại. Có điều cái tôi thẩm mĩ của thơ mới vẫn còn rất hiền lành, rất dễ thương. Dữ đội đến như Xuân Diệu mà cũng chỉ dám nói đến khát vọng của mình bằng những hành động như: Oâm, siết, thâu, say, cắn… trong lúc đó cái tôi thẩm mĩ trong thơ đương đaị đã phát triển nên một mức thật toàn diện thật ghê gớm. Cái ghê gớm này được đặt trong mọi mối quan hệ với cá nhân – xã hội, tinh thần, vật chất, ý thực – vô thức… Nhiều điều vốn được xem là “cấm kỵ” giờ được bộc lộ một cách công khai tự nhiên. Người ta nói đến nhu cầu tình dục như là cơm ăn áo mặc. Hơn thế nữa, còn bộc lộ cách thức ăn sao cho ngon, mặc sao cho đẹp. Dù vậy tất cả những điều này cũng chỉ nằm trong cái tôi. Nó cũng giống như các thi nhân trong phong trào thơ mới là hướng tới “Khát vọng nói rõ những điều kín nhiệm ưu uất, cái khát vọng được thành thật. Một nổi khát vọng đến đau đớn” 4 . Nói như vậy để thấy rằng từ thơ mới đến thơ đương đại, cái tôi cá nhân trong thơ đã thực sự được phục hưng. Nó diễn ra một cách thành thật mạnh mẽ toàn diện như chính nó trong đời sống khách quan.

Thật ra, khi nói đến sự hành trình của cái tôi trong thơ cũng là nói đến sự hành trình của nghệ thuật. Từ thơ mới đến thơ đương đại là cả một chặng dài của sự phát triển. Chúng ta dể dàng đồng ý với nhận định: “Sau năm 1945 tinh thần thời đại đã khác, tâm thế con người đổi thay điều kiện cộng hưởng không còn. Thơ ca Việt Nam đã rẽ sang một nẻo khác. Một số nhà cựu thơ mới vẫn viết theo bút pháp cũ như Vũ Đình Chương, Đinh Hùng… Câu chữ vẫn còn đó, nhưng hồn thơ đã đi đằng nào. Thời đại mới đòi hỏi một thi pháp mới. Điều đó chỉ càng chứng tỏ thơ mới là một đỉnh cao, một thoáng chốc mà cái vĩnh cửu hạ cánh”5.

Dù vậy, khi nói tới sự phát triển của thơ đương đại, chúng ta cũng chỉ có thể hình dung ra nó trong sự phát triển của chuỗi phát triển mà thôi. Quan niệm về sự đoạn tuyệt của thơ đương đại và thơ mới là sự phi lý về đại thể, thơ đương đại cũng như thơ mới điều là thứ thơ hướng nội. Nó xuất phát từ cái tôi cá thể hiện đại để bộc lộ cảm xúc gắn liền với điều này là sự thống nhất của những yếu tố như quan niệm nghệ thuật, con người, không gian nghệ thuật, thời gian nghệ thuật, cách tư duy ngôn ngữ, cách thức biểu hiện v.v… nếu thành công của thơ mới được tạo ra từ cơ sở sử hóa giải mâu thuẫn giữa “Nền văn hóa nông thôn cổ truyền và nền văn hóa đô thị mới hình hành giữa Đông và Tây, giữa dân tộc và thế giới, giữa truyền thống và hiện đại, giữa cái ta và cái tôi” 6 thì đó cũng là yêu cầu đặt ra cho thơ đương đại. Nói cách khác, đỉnh cao giá trị của nghệ thuật nói chung và thơ ca nói riêng bao giờ cũng hướng tới cái nhân bản. Đây cũng là điều mà nhà phê bình Huỳnh Như Phương đã nhấn mạnh: "Trong điều kiện cái nền văn học dân tộc đang dần dần trở thành những bộ phận của một nền văn học thế giới có xu hướng nhất thể hóa thì cái mới ra đời và dành chỗ đứng sẽ càng chật vật hơn. Không còn cách nào khác, cái mới phải tìm đường đi thông qua sự tiếp cận những giá trị toàn nhân loại, đồng thời bám rễ vào cội nguồn dân tộc” 7

Những luận điểm trên góp phần soi rọi sự nối tiếp truyền thống thơ mới trong thơ đương đại, giờ này được cảm nhận một cách cụ thể qua sự phát triển của thơ trữ tình. Nó gắn liền với cái tên tuổi như Ý Nhi, Lâm Thị Mỹ Dạ, Phùng Khắc Bắc, Dương Tường, Hoàng Hưng, Lê Minh Quốc, Bùi Chí Vinh, Phạm Thị Ngọc Liên, Đoàn Thị Lam Luyến, Dư Thị Hoàng, Nguyễn Thị Hồng Ngát, Lê Thị Kim, Giáng Vân, Vi Thuỳ Linh…

Về đại thể có thể chia sáng tác của các tác giả nói trên theo hai xu hướng. Xu hướng thứ nhất như là sự nói tiếp của Xuân Diệu, Huy Cận, Chế Lan Viên, Nguyễn Bính, trong phong trào thơ mới với sự cảm nhận thể hiện của ý thức qua lôgic hình thức, thông tục. Đó là thơ của Nguyễn Duy, Đỗ Trung Quân, Hữu Thỉnh, Lê Minh Quốc, Ý Nhi, Nguyễn Thị Hồng Ngát, Đoàn Thị Lam Luyến, Lê Thị Kim… Chẳng hạn:

Và cuối cùng chỉ còn lại En xa
Bao giấc mộng bấy lần thơ bị giết
Hồn thế kỹ chống trên nghìn trang viết
Trang vô cùng đôi mắt Em xa
(Nguyễn Sĩ Đaị – Và cuối cùng…)

Có những khi, thơ chạm đến đáy của lòng người nhưng vẫn hiện ra một cách rất cụ thể:

Ai cũng có những phút giây ngoaì chồng ngoaì vợ
Đừng trách chi những phút xao lòng
(Thuận Hữu – Những phút xao lòng)

Xu hướng thứ hai của thơ đương đại gắn liền với những sáng tác mà cái vô thức được đầy lên đến cao độ. Chúng ta quen gọi những sáng tác loại này thuộc về chủ nghĩa hiện đại. Nó được cụ thể hóa bằng các xu hướng như tượng trưng, ấn tượng, siêu thực, hiện sinh, hậu hiện đaị… Đặc trưng của nó là phủ nhận hiện thật, phủ nhận xã hội, tuyệt đối hóa cái tôi, khẳng định sự cô đơn bất lực mệt mỏi, đề cao phần bản năng… Thống nhất với nội dung đó là sự tìm kiếm các hình thức tương ứng để tạo ấn tượng, ám ảnh, gợi lên một cái gì đó. Nó là sự phối hợp của âm thanh, màu sắc, hình khối để tạo nên hình ảnh trong một liên tưởng rất mơ hồ. Cũng vì vậy mà thơ của xu hướng này rất khó hiểu. Có thể thấy điều này trong thơ của Hoàng Hưng, Dương Tường, Lê Đạt… Thật ra xu hướng này cũng xuất hiện trong trạng cuối của phong trào thơ mới với những sáng tác của nhóm Xuân Thu nhã tập. Có thể nói những nhà thơ theo xu hướng của chủ nghĩa hiện đaị hiện nay và những nhà thơ trong nhóm Xuân Thu nhã tập ở một mức độ nào đấy đều có chung một kiểu tư duy nghệ thuật.

Như vậy vấn đề thơ mới và sự phát triển của thơ đương đại chính là vấn đề con người cá nhân và các hình thức biểu hiện của nó trong thơ. Đây là sự thống nhất trong sự phát triển nối tiếp của thơ ca dân tộc. Bài viết này chưa có điều kiện đi sâu vào các vấn đề đặt ra mà chỉ dừng lại ở mức độ gợi mở mà thôi.

Trần Ngọc Hồng​
--------------------------------------------------------
1 Dẫn theo Nguyễn Hữu Sơn Về con người cá nhân trong văn học học cổ Việt Nam trang 14 NXB Giáo dục 1998
2 Dẫn theo Hoài Thanh thi nhân Việt Nam, trang 11 NXB Văn học 1998
3 Hoài Thanh, sách đã dẫn, trang 45
4 Hoài Thanh, sách đã dẫn, trang 11
5 Đỗ Lai Thúy, Con mắt thơ, trang 205, NXB Lao động 1994
6 Đỗ Lai Thúy, Sách đã dẫn, trang 204
7 Huỳnh Như Phương, Những tín hiệu mới, trang 103, NXB.Hội nhà văn, 1994
 

Chủ đề mới

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top