Bút Nghiên
ButNghien.com
- Xu
- 552
Thơ Lưu Quang Vũ - Gió và tình yêu thổi trên đất nước tôi
PGS.TS. Lý Hoài Thu
Khoa Văn học, Đại học KHXH&NV, Đại học Quốc gia Hà Nội
Lưu Quang Vũ mở đầu sự nghiệp cầm bút của mình bằng thơ. Đó là phần Hương cây trong tập Hương cây - Bếp lửa in chung với Bằng Việt năm 1968. Ngay từ khi mới ra đời, tập thơ đã chiếm được rất nhiều cảm tình của bạn đọc trong và ngoài giới, cái tên "Lưu Quang Vũ" lập tức thu hút sự chú ý của các nhà phê bình danh tiếng. Hoài Thanh bằng một dự cảm tinh tường đã gọi anh là "một cây bút nhiều triển vọng" và thơ anh "là một tiếng nói nhỏ nhẹ mà sâu". Lê Đình Kỵ với sự nhạy cảm sắc sảo của một cây bút phê bình thơ tài hoa đã nhận ra rằng "Thơ Lưu Quang Vũ có một điệu tâm hồn riêng". Nội lực và sức sáng tạo dồi dào của anh tiếp tục được bộc lộ qua Mây trắng của đời tôi (1989) và Bầy ong trong đêm sâu (1993) - hai tập thơ xuất bản sau khi anh đã qua đời. Với hành trình sáng tác hơn 20 năm, khoảng thời gian chưa dài nhưng Lưu Quang Vũ thực sự đã là một thi sĩ tài năng, một cá tính thơ độc đáo trong dòng thơ Việt Nam hiện đại nửa cuối thế kỷ XX.Khoa Văn học, Đại học KHXH&NV, Đại học Quốc gia Hà Nội
Cũng như nhiều nhà thơ cùng thế hệ, những vần thơ đầu tay của Lưu Quang Vũ là tiếng nói tha thiết yêu quê hương và gửi trao tin cậy trước cuộc đời. Có khác chăng, ở anh, tiếng thơ ấy được cất lên với cung bậc trầm lắng và da diết hơn:
"Sao tên sông lại là Thương
Để cho lòng anh nhớ..."
Đi từ những gì gần gũi thân thương nhất để viết về quê hương, đất nước- một chủ đề lớn của thơ ca cách mạng nói chung và thơ chống Mỹ nói riêng - Lưu Quang Vũ ngay từ đầu đã tạo được dấu ấn về một lối viết tài hoa, nồng nàn cảm xúc. Thiên nhiên trong Hương cây thấm đẫm hương sắc hoa trái cỏ cây của một xứ sở "hoa tươi nắng đẹp". Thiên nhiên ấy đồng nghĩa với quê hương - đất nước. Nếu coi độ tinh nhạy của trực giác, khả năng nắm bắt hương thơm, màu sắc, âm thanh là những phẩm chất tiền sáng tạo thì Lưu Quang Vũ đã có được một bản tính thi sĩ bẩm sinh. Trong những ngày đánh Mỹ, trên những chặng đường hành quân, cảm xúc của anh vẫn thiên về việc đi tìm chất thơ qua hương vị đất đai, sông nước, hoa lá quê nhà:
"Thoảng mùi hoa thiên lý cửa nhà ai
Một tiếng chim khuya gọi mùa vải đỏ
Nghe đất thở luống cày hồn hậu lạ
Ta muốn thành hạt cốm uống hương đêm"
Phải yêu lắm cảnh sắc thiên nhiên đất nước mình, Lưu Quang Vũ mới viết nên những câu thơ đậm đà bản sắc Việt Nam qua một hình tượng thời gian tươi tắn và sinh động:
"Tháng bảy mưa nhiều
Tháng tám sen tàn bưởi chín
Chim ngói bay về bịn rịn
Tháng chín lúa trổ đòng đòng
Trời thu hương cốm mát trong"
Hình hài đất nước hiện lên trong thơ anh qua một dòng sông Thương "nước chảy đôi dòng" "thơm ngát mật hương mùa hạ", một phố huyện "bồi hồi bao kỷ niệm", một thôn Chu Hưng "trăng sao rơi đầy giếng/ Nằm giữa bốn bề rừng rậm nứa lao xao...". Song lung linh và sống động nhất vẫn là Hà Nội, trái tim của Tổ quốc, thủ đô của "niềm tin yêu và hy vọng" chung cho tất cả mọi người và của riêng anh:
"Trong thành phố có một vườn cây mát
Trong triệu người có em của ta...
Vườn em là nơi đọng gió trời xa
Hoa tím chim kêu bàng thưa lá nắng
Con nhện đi về giăng tơ trắng
Trái tròn căng mập nhựa sinh sôi"
Từ cái "máy nước đầu ngõ" đến một nhịp cầu Long Biên, từ một đường công sự "tươi màu rau" hay lên đến tầng năm "gặp trời mây toả nắng"... Ở đâu anh cũng nguyên vẹn một tình yêu mà ở đó hoà hợp được cái tình riêng trong cái ta chung của cuộc đời rộng lớn: "Em ơi, em là Hà Nội/ Anh chưa bao giờ yêu Hà Nội như hôm nay". Anh coi quê hương là điểm tựa tinh thần, là nguồn sức mạnh và gửi gắm tình cảm đó vào một hình ảnh thơ bay bổng mà khoẻ khoắn: "Đất mẹ hiền nâng cánh ta bay". Chính vì vậy, ở tập thơ đầu tay này, không cao giọng, không trực tiếp lặn lội trên những nẻo đường Trường Sơn hay những mảnh đất vùng tuyến lửa như nhiều bạn thơ cùng thế hệ, thơ Lưu Quang Vũ vẫn mang vẻ đẹp lý tưởng và nặng tình yêu quê hương đất nước.
Sau Hương cây, trong khoảng 10 năm, cuộc đời Lưu Quang Vũ rơi vào tình cảnh long đong, lận đận, có những lúc anh đã "chạm vào bế tắc". Hôn nhân đầu tan vỡ, rời quân ngũ, quá nhọc nhằn trong kế mưu sinh, cuộc sống vật chất hàng ngày lâm vào thiếu thốn... Thêm vào đó, chiến tranh càng ngày càng thêm nhiều hy sinh xương máu. Cùng một lúc, tâm hồn đa cảm và có phần yếu đuối của anh phải gánh chịu cả nỗi đau và sự mất mát từ hai phía riêng chung. Dễ hiểu vì sao thời kỳ này thơ anh có nhiều khoảng u ám, nặng nề. Thay vì lối cảm xúc tươi trong, hồn hậu là mối hoài nghi, hoang mang trước gia cảnh và thời thế:
"Có những lúc tâm hồn tôi rách nát
Tôi biết làm gì tôi biết đi đâu"
Nhưng ở một góc độ khác, đây chính là một đoạn đời đầy ý nghĩa đối với quá trình sáng tạo của anh. Kinh nghiệm cho thấy nhiều khi những nỗi bất hạnh, những mất mát của đời sống ập đến bất ngờ ngoài mong đợi của con người lại là nơi bắt đầu của những khám phá nghệ thuật mới. Lưu Quang Vũ là một số phận thi ca rất tiêu biểu cho nghịch lý này. Nếu trước kia, thơ anh bàng bạc một sắc nắng tươi trong, một màu xanh biếc, "những chân trời màu hồng, những chân trời màu tím"... thì đến lúc này anh viết nhiều về mưa. Không gian thơ anh có nhiều khoảng bị bao bọc trong màn mưa, "mưa mịt mù", "mưa xám", "mưa đen": "Thành phố nghèo mù mịt mưa rơi/ Cánh hoa nhoè trong mưa tơi tả; Chiều nay bốn bề mưa xám; Hạt mưa đen rơi trên ô kính vỡ...”. Tâm trạng bi quan này đã từng được anh thổ lộ qua hình ảnh lạ lùng: "Một ngày người ta uống/ Bao nhiêu đen tối vào người" (Cà fê). Thành phố quê hương, nơi lưu giữ những kỷ niệm tình yêu và tuổi trẻ, giờ chỉ là nỗi xót xa:
"Thành phố thời anh 17 tuổi
Viển vông, cay đắng, u buồn".
Song, chính những nếm trải ấm lạnh của thế thái nhân tình, những bài học đầu đời, cái giá phải trả cho những say mê, nông nổi của tuổi trẻ đã giúp Lưu Quang Vũ nhận thức sâu sắc hơn về đời sống, con người. Những chuyển đổi mạnh mẽ trong đời sống tâm hồn và tư duy nghệ thuật xuất hiện. Biểu hiện trước tiên là từ tình cảm quê hương đất nước, anh đã bắt sâu hơn vào cảm hứng dân tộc, nhân dân. Chất thơ trong sáng tác thời kỳ này của anh không chỉ ở những nét mộng mơ, trữ tình êm dịu mà là nỗi đau, là những diễn biến nội tâm phức tạp, nhiều biến động. Giọng điệu thơ anh bớt đi sự ngọt ngào, êm ái, hiền lành, thay vào đó là sắc điệu tự vấn đầy trăn trở, suy tư và đau đớn. Tình yêu tổ quốc trong anh được cất lên bằng một giọng thơ chân thành, thống thiết xen lẫn chút tuyệt vọng:
"Tổ quốc là nơi toả bóng yên vui
Nơi nghĩ đến lòng ta yên tĩnh nhất
Nhưng nghĩ đến Người lòng tôi rách nát
Xin người đừng trách giận Việt Nam ơi"
Những Việt Nam ơi, Đất nước đàn bầu, Giấc mộng đêm, Gió và tình yêu thổi trên đất nước tôi và một số bài thơ khác trong Mây trắng của đời tôi và Bầy ong trong đêm sâu được viết với một cường độ cảm xúc mạnh mẽ, mạch thơ phóng túng, lời thơ có cái hào hùng của âm hưởng sử thi. Đây là một kiểu cảm xúc, một biểu hiện mới của lòng yêu Tổ quốc, nhân dân. Hình ảnh một Việt Nam đau thương và nghèo khó hiện lên trong nỗi xúc động rưng rưng, nghẹn ngào: "Tất cả sẽ ra sao/Mảnh đất nghèo máu ứa/Người sẽ đi đến đâu/Hả Việt Nam khốn khổ?/Đến bao giờ bông lúa/ Là tình yêu của người"
Chiến tranh, chết chóc và huỷ diệt, lại thêm nỗi đói nghèo khốn khổ chồng chất, những mặt trái của đời sống phô bày... Trên dặm dài đất nước, ánh sáng dường như đang lụi dần. Chất liệu thơ là sự chắt lọc từ những hình ảnh, chi tiết của đời sống hàng ngày. Anh viết dung dị và chân thực hơn trước nhiều: "Những áo quần rách rưới/ Những hàng cây đắm mình vào bóng tối/ Chiều mờ sương leo lắt đèn dầu/ Lũ trẻ ngồi quanh mâm gỗ/ Lèo tèo mì luộc canh rau". Không "chuốt lời", không tô vẽ để câu thơ, bài thơ có được sự hài hoà về màu sắc và âm điệu như thời Hương cây, nhiều bài thơ trong hai tập sau có tên rất mộc mạc, giản dị: Nói với mình và các bạn, Đêm đông chí, uống rượu với bác Lâm và bác Khánh, nói về những cuộc chia tay thời loạn, Ghi vội một đêm 1972, Viết lại một bài thơ Hà Nội, Nửa đêm tới thành phố lạ... Nhiều lúc cứ ngỡ như là một sự ghi chép tình cờ, nhưng đến câu kết mới bật lên sức lay động tận tâm can:
"Những chiếc xe tăng đi qua
Những khẩu súng đi qua
Những người lính đi qua
Chẳng có gì cùng ta ở lại"
Cùng với những thay đổi ít nhiều về cách thức cảm thụ cuộc sống, về giọng điệu, thơ Lưu Quang Vũ thời kỳ này bộc lộ năng lực tưởng tượng liên tưởng dồi dào. Nhiều câu thơ lạ, độc đáo của anh được hình thành trên cơ sở của một trí tưởng tượng vô cùng phong phú. Hình ảnh thơ đôi khi là sự bao bọc trong sắc màu cổ tích, huyền thoại, từ đó, quá khứ dân tộc hiện lên kỳ vĩ:
"Những con chim lạc mỏ dài
Bay qua vầng trăng lớn
Cánh rừng sẫm tắm hoàng hôn đỏ rực
Cất tiếng kêu hoang dại dưới đêm nồng"
Và những ai từng say mê văn chương, lịch sử Trung Hoa hẳn sẽ yêu thích những nét tạo hình "đặc chất Tàu cổ" trong thơ anh. Nhưng đó là một Trung Hoa có mối liên hệ sâu xa qua điểm nhìn của đời sống chiến tranh Việt Nam hiện tại: "Trung Hoa của tuổi thơ/ Tiếng ngựa hí đêm khuya/ Đoàn xe chiến quốc đi trong tuyết/ Rũ rượi tóc râu, đao thương sáng quắc/ Não bạc thanh la xủng xoảng/ Dữ tợn mà sầu thương".
Nhưng có lúc chỉ từ những nét trần trụi đời thường, những câu chuyện lan man không đầu không cuối về chiến tranh, bom đạn, anh vẫn tạo nên những liên tưởng bất ngờ:
"Tối đen thành phố đêm lưu lạc
Máy bay giặc rít ở trên đầu
Ba đứa da vàng ngồi uống rượu
Mặt buồn như sỏi dưới hang sâu
Chúng mình không có bom nguyên tử
Chỉ có thuốc lào hút với nhau"
Đối với bất cứ một dân tộc nào, chiến tranh là hiểm hoạ, là tổn thất nặng nề mà mọi cố gắng bù đắp của con người chỉ có thể xoa dịu chứ không thể làm lành vết thương khủng khiếp đó. Là một tâm hồn nhạy cảm với đau buồn, mất mát, ngay từ giữa cuộc chiến, Lưu Quang Vũ đã cảm nhận khá đủ đầy không chỉ ở cái nhộn nhạo, rối ren, lộn xộn như "cuốn sách xếp lầm trang" mà sâu xa hơn, là những nghịch lý, phi lý rất dễ nẩy sinh từ đời sống chiến tranh. Anh hiểu ngay rằng chính nhân dân là người phải gánh chịu tất cả. Trước đây, trong Hương cây, anh đã hướng về nhân dân với lòng tri ân thành kính: "Ơn nhân dân đã làm nên chiến thắng/ Ơn tổ quốc có măng bùi, muối mặn/ Ơn từ khúc hát đóa ca dao". Sau này, qua mười năm chìm nổi, lặn sâu xuống tận cùng nỗi đau với nhân dân, tâm trí anh luôn quay cuồng vì một câu hỏi lớn: "Đến bao giờ, đến bao giờ nữa Việt Nam ơi?". Tình cảm máu mủ thiêng liêng ấy được gửi gắm qua Đất nước đàn bầu cuồn cuộn dòng máu nóng dân tộc trong huyết quản; qua Giấc mộng đêm chập chờn mê sảng với bao gương mặt, bóng dáng từ cõi "Thập loại chúng sinh" hiện về, qua Người cùng tôi trong nỗi cảm thương có phần cay đắng trước thân phận dân nghèo "Người mài mực cho Nguyễn Trãi viết Bình Ngô, người cùng Quang Trung đi đánh giặc/ Quang Trung ngồi trên bành voi, người cầm giáo xông lên phía trước/ Quang Trung lên làm vua người về nhà cày ruộng/ Bị lão Trương tuần quát nạt cũng run run”; qua Cầu nguyện với một tấm lòng "dập nát" vì đau thương và những câu thơ máu ứa: "Sao cho máu đừng chảy nữa/ Sao cho người lính trở về"... Điều kỳ diệu là qua cuộc hành trình máu lửa, hướng cảm hứng sáng tạo về phía nhân dân, gắn bó cuộc đời mình với số phận dân tộc, hồn thơ Lưu Quang Vũ đã lớn lên rất nhiều. Chưa bao giờ có trong thơ anh một tình yêu tổ quốc máu thịt - hiện thân của sự sống - như lúc này:
"Tôi làm sao sống được nếu xa Người
Như giọt nước bậu vào ngọn cỏ
Như châu chấu ôm ghì bông lúa
Người đẩy tôi ra tôi lại bám lấy Người
Không vì thế mà Người khinh tôi chứ
Việt Nam ơi.
Không vì tôi đau khổ rã rời
Mà người ghét bỏ?
Xin người đừng nhìn tôi như kẻ lạ
Xin người đừng ghẻ lạnh Việt Nam ơi
Người có triệu chúng tôi, tôi chỉ có một Người".
Khi nhà thơ cảm thấy mình vô cùng bé nhỏ, cần được vỗ về, sưởi ấm và biết cúi mình trước nhân dân cũng chính là lúc tầm vóc nhà thơ được nâng lên rất nhiều. Tình yêu tổ quốc rộng lớn đến vô bờ ấy sau này được Lưu Quang Vũ gửi gắm vào một hình tượng vừa có sức phong toả vừa thăng hoa kỳ lạ:
"Ước chi được hoá thành ngọn gió
Để được ôm trọn vẹn nước non này".
Đời tư và tình yêu xưa nay vẫn được coi là vùng nhạy cảm nhất trong đời sống tâm hồn của mỗi nhà thơ. Tư cách thi sĩ của họ cũng được hình thành trên cơ sở nguồn cảm xúc đầy vơi này. Như bao nhà thơ nổi danh khác, ngay từ buổi đầu cầm bút, hồn thơ Lưu Quang Vũ chứa chan tình mẹ và anh đã dành cho mẹ những câu thơ thật âu yếm (Áo cũ, Phố huyện, Thức với quê hương). Dù đã khôn lớn trưởng thành, dù có nhiều nghĩ ngợi, thơ viết về mẹ của anh vẫn mang nhiều nét hồn nhiên, thơ trẻ:
"Trên đời chẳng ai lo cho ta bằng mẹ
Cũng chẳng ai ta làm khổ nhiều như mẹ của ta..."
Bên cạnh hình ảnh người mẹ dịu hiền: "Mắt tin yêu nhìn thấu tận đường xa", thơ Lưu Quang Vũ còn là tiếng lòng nức nở của người con khi vĩnh biệt người cha yêu dấu của mình- nhà thơ, nhà viết kịch Lưu Quang Thuận:
"Có lẽ nào
Khi cánh cửa cuối cùng khép lại
Chẳng còn gì ngoài cõi hư vô...”
Tình cảm yêu thương quyến luyến với gia đình, người thân đã nuôi dưỡng hồn thơ và mang đến cho cuộc sống của anh nhiều niềm vui, nhiều ý nghĩa. Dẫu có lúc anh buồn bã thốt lên: "Tôi là đứa con cô đơn ngay khi ngồi cạnh mẹ/ Thằng bé lẻ loi giữa lớp học ồn ào/ Bàn chân hồ nghi giữa đường phố xôn xao..." thì tự trong thâm tâm, tình cảm gia đình đối với anh là vô giá. Sau này, đến lượt mình có cái hạnh phúc làm cha, Lưu Quang Vũ đã diễn tả được rất nhiều cung bậc yêu thương của lòng mình. Đó là "nỗi lòng náo nức yêu thương", niềm vui đón đợi ngày "Con thân yêu - người bạn nhỏ của cha" - đứa con đầu lòng Lưu Minh Vũ - chào đời (Gửi em và con), là tấm lòng tê tái bầm dập vì đau xót trong Nói với con cuối năm mà thực tình những điều sâu thẳm nhất của lòng cha hôm nay là dành để nói với ngày mai của con:
"Lòng cha dẫu héo khô cành mận dại
Nhựa âm thầm buốt trắng những chùm hoa
Con ơi con hãy tha thứ cho cha
Cha chẳng thể nào sống cùng mẹ được
Đời cha nắng gắt
Mẹ con cần suối mát của đồng vui
Con khôn lớn trên đời
Hãy yêu thương mẹ
Và hãy hiểu cho cha"
Với bé Mí (cháu Lưu Quỳnh Thơ), cuộc sống gia đình trở lại trong bầu không khí đầm ấm, đầy ắp tình yêu thương, Lưu Quang Vũ lại viết về con với tất cả sự dịu dàng, nâng niu và chiều chuộng. Anh chắt chiu từ niềm vui Buổi chiều đi đón con đến Những lời ru đã cũ của cha và gửi gắm vào đó biết bao yêu thương mong mỏi. Sau tai hoạ kinh hoàng ập đến với gia đình anh, người đọc không thể cầm lòng trước những câu thơ:
"Ôi ngày mai của con
Chắc sẽ nhiều mới lạ
Bố mẹ thì sẽ già
Như lời ru đã cũ
Chẳng được cùng con qua
Những mùa thu mùa hạ
Dòng sông và biển cả
Cánh buồm nào chờ con"
Thơ Lưu Quang Vũ là sự thể hiện những cảm nhận sâu sắc về huyết thống. Ngay từ khi còn rất trẻ, đắm đuối với mối tình đầu, Lưu Quang Vũ đã đẩy cảm xúc đi rất xa về phía cuội nguồn ruột thịt:
"Như hai dòng sông gặp gỡ đổi phù sa
Nhập luồng nước hoà nhau màu sắc
Trao cảm thương hai bàn tay nắm chặt
Nghe máu mẹ cha chuyển giữa mỗi tay mình"
Đây cũng chính là một bộ phận quan trọng trong đời sống tình cảm góp phần tạo nên nguồn cảm xúc tình yêu nồng đượm của thơ anh. Trước sau, dấu ấn sâu đậm nhất về một thi sĩ tài hoa, đa cảm ở Lưu Quang Vũ vẫn là những bài thơ tình. Người thơ ấy nếu không vì định mệnh nghiệt ngã phải xa rời cõi thế ở tuổi 40, chắc chắn với nguồn năng lượng cảm xúc sâu thẳm trong tâm hồn, anh sẽ còn dâng tặng cho đời nhiều bông hoa tình yêu giàu hương sắc.
Xưa nay, những nhà thơ lớn, đa phần là những người tình quyến rũ: Puskin, Exênhin, Aragong, Hainơ, Xuân Diệu... Có lẽ thi sĩ thời nào cũng coi tình yêu là cứu cánh, là nơi để bộc bạch nhiệt tình sống và triết lý riêng của mình trước cuộc đời. Đó cũng chính là lĩnh vực thể hiện chiều sâu cảm xúc, kích thước tâm hồn và vinh danh cho các nhà thơ. Lưu Quang Vũ là một nhà thơ sớm thành danh nhờ những bài thơ viết về tình yêu và hành trình thơ của anh cũng chính là hành trình của một cái tôi tình yêu vừa tha thiết gắn bó nâng niu hạnh phúc đôi lứa đời thường, vừa khát khao tìm kiếm những chân trời, bến bờ mới lạ để đa dạng hoá và hồi sinh nguồn cảm xúc luôn đòi hỏi sự tươi mới này.
Chính vì cuộc đời tuy ngắn ngủi nhưng nhiều nếm trải nên tiếng nói tình yêu trong thơ Lưu Quang Vũ cũng được cất lên từ những cung bậc, giai điệu cảm xúc khác nhau. Những say mê đắm đuối của tâm hồn, những hạnh phúc ngắn ngủi, những đổ vỡ, mất mát, chia ly trong cuộc đời thực chẳng ai mong muốn lại mang đến sự phong phú, giàu có cho đời sống tình cảm của nhà thơ. Lưu Quang Vũ còn may mắn hơn người ở chỗ: những người con gái đến với đời anh, những "nàng thơ", nhân vật trữ tình trong thơ anh đều có sắc và có tài. Âu đó cũng là sự ưu ái của số phận dành cho một chàng trai - thi sĩ đào hoa.
Những cảm xúc từ mối tình đầu đã mang đến cho thơ anh một hương vị tình yêu ngọt ngào, say đắm. Không gian thơ được mở ra trong khuôn viên của một khu vườn tình yêu với những hình ảnh thật thi vị và duyên dáng:
"Nơi lá chuối che nghiêng như một cánh buồm
Cánh buồm xanh đi về trong hạnh phúc
Se sẽ chứ, không cánh buồm bay mất
Qua dịu dàng, ẩm ướt của làn môi"
Khi cảm giác ùa đến, câu thơ Lưu Quang Vũ như toả ra một thứ hương thơm tình yêu trẻ trung, dịu ngọt làm mê lòng người. Năng lực trực cảm luôn được coi là một ưu thế nổi trội của hồn thơ Lưu Quang Vũ, là phẩm chất thi sĩ dồi dào trong anh. Nhưng nhiều khi từ khả năng "cảm giác hoá" tài tình, thơ Lưu Quang Vũ còn kết đọng những suy nghĩ và triết lý tình yêu của riêng anh:
"Dưa hấu bổ ra thơm suốt ngày dài
Em cũng mát lành như trái cây mùa hạ
Nước da nâu và nụ cười bỡ ngỡ
Em như cầu vồng bảy sắc hiện sau mưa"
"Đắm đuối là bản sắc cảm xúc của Lưu Quang Vũ" (Vũ Quần Phương). Và cần nhấn mạnh thêm: đặc biệt là ở những bài thơ tình. Tình yêu thời Hương cây mang vẻ đẹp trong sáng, mộng mơ của những rung động đầu đời (Hơi ấm bàn tay, Vườn trong phố); sau này, khi trái tim đã chịu nhiều tổn thương, "tư thế trữ tình" đắm đuối, độ xúc cảm nồng nàn trước tình yêu của anh vẫn không hề thay đổi. Người con gái trong mối tình thứ hai của thơ anh không lộng lẫy "như cầu vồng bảy sắc hiện sau mưa" nhưng ẩn giấu một vẻ đẹp nội tâm tinh tế và có sức cuốn hút đối với người thơ Lưu Quang Vũ. Khác với sự êm đềm của mối tình đầu, lần này anh đến với tình yêu trong một khung trời "sắp quay cuồng bão lớn". Hình ảnh người con gái anh yêu hiện lên trong bức tranh thơ với nhiều gam màu nóng, đầy bí ẩn và có một cái gì đó rất khó nắm bắt. Chính vì thế mà anh càng khao khát tìm kiếm, si mê và đắm đuối có lẽ hơn cả mối tình đầu:
"Tóc em rối và áo em đỏ thắm
Những bức tranh nổi gió ở trên tường...
Nghĩ về em bao buổi chiều lặng lẽ
Tìm trong em bao khát vọng không ngờ
Môi tôi run những lời nói dại khờ
Em ẩn hiện sao còn xa lạ thế...
Mai em đi mùa hạ cũng qua rồi
Tôi ở lại một mình trên phố vắng...
Tôi tan nát, kinh hoàng sợ hãi
Em cô đơn rồ dại của tôi ơi".
Trong tất cả các bài thơ tình của Lưu Quang Vũ, đây là bài thơ có tiết tấu cảm xúc mạnh và "thổn thức nhất". Bài thơ được viết vào những năm tháng buồn bã và cô đơn của đời anh. Anh gọi đó là "tình yêu những năm đau xót và hy vọng". Khi cơn "say" qua đi và cảm xúc lắng xuống, tâm trạng và nỗi trống trải của một tình yêu không tới đích vẫn để lại trong thơ anh một dư vị thanh tao, man mác: "Anh hôn từng ngón tay/ Anh hôn làn tóc xoã/ Trên trán buồn âm u/ Anh hôn lên đôi mắt/ Môi chạm vào bao la"...
Cuộc tình với nữ thi sĩ Xuân Quỳnh là bến đậu bình yên ở cuối chặng đường đi tìm tình yêu và hạnh phúc đời tư của Lưu Quang Vũ. Tình yêu và sự hy sinh hết mình của một người đàn bà tài sắc đã mở ra một trang đời mới cho cả hai người. Trái tim anh được sưởi ấm và trở lại với những nhịp đập tình yêu. Cái tôi - chủ thể trữ tình - lại đắm mình trong những rung động yêu thương, trao gửi:
"Giữa bao la đường sá của con người
Thành phố rộng, hồ xa, chiều nổi gió
Ngày chóng tắt cây vườn mau đổ lá
Khi tàu đông anh lỡ chuyến đi dài
Chỉ một người ở lại với anh thôi
Lúc anh vắng người ấy thường thức đợi
Khi anh khổ chỉ riêng người ấy tới
Anh yên lòng bên lửa ấm yêu thương".
Tình yêu giờ đây đã bớt đi sự trẻ trung, sôi nổi, nhưng lại thêm phần đằm thắm, sâu sắc. Qua lăng kính tình yêu, anh nhìn đời trìu mến, thiết tha hơn, niềm yêu đời và sự hồn hậu trở lại. "Phép mầu" của tình yêu đối với Lưu Quang Vũ là khả năng hồi sinh, không chỉ là tuổi trẻ mà là niềm tin. Hình như đã khá lâu anh mới có lại giọng tri ân điềm đạm: "Dù sao cuộc đời đã dành em lại cho anh/ Điều mong ước đầu tiên điều ở lại sau cùng/ Chúng ta đã đi bên nhau trên mặt đất/ Dẫu chỉ riêng điều đó là có thật/ Đủ cho anh mãi mãi biết ơn đời". Tình riêng lại được hoà trong vị mặn mòi của cuộc đời chung. Anh lại chắt chiu từng niềm vui, từng kỷ niệm nhỏ của hạnh phúc đời thường, bình dị, để lại được ru mình trong men đời thân thuộc: từ mớ rau, thùng gạo đến trang sách, ngọn đèn; từ đôi bàn tay tin cậy đến "đôi mắt buồn của một xứ sở có nhiều mưa"; từ "đôi vai ấm dịu dàng" đến "căn phòng nhỏ như khoang thuyền vừa căng buồm để đi, vừa nấu cơm để sống"... Những cái rất đời thường mà không nhàm chán, tẻ nhạt bởi luôn được bao bọc trong không gian của tổ ấm tình yêu: "Ngày của đời thường thành ngày ở bên em". Đối với anh, Xuân Quỳnh không chỉ là người tình, người vợ mà là một người bạn đời lớn. Chị mang đến cho anh tình yêu để vượt qua những tháng ngày đau khổ, thức dậy trong anh khát khao đi tìm niềm vui sáng tạo mới. Sự đồng điệu giữa hai tâm hồn là nguồn cảm hứng đẹp giúp cho cả Lưu Quang Vũ và Xuân Quỳnh viết nên nhiều bài thơ tình đặc sắc:
"Người ấy chỉ vui khi anh hết lo buồn
Anh lạc bước, em đưa anh trở lại
Khi cằn cỗi thấy tháng ngày mệt mỏi
Em là sớm mai là tuổi trẻ của anh..."
Riêng với Lưu Quang Vũ, cuộc hôn nhân và những năm tháng êm ấm bên Xuân Quỳnh còn có ý nghĩa lớn lao hơn rất nhiều. Thơ anh có sự kết hợp hài hoà hơn giữa cảm xúc và suy nghĩ. Ngay trong tình yêu, anh cũng có những suy luận mang màu sắc lý tính, song điều đó không làm mất đi vẻ mềm mại của câu thơ mà còn đưa đến cho thơ anh một ý nghĩa tự nhận thức sâu sắc:
"Anh biết tình yêu không phải vô biên
Như tia nắng chúng mình không sống mãi
Như câu thơ, chắc gì ai đọc lại
Ai biết ngày mai sẽ có những gì
Người đổi thay, năm tháng cũng qua đi..."
Khi đã can đảm và bình thản chấp nhận những đổi thay của lòng người và biến thái của cuộc đời, sự khái quát về tình yêu của anh có vẻ lý trí hơn nhưng cũng thuyết phục hơn:
"Giữa thế giới mong manh nhiều biến đổi
Anh yêu em và anh tồn tại".
Cuộc hôn nhân của Lưu Quang Vũ - Xuân Quỳnh trải qua 15 năm: "15 mùa hè chói lọi, 15 mùa đông dài"... Đây là một mối tình được nói đến rất nhiều từ lúc họ mới bén duyên nhau cho đến khi tai hoạ ập đến và sẽ còn lưu danh mãi mãi. Điều an ủi lớn đối với người thân, bạn bè và những người mến mộ hai tài năng là hình ảnh bất tử của tình yêu trong những câu thơ đầy dự cảm định mệnh: "Phút cuối cùng tay vẫn ở trong tay/ Ta đã có những ngày vui sướng nhất/ Đã uống cả men nồng và rượu chát/ Đã đi qua cùng tận những con đường". Hình ảnh hai người "tay trong tay" dìu nhau về cõi vĩnh hằng đã phần nào xoa dịu được nỗi đau và thực sự là điểm tựa về mặt tâm linh cho những người ở lại mỗi khi nhớ đến Lưu Quang Vũ - Xuân Quỳnh.
Một phía khác rất cần được nói đến trong những diễn biến đời tư của Lưu Quang Vũ bởi thiếu nó tình yêu dù si mê đắm đuối đến đâu cũng rất dễ trở thành đơn điệu: đó là những lỗi lầm, đau buồn, mất mát, thất vọng... do tình yêu mang lại. Đây là một khía cạnh tiêu biểu tạo nên một "tông" giọng điệu riêng cho thơ tình Lưu Quang Vũ. Mà không chỉ với thơ tình, thơ Lưu Quang Vũ nói chung đầy những suy tư, dằn vặt, âu lo, thao thức: "Tâm hồn anh dằn vặt cuộc đời anh", "Anh xé lòng anh những đêm mất ngủ"... Mối tình đầu đẹp như mơ cùng tổ ấm gia đình tan vỡ là một thứ trái đắng, một cú sốc khiến cõi lòng anh đau đớn, nát tan. Hồi đó, anh còn rất trẻ, nhưng từ trong đổ vỡ, mất mát, anh tỉnh táo nhận ra những điều khác biệt mà trước đây, trong khi say sưa với tình yêu, con người ta không thể nhìn thấy:
"Hai ta không đi một ngả đường dài
Không chung khổ đau không cùng nhịp thở
Những gì em cần, anh chẳng có
Em không màng những ngọn gió anh trao"
Càng chua chát hơn khi phải đối mặt với những điều đơn giản đến trần trụi: "Thôi nhé em đi/ Như một cánh chim bay mất/ Phòng anh chẳng có gì ăn được/ Chim bay về những mái nhà vui"... Nhưng vết thương lòng dù đau xé cũng không phũ phàng xua đi những kỷ niệm tình yêu đã trở thành máu thịt, là một phần đời của anh. Lưu Quang Vũ rất biết trân trọng những cảm xúc đã thuộc về quá khứ với người con gái anh yêu, đó là một phép ứng xử cao thượng của người biết yêu và có văn hoá tình yêu:
"Anh làm sao quên được những con đường
Lá vàng rơi trên cỏ
Nhớ vai em chập chờn hoa gạo đỏ
Nhớ vầng trăng xẻ nửa lúc xa xôi"
Cùng với sự cảm thông, chia sẻ với người tình dù những điều phải nói ra là cay đắng: "Anh cũng thương em suốt đời trên sóng nước/ Cướp được tàu anh tưởng có ngọc vàng/ Ngờ đâu chỉ là ván nát sàn hoang/ Còn trơ lại hồn thơ tai ác quá...". Lưu Quang Vũ cũng rất thành thật bày tỏ những khát khao "đi hết ánh trăng này" để đến "một bờ bến khác" của tình yêu và cả những nông nổi của lòng mình. Tưởng có lúc anh đã dừng lại và bằng lòng với những gì có được từ tình yêu: "Không ôm được cả bầu trời lồng lộng/ Nhưng có thể cầm một chùm quả trên tay"; nhưng trong anh lại luôn tiềm ẩn một tiếng gọi thôi thúc, mạnh mẽ - những dấu hiệu của một tâm hồn không bình lặng, một "tâm hồn trở gió":
"Thương trái tim nhiều vất vả lo buồn
Trái tim lỡ yêu người trai phiêu bạt
Luôn mắc nợ những chuyến đi, những giấc mơ điên rồ
những ngọn lửa không có thật..."
Đó là lời "tự thú" cất lên không lâu trước trước ngày anh và Xuân Quỳnh dắt tay nhau đi về thế giới bên kia. Những câu thơ giúp chúng ta hiểu thêm rằng việc khám phá những nguồn mạch tâm tư trong một tâm hồn luôn luôn rộng mở và có nhiều xao động như Lưu Quang Vũ thật không dễ dàng. Tuy nhiên, nếu phải tìm một "mã" nghệ thuật tiêu biểu, một thông điệp tình yêu riêng của Lưu Quang Vũ gửi lại cho đời thì có lẽ đó là hình ảnh:
"Anh là con ong giữa trời lận đận
Trời đêm dài chẳng có một ngôi sao"
Những con ong xanh, vàng, nâu, trắng, đỏ - sự hoá thân đa dạng của chủ thể trữ tình - mê mải trong đêm sâu đi tìm hương thơm mật ngọt tình yêu. Đó là một bức không gian lạ trong thế giới tình yêu nhiều sắc màu của thơ Lưu Quang Vũ. Với anh, tình yêu là một sự kiếm tìm không ngơi nghỉ. Thơ tình của anh có đủ vị mặn, ngọt, chua, cay của một thân phận tình yêu nhiều nếm trải. Đó là những vần thơ đã và sẽ còn sống mãi với thời gian.
Qua ba tập thơ, Lưu Quang Vũ đã tạo lập được một thế giới nghệ thuật của riêng mình. Ở đó có một cái tôi trữ tình luôn luôn vận động với nhiều giai điệu cảm xúc, vừa rất đằm thắm, riêng tư, vừa nóng bỏng nhiệt hứng công dân, vừa yêu lại đau đời... Ở đó lung linh ẩn hiện những miền không - thời gian thấm đẫm chất thơ, ký ức và hoài niệm... và ở đó ẩn chứa lớp lớp ngôn từ giàu sắc màu hội hoạ, ấn tượng, gợi cảm nhưng cũng giàu chất suy tưởng... Nếu có gì cần bàn thêm thì có lẽ đó là khả năng làm thơ quá dễ dàng nên đôi khi rơi vào dễ dãi, là những ảnh hưởng chưa phai dấu ấn của một số nhà thơ mà anh yêu như Aragông, Xuân Diệu... Nhưng cả những điều đó cũng đã thuộc về quá khứ./
(Nguồn : Viện văn học )