Thơ Haiku

Ngôn ngữ thơ Haiku

Nguyễn Vũ Quỳnh Như (*)




nhat%20ban.jpg


Đặc trưng nổi bật của thơ haiku là tính ngắn gọn chỉ với 17 âm tiết. Từ chất liệu ngôn từ đến thi pháp mô tả đều rất cô đọng và giản dị, biểu hiện sắc thái cảm xúc khá lặng lẽ, không ồn ào, khép kín, mơ hồ. Cảm xúc của tác giả không thể hiện trực tiếp đến độc giả mà được nén chặt, che lấp cuộc vận động không ngừng của một thế giới tiềm ẩn đằng sau sự tĩnh lặng của ngôn từ được chắt lọc một cách sâu sắc và siêu việt nhất. Đó là cái đẹp diễn tả nội tâm một cách tinh tế đã làm cho haiku đạt tới tuyệt mỹ của nghệ thuật ngôn từ và cảm xúc, trở thành nghệ thuật sống mãi và tồn tại hơn 400 năm.

1. Chất liệu mô tả – “Haiku là danh từ”

Trong thơ haiku là vô số hình ảnh của các sự vật hiện tượng trong thiên nhiên vũ trụ như hoa, lá, chim, trăng, gió, tuyết....Vì thế danh từ được sử dụng nhiều nhất trong thơ haiku và trở thành chất liệu chủ lực để thể hiện (chứ không phải miêu tả) sự vật.
Danh từ là ngôn từ quan trọng của haiku đến mức danh từ được xem là chủ thể của ngôn từ haiku. Trong một bài haiku có thể xuất hiện hai hoặc ba danh từ hoặc nhiều hơn vì thế haiku còn được gọi “haiku là danh từ” (1). Về ngữ pháp, danh từ trong haiku vừa có thể trở thành chủ ngữ, cũng có thể đóng vai trò vị ngữ bổ nghĩa cho trợ từ và bổ ngữ. Sự miêu tả – cụ thể hoá các tín hiệu thẩm mỹ trong haiku được thể hiện thông qua danh từ là sự miêu tả mang tính biểu trưng, tĩnh lặng.
Về chất liệu, haiku chú trọng đến vật chất hữu hình (material) khác với cái gọi là tinh thần (spiritual) (2). Tinh thần trong haiku đã được hoà quyện bên trong sự vật hiện tượng “cái vô hạn trong hữu hạn, cử động trong bất động” theo thuyết thẩm mỹ Thiền tông (Zen). Trong Zen, chúng ta hiểu được rằng bên ngoài và bên trong không phải là hai, mà hoà quyện thành một (3). Cũng với tinh thần Thiền tông, haiku hướng chúng ta không chỉ biết nghe mà còn biết lắng nghe, không chỉ biết nhìn mà còn biết bắt gặp, biết cảm nhận, và quan trọng nhất là tính giản dị, sử dụng ít phương tiện nhất mà để lại ấn tượng sâu sắc nhất.
Danh từ sử dụng trong haiku bao gồm danh từ chung, danh từ riêng, danh từ tính từ, danh từ phức hợp, đại danh từ, danh từ số nhiều. Danh từ chung trong haiku rất phong phú bao gồm hoa, núi, tuyết, trăng, con người, trái tim, độ sâu, vẻ đẹp... Việc chăm chút lựa chọn một danh từ “thiện mỹ” đủ sức tạo nên âm điệu cho haiku trở nên rất quan trọng. Vì thế “sứ mệnh của các thi sĩ haiku là sáng tạo ra những danh từ thiện mỹ nhằm kiện toàn ngôn ngữ tiếng Nhật” (4).

山鳥の
yama dori no
Chim trĩ
尾を踏む春の
o wo fumu haru no
Trải đuôi
入日哉
iri hi kana
Xuân chiều tà.
(Yosa Buson)

Buson chỉ sử dụng một động từ fumu (trải dài, trải qua), nhưng đếnbốn danh từ yama (núi), tori (chim), o (đuôi), haru (mùa xuân), hi (ngày) trong đó yama-dori (chim núi) là từ ghép của hai danh từ chim và núi (chim trĩ, gà lôi), iri-hi là danh từ phức hợp được ghép giữa động từ iri (vào) và danh từ hi (ngày) với nghĩa mặt trời lặn, trời về chiều. Thậm chí có bài haiku không có một động từ hay tính từ nào.

花の雲
hana no kumo
Đám mây hoa
鐘は上野か
kane wa Ueno ka
Chuông chùa
浅草か
Asakusa ka
Từ Uneno hay Askakusa?
(Matsuo Basho)
Ẩn chứa trong trạng thái tĩnh của danh từ “đám mây hoa” là ẩn ý hoa rơi chất chồng, hay đằng sau hình ảnh “chuông chùa” là sự vận động của tiếng chuông văng vẳng đem lại nỗi nhớ nhung từ chùa Ueno hay chùa Asakusa tương tự như bài thơ dưới đây cũng chỉ toàn danh từ.
山桜
yama zakura
Hoa đào núi
雪嶺天に
setsu rei ten ni
Trên đỉnh tuyết
声もなし
koe mo nashi
Thinh không.
(Mizuhara Shuoshi)

Bài thơ không sử dụng tính từ để miêu tả sắc thái, trạng thái của sự vật như hoa tuyệt đẹp, tuyết trắng ngần mà thường sử dụng danh từ phức hợp như danh từ ghép giữa hai danh từ, giữa danh từ với động từ hoặc với tính từ hoặc trạng từ, danh từ có gốc động từ dưới dạng liên dụng của động từ, tính từ với tiếp vỹ ngữ như sa(さ), mi(み) để trở thành danh từ.

春雪や
shunsetsu ya
Tuyết xuân
胸の上なる
mune no ue naru
Dâng trào lồng ngực
夜の厚
yoru no atsumi
Dày đặc cả đêm.
(Hasomi Ayako)

Trong bài thơ trên, tính từ at-su-i (dày) đã thay tiếp vỹ ngữ i thành mi để trở thành chức năng của danh từ at-su-mi (độ dày, bề dày) nói về trạng thái của hiện tượng chứ không miêu tả hiện tượng.

枯れ枝に
kare eda ni
Trên cành khô
からすの泊まりけり
karasu no tomari keri
Quạ đậu
秋の暮れ
aki no kure
Chiều cuối thu.
(Matsuo Basho)

Trong tiếng Nhật quá khứ phân từ có thể sử dụng như danh từ. Quá khứ phân từ tomari từ động từ tomaru (đậu) trở thành chức năng của danh từ “chỗ đậu” lại được trợ từ keri bổ nghĩa để nhấn mạnh sự hoàn thiện ngữ nghĩa “quạ đậu mãi” mà không phải sử dụng động từ và trạng từ, tránh được lối miêu tả mang tính động nhằm bảo đảm tính thiền tĩnh lặng, động trong bất động.
Chất liệu miêu tả chủ yếu chỉ bằng danh từ trong haiku là nội lực vô song của tín hiệu thẩm mỹ của ngôn từ haiku, là sự cô đọng nhưng vẫn đạt hiệu quả tối đa của thi ca, đạt đến mức độ ẩn dấu vô song, thể hiện nét đẹp bên trong không phô trương.

2. Thi pháp mô tả: Sâu sắc tính giản lược

Một trong những thi pháp quan trọng của haiku là cú pháp giản lược để tăng hiệu quả cô đọng. Giản lược một cách hiệu quả các chất liệu miêu tả sẽ góp phần mang lại tính trầm mặc thần hồn cho haiku và cảm xúc sâu lắng nơi người đọc.
Ngôn từ trong thơ haiku phải được lựa chọn sao cho có thể tạo ra sự cộng hưởng cảm xúc chung đối với bất kỳ người đọc nào (5). Chỉ để muốn tả cảnh đẹp bên bờ sông ta bắt gặp bao nhiêu là chất liệu: bờ sông, cồn cát, dòng nước trôi, hàng cây ven bờ, mây xanh, gió thổi...rất rất nhiều chất liệu. Tất cả chất liệu đó không thể đưa vào trong một bài haiku vỏn vẹn chỉ 17 âm tiết, vậy chất liệu nào không cần đưa vào bài thơ, chất liệu nào phải bỏ mà vẫn tạo nên tính gợi, sức liên tưởng và cảm xúc cao độ nơi người đọc?Trong haiku có rất nhiều thủ pháp giản lược từ cách thể hiện cho đến ngôn từ...trong đó để đạt đến độ ẩn ý cao có thể kể đến các quy tắc cơ bản như sau:

2.1. Giản lược, kiềm chế cảm xúc cá nhân

Thơ haiku diễn tả không tràn trề màu sắc, nếu có thì chỉ là màu sắc ở độ không, ít mô tả chi tiết tác động trực tiếp vào giác quan như đậm màu như xanh lè, đỏ loét, sáng rực...hoặc tác động vào tình cảm như nỗi buồn, thương nhớ, rộn ràng, vui mừng. Thơ haiku chỉ gợi ở người đọc sự liên tưởng mạnh mẽ về một thế giới tiềm ẩn đằng sau lớp ngôn từ mang đầy tính tượng trưng, ước lệ.

行く春や
yuku haru ya
Mùa xuân trôi
鳥啼き魚の
tori naki uo no
Chim nức nở
目は涙 
me wa namida
Mắt cá đẫm lệ.
(Matsuo Basho)

Ẩn ý rất mạnh đọng lại qua hình ảnh của chim, cá đại diện cho cả vũ trụ xung quanh đầy nước mắt khi phải vẫy chào tạm biệt mùa xuân, trong đó có cảm xúc của chính tác giả đã được ẩn dấu và giản lược chứ không mô tả ra bên ngoài: Basho lưu luyến không nguôi khi phải chia tay với mọi người vào ngày rời quê và cảnh vật xung quanh cũng buồn đến rơi nước mắt. Đến đây ta có thể liên tưởng đến câu thơ của Nguyễn Du với một tâm trạng tương tự “Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ”.
Theo mỹ học Nhật Bản, haiku không mô tả trực tiếp như vẻ đẹp của mưa rơi, cảnh đẹp khi lá rụng, sao lấp lánh mỹ miều...mà mô tả sự vật hiện tượng ngay tại khoảnh khắc bắt gặp được và diễn tả chúng như chính chúng đang có. Dù rung động trước cảnh đẹp tuyệt trần của đảo Matsushima – nơi được xem là đẹp nhất của Nhật Bản, thi hào Basho cũng chỉ thốt lên bằng ngôn từ của chính quang cảnh đó, không lời miêu tả như không lời nào diễn tả được đến mức “thơ Basho mang đầy tính hướng nội và nếu xét theo chuẩn của phương Tây thì thơ Basho thiếu vắng cảm xúc cá nhân đến lạ kỳ”(6).

松島や
matsushima ya
Tùng Đảo
ああ松島や
aa matsushima ya
Ôi Tùng Đảo
松島や
matsushima ya
Tùng Đảo ơi.

松島や
matsushima ya
Tùng Đảo
鶴に身をかれ
tsuru no mi o kare
Chim đỗ quyên
ほととぎす
hototogisu
Khoác áo hạc vàng.
(Matsuo Basho)

Hoặc như Kobayashi Issa (1763 - 1827) một trong bốn đại thụ thi sĩ haiku của Nhật Bản, đã lặng lẽ thổn thức khi con gái qua đời:

露の世は
tsuyu no yo wa
Thế giới giọt sương
露の世ながら
tsuyu no yo nagara
Trong thế giới giọt sương
さりながら
sari nagara
Lìa xa!
(Kobayashi Issa)

Bài thơ là hình ảnh lấp lánh của những giọt sương hay đó chính là những giọt nước mắt rơi của tác giả khi đưa tiễn con gái lìa xa cõi trần. Cảm xúc thầm kín đau buồn của tác giảđã được thể hiện lặng lẽ khép kín phía sau những giọt sương.Một thế giới quá u buồn!

2.2. Giản lược từ mô tả

Mỗi từ được chắt lọc sử dụng trong haiku là một giá trị rất đắt, từ ít nhưng không khô khan, đem đến cho người đọc một bức tranh hoàn mỹ có cả thế giới thiên nhiên vũ trụ và cảm xúc thầm kín của người viết. Trong thơ haiku, những từ mô tả trạng thái như thế nào, màu gì, cảm xúc vui buồn nhớ nhung...đều được lược bỏ, chỉ lưu lại hình ảnh của sự vật. Cũng vì thế haiku còn được gọi là “văn học của hình ảnh” (8).

海暮れて
umi kurete
Biển chạng vạng
鴨の声
kamo no koe
Mờ nhạt
ほのかに白し 
honokani shiroshi
Tiếng ngan.
(Matsuo Basho)

Người đọc khó có thể nắm bắt được bối cảnh không gian và thời gian của tác giảđược miêu tả như thế nào. Dường như Basho đang nhận ra trời sập tối, và ngay khoảnh khắc đó vang vọng tiếng ngan cất lên. Basho dùng từ “mờ nhạt” để mô tả tiếng ngan hay khung cảnh trước mắt mờ nhạt vì trời đã sập tối và không còn nhìn thấy rõ được gì, hay chỉ nghe gì đó loáng thoáng và mường tượng đến hình ảnh trăng trắng của chú ngan. Nhưng chính nhờ hình ảnh cô đọng “tiếng ngan mờ nhạt” lại tạo nên hiệu quả trữ tình cho tác phẩm. Thông tin về không gian, tâm trạng, cảm xúc của tác giả đều được che dấu chỉ bật lên một cảm xúc u hoài khi bắt gặp khoảnh khắc thoáng nghe tiếng ngan. Bài thơ được đánh giá là có hiệu quả cao nhất về sự giản lược các chất liệu của thơ (9), tín hiệu thẩm mỹ được thể hiện thông qua các hình ảnh vật thể trong haiku mang đậm chất biểu trưng.
Mưa là hình ảnh rất thường thấy tronghaiku nhưng không miêu tả cụ thể mưa ào ào, mưa vũ bão hay mưa rơi tí tách... mà rất cô đọng.
鶏頭の
keitou no
Cơn mưa cuối Thu
黒きにそそぐ
kuroki ni sosogu
Rót màu đen sẫm
時雨かな
shigure kana 
Xuống hoa mào gà.
(Masaoka Shiki)
Bài thơ đã sử dụng hai quý ngữ “keitou” (hoa mào gà) và “shigure” (nhưng chủ đạo là “shigure”) (mưa rào cuối Thu – báo hiệu mùa Đông sắp đến). Nhưng “một màu đen sẫm” thật rất tinh tế khi mô tả những cánh hoa mào gà đang phải hứng chịu một cơn mưa rào nặng hạt đang ào ào xối xả. Và một lần nữa, âm thanh tiếng mưa rào sầm sập, ầm ầm được ẩn mình trong một khoảng lặng!

2.3. Giản lược các quan hệ từ

Giản lược các quan hệ từ hay cú pháp ngữ pháp để nâng cáo tính sáng tạo trong cách diễn đạt để nhằm nhấn mạnh về sự vật mà tác giả muốn nhắm đến, bên cạnh đó làm tăng giá trị biểu cảm và ngữ nghĩa mới cho tác phẩm. Trong haiku hay sử dụng các hình thức đảo từ, đảo ngữ, xáo trộn trật tự. Không có sự liên hệ ngữ nghĩa rành mạch giữa các con chữ, liên hệ tuyến tính bị lu mờ làm tăng thêm tính đa nghĩa, mơ hồ của tác phẩm. Quan hệ giữa các từ nhiều khi bị phá vỡ, khiến người đọc có cảm giác bài thơ như sự chơi chữ. Vì tính cô đọng, thơ haiku cũng buộc phải giản lược ngay cả những giới từ thuộc phạm trù ngữ pháp làm cho haiku thêm mơ hồ.
Trong một bài haiku chỉ có một chủ ngữ và vị ngữ giải thích cho chủ ngữ (10). Một cụm từ có khi là chủ ngữ, có khi có vai trò là vị ngữ đôi khi gây khó hiểu hoặc dễ hiểu lầm nhất là đối với những người mới bước chân vào thế giới haiku và chưa nắm bắt hết quy tắc ngôn ngữ của nó.
時島
hototogisu
Chim đỗ quyên
雲にぬれたる
kumo ni nuretaru
Bên cửa sổ ban mai
朝の窓
asa no mado
Thấm đẫm mây.
(Masaoka Shiki)
Hototogisu (chim đỗ vũ, đỗ quyên, chim cu) sống trên đồi và chỉ bay đến kinh đô vào tháng năm được tượng trưng cho mùa hè. Trong ngôn ngữ thi ca Nhật Bản, mây gợi sự liên tưởng đến cơn mưa. Cửa sổ ban sớm ướt đẫm mây liên tưởng đến cơn mưa đêm qua của mùa hè. Sự mơ hồ của bài thơ có thể dẫn đến cách liên tưởng cũng mơ hồ theo: Chủ ngữ của ‘Thấm đẫm mây” là chim quyên hay cửa sổ còn đẫm ướt mây? Nhưng tận cùng đằng sau hình ảnh cơn mưa mùa hè ban đêm này chính là nỗi buồn và cô đơn của tác giả - thông qua hình ảnh của chim đỗ quyên đang lạnh lẽo ướt sũng - chứ không chỉ miêu tả khoảnh khắc của đêm mưa mùa hè.
Rất nhiều bài thơ haiku sử dụng theo lối viết như vậy và dễ dẫn đến hiểu lầm như vậy nếu không phân tích kỹ về mặt ngữ pháp và biểu hiện ngôn ngữ thi ca của haiku.
稲妻や
inazuma ya
Trong chớp sáng
闇の方行く
yami no katayuku
Tiếng diệc
五位の声
go i no koe
Xuyên vào màn đêm.
(Matsuo Basho)


Có lẽ không ai ngoài tác giả hiểu được ngữ cảnh của bài thơ, nội tâm mà tác giả muốn thể hiện. Chỉ đơn giản là các hình ảnh xen lẫn âm thanh: tia chớp, bóng đêm và âm thanh của con diệc. Nếu không nắm bắt được cấu trúc ngôn từ của tiếng Nhật dễ dẫn đến những liên tưởng khác nhau: Là tiếng diệc xé vào không gian chứ không phải hình ảnh con diệc đang xuyên vào màn đêm.
Có thể nói đây cũng là một giá trị đích thực của thi ca: giá trị của thơ là nằm ngay trên văn bản, chứ không chỉ dựa trên bối cảnh xuất xứ của tác phẩm. Và hơn hết đó là sự cảm nhận vô hình vạn trạng từ người đọc. Một tác phẩm có thể sản sinh ra nhiều bài thơ khác dựa trên các tín hiệu thẩm mỹ mà người đọc nắm bắt được qua bài thơ. Giá trị của thơ haiku là khả năng gợi mở để người tiếp nhận có thể khai phá được giá trịtiềm ẩn đã được giản lược đằng sau cái hữu hình của ngôn từ. Vì thế giản lược còn được xem là cú pháp đặc trưng và là “sinh mệnh của haiku”.

Lời kết

Haiku đã tạo được hiệu quả thẩm mỹ cao nhất của cái đẹp không lời, chạm được đến cái tận cùng của hình ảnh ngoài hình ảnh, nghe được thanh âm của vô thanh, đọc được cảm xúc của những khoảng lặng, chuyển cái Tĩnh thành Động, biến cái không lời thành có lời, cái vô hình thành hữu hình, trừu tượng thành cụ thể đem đến cho người đọc một siêu cảm về thế giới xung quanh, một sự liên tưởng phong phú về vạn vật.

牛部屋に
ushi-beya ni
Trong chuồng bò
蚊の声よわし
ka no koe yowashi
Vo ve tiếng muỗi
秋の風
aki no kaze
Gió thu.
(Matsuo Basho)
Quá trình lựa chọn 17 âm tiết mang ngữ nghĩa sâu sắc cũng là lúc mang lại hơi thở sức sống, có tác dụng làm tăng thêm độ âm vang, tạo ra tính hư ảo không tưởng trong haiku. Chỉ một từ nhưng mở ra cả một thế giới truyền đạt vô cùng. Âm vang đọng lại của haiku chính là cái không nhìn thấy trên bề mặt chữ của haiku. Vì thế haiku còn được xem là “văn học của trầm mặc” (7).
Việc đề cao sự đối lập tương phản giữa VÔ CÙNG và HỮU HẠN trong thể hiện ngôn từ haiku là con đường dẫn đến Chân, Thiện, Mỹ trong haiku nói riêng và văn hóa Nhật Bản nói chung, là sân khấu Noh im lặng với ngôn ngữ của âm nhạc, là những bình hoa Ikebana phải ngắt bớt cành bớt lá chỉ điểm vài bông hoa tạo cảm giác cần phải lấp đầy những khoảng trống, là âm thanh của tiếng nước sôi khi rót vào chén trà trong khung cảnh u tịch của trà thất, thể hiện cảm thức thẩm mỹ trầm lắng mà dễ lan toả, lặng lẽ nhưng dễ lay thức hồn người, có thể thấu hiểu bản ý (本意 – hon i) của vạn vật.

ものいわず
mono iwazu
Thinh lặng
客と亭主と
kyaku to teishu to
Khách và chủ
白菊と
shira giku to
Và hoa cúc trắng.
(Oshima Ryota)


____________
(1) (4) (5) (7) (8) Hasegawa Kai, 現代俳句の鑑賞101 – Cảm thụ 101 haiku hiện đại, Shinshokan, Japan, 2004, tr.70; tr.71 ; tr.251 ; tr.192 ; tr.238. Kurahashi Youson, 俳句添削入門 – Nhập môn tu chỉnh haiku, Iizuka Shoten, Japan, 1998, tr.72.
(2) (6) Donald Keene - Kanaseki Hisao, 日本人の美意識 – Thẩm mỹ của người Nhật, Chuokoron Shinsha Inc, Japan, 1999, tr.222; tr.90.
(3) Shuichi Kato, Japan Spirit & Form – Hình thức và linh hồn của Nhật Bản, Charles E.Tuttle Publishing, Italy, 1994, tr.68.
(9) Haiku Gihyo Nyuumon Henshu Iinkai, 俳句技法入門 – Nhập môn thi pháp haiku, Iizuka Shoten, Japan, 2005, tr.194.
(10) Ishihara Yatsuka, 俳句文法入門 – Nhập môn ngữ pháp haiku, Iizuka Shoten, Japan, 2008, tr.66.


(*) ThS, Tổng Lãnh sự quán Nhật Bản tại TP.HCM
 
Sửa lần cuối bởi điều hành viên:
Thơ Haiku

o 0 o
1 . Thơ Haiku là gì ?

Haiku âm theo lối chữ Kanji ( gốc chữ Nho) là bài cú , có nghĩa là câu nói để trình bày . Chữ "hai" nghĩa là "bài" , trong tiếng Hán Việt có nghĩa "phường tuồng" , chữ "ku" là "cú" hay "câu". Haiku là loại thơ độc đáo , rất thịnh hành của Nhật Bản và là loại thơ ngắn nhất trên thế giới.

2 . Hình thức thơ Haiku

Một bài thơ theo thể thơ Haiku có ba dòng, dòng đầu và dòng cuối mỗi dòng có năm âm, ôm lấy
dòng giữa có bảy âm, có dạng 5-7-5, tổng cộng 17 âm. Tiếng Nhật Bản đa âm, nên mỗi dòng có thể có một, hai, ba chữ hay nhiều hơn. Haiku có biến thể là 5-7-6 hay 5-8-5, lên 18 âm trọn bài. Tiếng Việt đơn âm , nên mỗi chữ là một âm . Không cần vần điệu , nhưng thơ Haiku là sự kết hợp giữa màu sắc, âm thanh, tượng hình có chọn lọc. Thoạt nhìn chỉ là một bài thơ ngắn gọn, nhưng người thơ đã dẫn dắt chúng ta đi qua một khu vườn chữ nghĩa nhỏ hẹp để thênh thang bước vào một cõi tư duy vô cùng bát ngát, một chân trời sáng tạo rộng mở mà người đọc cần có một sự tưởng tượng dồi dào phong phú .
Ngày nay thơ Haiku thoáng hơn nhiều, không gò bó số chữ trong mỗi câu (tổng cộng trên dưới 17 âm hay chữ), không nhất thiết phải chấm, phết hoặc chấm phết tuỳ tiện (không cần phải ở cuối câu), không cần đặt tựa, không bắt buộc phải có từ của mùa . Chỉ giữ lại hình thức 3 câu , và được đưa vào những từ ngữ chải chuốt, những ẩn dụ của cái hữu hạn và vô hạn ...

3. Nội dung thơ Haiku

Về nội dung có luật cơ bản sau : không mô tả cảm xúc, chủ yếu ghi lại sự việc xảy ra trước mắt. Vì số chữ bị giới hạn trong 17 âm nên thơ Haiku thường chỉ diển tả một sự kiện xảy ra ngay lúc đó, ở thì hiện tại. Sự kiện này có thể liên kết hai ý nghĩ, hay hai ý tưởng khác nhau mà ít khi người ta nghĩ đến cùng một lúc.

Ôi những hạt sương ( sự kiện hiện tại)
Trân châu từng hạt (ý nghĩ thứ 1)
Hiện hình cố hương (ý nghĩ thứ 2)


Một bài Haiku Nhật luôn tuân thủ hai nguyên lý tối thiểu, đó là Mùa và Tính Tương Quan Hai Hình Ảnh.Trong thơ bắt buộc phải có “Kigo” (quý ngữ) nghĩa là từ miêu tả mùa ( không dùng từ xuân, hạ, thu, đông nhưng dùng các từ như hoa anh đào, cành khô, lá vàng ,tuyết trắng ... để chỉ các mùa), và diễn tả một hình ảnh lớn (vũ trụ) tương xứng với một hình ảnh nhỏ (đời thường).

Tiếng ve kêu râm ran ( tiếng ve kêu chỉ mùa hạ)
Như tan vào trong than trong đá
Ôi, sao tĩnh lặng quá!


lặng yên qua mấy từng không (hình ảnh vũ trụ)
lời ve (hình ảnh nhỏ)
gõ thấu vào lòng đá xanh.


Ðọc thơ Haiku, ta cảm được vị trí đứng ở ngoài sự kiện của tác giả. Tác giả dường như chỉ chia sẻ với người đọc một sự kiện đã quan sát được.

Cỏ hoang trong đồng ruộng
Dẫy xong bỏ tại chỗ
Phân bón!

Nhưng người đọc vẫn có thể nghiệm được tình cảm của tác giả, một tình cảm nhè nhẹ, bàng bạc trong cả bài thơ, nói lên niềm vui sống hay sự cô đơn, đôi khi cũng nêu ra điểm tác giả thắc mắc về cuộc đời của con người: ngắn ngủi, phù du, trước sự vĩnh hằng của thiên nhiên.

Thế giới này như giọt sương kia
Có lẽ là một giọt sương
Tuy nhiên, tuy nhiên...


Thơ có xu hướng gợi ý hay ám chỉ bóng gió nhẹ nhàng. Thông thường trong thơ đưa ra hai hình ảnh : một hình ảnh trừu tượng sống động và linh hoạt, một hình ảnh cụ thể ghi dấu thời gian và nơi chốn.

Trăng soi (hình ảnh trừu tượng)
Một bầy ốc nhỏ (hình ảnh cụ thể)
Khóc than đáy nồi (nơi chốn cụ thể)


Nhà thơ không giải thích hay luận về sự liên kết giữa hai hình ảnh nầy, chỉ diễn tả sự vật theo bản chất tự nhiên của nó . Người làm thơ phải tự đặt mình như một đứa trẻ lúc nào cũng có cảm giác bỡ ngỡ , lạ lùng khi tiếp xúc lần đầu tiên với ngoại giới . Một bài thơ Haiku hay là làm sống lại những gì đã chôn sâu trong ký ức và đưa ra những cảm giác sâu sắc, tế nhị, để tự nó khơi lại trí tưởng tượng và mơ ước của người đọc để người đọc tự suy diễn , cảm nhận .

Chim vân tước bay
Thở ra sương gió
Dẫm lướt từng mây


Thơ như một bài kệ, sàn lọc từng chữ, không dư mà cũng không thiếu, cốt sao nói đến chính cái đang là - "đương hạ tức thị". Nắm bắt thực tại ngay trong giây phút nẩy mầm, cái đang xảy ra lắm khi chuyên chở cả một vũ trụ thu gọn vào trong thời điểm đó, tiểu thế giới và đại thế giới hòa nhập vào nhau. Một diễn tiến trước mắt khiến ta liên tưởng đến một hiện tượng hay biến cố nào đó trong một kinh nghiệm sống của riêng mình . Kỷ xảo của thơ Haiku là giản lược tối đa chữ nghĩa trong thơ để vận dụng trí tưởng tượng nơi người đọc . Không có người làm thơ và kẻ đọc thơ, cả hai nhập làm một, đồng âm cộng hưởng trong niềm rung cảm với sự liên hệ rất tinh tế và hài hòa của đất trời.

4 . Thiền tính trong thơ Haiku

Thơ Thiền Nhật ban đầu cũng chịu ảnh hưởng từ Trung Hoa, nhưng đến thế kỷ thứ 17 thì thể thơ Haiku ra đời và phát triển mạnh vào thế kỷ thứ 19 . Người sáng lập loại thơ này là Thiền sư Matsuo Basho. Năm 1680, Matsuo Basho viết bài thơ Con ếch theo lối Haikai - một thể thơ mới (theo thời điểm bấy giờ) mở đường cho thể thơ Haiku. Các bài Haikai của Basho ngắn, gọn, súc tích từ chữ đến ý, cho thấy cái nhìn và thi tứ của nhà thơ. Những người ngưỡng mộ ông tập làm lối thơ này, và thể Haikai trở nên nghiêm trang, chín chắn hơn để dần trở thành thể Haiku, nói lên cái quan niệm và ghi lại sự rung động của nhà thơ.
Sau Basho, có ba nhà thơ lớn của Haiku lần lượt xuất hiện, hợp cùng Basho thành tứ trụ của Haiku Nhật Bản: Basho , Buson , Issa , Shiki .
Trong bài thơ sau đây của Basho :

Fu ru i ke ya Trong ao xưa
Ka e ru to bi ko mu Con ếch nhảy vào
Mi zu no o to Tiếng nước khua


Chỉ vài chữ : một ao nước, một con ếch nhảy , một tiếng nước khua động cũng diễn tả đầy đủ cảnh vật , không dông dài , nhưng luôn luôn đủ ý .Như vậy Haiku là một loại thơ thiền , một cách tập nhìn sự vật đơn giản , thuần khiết . Ðây là một quan hệ biện chứng giữa tĩnh và động như một công án, một tiếng chuông chiêu mộ thức tỉnh ngộ tính con người.
Thi nhân ghi lại những bức xúc của mình đối với sự biến chuyển trong khoảnh khắc của thiên nhiên đang xảy ra trước mặt. Vạn vật thì thường trôi nổi lững lờ đối với kẻ vô tình mà thật ra đang nói muôn triệu điều trong từng mỗi khắc giây. Người không thấy, người không nghe vì người không chịu nhìn, chịu nghe hay người không biết đấy thôi.
Haiku là một nghệ thuật tổng hợp tinh tế tuyệt vời giữa Phật giáo và Lão Giáo trong thế giới Thiền thi, giữa cụ thể và trừu tượng, giữa ẩn dụ và phân tích, giữa thiên nhiên vũ trụ và nội tâm con người . Vạn vật và vũ trụ đều có nguồn gốc từ Đạo, theo sự sinh hóa vô thường và kiếp người cũng chỉ là phù sinh hư ảo . Điều nói ra được thì hữu hạn, mà ý lại vô hạn . Ðiều mà thơ muốn mọi người lãnh hội chẳng phải là điều có thể nói được mà là những điều mà thơ chưa nói ra . Cái tiểu vương quốc của những con chữ gò bó chải chuốt bỗng vươn mình ảo hóa trở thành một vũ trụ siêu hình .Trong thơ Haiku có sự dung hợp giữa Thiền và Thơ, vì thơ biểu lộ tình cảm và thơ có thể tải đạo . Thơ Haiku đi từ một sự vật cụ thể thật nhỏ nhoi tầm thường để dẫn dắt người đọc đi vào cõi mênh mông bát ngát không hình tượng , như một thiền sư đã nói : "Gom góp tất cả lời nói để hoàn thành một câu, vò cả đại thiên thế giới thành một hạt bụi" . Nhà thơ William Blake cũng có nói : “Cả vũ trụ trong một hạt cát (a world in a grain of sand)”.

"Từ trong hạt bụi ngu ngơ ấy
Mưa nắng vô thường sây sát nhau ."

Ðể cuối cùng người thơ đốn ngộ được :

"Từ trong hạt cát hằng sa đó
Vũ trụ Chân Như sáng nhiệm mầu ."


5. Mùa trong thơ Haiku

Phần lớn thơ Haiku của các thi sĩ Nhật Bản nói về bốn mùa xuân, hạ, thu, đông , tuy không nêu ra hẳn tên mùa trong năm. Họ thường dùng những chữ liên quan đến mùa xuân, như “tan tuyết,” lúc “hoa mận nở, hoa đào nở,” hoặc đến lúc “ngỗng trời quay về.” Về mùa thu, họ hay tả “đêm thanh, trời vằng vặc đầy sao,” lúc “bóng nai thoáng qua rừng,” hay là “chuồn chuồn bay chập chờn,” khi người ta “gặt lúa.” Mùa hè có “muỗi,” có tiếng “ve ra rả,” hoặc tiếng “quạt,” hay tiếng “suối róc rách.” Mùa đông không tránh được cảnh “tuyết rơi” trong hay ven “rừng thông,” “gấu,” hay là tiếng củi hoặc than nổ tí tách trong “lò sưởi.” Và hình như các tác giả Haiku người Nhật không bao giờ nói đến lũ lụt, động đất, bệnh tật ... những cái không tốt của thiên nhiên.
Miura Chora diễn tả mùa hạ đang reo trên muôn ngàn nhánh cây, với lá xanh thắm sáng rực trong nắng vàng :

Vàng phai
cùng với ngàn xanh
nghe ngày tháng cũ theo quanh nẻo về.

Một bài Haiku khác của Yosa Buson ghi lại sự liên tưởng của ông giữa lá non và thác đổ. Hãy tưởng tượng đến vào một buổi trưa nào đó lúc mới đầu hè, xuân đã qua nhưng lá vẫn còn đang trong thời kỳ nẩy nở, trời chưa nóng lắm. Nhìn nụ xanh Buson mường tượng đến nguồn nước đã nuôi nấng cỏ cây, tắm mát con người trong tháng hạ. Ngay lúc đó, sự liên tưởng đến nước khiến ông nghe văng vẳng tiếng thác đổ gần đâu đó. Nước thác vẫn rơi đều nơi chốn ấy tự ngàn xưa nhưng hình như đối với Buson cho đến giây phút này ông mới vừa nghe hoặc nghe tiếng thác rõ hơn. Đây chỉ là một trong nhiều cách diễn dịch:
ụ non lá nhú lên mầm
thác reo
nghe thoảng xa gần đâu đây.

Mùa hạ thì có tiếng ve kêu như được đá hấp thụ và người đọc cảm thấy không gian xung quanh thật tĩnh lặng:

Tiếng ve kêu râm ran
Như tan vào trong than trong đá
Ôi, sao tĩnh lặng quá!

Mùa thu khi ăn được một quả hồng thì cảm thấy như nghe được tiếng đại hồng chung của chùa Horiu:

Ta ăn một quả hồng
Vọng đâu tiếng chuông đồng Hô-riu
Lòng phấn chấn phiêu diêu!!!


6 . Hình ảnh mẹ trong thơ Haiku

Ngoài những đề tài về thiên nhiên, Haiku còn có đề tài về mẹ. Hình ảnh nầy thường thấy ở trong thơ Issa và Basho. Mẹ là thơ. Mẹ và thơ mãi khắn khít nhau như hình với bóng. Hình ảnh mẹ càng cần cù, mộc mạc bao nhiêu lại càng nên thơ bấy nhiêu. Trong ngôn ngữ thi ca của thế giới, dân tộc nào cũng có những vần thơ chứa chan tình mẹ. Mẹ hiển hiện trên đường về, trên từng ngõ hồn sâu kín. Mẹ là chất liệu kết tinh của tất cả những thiên anh hùng ca, những đại sử thi, những trường thiên tình sử và cả trong những vần thơ Haiku đơn sơ, thâm thúy Hình ảnh mẹ trong thơ Haiku lại càng bát ngát, phiêu diêu hơn bao giờ hết:

Đến đây nào, với tôi
cùng chơi đùa chim sẻ
không còn mẹ trên đời.

Issa

Mẹ yêu ơi !
mỗi khi nhìn thấy biển
khi thấy biển khơi.

Issa

Tóc mẹ còn đây
tan trong lệ nóng
sương mùa thu bay.

Issa

7. Hoa trong thơ Haiku

Qua bài "Cánh hoa anh đào muôn thuở" Busho đề cập đến vấn đề vô thường:

Nhiều chuyện
làm nhớ lại
Hoa anh đào

Hoa anh đào đối với người Nhật có ý nghĩa đặc biệt, nhìn hoa anh đào khiến người ta chợt nhớ bao mùa hoa anh đào trong quá khứ. Còn nói theo ngôn ngữ nhà Phật, hoa anh đào là biểu tượng của sự vô thường trong cuộc đời.
Một bài thơ Haiku khác nói lên hình ảnh của một loài hoa mong manh, mang kiếp sống phù du, giữa màn đêm sương khói huyền ảo, âm thầm lặng lẽ hé nở những cánh mỏng lụa là, như đem sức sống cuộn trào vào từng hơi thở của người thưởng ngoạn, phải chăng đó là một niềm hy vọng bí ẩn, khó hiểu của một loài hoa kiều diễm mang tên Nữ Hoàng Đêm . Người thơ hình như đã nhập thân vào loài hoa khêu gợi đó, để từ đó chiêm nghiệm được quá trình nở hoa " sinh sinh hoá hóa" từ bên trong : khởi đầu một cành cây trơ … đến một cái gì nhu nhú dưới phiến lá …. rồi xuất hiện một nụ trắng ngà … từ đó nụ tung cánh bung xòe ra… và cuối cùng là hoa mãn khai toàn vẹn với những cánh xinh xắn nõn nà tỏa hương thơm ngan ngát …

Nữ Hoàng Đêm mảnh khảnh
Trong âm thầm hé nụ phô hoa
Niềm tin yêu huyền bí

Với màu sắc trắng nhợt nhạt biểu tượng cho sự ngây thơ khờ dại, loài hoa đêm lộng lẫy khát khao nầy đang chờ đợi khai hoa nở nhụy…. đâu biết rằng kiếp sống tạm bợ ngắn ngủi đó sẽ đến hồi chấm dứt khi bình minh chợt sáng, chẳng khác gì bóng câu qua cửa sổ, giọt sương hư ảo trên cành … Những thi ảnh trữ tình, những biểu tượng thâm thúy, những tín hiệu bàng hoàng đã thu hút và dẫn dắt tâm tư người đọc vào một thế giới cao siêu để tự suy niệm về kiếp nhân sinh của con người quanh quẩn trong cuộc sống phù trầm đầy oan khiên nghiệp chướng nầy .

Cánh hoa mềm êm ái
Thơm ngát, cầm mình giữa bụi gai
Trước bình minh chịu chết

Nắng đã lên , những giọt sương mai lãng đãng, đang vắt vẻo trên nhành cây đọt lá . Những cánh hoa tàn úa đang rơi rụng . Một loài hoa đã chết và một ngày mới bắt đầu . Những hình ảnh của loài hoa mờ ảo đó , không sôi động mà vẫn lặng lẽ ẩn mật trong tâm cảm và tư duy của người thưởng ngoạn , để rồi đem lại những cảm giác lạ lẫm đột nhiên bỡ ngỡ, bàng hoàng, sững sốt giữa níu kéo và hoài nghi …

" Ta ngỡ mất mà chưa đành đánh mất
Bởi mùi hương ngự trị cánh hoa tàn ….."

Một bài thơ Haiku, một bông hoa quỳnh nở rồi tàn, một kiếp phù sinh, một giấc mộng hoàng lương…

" Phù bào khoảnh khắc vòng sinh diệt
Sớm nở đêm tàn tựa kiếp hoa…"

Cái sân khấu tuồng đời đầy hỷ nộ ái ố, tham sân si đã hạ màn theo những cánh hoa tàn ,để lại ngơ ngẩn , bần thần và luyến tiếc …

(Sưu tầm)
 
THƠ HAIKU

QJURCFRV1S_HaiKu.jpg


VanVn.Net

- Mặc dù là nước vinh dự có tiểu thuyết sớm nhất trên thế giới (Truyện Genji thế kỉ XI), song nhìn vào lịch sử văn học Nhật Bản, thơ vẫn chiếm vị trí áp đảo về cả số lượng và chất lượng nghệ thuật. Có thể nói, văn học Nhật Bản từ cổ đại đến thời Minh Trị, thơ chiếm vị trí chủ đạo…
Người dân xứ sở hoa anh đào thường tự hào đất nước mình là một “thi quốc”. Trong các thể thơ truyền thống Nhật Bản, tanka và haiku tiêu biểu hơn cả. Cả hai thể thơ này đều ngắn, cô đọng và gắn với mỹ học Nhật Bản: yêu cái nhỏ bé, kiệm lời, những khoảng trống vô ngôn… Trong đó, haiku là kết tinh của tư duy nghệ thuật và vẻ đẹp văn hóa đất nước Phù Tang.

1. Nguồn gốc haiku

Haiku là thể thơ phái sinh từ tanka. Tanka là thể thơ tiêu biểu nhất của waka - tên gọi chung của thơ viết bằng tiếng Nhật để phân biệt với Hán thi, nên về sau, người ta dùng từ tanka đồng nhất với waka. Bài thơ theo thể tanka có 31 âm tiết, chia thành 5 dòng theo nhịp phách 5-7-5-7-7. Từ thế kỷ XIV - XV, khi tanka bắt đầu có dấu hiệu đi xuống, trên thi đàn Nhật Bản xuất hiện thể renga (liên ca). Renga cũng có nhịp phách 5-7-5-7-7 như tanka nhưng tách thành hai phần 5-7-5 và 7-7 rõ rệt, số lượng câu không hạn chế. Thực chất, renga là trò chơi nối thơ của các nhà thơ tanka. Trong bài renga liên hoàn, khổ đầu được gọi là hokku (phát cú) và quy chiếu theo mùa trong năm. Sang thế kỉ XVI, công chúng yêu thơ Nhật Bản rất thích trò chơi nối thơ nên renga trở nên phổ biến và bình dân hơn, thậm chí có nhiều bài renga được làm với mục đích hài hước, châm chọc gọi là haikai. Phần đầu hokku của bài renga là tiền thân của thơ haiku. Như vậy, haiku có nguồn gốc từ tanka, renga. Lúc đầu có tên là haikai (đến thế kỉ XIX mới có tên gọi haiku).
Mặc dù khó có thể xác định được thời điểm ra đời chính xác, song haiku rất thịnh hành vào thế kỉ XVII và phát triển mạnh trong thời Edo (1603 - 1867). Vào thời kì này, haiku đã dần mất đi sắc thái hóm hỉnh, trào lộng nguyên thủy và thay vào đó là âm hưởng bàng bạc, sâu thẳm của Thiền tông. Haiku phiên âm theo lối chữ Kanji (Hán tự) là bài cú, có nghĩa là câu nói để trình bày.

2. Nội dung và hình thức nghệ thuật thơ haiku

Haiku là thể thơ ngắn nhất thế giới, mỗi bài thường chỉ có 17 âm tiết (có thể ngắn hoặc dài hơn một vài âm tiết). Trong nguyên bản tiếng Nhật, 17 âm tiết này thường được viết thành một dòng nhưng khi phiên âm la-tinh lại ngắt thành 3 dòng 5-7-5. Haiku cổ điển có niêm luật chặt chẽ. Một bài thơ haiku phải thể hiện được cảm thức về thời gian qua quý ngữ (kigo). Quý ngữ có thể là từ miêu tả các mùa xuân, hạ, thu, đông hoặc là các hình ảnh, hoạt động mang đặc trưng của mùa. Việc dùng quý ngữ chỉ mùa thể hiện sự gắn bó sâu sắc của người Nhật với thiên nhiên. Người Phù Tang rất nhạy cảm với bốn mùa, có cảm quan tinh tế về thời tiết, nhất là sự thay đổi của thiên nhiên. Tuy vậy, thiên nhiên trong thơ haiku thường là những cảnh vật bình dị, nhỏ bé, tầm thường và dễ bị lãng quên như chú ếch, con quạ, chú khỉ nhỏ bé, chim đỗ quyên, tiếng ve, đóa hoa dại nở bên bờ suối, hòn đá… Hai đề tài nổi bật của haiku là thiên nhiên và cuộc sống đời thường.
Về phương thức biểu hiện, do một bài thơ chỉ gồm 17 âm tiết nên các thi sĩ haiku thường bắt đầu từ những điểm nhìn đơn lẻ, chớp lấy một khoảnh khắc có thần của thực tại, đẩy lên đỉnh điểm của cảm xúc và sáng tạo theo nguyên lý mùa và tính tương quan hình ảnh. Trong một bài thơ haiku thường có một hình ảnh lớn (vũ trụ) tương xứng với một hình ảnh nhỏ (đời thường). Haiku không mô tả cảm xúc mà chủ yếu ghi lại sự việc xảy ra trước mắt. Nhà thơ ít dùng tính từ và trạng từ làm hạn chế sự tưởng tượng của người đọc, vì thế, haiku rất giàu sức gợi. Ở thơ haiku, ta bắt gặp bút pháp của tranh thủy mặc, thiên về thần thái hơn là đường nét. Kết cấu bỏ lửng của thơ haiku chính là cái hư không bảng lảng khó nắm bắt của tinh thần Thiền tông.

3. Cảm thức thẩm mỹ của thơ haiku


Từ một thể thơ được làm với mục đích hài hước, bông lơn, đùa vui, về sau, do ảnh hưởng của tư tưởng Thiền tông, thơ haiku thể hiện những cảm thức thẩm mỹ khác nhau. Những cảm thức thẩm mỹ này thể hiện cái nhìn của các thi sĩ haiku về thiên nhiên và con người mang đậm màu sắc Thiền tông. Thơ haiku đề cao những cảm thức thẩm mỹ tinh tế như cái vắng lặng (sabi), đơn sơ (wabi), buồn thương (aware), nhẹ nhàng (karumi), u huyền (yùgen), …
Sabi (tịch) là cảm thức về sự tĩnh mịch sâu xa của sự vật, tự chúng bộc lộ những điều kỳ diệu, như trong một không gian vắng lặng, tiếng ve như thấm sâu vào đá: Vắng lặng u trầm/ thấm sâu vào đá/ tiếng ve ngâm (Basho). Nếu cảm thức sabi là tâm điểm gắn với tư tưởng Thiền tông thì wabi (đà) lại gần gũi với các sự vật bình thường hơn. Đó là những cảm nhận lắng đọng về những thứ nhỏ nhoi, mong manh như con ốc nhỏ, một chiếc lá rơi, một giọt sương mai… Cảm thức aware (bi ai) là niềm bi cảm, xao xuyến trước mọi vẻ đẹp buồn thương của sự vật. Tuy nhiên, đó không phải là cái bi lụy, bi tráng mà aware là một niềm bi cảm thâm trầm, đẹp và buồn như trong bài thơ: Trên cành khô/ quạ đậu/ chiều thu (Basho). Karumi (khinh) bắt nguồn từ chữ karushi, nghĩa là nhẹ nhàng, thanh thoát. Karumi thể hiện phong thái ung dung, tự tại của thi sĩ. Thi sĩ haiku thường cảm nhận và biểu đạt được vẻ đẹp của con người và sự vật bé nhỏ tưởng chừng như bị quên lãng. Phát hiện từ trong những vật bình thường, cái đẹp bình dị, đơn sơ là một cảm thức mang tính karumi. Karumi thường mang đến cho người đọc những phút giây bình yên trước những cảm nhận về đời thường: Từ phương trời xa/ cánh hoa đào lả tả/ gợn sóng hồ Bi-wa (Basho).
Từ cảm thức về sự cô tịch (sabi), nhận ra cái đẹp ở sự bình dị, thân thuộc (wabi) và thể hiện sự nhẹ nhàng thanh thoát, ung dung, tự tại (karumi) đến vẻ đẹp buồn (aware), haiku đã thể hiện những sắc thái thẩm mỹ mang dấu ấn Thiền tông và văn hóa Phù Tang.

4. Các thi sĩ lỗi lạc

Ở xứ sở mặt trời mọc, tên tuổi của nhiều nhà thơ gắn với haiku. Nhắc đến haiku cổ điển Nhật Bản, người ta không thể không điểm danh các tác giả nổi tiếng là Matsuo Basho (1644 - 1694), Yosa Buson (1716 - 1784), Kobayashi Issa (1763 - 1827), Masaoka Shiki (1867 - 1902)… Trong đó, hai thi nhân có nhiều đóng góp quan trọng đưa haiku trở thành một thể thơ có địa vị trang trọng trong lịch sử văn học Nhật Bản là Matsuo Basho và Masaoka Shiki.
Basho là người có công đưa haiku từ một thể loại được làm ra với mục đích hài hước, bông lơn thành sang trọng. Haiku qua sự sáng tạo của Basho trở thành một hình thức thơ đầy tính triết lý, thể hiện những suy tư, chiêm nghiệm về kiếp sống cô đơn trong cõi người. Người ta thường nhắc đến bài thơ kinh điển Ao cũ/ con ếch nhảy vào/ vang tiếng nước xao của ông. Bài thơ có vẻ đẹp đơn sơ của sự vật “ao cũ”, lấy động tả tĩnh, chú ý quan sát sinh vật nhỏ bé “con ếch”. Kigo ở đây là con ếch, tức mùa xuân. Âm thanh tiếng nước mà con ếch của Basho khuấy động còn mãi âm vang trong hồn người bao thế hệ.Những bài thơ haiku của Basho, nhất là trong tập Con đường sâu thẳm được xem là khúc giao hưởng của một tâm hồn đang hoà nhập với thế giới. Con đường sâu thẳm là cuộc hành trình về với thiên nhiên vũ trụ tinh khiết. Chúng ta hãy thưởng thức những bài thơ giàu sức ám gợi như thế này: Mưa mù sương/ phù dung một đoá/ làm mùa lên hương. Chủ đề xuyên suốt trong Con đường sâu thẳm là cuộc hành trình đi tìm cái Đẹp trong thiên nhiên ở miền Bắc xa xôi và xa hơn là trong thế giới tinh thần con người.
Nếu Basho đã làm cho haiku trở nên sang trọng thì Shiki lại là người có nhiều cách tân để haiku có thể mở rộng biên giới biểu đạt. Masaoka Shiki là một trong những người tiên phong trong công cuộc cách tân thơ haiku thời kỳ cận đại. Thơ haiku của Shiki được cách tân cả về hình thức lẫn nội dung. Ông mang đến cho haiku quan niệm nghệ thuật mới: shasei (tả sinh/ tả thực), nên có thể nói, hầu hết thơ haiku tân thời đều được khởi nguồn từ ông. Shiki đề xuất haiku không có từ chỉ mùa (không kigo), thay vào đó, là kidai-me (đề tài về mùa).
Ngoài ra, Shiki còn phê phán sự hạn chế trong hạn định số âm từ của haiku, thi sĩ cho rằng sự ngắn gọn sẽ dẫn haiku đến chỗ thoái trào. Vì vậy, bước vào thời kỳ hiện đại, cấu trúc truyền thống 5 -7- 5 của haiku bị lung lay phá vỡ, các nhà cách tân cổ súy cho haiku mang luật tự do (riyu-ritsu). Tuy nhiên, cũng cần nói thêm, Basho đã từng có một số bài haiku bất quy tắc với cấu trúc 5- 9 -5. Shiki còn là người đã có công đưa hokku độc lập với haikai và có tên gọi haiku như ngày nay. Thơ Shiki có kết hợp hai yếu tố trái ngược nhau - hiện thực và tưởng tượng, thế giới khách quan và chủ quan - nên gần gũi với cuộc sống như: Cây chất chồng/ ánh hừng đông/ len vào ô cửa nhỏ và Dưới chân núi nhỏ Fuji/ tiếng gà gáy/ và cánh hoa đào.
Bên cạnh hai tên tuổi đó,Buson được mệnh danh là thi sĩ của mùa xuân. Thơ ông tinh tế, thấm đẫm chất trữ tình và tràn đầy xúc cảm. Vì còn là một danh họa nên thơ Buson nhiều màu sắc, tạo ấn tượng thị giác đặc biệt: Trong giông bão/ áo rơm người chèo chống/ hóa áo hoa đào. Hoa đào trong giông bão bám vào áo rơm của người chèo thuyền làm chiếc áo rơm đơn sơ đẹp đến lạ thường.
Issa là nhà thơ có cuộc đời chịu nhiều đau thương, mất mát (mất mẹ từ lúc 3 tuổi, bốn người con của ông đều chết yểu) nên thơ ông thường buồn. Nhớ về người con gái yểu mệnh, ông viết: Gió mùa thu/ làm sao em bé hái/ hoa tím bây giờ? Thơ Issa còn viết về sinh vật nhỏ bé như chim sẻ, dế, bươm bướm với cái nhìn thân thương trìu mến.
Tiếp nối tiền nhân, ngày nay ở Nhật Bản nhiều thi sĩ vẫn tiếp tục sáng tác thơ haiku. Tuy nhiên, haiku hiện đại đã thoáng hơn nhiều, không còn gò bó số chữ trong mỗi câu, không nhất thiết phải chấm phẩy hoặc có thể chấm phẩy tuỳ ý (không nhất thiết phải ở cuối câu), không cần đặt tựa, không bắt buộc phải có quý ngữ chỉ mùa - gọi là haiku vô mùa… Dù cách tân đến đâu, haiku vẫn giữ hình thức ba dòng, ngôn từ giàu sức gợi, có khoảng trống chân không cho người đọc suy ngẫm... Bài thơ Ở một kiếp nào/ tôi là con cá voi/ cô đơn của Masaki Yuko và Từ tương lai/ cơn gió tới/ rẽ đôi ngọn thác của Natsuishi Banya được đánh giá là hai thi phẩm xuất sắc của haiku đương đại. Ta cảm nhận được sự sống luân hồi vượt ra khỏi không gian, thời gian trong bài thơ của Yuko và cảm giác mạnh mẽ trong thơ Banya. Rõ ràng, haiku hiện đại đã mở rộng biên giới biểu đạt, thoát khỏi cảm giác tĩnh lặng, u buồn của mỹ học Nhật Bản truyền thống.

5. Haiku từ Nhật Bản ra thế giới

Haiku được giới thiệu lần đầu sang phương Tây là từ công trình Japanese Poetry, (Thơ ca Nhật Bản) năm 1910 của H. Chamberlain. Nhưng bước sang nửa cuối thế kỉ XX, thơ haiku mới được biết đến rộng rãi hơn trên thế giới nhờ những công trình nghiên cứu của Henderson (Hài cú nhập môn), các tuyển tập haiku của R.H.Blyth… Người phương Tây ngợi ca haiku là soul poetry, spirit poetry (thơ tâm hồn). Từ đây, thơ haiku ngày càng được yêu quý và phong trào sáng tác thơ haiku phổ biến ở các nước nói tiếng Anh, Pháp, Nga… Dù vẫn tuân thủ hình thức của thơ haiku nhưng các nhà thơ đã đưa vào haiku những chiêm nghiệm thời hiện tại. Ngày nay, người ta không ngần ngại đưa nhục cảm - dục tính vào thơ haiku. Trong khi, trước đó, tình yêu không phải là chủ đề chính của thơ haiku và Basho, Buson, Issa không phải là những nhà thơ tình. Tuy là Erotic-haiku (haiku gợi tình) nhưng vẫn rất trong sáng và giàu sức gợi như Bài ca chim sẻ của Anita Virgil: Đang giữ anh/ bên trong em nồng ấm/ tiếng chim sẻ vang lừng; hay Cơ thể nàng/ uốn cong trên tràng kỉ/ nụ cười của B.W.
Ở Việt Nam, thơ haiku chưa thực sự phổ biến. Trước đây, chỉ những người có niềm yêu thích đặc biệt với văn hóa Phù Tang mới say mê haiku và sáng tác theo thể thơ này. Hiện tại, haiku đã được biết đến nhiều hơn. Nhiều nhà thơ đã cho ra đời những tập thơ haiku Việt như: Chuồn chuồn nghiêng cánh (Thiên Bảo), Bài ca đom đóm (Trần Nguyên Thạch), Cúc rộ mùa hoa (Đông Tùng), Tươi mãi với thời gian (Lưu Đức Trung), Mắt lá (Huyền Tri)… Bài thơ Bài ca đom đóm của Trần Nguyên Thạch thật ấn tượng: Đêm hè vắng/ cậu bé chân trần chơi cùng đom đóm/ ánh sáng nở đầy tay.
Băng qua hàng vạn dặm không gian, hàng thế kỉ thời gian, haiku ngày nay không chỉ là “quốc hồn” “quốc túy” của Nhật Bản mà còn là một thể thơ mang tính quốc tế. Vượt qua những rào cản về ngôn ngữ, văn hóa, haiku đã chạm đến vỉa tầng sâu kín nhất trong hồn người, bởi cuộc sống hiện đại dù ồn ào, náo nhiệt đến đâu đi chăng nữa con người ta cũng cần những khoảng lặng, những thời khắc bình yên. Và thơ haiku đã “gợi nhắc ta nhớ lại nhịp rung của vũ trụ vô hình mà chúng ta thường lãng quên” (Hoa đạo, G.Ohsawa)
 
Sửa lần cuối bởi điều hành viên:
Basho và những dòng thơ phiêu lãng

Thơ tức là tình. Ðối trước cảnh sinh tình, người làm thơ trút vào những dòng chữ cô đọng những cảm xúc tràn dâng, chuyển tải lại phần nào tâm tình đó đến người đọc.

Haiku là một thể thơ đặc biệt ngắn gọn, xuất phát tự nhiên như tiếng nói từ tâm đối cảnh trong khoảnh khắc của ngay lúc đó, trong đó thời gian và không gian cô đọng lại như khung cảnh hiện thực của một bức ảnh, vì thế thơ Haiku hàm chứa nhiều nét thi vị Thiền . Nói đến haiku không thể nào không nhắc đến Matsuo Basho, người được xem như vị Tổ của thơ Haiku. Với Matsuo Basho, thơ Haiku đã được xử dụng đến mức tuyệt vời , ý thơ của ông thanh thoát, bàng bạc những ảnh hưởng sâu xa của đạo Phật, như thơ của một vị thiền sư, nhưng những tình cảm bộc lộ tự nhiên trong đó cũng thật gần gũi với một con người bình thường đang bị cuốn hút trong giòng đời nổi trôi. Bài thơ nổi tiếng nhất thật ngắn gọn nhưng cũng hàm chứa bao ý nghĩa sâu xa trong đó:



Ao xưa
Con cóc nhẩy vào
Tiếng nước xôn xao!

Ðể hiểu thơ của một tác giả cần biết về cuộc đời của tác giả đó cũng như bối cảnh xã hội. Nói đến những ảnh hưởng trong cuộc đời Basho, có lẽ biến cố lớn nhất ảnh hưởng đến toàn cuộc đời của Basho là cái chết đột ngột của người chủ trẻ, cũng là người bạn tâm giao, người xướng họa thơ với ông từ thời còn rất trẻ. Số phận trở thành một samurai gia truyền tưởng chừng như an bài đã tan vỡ theo cái chết của người chủ ấy, và đồng thời cũng để lại một vết hằn đen tối khó quên. Tâm hồn khắc khoải của ông đi tìm giải thoát trong Phật đạo, trong Thiền, nhưng Thơ mới là lối thoát, là đường đi ông chọn trong cuộc đời, bởi vì Thơ là nguồn cảm hứng, là một nhu cầu thiết yếu như sự sống cần hơi thở. Thơ đã trở thành Ðạo, là “con đường tao nhã” mà ông ưa thích. Như ông đã nói trong bút ký “Tập ký sự trong tay nải:”

“Trong tấm thân tạm bợ này với hàng trăm mảnh xương và chín cái lỗ có một phần tâm linh , mà vì không biết gọi tên gì cho thích hợp, nên tôi nghĩ đến nó như là gió cuốn vậy . Nó mơ hồ như một tấm thảm mong manh , chỉ một cơn gió thoảng có thể làm cho rách tan rồi bị thổi bay đi . Nó đã làm tôi phải viết lên những vần thơ từ bao nhiêu năm qua, đầu tiên là để tự thỏa mãn mình, nhưng dần dà đã trở thành một lối sống”.

Nhưng ngay cả khi đã làm được những gì muốn làm và thành công rực rỡ trong sự nghiệp, Basho cũng không tìm thấy sự bình an trong đời sống yên ấm ở mái nhà tranh nhỏ bé có cây chuối trồng đàng trước, được gọi là am Basho (có nghĩa là cây chuối), mà sau này ông lấy đó làm bút hiệu. Basho thích cây chuối vì ông cảm thấy có gì gần gũi với nó trong dáng đứng chơ vơ lạc loài, tầu lá tỏa lớn rộng xanh mướt nhưng cũng thật mong manh dễ rách theo những cơn gió thoảng, và những đóa hoa nhỏ bé trông cô đơn như hiểu rõ sự vô dụng không sinh trái được trong phong thổ xứ lạ.


basho-content.jpg

Basho nowaki shite

Tarai ni ame o

Kiku yo kana

Cây chuối trong mùa thu
Gió bão – ta nghe mưa nhỏ giọt
Xuống vũng nước đêm đen

Con tim khắc khoải mãi mãi đi tìm sự bình an cho tâm hồn, ông muốn thoát đi thật xa tìm nguồn thi hứng, “theo gương những thiền sưngày xưa đã đi hàng ngàn dặm không mang gì theo chỉ cố gắng đạt được trạng thái hạnh phúc dưới ánh trăng trong sáng”. Tâm hồn lãng tử của Basho lúc nào cũng thôi thúc ông dấn bước trong những cuộc hành trình gian nan như người đi tìm Ðạo, dù có phải đối diện với cái chết dọc đường. Ðó là lý do của tên gọi “Du ký của một nắm xương phong trần” trong chuyến viễn du đầu tiên của ông. Trong cuộc hành trình đó ông trở về quê cũ, và những vùng lân cận giữa Edo-Kyoto, gặp lại gia đình, bạn bè và những người thân thương. Cuộc hành trình này đã đem lại nhiều niềm vui và phấn khởi, từ đó Basho tiếp tục viễn du trong những chuyến đi khác, được ông ghi lại trong “Tập ký sự trong tay nải”, “Du hành đến Kashima”, “Du hành Sarashina”, và cuối cùng là cuộc viễn du đi xa nhất về phía Bắc Honshu, thuộc vùng Tohoku ngày nay, mà ông viết trong ký sự “Con đường hẹp đi sâu về phía Bắc”, cũng là tập ký sự nổi tiếng nhất . Những bài thơ tuyệt tác của Basho đều được sáng tác trong những cuộc hành trình này. Những buồn phiền, trăn trở đã được xoa dịu khi ông viếng thăm những thắng cảnh nổi tiếng, những di tích lịch sử hay những ngôi chùa thanh tịnh trong chốn xa xôi hẻo lánh.

Dặm đường từng dặm đường qua
Từng ngày vơ vẩn tìm hoa anh đào
Quạt tôi làm chén uống hoa
Anh đào đang rụng la đà nơi nơi
Khung trời ảm đạm đìu hiu
Mãn khai đào nở, nụ theo nở cùng

Basho tìm được sự bình an khi hòa mình với thiên nhiên, trong đó cái “Ngã” nhỏ nhặt đầy những hệ lụy trần ai tan biến đi trong vũ trụ bao la. Với Basho, sự đồng nhất thể với vũ trụ là thiết yếu cho sự sáng tạo của nguồn thơ, điều mà thi sĩ Saigyo, người đi trước Basho và được ông hết lòng ngưỡng mộ, cũng đã từng cảm nhận.

Ta trèo lên tận chân không
Chon von chót vót hơn vùng sơn ca

Và như thế, Basho đã trở thành một “thi sĩ lang thang”, đi trong những cuộc hành trình miên viễn, không phải chỉ để tìm nguồn thơ, mà còn để tìm lại chính con người thực sự của mình. Ông cũng nói đến điều này như sau trong ký sự “Con đường hẹp đi sâu về phía Bắc”:


Mặt trăng và mặt trời là những khách lữ hành muôn thuở ! Năm tháng cũng là những lữ khách lang thang vĩnh viễn ! Bao nhiêu năm qua đi những ai dong thuyền vượt biển hay những ai cưỡi ngựa băng ngàn tiêu pha từng giây phút của cuộc đời, cả những người thời xa xưa cũng vậy đều chết trên đường đi . Thế mà riêng tôi lúc nào cũng mong mỏi một hành trình lang thang đây đó . Cuộc hành trình đó lại chính là con đường trở về.

Ði cũng là trở về. Suốt đời Basho đã đi mãi không ngừng, để khi đến mùa thu của cuộc đời nhìn lại con đường đã đi qua chẳng còn thấy dấu vết hình bóng mình. Chung điểm cũng là khởi điểm. Tất cả đã hòa tan trong cái Không vô ngã, vô thủy vô chung.

Kono michi ya Trên suốt con đường này
Yuku hito nashi ni Người đi không thấy bóng
Aki no kure Mùa thu về tối nay

Và khi không còn thấy bóng người, bỗng nhiên đóa hoa chân thường nở ra trước mắt , tinh khiết và trắng trong, không nhiễm chút bụi trần :

Shiragiku no Kìa hoa cúc trắng ngần
Me ni tatete miru Không mảy may hạt bụi
Chiri mo nashi Nở ngay trước mắt trần

Cuộc hành trình đã chấm dứt với Basho. Còn chúng ta, nếu chưa bắt đầu cuộc hành trình, chừng nào mới tìm được lối về?


(sưu tầm)
 
Sửa lần cuối bởi điều hành viên:
Thơ Haiku
Tôi được biết ở đây có loại thơ tên gọi là Haiku được người Nhật dùng thông dụng như người Việt nam mình dùng thơ Lục-bát vậy. Trên thế giới có rất nhiều CLB Haiku tiếng Anh nhưng hình như chưa có LCB Haiku tiếng Việt nào.

Vốn dĩ thơ Haiku của Nhật chỉ có 2 luật:
- Mỗi bài thơ có cấu trúc 5 từ -7 từ -5 từ và chỉ có thế mà thôi!
- Trong 1 bài thơ phải có từ liên quan hay đề cập đến 1 mùa nào đó trong năm. Có thể trực tiếp hay gián tiếp thông qua các hình ảnh, hoạt động hay những cái gì đó mà mang đặc trưng của một mùa trong năm. (Chú ý, nếu không đề cập đến mùa thì lại chuyển thành thể loại Sendiu dùng trong các công sở Nhà nước!)

Thơ Haiku không có luật vần nào cả. Ví dụ dưới đây sẽ giới thiệu cho các bạn thấy rõ hơn.
Để phù hợp hơn với thơ Tiếng Việt, cho bài thơ có vầ điệu, tôi đề nghị khi làm Haiku chúng ta chế theo lục bát trong cách gieo vần 5-7-5 vần ở và vẫn giữ 2 luật trên của Haiku.

Sau đây là hai bài thơ nguyên gốc của Nhật:
1.
Hạ:

Shijuka saya
Iwa ni shimi iru
Semi no koe

Ở bài thơ này có hiện tượng đảo ngữ, nguyên gốc viết ra thông thường của nó là:

Semi no koe ga iwa ni shimi itte ori shijukadana-a

Dịch nghĩa:
tiếng ve kêu (chỉ có ở mùa hạ) như được đá hấp thu và tôi cảm thấy không gian xung quanh thật tĩnh lặng.

Tôi tạm dịch sang thơ tiếng Việt như sau:

Tiếng ve kêu râm ran
Như tan vào trong than trong đá
Ôi, sao tĩnh lặng quá!

2.
Thu:

Kaki koeba
Kane ga naunri
Horiuu-ji

Dịch nghĩa:
Khi tôi ăn một quả hồng (chỉ có vào mùa thu), thì tôi cảm thấy như nghe được tiếng đại hồng chung (chuông lớn) của chùa Horiu

Tôi tạm dịch sang thơ tiếng Việt:
Ta ăn một quả hồng
Vọng đâu tiếng chuông đồng Hô-riu
Lòng phấn chấn phiêu diêu!!!


(Sưu tầm - Cỏ may)


Nhà thơ Basho


(VietNamNet)

- Một chuỗi đảo lớn nhỏ nằm giữa biển khơi, vị trí đầu tiên đón mặt trời, là trọn vẹn ý nghĩa tinh thần của đất nước Nhật Bản. Sự phát triển mạnh mẽ và rực rỡ trên phương diện vật chất - mà theo nhiều ý kiến đánh giá là thần kỳ, thật không thể không có sự góp mặt của những giá trị tinh thần truyền thống.

Vẻ đẹp Nhật Bản

Năm 1968, thế giới đã xiết bao kinh ngạc trước một Yasunari Kawabata (người đoạt giải Nobel Văn học), người có công vén bức màn bí ẩn của tâm hồn Nhật Bản, người đã mang âm hưởng thơ ca trong những truyền thuyết của đất nước mình vào những trang văn xuôi hiện đại. Rồi khắp nơi trên thế giới, các nhà văn vĩ đại như R.Tagore (Ấn Độ), S.Zweig (Áo)...đều tâm sự họ đã chịu ảnh hưởng của một bậc thầy thơ cổ Nhật là M.Basho (thế kỷ 17).

Thể thơ Basho đã làm cho trở thành tuyệt mỹ là hai-kư.


Hai-kư nghĩa là ''bài cú'' - về hình thức gồm mười bảy chữ. Cũng về hình thức, nó được viết trên giấy thành những bức hoạ theo nghệ thuật thư pháp, hoặc đề vào những bức tranh cổ. Nhưng điểm quan trọng là tâm thái người làm thơ và những gì ẩn chứa phía sau sự tối giản đến kinh ngạc của mười bảy con chữ. Giữa một nền văn hoá mang đậm dấu ấn Phật giáo, đã tạo lập nên một lối tu chứng Thiền riêng biệt (Zen), thì tâm thái người làm thơ là tâm thái của người tu chứng với mục đích rốt ráo thể nhập vào đời sống. Nghĩa là không còn sự phân biệt người làm thơ và đời sống đang vận hành, giữa bài thơ và cái nằm phía sau ngôn từ. Đó là sự độc đáo vi diệu của thơ hai-kư Nhật. Một điểm nữa, việc thưởng thức đòi hỏi người đọc cũng phải thể nhập được vào dòng sông đang trôi chảy của đời sống. Có lẽ phần nào đó là việc không mấy dễ dàng. Và người đọc càng đi gần đến dòng sông ấy bao nhiêu, họ càng đi qua nhiều hơn những lớp nghĩa bên ngoài của bài thơ. Cuối cùng nếu có duyên may mắn, họ sẽ đến được với cái thật sự mà bài thơ ẩn chứa. Quả là một con đường rất hẹp đưa đến sự thể nhập nơi người làm thơ, người thưởng thức, vào cái dòng sông duy nhất đang trôi ấy.

M.Basho

Basho làm thơ từ ngày còn trẻ. Sau thời gian thực hành Zen dưới sự chỉ dẫn của Thiền sư Butcho, ông đã dâng hiến cả đời mình cho thơ ca và sự thưởng ngoạn đời sống qua những chuyến du hành khắp đất nước Nhật Bản. Xin giới thiệu một bài hai-kư của ông (vì sự khó khăn giữa hai ngôn ngữ, chúng tôi chỉ tạm dịch lấy ý).

Nơi im lặng thẳm sâu
Vẳng qua muôn trùng đá
Tiếng ve sầu.

Có thể trên khía cạnh thuần chữ nghĩa, ta thấy bài thơ vẽ nên một cảnh heo hút, vắng lặng với những hiệu quả độc đáo của âm thanh. Có gì mỏng manh hơn tiếng một con ve, tận sâu trong khu rừng vắng! Tiếng kêu ấy bền bỉ, dội qua trùng trùng các vách đá. Sự đối ngược giữa một thứ mỏng manh nhưng mềm mại, có phẩm tính lan toả đã qua được những gì bất động, cứng lạnh là đá núi - bài thơ cho thấy sự huyền nhiệm của sự sống. Nhưng dòng sông âm thanh mang tín hiệu của đời sống ấy chảy ra từ đâu, với những tiếng dội qua trùng trùng vách đá, giác quan của ta (ở đây là thính giác) có biết được chính xác không? Chắc chắn là không, nhưng ta biết có dòng sông đó. Quá trình suy tư tiếp tục. Có thể đến đây, ta ý thức được thuộc tính hữu hạn nơi giác quan thân xác trước dòng sông mênh mông đến vô cùng kia. Vì hữu hạn nên việc đặt câu hỏi rất dễ lầm lẫn, cách duy nhất chỉ là hoà mình vào đó. Làm thế, ta sẽ trôi cùng dòng chảy mà trước kia không hề biết nó từ đâu. Và cuộc đời thật sự phải chăng là thế...Đến lúc này, bản thân bài thơ như biến mất, người đọc đã qua cánh cửa của mười bảy con chữ và trực tiếp cảm nghiệm những gì tự đời sống mang lại.
 
Sửa lần cuối bởi điều hành viên:
Ở Việt Nam trong thời gian gần đây phong trào sáng tác thơ haiku cũng có phần le lói ,điển hình là .Với hơn 4000 tác phẩm nhận được, cuộc thi sáng tác Thơ Haiku kéo dài 1 tháng do Lãnh sự quán Nhật Bản tại TPHCM và Báo Tuổi Trẻ phối hợp tổ chức, đã ít nhiều góp phẩn khơi mở cho công chúng một dòng thơ khá đặc biệt bắt nguồn từ xứ sở Phù Tang lan rộng khắp thế giới. Tuy nhiên, dù cố gắng đến đâu, thì kết quả thu hoạch được vẫn chỉ là bước đầu của một sự khám phá không hề đơn giản!
Nguyễn Thế Thọ phát hiện “Đóa hướng dương
Nhú trong vườn cỏ
Ngày không mặt trời”
thì Trần Đức Việt chia sẻ “Bé gái
Nhặt mảnh chai
Mơ chiếc hài cô Tấm”.
Thơ Haiku thật kỳ diệu, vì cái tài của nhà thơ không nằm ở việc vẽ rồng, vẽ phụng mà vẽ những sự vật gần gũi, hiện thực mà vượt qua hiện thực.
ngược dòng vể quá khứ,trong đời sống văn học nước nhà thế kỷ trước xuất hiện một hồn thơ ,phong cách thơ khá đặc biệt, ông như người phu chữ, lật xuôi lật ngược thậm chí lộn nhào, từng câu từng chữ để rồi phát hiện ,ra thể thơ hai câu Việt Nam -do đọc chệch thể thơ haiku mà thành, và trong thể lại này dù ít hay nhiều nhà thơ nhiều bất trắc của chúng ta cũng cho ra lò một thể lại htow khá đặc sắc...góp phần phong phú vào kho tàng văn học nước nhà: xin đưa một vài bài chúng ta cùng gâm cứu nha....


MẮT ĐÁP CẦU
Màu kỷ niệm
mắt Đáp Cầu đuổi bướm



Số tình
Nắng bay chuyền chim đầu dây điện thoại
Số tình a lô mãi gọi đôi xuân


Vắng
Vắng em rồi ai dẫn anh đôi phố
Sấu vàng đường trăng trở úa chân thu


Tàu nhanh
Xuân bắt đầu tàu nhanh
xanh thức ngủ
Tình tăng bo toa đỗ đoạn bạc đầu


Xin lửa
Lúm má xoan toan cậy nhờ hạt lửa
Độ nhật hường qua nửa trường đông


Lãnh đủ
Em ô một lạnh mình anh lãnh đủ
Ngoại dù vùng mưa nhỏ hoá mưa to


Tuổi chín
Ngực dự hương thơm đêm mùi tuổi chín
Mắt lá tre đằng ngâm mộng ba giăng


Đầu thu
Mi liễu mắt đừng sao sắc nữa
E biếc đầu thu lỡ giết người


Tìm trầm
Lòng rừng già mà hoa thì con gái
Tóc dư hương
cho thương ngậm ngải tìm trầm


Cao tần
Cánh sóng cao tần biếc quét
Cầu mày cong một nét ăng ten


Bến nổi
Mắt hải đăng soi đường xanh bến nổi
Ngực triều non phao nõn tuổi bềnh bồng


Lời hương
Điện tắt thu tàn trăng cuối tháng
Lời thầm hoa phát sáng thư hương


Thức
Thức chợt mới hay mơ rằng thực
Hoa đền tên nở nức hương đêm


Xổng ngà
Lòng biển triều xa con sóng
Lồng xổng ngà tim ướm giọng
ngực tình ca


Vải Thanh Hà
Tàu ú còi tu hú kêu vườn đỏ
Tuổi vào ga mùa ủ lửa má vừa


Ú tim
Ngỡ trốn đùa
đâu ngờ em trốn thật
Rừng ngàn tìm lạc giọng
hu… ú tim


Phả Lại
Vườn nắng mắt gió bay mùa hoa cải
Bóng lá răm ngày Phả Lại đắng cay


Lạy trời
Yên lành xuân mắt nguồn xanh vần vụ
Lạy trời em đừng họ với cơn dông


Vô đề
Vòng buộc cổ chim thư thả nắng
Hẹn quê ai xoá trắng tên đề


Ngâu
Vào yêu mồng ba chia xa mồng bảy
Tình hăm mốt ngày xúi quẩy may ngâu


Mộng cũ
Tình đổi tiền quầy tim xưa đóng cửa
Mộng cũ dăm đồng âm phủ gió xua


Ngủ muộn
Sớm nào cũng mưa cho mơ em ngủ muộn
Thư ngũ sắc về bong bóng có đưa nhanh?


Thất nghiệp
Em bố trí lịch tim tuần một buổi
Ca đôi tình thất nghiệp hỏi sáu ngày


Máy nhắn tin
Máy nhắn chim tin tìm mê lộ phố
Lòng khác tình tim đổi số lặng thinh

Vũng Tàu
Mắt nước con triều thu lên xuống
Mà tàu mắc cạn vũng tình trăng
 

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top