Thơ Haiku - Nhật Bản

  • Thread starter Thread starter vosong
  • Ngày gửi Ngày gửi

vosong

New member
Xu
0
Một chuỗi đảo lớn nhỏ nằm giữa biển khơi, vị trí đầu tiên đón mặt trời, là trọn vẹn ý nghĩa tinh thần của đất nước Nhật Bản. Sự phát triển mạnh mẽ và rực rỡ trên phương diện vật chất - mà theo nhiều ý kiến đánh giá là thần kỳ, thật không thể không có sự góp mặt của những giá trị tinh thần truyền thống.

20002571_thohaiku1.jpg

Vẻ đẹp Nhật Bản


Năm 1968, thế giới đã xiết bao kinh ngạc trước một Yasunari Kawabata (người đoạt giải Nobel Văn học), người có công vén bức màn bí ẩn của tâm hồn Nhật Bản, người đã mang âm hưởng thơ ca trong những truyền thuyết của đất nước mình vào những trang văn xuôi hiện đại. Rồi khắp nơi trên thế giới, các nhà văn vĩ đại như R.Tagore (Ấn Độ), S.Zweig (Áo)...đều tâm sự họ đã chịu ảnh hưởng của một bậc thầy thơ cổ Nhật là M.Basho (thế kỷ 17).

Thể thơ Basho đã làm cho trở thành tuyệt mỹ là hai-kư. Hai-kư nghĩa là ""bài cú"" - về hình thức gồm mười bảy chữ. Cũng về hình thức, nó được viết trên giấy thành những bức hoạ theo nghệ thuật thư pháp, hoặc đề vào những bức tranh cổ. Nhưng điểm quan trọng là tâm thái người làm thơ và những gì ẩn chứa phía sau sự tối giản đến kinh ngạc của mười bảy con chữ. Giữa một nền văn hoá mang đậm dấu ấn Phật giáo, đã tạo lập nên một lối tu chứng Thiền riêng biệt (Zen), thì tâm thái người làm thơ là tâm thái của người tu chứng với mục đích rốt ráo thể nhập vào đời sống. Nghĩa là không còn sự phân biệt người làm thơ và đời sống đang vận hành, giữa bài thơ và cái nằm phía sau ngôn từ. Đó là sự độc đáo vi diệu của thơ hai-kư Nhật. Một điểm nữa, việc thưởng thức đòi hỏi người đọc cũng phải thể nhập được vào dòng sông đang trôi chảy của đời sống. Có lẽ phần nào đó là việc không mấy dễ dàng. Và người đọc càng đi gần đến dòng sông ấy bao nhiêu, họ càng đi qua nhiều hơn những lớp nghĩa bên ngoài của bài thơ.

Cuối cùng nếu có duyên may mắn, họ sẽ đến được với cái thật sự mà bài thơ ẩn chứa. Quả là một con đường rất hẹp đưa đến sự thể nhập nơi người làm thơ, người thưởng thức, vào cái dòng sông duy nhất đang trôi ấy.
20002571_thohaiku2.jpg

M.Basho
Basho làm thơ từ ngày còn trẻ. Sau thời gian thực hành Zen dưới sự chỉ dẫn của Thiền sư Butcho, ông đã dâng hiến cả đời mình cho thơ ca và sự thưởng ngoạn đời sống qua những chuyến du hành khắp đất nước Nhật Bản. Xin giới thiệu một bài hai-kư của ông (vì sự khó khăn giữa hai ngôn ngữ, chúng tôi chỉ tạm dịch lấy ý).

Nơi im lặng thẳm sâu
Vẳng qua muôn trùng đá
Tiếng ve sầu.

Có thể trên khía cạnh thuần chữ nghĩa, ta thấy bài thơ vẽ nên một cảnh heo hút, vắng lặng với những hiệu quả độc đáo của âm thanh. Có gì mỏng manh hơn tiếng một con ve, tận sâu trong khu rừng vắng! Tiếng kêu ấy bền bỉ, dội qua trùng trùng các vách đá. Sự đối ngược giữa một thứ mỏng manh nhưng mềm mại, có phẩm tính lan toả đã qua được những gì bất động, cứng lạnh là đá núi - bài thơ cho thấy sự huyền nhiệm của sự sống. Nhưng dòng sông âm thanh mang tín hiệu của đời sống ấy chảy ra từ đâu, với những tiếng dội qua trùng trùng vách đá, giác quan của ta (ở đây là thính giác) có biết được chính xác không? Chắc chắn là không, nhưng ta biết có dòng sông đó. Quá trình suy tư tiếp tục. Có thể đến đây, ta ý thức được thuộc tính hữu hạn nơi giác quan thân xác trước dòng sông mênh mông đến vô cùng kia. Vì hữu hạn nên việc đặt câu hỏi rất dễ lầm lẫn, cách duy nhất chỉ là hoà mình vào đó. Làm thế, ta sẽ trôi cùng dòng chảy mà trước kia không hề biết nó từ đâu. Và cuộc đời thật sự phải chăng là thế...Đến lúc này, bản thân bài thơ như biến mất, người đọc đã qua cánh cửa của mười bảy con chữ và trực tiếp cảm nghiệm những gì tự đời sống mang lại.

Nguồn: Việt Nam Net
 
Tiểu sử về Matsuo Basho

Matsuo Basho - 松 尾 笆 焦 (1644- 1694)

356.jpg


Tiểu sử tác giả

Matsuo Basho (松尾笆焦 Tùng Vĩ Ba Tiêu, 1644-1694), thiền sư thi sĩ lỗi lạc của thời Edo (江戶) Nhật Bản, tên thật là Matsuo Munefusa, con trai út thứ bảy của một samurai cấp thấp phục vụ cho lãnh chúa thành Ueno, một ngôi thành nằm giữa con đường đi từ Kyoto đến Ise. Basho được thừa nhận là người phát triển những câu đầu (発句, phát cú) của thể renga (連歌, liên ca) thành một thể thơ độc lập mang âm hưởng sâu thẳm của Thiền đạo. Masaoka Shiki (1867-1902) hoàn thiện sự tách biệt này thêm nữa và chuyển sang gọi nó là thể haiku (俳句, bài cú).

***

Sau năm 1600 không bao lâu, những hỗn loạn do nội chiến kéo dài qua hàng nhiều thế kỷ đã đi đến kết thúc; Tokugawa Ieyasu thiết lập Shogunate, một chính phủ quân phiệt không chấp nhận có đối thủ và, trước Hoàng Đế, chỉ là thuộc hạ trên danh nghĩa. Năm 1638, dưới nền shogun đệ tam, một nước Nhật hoàn toàn bình định đã chính thức tách rời khỏi thế giới, và năm 1644, Matsuo Bashō ra đời.

Có thể ở một tuổi đời nào đó, Bashō đã là thi sĩ; nhưng ông chỉ thực sự khám phá tự thân trong khả năng thuận lợi dị thường cho sức phát triển và nhãn thức thiên tài của ông. Với mọi người, cuộc sống một lần nữa trở nên an ổn hơn, tầng lớp bourgeoisie (tư sản) giàu có và nhàn rỗi đang sinh thành; và samurai - những người thuộc tầng lớp chiến binh - không thể hướng năng lực của mình vào thuật chiến tranh lâu hơn nữa, có khuyng hướng chuyển dịch chúng vào các nghệ thuật của hoà bình, trong đó thi ca trở thành phổ biến nhất.

basho-statue.jpg


Có vẻ như Bashō đã khởi sự sáng tác vào năm lên chín. Nhưng bài thơ được ghi chép đầu tiên của ông - thật ra, cũng khó có thể xem đây là thơ cho dù theo bất kỳ tiêu chuẩn nào - lại chỉ có lúc ông ở vào khoảng ba mươi tuổi. Bài thơ viết cho năm Dậu, là một thứ jeu d'esprit (lời dí dỏm), mừng năm mới rơi vào giữa hai năm Tuất và Thân theo như cách sắp xếp địa chi của lịch Nhật Bản :

Bầy bạn
Của chó và khỉ
Năm Dậu


Nỗ lực này, trong thể thức của nó, hầu như là một biếm họa về thi ca đương thời, vì nó phụ thuộc lối nói bóng gió "văn chương" để gây hiệu quả. Duy trường hợp này ám chỉ một cổ tích mà trẻ em Nhật nào cũng biết : truyện kể về Momotaro, một cậu bé đã diệt trừ nhiều ma qủy nhờ sự hỗ trợ của đám tùy tùng gồm một con chó, một con gà lôi và một con khỉ.

Năm 1666, Lord Sengin đột ngột từ trần. Không đầy hai tháng sau; Bashō vào tu viện ở Koyasan, ông " xuất gia đi tu ". Nơi đây, không nghi ngờ gì ông đã suy sụp hoàn toàn vì cái chết của người chủ thân yêu, và ấn tượng do cái chết để lại sẽ ảnh hưởng lên toàn bột cuộc đời ông. Hơn hai mươi năm sau, ông trở lại Iga giữa mùa xuân, đứng dưới những cội anh đào, nơi Sengin và ông từng học hành và nô đùa suốt một thời gian dài đến thế, với trái tim ngập tràn cảm xúc để làm một bài thơ bình thường, tất cả những gì ông có thể nói là :

Hoa đào hoa đào
Trong tâm tưởng gieo rắc
Biết bao điều


Tuy nhiên, cho dù Bashō đã khước từ " thế sự " thì điều này cũng không có nghĩa ông tự hãm mình trong tu viện : sau đó người ta được biết ông đã có mặt ở Kyoto, đang nghiên cứu hài cú dưới sự hướng dẫn của Kigin và bắt đầu nổi tiếng. Khi Kigin đi Edo (Tokyo), Bashō đi theo. Và hai năm sau, vào cái tuổi tam thập, Bashō tách riêng một trường phái, nhận một người con trai của một thương gia giàu có làm môn đệ đầu tiên, một chàng trai về sau sẽ nổi tiếng với bút hiệu Kikaku.

Vào thời kỳ này, Bashō chưa đạt tới đỉnh điểm tài năng của ông, nhưng có một giai thoại đã minh họa quan điểm của ông về thi ca. Một hôm, lúc Kikaku và ông băng qua cánh đồng, trông thấy những con chuồn chuồn đang lao vụt, chàng trẻ tuổi đã làm một bài thơ mười-bảy-âm-tiết :

Hỡi chuồn chuồn đỏ
Đôi cánh rứt
Ồ những trái ớt


"Không !" Bashō nói. " Đó không phải là hài cú. Nếu muốn làm một bài hài cú về đề tài này, con phải nói :

Những trái ớt son
Đôi cánh chắp
Tung toé lũ chuồn chuồn


Dần dần, trường phái Bashō tăng trưởng về số lượng thơ và tiếng tăm, và ít năm sau, thêm vào hài cú, Bashō đã góp phần mình trong nhiều thiên sách về renga (thơ liên hoàn). Vào năm 1679, ông viết bài thơ đầu tiên theo phong cách mới vẫn làm liên tưởng đến tên tuổi ông và được nhiều nhà thơ hài cú đi sau xem là mẫu mực :

Trên tiều tụy cành
Bóng qụa
Rũ chiều thu


Có ít nhất hai trọng điểm kỹ thuật làm cho bài thơ trở thành mẫu mực. Một, cả tâm cảnh hay niềm cảm xúc được biểu hiện bởi miêu tả dung dị - một trình bày đơn sơ về sự vật đã hoàn thành bức tranh. Hai, hai phần đã cấu thành cái toàn thể được đối chiếu với nhau, không bằng các biện pháp tu từ so sánh hoặc ẩn dụ, mà như hai hiện tượng đơn lập. Có thể gọi đây là "nguyên lý đối chiếu nội tại" trong đó những biệt dị thì cũng hệ trọng như những tương đồng. Ở đây, không đơn thuần là "trên cái héo hắt tàn tạ của cảnh vật chiều thu, hoàng hôn rũ xuống tựa hồ ủ rũ một bóng quạ", đó là sự tương phản giữa hình hài đen đủi nhỏ nhoi của con quạ với cái âm u của mộ cảnh, và bất kỳ những gì người đọc có thể tìm thấy trong đó. Qủa là dễ hiểu được làm thế nào việc xử dụng kỹ thuật này đã khiến cho hài cú trở nên sâu thẳm, biến nó thành điểm khởi cho tư lự và tưởng tượng.

Bản thân Bashō cũng không luôn luôn đi theo mẫu mực này, nhưng trong hài cú về sau của ông - cả những bài không hoàn toàn khách quan đến thế - ít ra thì phép "đối chiếu nội tại" vẫn được nội hàm. Trừ phi ẩn ý này được nhận thấy, phần nhiều hiệu quả của thơ đều thất lạc. Một minh họa cho nhận định này là hài cú " Hoa Đào " đã dẫn ở trên, với hình tượng anh đào (biểu tượng của cái đẹp mong manh) được xử dụng vừa như một phông cảnh, vừa có mục đích đối chiếu với những gì mà ,"trong tâm tưởng", hoa đã "gieo rắc".

Vào thời kỳ viết bài thơ "Con Qụa, Bashō đang tìm kiếm một cách có ý thức cái đẹp thi ca phải được tìm thấy trong những gì tự nó không đặc biệt đẹp. Ông còn đang khai thác kỹ thuật viết đồng thời phát triển sức thấu thị của thơ. Hai năm sau, vào năm 1681, một biến cố nào đó đã đột ngột xảy đến với ông. Ông tuyên bố rằng cuộc đời ông, thuần phác là vậy, vẫn có tính chất "quá thời lưu", và ông khởi sự nghiên cứu nghiêm mật về Thiền - một tông phái Phật giáo chuyên chú vào sự chiêm nghiệm. Sau biến cố đó, trong mười năm cuối đời, chừng như tất cả thơ hay nhất của ông được viết ra.

Khoảng đầu năm 1686, Bashō viết một hài cú có lẽ được biết đến nhiều nhất trong Nhật văn và cũng được chính ông xem như đã đánh dấu bước ngoặt hệ trọng trong đời thơ của ông. Bài thơ tự nó có vẻ dễ gây ngộ nhận là mộc mạc :

Ao hoang
Ếch nhảy vào
Tiếng nước


Nhiều nhà phê bình có thẩm quyền đã khám phá trong hài cú này một ảo nghĩa bí truyền; những người khác lại xem nó như quá u huyền để có thể cảm thức được gì. Tuy nhiên, do sự kiện hai dòng cuối lại được sáng tác trước, một nguồn sáng nào đó đã soi vào tác phẩm. Trường hợp này chừng như đã được chứng thực. Bashō đang ngồi với bằng hữu và môn đệ trong khu vườn của ngôi nhà nhỏ của ông ở Edo thì, chắc hẳn sau một quãng trầm mặc dài, bất chợt nghe một tiếng động. Không nghĩ ngợi trước, Bashō ngước mặt nói : " Kawazu tobikomu mizu no oto ". ( ếch-nhảy-vào tiếng-nước). Ngay lập tức lời nói được nghe ra như là phần kết khả dung của một hài cú. Và sau nhiều gợi ý của bằng hữu và môn đệ, Bashō đã hoàn thành bài thơ với dòng đầu : " Ao hoang ".

hài cú này, về hình thức, có lẽ hoàn toàn giống bài thơ "Con Quạ", nhưng chắc chắn sự "đối chiếu nội tại" giữa ao hoang và tiếng động bất chợt thì ẩn áo vi diệu hơn nhiều so với giữa con qụa và chiều thu. Và tâm cảnh do bài thơ biểu hiệu chắc hẳn phản ảnh một nhân sinh quan đã sai biệt.

Chỉ là tương đối khi một ít thơ Bashō hiển nhiên có tính chất tôn giáo dù cho nhiều hài cú lại có vẻ là ghi chép về những kinh nghiệm gần như huyền nhiệm của ông. Trong Hành Trình Sarashina chẳng hạn, Bashō chép rằng trong khi đi qua rặng Kiso, ông và Etsujin - môn đệ của ông - chợt nhận ra họ đang trèo ngược lên một ngọn đèo dựng đứng hiểm ác. Bên trái, hun hút một hẻm núi, và dưới lòng vực cách chỗ họ đứng hàng ngàn bộ, một con lũ đang tuôn túa cuộn trào. Hai người bước từng bước khiếp hãi, cho tới khi đến một chiếc cấu treo ràng rịt loài dây leo thường xuân bắt lắt léo ngang hẻm núi mà họ phải vượt qua. Bashō không cho biết chi tiết về cảm giác của ông, ông chỉ viết thêm một hài cú :

Lắt lẻo cầu treo giăng bắc
Sợi tồn sinh
Quấn quít lũ thường xuân


Cũng có những hài cú mặc nhiên có tính chất tôn giáo đối với bất kỳ một Phật tử Nhật Bản nào :

Đêm chăng bẫy loài mực phủ
Trăng hè bóng dõi
Mộng phù sinh

Bẫy bắt mực phủ (bạch tuộc) là những hũ đất nung đặt giăng ngang chỗ nước cạn. Trong đêm, loài vật này bơi giật lùi vào trong bẫy như thể đó là kẽ đá và, khi trời sáng, không thoát ra được nữa. Trong nguyên ngữ, với đề từ "xuống thuyền", hiệu quả của wo là biến mặt trăng thành chủ thể, ám thị con trăng vẫn thâu đêm soi dõi xuống trập trùng đại dương, xuống chiêm bao bào ảnh. Ở đây dù người đọc không đi sâu vào những biếu tượng Phật giáo như con thuyền và mặt trăng, ý đạo vẫn hiển lộ. Tuy nhiên, đáng chú ý là khi nào dùng từ "mộng", dường như Bashō cũng liên tưởng đến kiếp người. Và có lẽ lại càng đáng chú ý hơn là, đối với Bashō, "ảo ảnh" thế giới dường như không có dụng nghĩa, thế giới chỉ trú ngụ trong cái phi thực nào, nhưng đúng hơn, tương tự đối với St. Thomas Aquinas, nó còn thực hữu hơn như có vẻ thế.

Phần lớn hài cú còn lại của Bashō là những miêu tả đơn sơ về cảnh vật, sự việc có thực với chi tiết vừa đủ cho phép người đọc tự đặt mình vào vị trí của tác giả, chia xẻ cảm xúc với ông. Tiếc thay, có những khác biệt nào đó trong hài cú - mặc dù hoàn toàn minh bạch đối với đề tài Bashō viết - lại vô nghĩa với hấu hết người nước ngoài, nên chi ở đây phải được lược bỏ. Dù sao, chúng tôi cũng không cưỡng lại nổi việc dẫn ra đây một hài cú đặc biệt đáng ưa chuộng :

Mưa tháng Năm khuất lấp
Vịnh Seta
Tràng Kiều u hiển bóng qua


"Tràng Kiều" ở Seta là một trong tám kỳ quan của hồ Omi lừng danh được hầu hết người Nhật và, qua ảnh chụp của Hiroshighe, ít nhất cũng có một số người nước ngoài biết đến . Cầu xây trên những trụ đỡ, bắc qua phần cuối phía Bắc của hồ Omi, ở đó hồ thắt lại thành một vịnh nhỏ, nước tràn qua một dòng sông con. Khi viết bài thơ này, có lẽ Bashō đã đứng trên cùng "quan điểm" với Hiroshighe ( và như chúng tôi cũng có được may mắn đó ), thấy cây cầu bắc từ bờ sông vượt qua cả một vùng nước rộng. Tuy nhiên, cây cầu thì dài đến nỗi, trong cơn mưa lớn, dù được nhìn từ vị trí nào thì cũng chỉ thấy nổi mỗi một đầu cầu mà thôi; và tất nhiên, bên kia cầu, bảy kỳ quan khác đã là vô ảnh.

Có thể hài cú này đã khởi hứng cho một giai thoại chừng như hoàn toàn ngụy tác : một lần, người ta hý lộng yêu cầu Bashō sáng tác một hài cú về tất cả tám kỳ quan. Điểm then chốt của trò đùa là trong một tanka (ba muơi mốt âm tiết) rất nổi tiếng, với hàng loạt lối chơi chữ, tám kỳ quan đã thực sự được đề cập bằng tên gọi. Tuyệt đối không thể phô diễn nội dung này trong mười bảy âm tiết, nhưng giai thoại cho biết Bashō đã thoát bẫy bằng cách trả lời :

Đền Mii
Bội âm chuông
Bảy kỳ quan lịm sương


"Tiếng chuông đền Mii" được nghe ra đã nện trầm một thiện âm siêu việt, là một trong những gì gọi là "kỳ quan".

Thêm vào Sarashiko Kikô, Bashō viết nhiều tản văn khác. Nổi tiếng nhất là Oku No Hosomichi (Nẻo về Oku) góp nhặt những ghi chép về cuộc hành trình sáu tháng khởi đi từ Edo vào mùa xuân 1689, qua các vùng Bắc Nhật, rồi kết thúc tại ngôi đền thiêng Thái Dương Thần Nữ ở Ise. Tác phẩm rất ngắn với khoảng năm mươi hài cú. Tuy vậy, không thể nghi ngời gì, đây là một trong những tác phẩm lớn của văn học Nhật Bản, và có lẽ nó được chú giải nhiều hơn bất kỳ một tác phẩm nào cùng tầm cỡ trên thế giới.

Tản văn Bashō, tương tự hài cú của ông, hết sức cô đọng; ngôn ngữ ám thị theo phong cách Bashō không hề vướng mắc trong thời đại của ông, nhưng ngày nay lại như hoá ra mơ hồ. Ngay nhan đề của tác phẩm cũng đã là một đề tài tranh luận : một phần, vì michii (đường, đạo) có thể hoặc là số ít, hoặc là số nhiều; phần khác, do từ oku là một tinh ngữ gắn liền với các tỉnh Bắc Nhật, có ý nghĩa nền tảng tựa hồ "nội tâm". Điểm quan trọng tương tự cũng nêu ra trong một hài cú khác, ở đó khúc ca về "oku thì tương phản với nghệ thuật công phu phức tạp của các đô thị (füryù) Bashō thuật lại mẩu đối thoại sau khi ông vào miền "oku" :

"Chủ nhân của lữ quán hỏi trước : "Khi đi qua cổng Shirakawa, ông có sáng tác bài thơ nào không ?"

Nỗi nhọc nhằn của hành trình dài ngày đã làm cho tinh thần và thể xác tôi mệt mỏi, hơn nữa, tôi bị cuốn hút vì phong cảnh, bị thổi bạt đi bởi niềm cảm khái về thời quá vãng do cảnh vật gợi dậy, nên lúc đó tôi không có được tâm thái thích hợp để làm thơ. Tuy nhiên, nghĩ rằng thật là đáng tiếc nếu như cứ im lặng đi qua, tôi đã làm hài cú sau :

Khúc ca mùa gieo cấy
Trên thắm biệt xứ miền
Nghệ thuật khởi nguyên


"Tôi đưa cho người chủ quán khách hài cú ấy như là một câu trả lời, và chúng tôi đã thêm một bài thứ hai, rồi một bài thứ ba, và thế là bài thơ hoá thành renga (thơ liên hoàn).

Về bài thơ này, nhiều trang bình luận đã viết ra, nhiều cách giải thích cũng đã trình bày. Một, trực chỉ oku từ một Edo rất mực hoa lệ, Bashō có ấn tượng về một lẽ thật là, trên phương diện tài chánh, chỉ có việc trồng lúa mới làm cho đời sống xa hoa trở thành khả hữu. Hai, ông chỉ ra mối tương quan thiết yếu giữa cái đẹp tự nhiên và tính chất giản dị tự nhiên. Ba, Bashō chỉ muốn khen tặng người chủ quán khách. Bài thơ muốn nói những điều riêng biệt với nhiều người khác nhau, và người đọc có thể tự chọn lấy (...)

Ở một đoạn khác, Bashō thuật lại ông đã lên Takadata, tòa-lâu-đài-trên-ngất-ngọn, nơi người anh hùng dân tộc Nhật Bản Yoshisune và những kẻ tùy tùng trung nghĩa cuối cùng đã bị sát hại. Từ trên cao, ông có thể nhìn thấy đồng bằng Haraizumi với những đồng cỏ ngan ngắt một mầu lục diệp, nơi các thị tộc Fujiwara xưa kia từng sống một thời huy hoàng. Bashō cho biết ông đã lên tận lâu đài, tư lự về những vàng son đã quá và, khi chợt nhận ra tất cả chỉ còn là một vùng cỏ dại xanh rì, ông đã ngồi xuống thở than như thế nào :

Natsu - gusa ya
tsuwamono - domo ga
yume no ato


Hầu như không thể nào làm sống dậy bài thơ qua bản dịch, vì không tìm ra nổi từ ngữ thích đáng . Natsu - gusa có nghĩa là tất cả những loài cỏ dại mùa hè, phát triển rất nhanh ; tsuwamono theo nghĩa chữ là "tráng sĩ", một danh hiệu dành cho kẻ chinh chiến thời trung đại vẫn còn khá cổ đối với cả thời đại Bashō; -domo , một tiếp ngữ số nhiều; yume "mộng", với hai nghĩa phụ : "huy hoàng, rực rỡ", "nhân sinh nhược đại mộng"; và ato, một từ có nghĩa nền tảng là "sau", nội hàm các khái niệm : thành tích, dấu vết, hậu qũa, những gì bỏ lại đàng sau...

Dấu xưa xanh cỏ tháng hè
Tráng sĩ tráng sĩ hề
Mộng lữ


Trong nguyên ngữ, bài thơ dẫn truyền một cảm xúc tiếc thương dữ dội, ít nhất một phần do triền âm cuồn cuộn tsuwamono - domo , và sau đó, tiếng răng rắc rạn gãy của ato . Mặc cho tính cách hoà nhã và Thiền, Bashō vẫn là người thuộc dòng dõi samurai, và ông chỉ đang sống trong một thời kỳ mà samurai không còn làm nên nổi bao nhiêu kỳ tích vẻ vang nữa.

Trên phương diện nào đó, sau hài cú "Cỏ Hè " là một bài thơ đối nghịch bổ sung cho nó; bài thơ có vẻ hy vọng tràn đến tương lai thay vì u hoài trở về dĩ vãng :

Chập chùng
Mưa tháng Sáu
Sừng sững lầu Dương Quang


Lầu Dương Quang là một trong những Kim Các Tự của Chùsonji, một trong những chứng tích sau cùng còn lại từ thời đại vàng son của các nam tước Bắc Fujiwara - những ông hoàng một mình một cõi trong thế kỷ thứ XII . Oka - no - Hosomichi , sau khi miêu tả cảnh tượng tàn phá của gió và thời tiết, Bashō thuật lại rằng trước khi ông đến đó không bao lâu, lầu Dương Quang đã được xây bọc trong một kiến trúc kiểu mới để bảo tồn nó thành một đài kỷ niệm " cho ngàn năm sau ". Có lẽ ước vọng này đã trở thành hiện thực, vì cho đến ngày nay, cũng như vào thế kỷ IX, lầu Dương Quang vẫn sừng sững (...)

Vào năm 1694, Bashō tạ thế. Và đúng như ước nguyện, ông đã qua đời trên nửa đường của một chuyến vân du đẹp nhất, giữa bằng hữu và môn đệ.

Suốt trận đau cuối cùng, ông không ngớt đàm luận về Đạo, Triết lý và Thi ca (thật ra, đối với Bashō, cả ba hầu như chỉ là một). Và khi biết rõ Bashō đang hấp hối, bằng hữu của ông yêu cầu ông cho họ một bài " tử thi " ( từ thế chi ca, jisei no uta ) với nội dung tổng quát về triết lý của ông, Bashō từ chối với lý do thơ trong mười năm cuối đời của ông, khởi đầu từ hài cú "ao hoang" , tất cả đã được sáng tác như thể đó là một bài thơ cốt tử. Nhưng sáng ngày hôm sau, ông gọi một người đến một bên, trối rằng trong đêm hôm trước ông đã nằm mộng, và khi tỉnh thức, một hài cú chợt đến với ông.

Không nghi ngời gì, đó là lời từ trần hoàn thiện mà chưa một thi sĩ nào đã có thể gửi lại nhân gian :

Nửa đường ngả bệnh
Mộng còn ngao du
Đồng không mông quạnh


Nguồn: Sài Môn Thi Đàn
 

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top