THIÊN TƯ GIÁO DỤC TRẺ CON CỦA NGƯỜI MẸ
Bởi bẩm chất của mình mà người phụ nữ đã làm mẹ thì cũng do bẩm chất ấy người phụ nữ phải là một nhà nữ giáo hóa. Người ta đã là đứa trẻ thì trẻ con là một sinh vật chưa biết nói, chính trong đôi tay của người mẹ mà đứa bé quen dần với những bài học vỡ lòng về ngôn ngữ và nó đã đem ra thực tập trước tiên trong khung cảnh gia đình.
Lẽ tự nhiên, đối với người phụ nữ, nhiệm vụ tối yếu là đào tạo đứa trẻ trong lòng mình mà nhiệm vụ ấy cũng là nhiệm vụ dìu dắt đứa trẻ bước vào đời, tính từ khi mang nặng đẻ đau đến lúc đứa bé đủ lông đủ cánh, ít nhất cũng hai mươi năm. Chính người mẹ là người tạo ra mọi cảnh huống trong gia đình. Ai cũng biết rằng khi người mẹ vui thì những người khác trong gia đình cũng vui lây, bà mẹ cũng là nữ cố vấn nữa. Sáng suốt biết quan sát, nhận xét mọi chi tiết, bà mẹ có đủ khả năng để chỉ đường cho con đi và có lúc cho cả chồng nữa. Hơn nữa, lắm lức người phụ nữ lại kích thích, cổ xúy cho hành động của chồng và do lòng hăng say nồng nhiệt của mình mà truyền năng lực hoạt động sang cho chồng.
Người phụ nữ đã thực hiện việc ấy một cách vô cùng ân cần, nhân hậu và người ta có thể nói rằng những người đàn bà, ngoại trừ một số ít, đã thật sự biểu hiện cho hình thái sâu đậm và chân thật nhất của tình yêu nhân loại.
Đó là nhiệm vụ càng lúc càng thêm khó khăn. Thời buổi bây giờ bất cứ một cuộc vận động nhỏ nào, bất cứ những lời thỉnh cầu chính đang nhất cũng đòi hỏi nhiều thì giờ và hiểu biết về mọi thứ mà trước kia chúng ta không cần đến. Do đó người ta càng lúc càng phải nhờ đến những giải pháp về vấn đề trong cuộc sống thường ngày.
Đến hôm nay các nhà tâm lí học đã đồng ý rằng trẻ con không phải là một người trưởng thành đang trong thời kỳ dự bị hoặc thu bé lại,mà đó là một sinh vật đặc biệt chịu tuân theo những quy luật dành riêng cho nó thôi. Đem đặt nó vào một khung cảnh thật sự thì đứa bé sẽ ra thế nào? Trẻ cần có tiếng cười, cần nguồn vui, cần sự vui tính, nhưng thường thường nó bị bắt buộc phải chứng kiến những cảnh xung đột trong gia đình, hay ít nhất thì cũng chịu đựng mối bất hóa liên tiếp xảy ra giữa cha mẹ nó. Quá bận rộn về công việc, quá nặng lòng về lo âu, những bậc làm cha mẹ sống trong một trạng thái tinh thần căng thằng mà trẻ phải hứng chịu và chia sẻ với họ mau chóng.
Vì thế người mẹ cũng phải lưu tâm một cách chính xác, nhưng luôn luôn bằng một tinh thần trìu mến đến tất cả mọi trường hợp xưa kia bà không biết đến, nhưng bây giờ vẫn xảy ra cho bà. Để chống trả một cách có hiệu quả những gì là độc hại trên hai phương diện vật chất và tinh thần, phương pháp hay nhất không phải là đả kích những gì mới mẻ. Làm như thế là tự mình chia rẽ mình với con mình và làm mất đi một phần lớn uy tín của cha mẹ đối với con cái. Những người cha “thủ cựu”, nhưng bà mẹ “không hợp thời” sẽ làm cho con mất tín nhiệm đối với mình. Trái lại, việc cần làm là áp duạng những phương pháp mới để thực hiện những nguyên tắc giáo dục cũ mà luôn luôn và bất cứ chỗ nào cũng có giá trị. Như đối với nhà tâm lí đã giải thích, thì phương pháp giáo dục mới phải gồm có sự tương thuộc giữa ba trình độ của cuộc đời: Tình cảm, vật chất và trí tuệ. Khi người ta hiểu con người là một sinh vật mà mỗi tình huống của sự hoạt động đều tùy thuộc vào những người khác, thì sẽ thấy rằng những phương pháp tích cực phải được phổ biến rộng rãi trong lớp học cũng như trong gia đình. Muốn được như thế, không cần phải đưa ra nhiều giải thích, vì chúng ta giáo dục bằng bản thân chúng ta có hiệu quả hơn là bằng lời nói. Đối với sự thực hành trong đời sống hàng ngày, hay nếu bạn muốn nói cho rõ hơn, trong việc giáo dục nghệ thuật sống thì cũng thế, phương pháp duy nhất để đào tạo một đứa con nhằm vào phương diện xã hội là thực hành trước mặt nó và cùng với nó.
Chính người mẹ đảm bảo có hiệu quả hơn bất cứ sự việc về sự phát triển trí tuệ của đứa bé bằng cách lo săn sóc cho nó từ khi còn trong nôi. Lẽ tất nhiên khi đứa bé có triệu chứng bất an, thì bà mẹ là người đầu tiên nhận thấy.
Đây là một thí dụ: “Một cô bé gái lên chín tuổi tỏ ra không biết vâng lời và nhất là hay chối đối lại mẹ nó. Cô bé này được nuông chiều ngay từ lúc còn bé và không biết làm một việc gì trong nhà cả. Ông bà của đứa bé ý thức được sai lầm của mình ngay từ lúc mới sinh đã e ngại rằng cô bé này chịu khổ, vì những sự bỏ bê của mẹ nó, nên đã đề nghị nuôi giùm đứa bé. Sau bảy năm, cha mẹ cô bé đưa cô bé về, nhưng họ nhận ra rất mau rằng họ không được cô bé phục tùng như ý muốn của họ, trái ngược khi còn ở nhà ông bà thì cô bé tỏ ra rất mềm mỏng và biết vâng lời. Những sự kiện đó có ba nguyên nhân, khi trở về sống với cha mẹ, cô bé không cảm thấy không khí gia đình chút nào, vì thế bằng sự chống đối nó cố gắng vũng vẫy để tìm lại cái gia đình mà nó quen sống. Hơn nữa, cha mẹ cô bé lại bực mình vì thái độ của con mình nên đã nặng lời với nó, mặt khác ông bà nó cắt nghĩa cho nó hiểu vì sao nó lại không sống ở nhà cha mẹ ruột của nó và nói cho nó biết rằng mẹ nó là người rất bê bối trong công việc. Do đó, cô bé đã sợ bị bỏ bê, không ai săn sóc đến và có thể chết vì sự bỏ bê đó của người mẹ.”
Người ta nhận thấy nhiệm vụ giáo hóa của người mẹ thật cao rộng và vô cùng tế nhị. Và khi người ta đã nghĩ rằng có bao nhiêu người phụ nữ đã đột nhiên bước vào con đường làm mẹ và không chút chuẩn bị, thì người ta hiểu ngay tại sao có những trẻ con khốn khổ hoặc mất dạy.
Theo Vĩnh Thuyên - Nghệ thuật giáo hóa giúp trẻ nên người*