Thi tốt nghiệp THPT: Tránh sai nhỏ để đạt điểm lớn

ButNghien

Học tập suốt đời!
Thành viên BQT
Xu
46
Trước ngày thi cần chuẩn bị tâm lý như thế nào? Chuẩn bị vật dụng nào mang vào phòng thi? Sử dụng giấy nháp trong phòng thi sao cho hiệu quả và lưu ý những gì để làm bài thi đạt điểm cao?

ImageView.aspx


Thí sinh cần lưu ý những chi tiết kỹ thuật quan trọng để không uổng phí công sức học tập căng thẳng trong thời gian dài. Trong ảnh: học sinh lớp 12A6 Trường THPT Thạnh Lộc (Q.12, TP.HCM) ôn thi môn vănẢnh: NHƯ HÙNG

Theo nhiều giáo viên, có đến 50% thí sinh không biết sử dụng hiệu quả giấy nháp trong phòng thi. Hết giờ thi, giấy nháp vẫn còn trống. Hẳn nhiên, giấy nháp được dùng ở những môn có tính toán như toán, lý, hóa. Nhưng vai trò của giấy nháp còn quan trọng hơn thế. Ở các môn xã hội, thí sinh có thể đạt điểm cao hơn nếu biết sử dụng hiệu quả giấy nháp trong phòng thi.

"Lợi hại" giấy nháp

Cô Nguyễn Thị Ái Hằng, tổ trưởng tổ lịch sử Trường THPT Trần Phú, TP.HCM, lưu ý: "Thực tế chấm bài thi lịch sử cho thấy thí sinh hay nhầm lẫn nội dung chiến dịch này và chiến dịch kia, hội nghị này qua hội nghị nọ. Rất nhiều học sinh (HS) quen kiểu học thuộc lòng, không đọc kỹ yêu cầu của đề, ghi hết tất cả những gì mình biết nhưng thiếu sót nhiều ý, bổ sung ý, làm bài lộn xộn.

Để khắc phục lỗi này, đối với môn lịch sử, HS nên đọc kỹ đề, ghi ra giấy nháp những cụm từ chính trong đề, những yêu cầu của đề đồng thời viết những ý chính, những sự kiện chính. Dựa vào những ý chính đã làm trên giấy nháp, bài làm mới đầy đủ ý”.

Thầy Ngô Tương Đại, hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Trãi, TP.HCM, nhắc nhở HS sử dụng giấy nháp để làm dàn ý bài làm của mình, như thế sẽ không quên sau, không quá sa đà vào các phần trước dẫn đến không còn thời gian cho các phần sau.

Ở môn văn, các thầy cô luôn khuyên HS giấy nháp không bao giờ thừa. Đề thi đến ba câu, sẽ không có nhiều thời gian và không nên làm cả một phần bài làm trên giấy nháp. Tuy nhiên, nên dành khoảng 15 phút đọc kỹ đề và phác thảo những ý chính cho từng câu trong đề, nhất là ở phần bài nghị luận. Giấy nháp dùng để ghi những ý chính sẽ triển khai trong bài luận, ý tưởng mở rộng bài làm.

Đối với các môn trắc nghiệm, thí sinh nên tập trung lắng nghe hướng dẫn của giám thị, ghi thông tin đầy đủ, chính xác vào phiếu làm bài. Trong quá trình làm bài, câu nào đúng tô câu đó, không tô cả hai phương án. Câu nào không biết hoặc không chắc viết số câu đó ra giấy nháp để quay lại sau khi làm hết.

Không quá căng thẳng


Thực tế từ các hội đồng thi tốt nghiệp, năm nào cũng có những trường hợp đi muộn vì ngủ quên, lạc đường, đi nhầm sang hội đồng thi khác. Kinh nghiệm từ nhiều năm tham gia tổ chức thi, các thầy cô khuyên thí sinh trước ngày thi nên xem địa điểm, đường đi, ước lượng thời gian từ nhà đến điểm thi. Với hình thức thi cụm, trường thi có thể rất xa nhà, điều này lại càng cần thiết hơn. Cẩn thận hơn nữa, như thông báo của Trường THPT Bùi Thị Xuân (TP.HCM) đến phụ huynh và HS, ngay hôm trước ngày thi cần đến hội đồng thi xem tên, số báo danh của mình dán ở đó có gì sai sót không... để kịp thời điều chỉnh.

Cô Lê Thị Kim Thu, phó hiệu trưởng Trường THPT Bùi Thị Xuân, lưu ý các bạn thí sinh: các giấy tờ như thẻ dự thi, chứng minh nhân dân, thẻ HS và các dụng cụ được mang vào phòng thi nên tập trung vào một túi để tránh thất lạc. Trước ngày thi, cần chuẩn bị và kiểm tra lại các dụng cụ mang vào phòng thi: bút, thước, bút chì... Nên sắm mỗi thứ 2-3 cái giống nhau. Các môn thi trắc nghiệm cần chuẩn bị bút chì 2B, không dùng bút chì kim vì xóa không hết, vết tô bị hằn trên giấy, máy chấm bài không nhận dạng được.

Thực tế từ các hội đồng chấm trắc nghiệm cho thấy lỗi thường gặp của thí sinh vẫn là những lỗi “muôn năm cũ”: tô sai số báo danh và mã đề, không làm hết bài thi trắc nghiệm, một câu chọn đến hai phương án trả lời. Đối với bài thi tự luận, để tránh tình trạng bài thi bị chấm riêng, thí sinh tuyệt đối không dùng bút xóa trong bài làm, không sử dụng hai màu mực, hai nét chữ.

Không sử dụng bút xanh lá cây, bút đỏ. Khi làm bài không chừa chỗ sửa, không được viết nhảy hàng, gạch dưới hoặc viết tắt những ký hiệu đặc biệt. Các thầy cô môn địa lý lưu ý HS cần chuẩn bị một atlat “sạch”, không ghi bất cứ thông tin gì, không có ghi chú nào trên đó. Nếu lỡ ghi thì phải mua atlat mới. Nếu xóa đi vẫn còn hằn dấu xóa rất khó giải thích với giám thị trong phòng thi.


Quy định “Bị bệnh có quyền không nộp bài”: Phải được cán bộ y tế xác nhận


Ngày 28-5, ông Trần Văn Nghĩa, phó cục trưởng Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GD-ĐT), cho biết thêm trong thực tế tổ chức thi có trường hợp thí sinh đang thi nhưng bị bệnh đột xuất, hội đồng coi thi có thể cho thí sinh được dừng hoặc tạm dừng thi môn đó để được chăm sóc y tế. Những thí sinh sau khi được chăm sóc y tế, có khả năng tiếp tục làm bài thi sẽ được trở lại phòng thi hoàn tất bài thi của mình. Nhưng thí sinh được cán bộ y tế tại điểm thi xác nhận tình trạng sức khỏe nguy cấp, cần phải chuyển đi bệnh viện, hội đồng coi thi phải lập biên bản cho thí sinh ngừng thi môn đó.

* Còn đối với những thí sinh bị bệnh nhưng chưa đến mức phải chuyển đến bệnh viện?


- Những thí sinh bị bệnh không đủ sức khỏe dự thi, nếu có đủ điều kiện được đặc cách, phải hết sức cân nhắc để quyết định: dự thi hay không thi để xin đặc cách. Còn nếu cố đi thi, có thể sẽ gặp rủi ro như trên. Tình huống xử lý tôi đưa ra ở trên chủ yếu xét đến những trường hợp đột xuất, khi đó bộ phận y tế trong hội đồng coi thi sẽ xác nhận được chính xác tình hình sức khỏe của thí sinh để quyết định xử lý tại chỗ và cho tiếp tục thi, hay phải dừng thi và chuyển đến bệnh viện.

* Vậy những thí sinh đủ điều kiện xét đặc cách cần phải làm thủ tục như thế nào?

- Cả trường hợp bị bệnh, tai nạn trước khi thi hoặc trong khi đang diễn ra kỳ thi, gia đình của thí sinh phải chuẩn bị hồ sơ gồm: xác nhận của bác sĩ, giấy nhập viện, ra viện của bệnh viện, cơ sở y tế từ cấp huyện trở lên xác nhận tình trạng sức khỏe thí sinh không có khả năng tiếp tục dự thi, biên bản xin xét đặc cách của trường THPT nơi thí sinh nộp hồ sơ đăng ký dự thi (đối với trường hợp bị bệnh, tai nạn trước kỳ thi) và xác nhận của hội đồng coi thi, nơi thí sinh đang dự thi (đối với trường hợp bị bệnh trong khi thi). Hồ sơ xin xét đặc cách phải được nộp ngay sau khi kết thúc buổi thi cuối cùng của kỳ thi.

Theo TTO.
 

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top