Thi sĩ Hoàng Cầm: 75 tuổi còn đi tìm lá...
Lý Nguyên Anh
Lý Nguyên Anh
Tôi quen biết Hoàng Cầm khoảng đầu những năm 80, nhân một lần thi sĩ Phùng Quán rủ tôi đến nhà ông uống rượu. Bấy giờ, vì sinh kế, thi sĩ mở lén một quán rượu trong nhà, cho bạn bè văn nghệ sĩ tới đàm đạo văn chương. Thi sĩ Hoàng Cầm bán rượu một cách chậm rãi và hờ hững, nhiều lúc đầu óc ông cứ để đi đâu đâu, khách gọi thêm rượu, thêm đồ mồi hai, ba lần ông mới như sực tỉnh, vớ chai rót tràn cung mây. Sau này, tôi mới biết, đó là những khoảng thời gian ông đang thai nghén tập thơ kỳ diệu nhất của mình - tập "Về Kinh Bắc" - mà sau này khiến ông gặp bao hoạn nạn. Tôi may mắn được đọc bản thảo tập thơ ngay từ những ngày ấy và nhiều bài như "Cây tam cúc", "Quả vườn ổi", "Lá diêu bông"... đọng trong trí nhớ của tôi tự bấy đến giờ.
Tên thật của ông là Bùi Tằng Việt, sinh năm 1922 tại Bắc Ninh. Bút hiệu Hoàng Cầm ông tự đặt cho mình vào năm 1937, khi đang viết kịch thơ "Hận Nam quan". Như vậy, Hoàng Cầm viết kịch thơ từ khi chưa đầy 16 tuổi. Những lúc vui vẻ, ông thường nói đùa: "Cái tên Hoàng Cầm không phải là cây đàn vàng đâu, mà là vị thuốc đắng nhất đấy!".
Ông thường kể cho chúng tôi nghe về những ngày đầu năm 1946, khi ông cùng bạn bè góp tiền dựng kịch "Kiều Loan" và chỉ công diễn được một lần trên sân khấu Nhà hát lớn. Bù lại, ông có được mối tình với bà Tuyết Khanh - nghệ sĩ đóng vai chính và cô con gái mang tên Kiều Loan là kết quả của mối tình lãng mạn ấy. Hiện giờ, Kiều Loan đang sống với mẹ ở Mỹ. Vở kịch này đã được đem đi lưu diễn khắp nơi, nghe nói, được bà con Việt Kiều hoan nghênh lắm.
Hoàng Cầm làm thơ và biết yêu từ rất sớm. Nỗi khao khát yêu đời, yêu người dường như lúc nào cũng cháy bỏng trong ông và hiện hình thành những vần thơ da diết và luống cuống. Bây giờ, đã tròn 75 tuổi mà lúc nào Hoàng Cầm cũng "dọa" sắp cưới vợ. Anh em nghe ông nói thì cho là ông đùa, còn ông lại tin là thật. Một niềm tin rất đỗi "thơ ngây" mà chỉ một thi sĩ đích thực mới có được, bởi vì, như ông nói, thi sĩ còn trẻ mãi.
Trong 60 năm cầm bút, Hoàng Cầm đã viết rất nhiều, viết hàng ngày và nhờ vậy, số lượng tác phẩm của ông khá lớn (trên 10 tập). Có thể nói, với khối lượng thơ đồ sộ ấy, Hoàng Cầm đã bước thẳng vào văn đàn Việt Nam bằng những bước chân đĩnh đạc. Lịch sử văn học Việt Nam sẽ ghi nhận ông bên cạnh những tên tuổi thi sĩ hạng nhất của nước nhà.
Bây giờ, tuy sức khỏe đã sút kém, nhưng Hoàng Cầm vẫn viết đều. Ông dự định cho in một tập "Văn xuôi Hoàng Cầm" và tập "Hoàng Cầm hồi ký". Chiều chiều, bên quán nước ở vỉa hè 51 Trần Hưng Đạo, Hà Nội, ông vẫn thường đọc thơ cho chúng tôi nghe. Giọng ông vẫn sang sảng và thơ ông vẫn tràn ngập tình yêu.
st