THI PHÁP TỤC NGỮ
1/. Khái niệm về tục ngữ:
Theo ông Dương Quảng Hàm, trong “Việt Nam văn học sử yếu”: “Tục nữ (tục: thói quen đã có lâu đời, ngữ: lời nói.) là những câu nói gọn ghẽ và có ý nghĩa lưu hành tự đời xưa, rồi do cửa miệng của người đời truyền đi”. Đây là một trong những định nghĩa về Tục ngữ xuất hiện sớm. Tuy chưa thật sự đầy đử các đặc trưng nhưng cũng đã nêu được một số đặc điểm cơ bản của Tục ngữ.
Một định nghĩa khác trong giáo trình “Lịch sử văn học Việt Nam”(tập1): Tục ngữ là câu nói thường ngắn gọn có vần hoặc không có vần, có nhịp điệu hoặc không có nhịp điệu đúc kết kinh nghiệm sản xuất hay đấu tranh xã hội, rút ra một chân lí phổ biến, ghi lại một nhận xét về tâm lí, phong tục tập quán của nhân dân, tục ngữ do nhân dân sáng tác và được toàn thể xã hội công nhận. Hay, gần đây trong giáo trình “Văn học dân gian” (tập 2) của cố giáo sư Hoàng Tiến Tựu diễn đạt lại định nghĩa về Tục ngữ đã nêu ở trên, gọn hơn: “ Tục nữ là thể loại VHDG nhằm đúc kết kinh nghiệm, tri thức, nêu lên những nhận xét, phán đoán, lời khuyên răn của nhân dân dưới hình thức những câu nói ngắn gọn, giản dị súc tích, có nhịp điệu, dễ nhớ, dễ truyền”.
Những định ngĩa về tục ngữ càng về sau càng đầy đủ, nêu lên được những tính chất vốn có của thể loại. Điều đó cho thấy các nhà nghiên cứu VHDG đã khám phá ra nhiều đặc trưng mang tính khu biệt, từ đó cho chúng ta cái nhìn đúng đắn hơn về tục ngữ.
Tuy nhiên, các định nghĩa nêu trên còn chưa chú ý đến chức năng cũng như mục đích của tục ngữ. Tục ngữ còn có chức năng thông báo. Thông báo một nội dung tri thức và nhằm để đạt được một mục đích nào đó trong quá trình giao tiếp của con người như: truyền đạt kinh nghiệm; giáo huấn một điều tốt, răn đe, hạn chế cái xấu; bày tỏ thái độ, quan niệm, chính kiến trước một hiện tượng nào đó; tăng tính lập luận khi trình bày một vấn đề,. một sự việc, một sự biện giải mà không cần giải thích, biện luận nhiều lời,…
Từ những vấn đề đã nêu trên, ta có thể đi đến một khái niệm về tục ngữ như sau: Tục ngữ là những câu nói ngắn gọn, xúc tích, có vần, có điệu nằm trong lời ăn, tiếng nói hằng ngày nhằm truyền đạt những phán đoán của con người về thế giới tự nhiên và xã hội.
Tục ngữ là một trong những thể loại ra đời sớm. tuy nhiên cho đến ngày nay tục ngữ vẫn phát triển. VD, “Hàng giả, vạ thật”, “Hàng bày không bán, hàng bán không bày”, .. là những câu nói mới xuất hiện trong thời đại ngày nay.
Mặt khác, tục ngữ thường có tính chuyển nghĩa. Ban đầu tục ngữ chỉ có một nét nghĩa nhưng trong quá trình giao tiếp, lưu truyền nó nảy sinh ra những nét nghĩa mới. VD, “Lạt mềm buộc chặt”: nghĩa ban đầu là “lạt mỏng thì dễ buộc và buộc mới chặt” nhưng trong quá trình lưu truyền nó lại mang thêm nét nghĩa mới là “Trong quan hệ, ứng xử với nhau phải “mềm mỏng” thì dễ thành công”.
2/. Đặc điểm thi pháp của Tục ngữ:
- Câu tục ngữ mang tính ngắn gọn, xúc tích và bền vững bao giờ cũng có tính khái quát cao. Tục ngữ là loại câu rút gọn, gạt bỏ những từ đệm, những quan hệ từ, có khi còn tỉnh lược cả bộ phận ngữ pháp chính của câu: “Vụng chèo khéo chống”, “Còn nước còn tát”, …
Tính ngắn gọn, cô đúc là một đặc điểm nổi bật. Tục ngữ càng dài càng xa với đặc trưng của thể loại và khi dài đến một mức độ nào đó thì nó hết tính tục ngữ mà hóa thành ca dao. Do cô đúc về mặt từ ngữ nên ý nghĩa càng xúc tích và kết cấu trở nên chặt chẽ, bền vững. tục ngữ có thể được vận dụng vào nhiều ý. Khi lời càng ít, tính khái quát càng cao, tính hàm ý càng sâu làm cho tục ngữ có thể được vận dụng vào nhiều hoàn cảnh khác nhau. Hình thức ngắn gọn của tục ngữ còn do yêu cầu truyền miệng, đồng thời nó cũng thể hiện một cách nói, một cách nghĩ của nhân dân, của dân tộc Việt Nam.
- Tính vần của tục ngữ: khá phong phú và đa dạng. Tục ngữ có thể sử dụng tất cả các vần mà thơ ca dân gian hiện có. Nhưng đặc biệt là vần Bằng và vần Trắc: “Quan tha ma bắt”, “Ăn chắc mặc bền”, “Miệng ông cai vai đầy tớ”, “Tiền vào nhà khó như gió vào nhà trống”,…Vần còn có thể là vần liền hoặc vần cách . VD, “Khôn cho người ta dái (sợ, kiêng nể), dai cho người ta thương, dở dở ương ương tổ người ta ghét”, … Tuy nhiên cũng có một số câu không có vần. nhất là những câu chỉ có một vế. Vần là yếu tố giúp các từ trong tục ngữ liên kết chặt chẽ lại với nhau làm cho câu tục ngữ trở nên dễ nhớ, dễ thuộc.
- Tính nhịp điệu của tục ngữ: Ngoài vần, nhịp điệu cũng là yếu tố quan trọng làm tăng tính bền vững và giá trị nhạc điệu cho Tục ngữ. Nhịp có tác dụng làm cho dễ nói, nhất là những câu không có vần hoặc câu dài. VD, “Tre già măng mọc”, “Người khôn của khó”, “Sống lâu lên lão làng”,… Nhịp trong tục ngữ thường là nhịp 2/2 hoặc 4/4, hay cân đối 3/3,…nhịp điệu còn được tổ chức nhờ vào tính đối lập của các yếu tố thanh điệu (đối thanh), kết hợp đối ý nghĩa (đối ý) để thể hiện tính hòa đối của các mệnh đề được so sánh với nhau.
Ngững câu tục ngữ chỉ có một vế, sự ngắt nhịp cũng rất linh hoạt. VD, “Cái khó/bó cái khôn”, “Không tiền / nói chẳng ra khôn”, “Cà cuống / chết đến đít còn cay” hay “Cà cuống chết đến đít / còn cay”,…
Việc ngắt nhịp ở tục ngữ cúng góp phần chuyển tải nội dung, ý nghĩa. Vì thế, ngắt nhịp đúng sẽ giúp ta hiểu đúng ý ngĩa của câu tục ngữ và ngược lại.
- Các biện pháp tu từ của tục ngữ: Ngoài một bộ phận Tục ngữ là những nhận xét, phán đoán, kinh nghiệm được xây dựng bằng cách miêu tả trực tiếp sự kiện, hiện tượng tự nhiên, xã hội. Phần lớn Tục nữ có sử dụng những biện pháp tu từ quen thuộc như: So sánh, ẩn dụ, hoán dụ, ngoa dụ, nhân hóa,…VD, “Gái có chồng như rồng có vây” (SS), “Có khế ế chanh” (ẩn dụ), “Miệng ăn núi lở” (ngoa dụ), “Tay làm hàm nhai” (hoán dụ), “Cái nết đánh chết cái đẹp” (nhân hóa),…
Chính vì nhờ các biện pháp tu từ mà lối nói của Tục ngữ tuy ngắn nhưng vẫn sinh động; tuy truyền đạt kinh nghiệm lí trí vẫn có nhiều lời ví von đẹp đẽ. Tục ngữ phần nào vẫn có hình tượng. Tuy chỉ là hình tượng ngôn ngữ nhưng nhờ đó mà tục ngữ nói được nhiều ý niệm trừu tượng, nói được cái phổ biến bằng cái cụ thể cô đọng, ngắn gọn.
3/. Kết cấu của tục ngữ:
Có 2 loại kết cấu đó là: kết cấu đơn giản và kết cấu phức hợp.
Kết cấu đơn giản là những câu tục ngữ chỉ có một vế, một phán đoán đơn giản nêu một ý tưởng, một nhận xét,…. VD, “Gà què ăn quẩn cối xay”, “Già néo đứt dây”,…Đây là những nhận xét thực tiễn, chưa nêu thành kinh nghiệm, phán đoán, bản thân nó chưa mang tính suy luận.
Kết cấu phức hợp: là những câu tục ngữ có từ hai vế trở lên có quan hệ với nhau về ý nghĩa. Vế này là cơ sở của vế kia. Qua kiểu kết cấu này ta thấy được phép suy luận, loại suy trong bản thân tục ngữ. Mối quan hệ giữa các vế có thể quy vào 3 dạng:
- Quan hệ tương đồng (dạng suy luận tương đồng): ở dạng này, dù 2 vế đề cập đến 2 sự việc khác nhau nhưng được đặt so sánh bên nhau, gầm hiểu giống nhau về một nội dung, ý nghĩa nào đó. VD, “Đường đi hay tối, nói dối hay cùng”, “Miệng bà đồng, lồng chim khướu”, “thuyền mạnh nhờ lái, gái mạnh nhờ chồng”,…
- Quan hệ đối lập (dạng suy luận tương phản): ở dạng này, 2 vế nêu lên 2 phán đoán, nhận xét trái ngược nhau, ngầm hiểu là loại so sánh khác nhau.VD, “Của một đồng, công một nén”, “Yêu nhau lắm, cắn nhau đau”, “Thương cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi”, …
- Quan hệ nhân quả (Dạng suy luận nhân quả): Điều được nêu lên ở 2 vế có quan hệ biện chứng. lối suy luận này có tính khoa học, chặt chẽ. Vế sau là hệ quả của vế trước. VD, “Nguồn đục, dòng cũng đục”, “Cây ngã lá dập”, “Rút dây động rừng”,…
Tục ngữ không nhằm mục đích biện luận mà là biểu đạt những kết quả đã được biện luận, đối chiếu kĩ càng trong thực tế cuộc sống.Tục ngữ còn là kết quả cô đọng của một quá trình suy luận, biện giải. Do vậy, sử dụng tuch ngữ với mục đích khẳng định hoặc phủ định thì bant thân tục ngữ là một luận cứ chắc chắn không phải bàn cãi.
(Sưu tầm)