Thi pháp truyện cổ tích

bichngoc

Moderator
THI PHÁP TRUYỆN CỔ TÍCH


1.Cốt truyện Cổ tích:

Cốt truyện là hệ thống những biến cố, hành động, những sự kiện,…tạo thành những bộ phận quan trọng của câu chuyện nhằm chuyển tải nội dung của câu chuyện. Những biến cố đó là những sự kiện bất thường được chia làm 6 phần:

Giới thiệu: là phần mở đầu ở đây chưa có biến cố, xung đột xảy ra.

Phần thắt nút: Thường là một biến cố quan trọng. Đây là nút mở đầu cho chuỗi biến cố sẽ xảy ra ở phần sau:

Phần phát triển: là phần trung tâm của câu chuyện. Phần này là chuỗi biến cố xảy ra theo trục thời gian, các biến cố có mức độ tăng dần đến một biến cố căng thẳng, quyết liệt nhất.

Phần đỉnh điểm: (còn gọi là cao trào) Đây là phần giải quyết mâu thuẫn, xung đột.

Phần kết thúc: (còn gọi là phần mở nút) Đây là phần giải quyết số phận của nhân vật.

Phần vĩ thanh: là phần bài học được rút ra từ câu chuyện.

Từ những đặc điểm của cốt truyện trên ta có thể nêu ra những đặc điểm của cốt truyện cổ tích như sau:

Truyện cổ tích cũng có đầy đủ 6 phần cơ bản của cốt truyện như đã nêu trên.

Truyện cổ tích thường ngắn gọn, đơn giản, ít tình tiết, biến cố. Vì vậy, cốt truyện cổ tích thường đơn giản, sơ lược, khuôn mẫu.

Cốt truyện cổ tích thường xây dựng trên cơ sở cuộc đời của nhân vật Chính diện.

Những xung đột tạo nên biến cố trong cốt truyện cổ tích có thể xảy ra trong phạm vi gia đình, xã hội nhưng cũng có khi chuyển từ phạm vi gia đình ra ngoài xã hội. Những biến cố ấy có mức độ đơn giản đến phức tạp, có khi chuyến sang gây cấn, quyết liệt.
Ví dụ: Trong truyện : “Cây khế”;
Truyện : “Tấm Cám”

2/.Thời gian nghệ thuật truyện Cổ tích:

Thời gian nghệ thuật truyện Cổ tích là lớp thời gian quá khứ có tính chất Cố sự thể hiện rõ nhất là cụm từ mở đầu truyện: “Ngày xưa, …” hay “Ngày xửa, ngày xưa,…..”. Quá khứ trong truyện cổ tích là quá khứ “phiếm chỉ”. Điều này cũng làm cho truyện cổ tích có tính chất “Phiếm chỉ” khác với truyền thuyết là thời gian được xác định cụ thể. Đó là thời gian của lịch sử.

Không chỉ có quá khứ “Phiếm chỉ” mà thời gian trong truyện cổ tích còn là thời gian “mặc định”. Khi cắt bỏ thời gian ở phần giới thiệu thì các biến cố của nội dung câu chuyện xảy ra là thời gian hiện tại hay còn gọi là thời gian khách quan. Vì vậy, nhân vật trong truyện cổ tích bao giờ cũng hành động trong hiện tại mặc dù mọi hành động của nhân vật, mọi diễn biến của sự kiện, tình tiết lại vận động, gói gọn trong thời gian quá khứ “ngày xửa, ngày xưa” ấy. Thời gian của cổ tích là quá khứ nhưng hành động của nhân vật được kể luôn là hiện tại. một thứ hiện tại trong quá khứ. Đó là thứ thời gian kéo dài và liên tục. khi nào sự kiện kết thúc thì thời gian mới dừng lại, chấm dứt. Do vậy, thời gian của truyện cổ tích là thời gian “mặc định”.

Thời gian trong truyện Cổ tích có thể nhanh hoặc chậm tùy theo nhịp điệu trần thuật về những biến cố đã được lựa chọ, xắp xếp của người kể chuyện. do vậy không có sự quy đảo về thời gian. Nhân vật được giới thiệu là được tác giả dân gian đạt vào trục đối kháng, mâu thuẫn và cứ thế trôi theo dòng sự kiện ấy, không cảm nhận thời gian theo cảm xúc chủ quan. Vì thế, nhân vật của truyện cổ tích khi đứng trước những biến cố có những hành động cụ thể, không quay lại để hồi tưởng, băn khoăn, không ưu tư, suy nghĩ,… không có biểu hiện của tâm trạng. Ví dụ trong truyện “Tấm Cám” cô Tấm có rất nhiều lần đã khóc. Nhưng việc “khóc” của cô Tấm không phải nằm trong một tâm trạng gì cả mà đó chỉ là một hành động “khóc” như mọi hành động khác trong truyện mà thôi. Cũng chính vì thế mà trong truyện cổ tích không bao giờ có thời gian “Tâm lí” (tâm trạng). Và khi câu chuyện kết thúc là khi hành động đối kháng được giải quyết./.

3/.Không gian nghệ thuật truyện Cổ tích:


Nếu thời gian nghệ thuật truyện cổ tích là thời gian “Phiếm chỉ” thì không gian nghệ thuật truyện Cổ tích là không gian định lượng, không xác định, mơ hồ và phiếm chỉ. Điều này dề nhận thấy trong những yếu tố biểu thị không gian ở phần mở đầu truyện đó là: …”tại một làng nọ”,….”vùng đất kia”, …”nhà kia”, …Những yếu tố chỉ không gian này được nhắc đến như một khái niệm, một ý niệm về không gian chứ không được miêu tả một cách cụ thể. Ngoài ra, công việc, hành động của nhân vật gợi cho chúng ta thấy được không gian của truyện cổ tích là không gian của làng quê nhưng cũng không được mô tả cụ thể. Qua nhiều chi tiết được nhắc đến đã gợi ra khung cảnh làng quê như: mò cua, bắt cá, chăn trâu, đốn củi, cày ruộng, giữ ruộng, trèo cau, dệt vải, làm rẫy, chèo đò, đi hội làng,… Không gian này làm cho truyện cổ tích gần gũi, thân thuộc với người nghe, làm cho người nghe dễ đồng cảm với nhân vật bất hạnh trong câu chuyện.

Nếu ở trên là lớp Không gian trần thế - không gian “phiếm chỉ” thì không gian nghệ thuật truyện cổ tích còn có một lớp không gian nữa đó là lớp không gian thần kì , kì ảo – không gian không cản trở. Không gian này dung chứa các yếu tố thần kì của truyện cổ tích. Không gian thần kì mang yếu tố hư ảo, xa lạ đối với con người. So với không gian phiếm chỉ - không gian trần thế thì không gian thần kì còn được gọi là không gian không cản trở.

Nhân vật trong truyện cổ tích nhất là cổ tích thần kì, con người gần như không già đi, không ốm đau, không thất bại trước một thế lực phản diện nào,… thậm chí họ còn có thể biến hóa vào thế giới của muôn loài. Vì thế, nhân vật cổ tích sống trong không gian ấy nên làm được nhiều chuyện phi thường mà con người thật không bao giờ làm được như Thạch Sanh đánh đàn tuy không học đàn, xuống thủy cung,…trong truyện “Thạch Sanh” hay cô Tấm biến hóa thành chim, thành cây, thành quả,… trong truyện “Tấm Cám”.

Trong truyện cổ tích hai lớp không gian hiện thực và không gian thần kì đan xen lẫn nhau. Nhân vật cổ tích đi về giữa hai lớp không gian ấy, giữa hai cõi mơ và thực. nó không hoàn toàn là hiện thực và cũng không hoàn toàn là mơ. Chuyện của cổ tích luôn chuyển hóa linh hoạt giữa mơ và thực, thực và mơ. Từ những yếu tố không gian nghệ thuật cổ tích đã nêu, ta có thể khẳng định: không gian nghệ thuật cổ tích không có không gian tâm lí (tâm trạng)./.

4/. Nhân vật truyện Cổ tích:

Nhân vật trong truyện cổ tích rất đa dạng, phong phú và sinh động. Nó phản ánh hầu như toàn bộ mọi hạng người, mọi loại nghề nghiệp trong xã hội. Nhân vật cổ tích còn là nhân vật của các quan hệ gia đình, thân tộc, xã hội. Nhân vật xuất hiện trong cổ tích bao giờ cũng nêu lên những mâu thuẫn trong quan hệ xã hội, quan hệ gia đình,…

Dù có đa dạng và phong phú, nhưng nhân vật trong truyện cổ tích được phân tuyến và chia làm hai tuyến nhân vật chính đó là: tuyến nhân vật chính diện và tuyến nhân vật phản diện. hai tuyến nhân vật này tiêu biểu cho hai lực lượng chính trị đối lập nhau trong xã hội đó là: thống trị - bị trị; Thiện- Ác; Cao cả - Thấp hèn; Tốt – Xấu,… Điều này cho thấy sự đối lập là một nguyên tắc thi pháp nhân vật truyện cổ tích thống nhất trong việc biểu hiện nội dung, tư tưởng, quan niệm đạo đức, thẩm mĩ của tác giả dân gian

Nhân vật được phân thành hai tuyến rạch ròi ngay từ đầu truyện Nhân vật trong cổ tích không có hiện tượng đổi tuyến. Nhân vật của hai tuyến luôn được đặt trong thế đối lập, xung đột, mâu thuẫn với nhau. Đây là nguyên tắc xây dựng nhân vật đối tuyến của truyện cổ tích. Trong truyện, khi các nhân vật đã được phân tuyến thì dù các nhân vật ấy đấu tranh, xung đột, hay mâu thuẫn thì chỉ phát triển trong tuyến nhân vật của mình mà không bao giờ đổi tuyến. Hay nói cách khác, nhân vật tốt thì luôn luôn tốt, nhân vật xấu thì luôn xấu, nhân vật ác thì luôn ác,…Điều này làm nhân vật cổ tích không giống với con người trong cuộc sống thực. đó chỉ là những khuôn mẫu đã định sẵn để thể hiện một mục đích, lí tưởng hay một bài học luân lí nào đó, … v.v.

Nhân vật trong truyện cổ tích còn là nhân vật cực tuyến. Nhân vật cổ tích thường được đẩy đến cực điểm của một tính chất nào đó. Thường thì rất tốt, rất thiện hoặc rất ác, rất xấu,… Việc xây dựng nhân vật cực tuyến còn được xem là một thủ pháp nghệ thuật. đó là nhân vật được phóng đại, hư cấu theo tình cảm yêu hay ghét mãnh liệt và chủ quan của tác giả dân gian.

Nhân vật trong truyện cổ tích còn là loại nhân vật chức năng. Loại nhân vật này là kiểu nhân vật phổ biến của cổ tích thần kì. Đó là những nhân vật có đặc điểm phẩm chất cố định không thay đổi từ đầu cho đến cuối truyện, không có đời sống nội tâm, sự tồn tại và hành động của nhân vật chỉ nhằm thực hiện một số chức năng nhất định nào đó.

Nhân vật trong truyện cổ tích là nhân vật phiếm chỉ. Không chỉ nhân vật chức năng không có đời sống nội tâm mà các nhân vật khác trong truyện cổ tích đều như thế. Trong truyện cổ tích cũng không miêu tả nội tâm nhân vật. ta không biết nhân vật nghĩ gì, vì không hề có biểu hiện của nội tâm. Nhân vật cổ tích chỉ hành động. Thực hiện hết hành động này đến hành động khác bao giờ đạt được mục đích thì mới dừng lại và truyện kết thúc. Như vậy, nhân vật không có cá thính cụ thể, mỗi nhân vật thực hiện một chức năng đã định sẵn, mang một nét tính cách định sẵn, không có sự phát triển tính cách nên ta có thể gọi đó là nhân vật tính cách.

(Sưu tầm)
 

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top