Theseus - người phiêu lưu thành Athens

ngan trang

New member
Theseus - người phiêu lưu thành Athens

Theseus trấn áp tội phạm và đưa người dân Attica sát cánh bên nhau trong nền dân chủ đầu tiên. Chàng cứu trẻ em Athens thoát khỏi nanh vuốt quái vật Minotaur, nhưng việc chàng bắt cóc nữ hoàng của người Amazon đã gây bao phiền toái và rồi cuối cùng chàng phải lìa đời trong đau khổ.
Khoảng năm 1300 TCN, vua Aegeus có con với Aethra, con gái của nhà thông thái Pittheus. Vị vua để lại cho cô gái trẻ một thanh gươm và một đôi giày, đặt dưới một tảng đá lớn. Ông dặn, nếu nàng sinh con trai và đứa bé nâng được hòn đá đó, thanh gươm và đôi giày sẽ thuộc về nó. Khi đó, Aethra phải cho đứa bé đến gặp cha ở Athens. Ông cũng ra lệnh cho Aethra phải giữ bí mật điều này vì không muốn con mình trở thành nạn nhân của 50 đứa cháu của ông, những kẻ đang nhăm nhe quyền thừa kế.
Aethra sinh hạ một cậu bé khôi ngô tuấn tú, đặt tên là Theseus. Pittheus tuyên bố, cháu ngoại mình là con của thần biển Poseidon. Ông nuôi dạy đứa cháu thành một chàng trai khỏe mạnh, có lòng quả cảm và trí thông minh phi thường.
10921567-Theseus-nang-tang-da.jpg
Theseus nâng tảng đá tìm thanh gươm và đôi giày. Khi thấy đã đến lúc cần làm theo lời dặn của Aegeus, Aethra dẫn Theseus đến chỗ tảng đá nọ và cho chàng biết cha chàng là ai. Theseus dễ dàng nhấc bổng tảng đá, lấy được thanh gươm và đôi giày Aegeus để lại. Rồi thay vì đường biển an toàn và thuận lợi, chàng chọn đường bộ tới Athens.
Thời đó, đường từ Peloponnesus tới Athens đầy rẫy kẻ cướp. Pittheus kể cho cháu mình biết mọi đặc điểm sức mạnh và cách giết người của bọn cướp đang đợi chàng trên đường. Tấm gương của người anh họ Hercules khiến Theseus càng thêm can đảm. Chàng không muốn mang trả thanh kiếm cho cha mà nó không nhuốm máu bọn xấu, không chứng tỏ được dòng máu cao quý đang chảy trong người chàng bằng những chiến công vinh quang.
Gã côn đồ đầu tiên Theseus gặp là tên cướp Periphetes, biệt danh “Kẻ mang chùy gỗ”. Theseus hạ y trong một cuộc đấu rồi lấy luôn cây chùy gỗ làm vũ khí. Hercules từng khoác bộ da sư tử trên vai như bằng chứng chàng đã hạ con thú lớn, còn Theseus dùng cây chùy gỗ nổi tiếng của Periphetes cũng có mục đích tương tự. Cho đến trước ghi gặp Theseus, Periphetes là kẻ bất khả chiến bại.
Tiếp tục đi qua vùng Isthmus xứ Corinth, Theseus gặp Sinnis, kẻ được mệnh danh là “Kẻ vặn cây thông” vì cách hắn hành hình nạn nhân là uốn cong hai cây thông rồi trói chân tay họ vào đó. Vì lực uốn nên khi hai cây thông bung ra, các nạn nhân sẽ bị xé rách đôi người. Theseus cũng bắt tên này phải chết như thế.
Trên đường đi, Theseus còn gặp Phaea - “con lợn cái xứ Crommyon”, Sciron - kẻ chuyên giết người miền duyên hải Megara và Cercyon - tên khổng lồ hung bạo.
10921567-Theseus.jpg
Tượng Theseus. Theseus đến Athens đúng lúc thành phố đang hỗn loạn, chia rẽ năm bè bảy mối. Cung điện của Aegeus đang náo động vì sự có mặt của Medea, kẻ từng nhẫn tâm giết chết hai người con trai của mình. Medea từ Corinth trốn sang Athens, hứa với Aegeus là sẽ dùng phép phù thủy để cầu cho ông có một người con trai. Aegeus không biết Theseus là ai, nhưng Medea hiểu rằng, Theseus sẽ xóa sạch mọi ảnh hưởng của mụ. Mụ thuyết phục Aegeus già nua và đa nghi rằng, cần chào đón vị anh hùng này tới Athens bằng một chén thuốc độc.
Theseus muốn cha tự phát hiện ra mình nên tại bữa tiệc, anh dùng thanh gươm để xẻ thịt. Nhận ra thanh gươm, Aegeus đổ ngay chén thuốc độc đi. Hỏi chuyện Theseus xong, ông triệu tập toàn dân Athens, giới thiệu với họ rằng Theseus là người thừa kế vương quốc Attica (có trung tâm là thành phố Athens). Tin tức về những chiến công trong cuộc phiêu lưu của Theseus đã bay đến Athens trước khi chàng đến nên dân chúng rất mừng khi có một hoàng tử như vậy.
Pallas và 50 người con trai thấy hy vọng giành quyền kế vị ngai vàng đã chấm dứt nên dấy binh chống Aegeus. Một nhóm tiến vào hoàng cung, nhóm khác phục kích Theseus. Theseus giết sạch bọn chúng và khi biết tin, Pallas và những đứa con sống sót chỉ biết chạy tan tác nhằm thoát thân.
Đến lúc này, khi đã giành được ngôi vị cho mình, Theseus không muốn sống an nhàn tại nhà. Chàng tới Marathon, nơi một con bò đực khổng lồ đang gây tang tóc cho người dân.Theseus bắt sống được con bò này, đưa về cho người dân Athens xem rồi đưa tới Delphi hiến tế cho thần Apollo.
Không lâu sau, có người từ Crete tới lấy đồ cống nạp mà Athens cứ 9 năm phải nộp một lần, gồm 7 cô gái và 7 chàng trai. Sở dĩ họ phải nộp là vì khi xưa, Androgeus, con trai cả của vua Minos xứ Crete bị giết khi là khách của Aegeus ở Attica. Minos gây hấn báo thù, và ngoài những tàn phá do quân Minos gây ra ở Athens, các vị thần còn gây hạn hán, nạn đói và bệnh dịch để trừng phạt thành phố. Nhà tiên tri ở đền Delphi nói với người Athens rằng, phải xoa dịu cơn thịnh nộ của Minos thì mọi thống khổ mới chấm dứt. Vậy là người Athens lập tức cầu hoà. Minos đòi cứ 9 năm một lần, Athens phải cống nạp 7 chàng trai và 7 cô gái cho Crete.
Đây là lần thứ 3 Crete đến đòi đồ cống nạp và dân chúng Athens cảm thấy vô cùng đau xót. Tất cả những người có con ở tuổi thiếu niên đều phải rút thăm xem ai phải cống nạp con mình. Người Athens ta thán và bất bình, vì Aegeus là người gây nỗi khổ cho họ lại không phải rút thăm. Như thế nghĩa là, người Athens chính gốc phải hy sinh con mình để một đứa con hoang ngoại quốc kế thừa ngai vàng.
Thấu hiểu sự bất bình này, Theseus liền tình nguyện là một trong những người chịu cống nạp. Mọi người ca ngợi hành động cao đẹp này, còn nước mắt của vua cha không lay chuyển được ý chí của chàng trai.
Thường thì tàu đưa các nạn nhân sang Crete kéo buồm đen, nhưng lần này Aegeus cho kéo buồm trắng và lệnh cho các thuỷ thủ dùng buồm trắng khi tàu trở về, nếu Theseus làm được những gì chàng quả quyết: giết Minotaur, con quái vật nửa người nửa bò nhốt trong mê cung, chuyên ăn thịt những người làm vật cống nạp.
10921567-Theseus-Minotaur-2.jpg
Theseus chiến đấu với Minotaur. Khi tàu đến Crete, Ariadne, con gái của vua Minos đã đem lòng yêu Theseus ngay từ cái nhìn đầu tiên. Ariadne cho Theseus một cuộn chỉ để đánh dấu đường đi trong mê cung. Theseus giết chết Minotaur rồi dẫn mọi người trốn thoát. Nàng Ariadne cũng bỏ trốn theo Theseus.
Khi tàu của Theseus về gần đến Attica, người dân trên bờ lại thấy cánh buồm đen, vì mọi người trên tàu quá sung sướng mà quên kéo buồm trắng. Nhìn thấy cánh buồm đen, vua Aegeus tưởng đó là dấu hiệu báo người con trai đã chết nên ông nhảy xuống vách đá bên bờ biển tự tử.
Sau khi cha chết, Theseus lên làm vua. Chàng tiếp tục kêu gọi dân Attica về sống quần tụ ở một thành phố vì trước đo, họ tản mát đi các nơi. Theseus giải quyết những tranh chấp của dân chúng, thuyết phục họ sống hoà thuận dưới sự cai quản của chính quyền trung ương. Người dân nghèo hăng hái ủng hộ thể chế mới do chàng lập nên. Theseus cũng giành được sự hợp tác của những người có quyền lực, bằng cách hứa hẹn sẽ chấm dứt chế độ quân chủ, thực thi nền dân chủ, trong đó nhà vua chỉ là tổng tư lệnh và là người bảo vệ pháp luật.
Nhiều người còn dè dặt, e sợ quyền lực và nghi ngờ quyết tâm của Theseus nên họ muốn chàng chứng tỏ lời nói bằng hành động. Theseus liền huỷ bỏ hệ thống toà án và chính quyền địa phương, biến Athens thành cơ quan cai trị duy nhất. Rồi như đã hứa, chàng từ bỏ quyền lực vương giả của mình.
Aristole kể rằng, Theseus là nhà vua đầu tiên tự nguyện tạo dựng nền dân chủ. Để tìm hiểu về tương lai của thể chế chính trị do mình tạo ra, Theseus đã đến xin lời tiên tri ở ngôi đền Delphi và được trả lời như sau: “Nhiều thành phố sẽ phải chấm dứt sự tồn tại và bị điên đảo bởi thành phố của nhà vua. Do vậy, xin đừng tuyệt vọng. Chiếc thuyền sẽ vượt qua cơn biến động”.
Để mở rộng thành phố, Theseus mời gọi người nước ngoài tới sinh sống và cho họ hưởng những quyền lợi như người bản địa. Để duy trì trật tự, chàng chia dân chúng thành 3 giai tầng riêng biệt, mỗi giai tầng có bổn phận và đặc ân riêng. Ba giai tầng này là quý tộc, nông dân và thợ thủ công.
Giới quý tộc chịu trách nhiệm cai quản tôn giáo và pháp luật, bao gồm cả việc bầu chọn các quan toà. Nông dân trở nên giàu có hơn, thợ thủ công đông đúc hơn, quý tộc có uy tín hơn nên giữa các tầng lớp ở Athens có sự cân bằng quyền lực.
Sau đó, Theseus tổ chức đại hội thể thao Isthmus để tôn vinh thần Poseidon, giống như Hercules tổ chức Đại hội Olimpic tôn vinh thần Zeus. Rồi chàng đi tới biển Đen thăm thú vùng đất của người Amazon. Khi thấy bóng tàu Theseus cùng các thủy thủ, những người phụ nữ tràn đầy sức sống mang quà ra đón mừng. Theseus mời nữ hoàng của họ là nàng Antiope lên tàu và giương buồm đi luôn. Thế là chiến tranh giữa Athens và Amazon bắt đầu.
Sau một chuyến viễn chinh, các nữ binh Amazon đã chinh phục toàn bộ con đường dẫn tới thành Athens. Một trận đánh ác liệt đẫm máu đã kết thúc bất phân thắng bại, tiếp theo là cuộc bao vây kéo dài suốt 4 tháng. Cuối cùng, hai bên ký hoà ước và người Amazon rút về. Nhiều ngôi mộ của người Amazon và các di tích khác chứng tỏ cuộc xâm lăng đã thực sự diễn ra.
Trong khi Theseus đi ngao du xa nhà, một trong những quý tộc Athens là Menestheus giở trò lấy lòng số đông, gây bất ổn ở Athens. Với giới quý tộc, y nói rằng Theseus đã cướp mắt quyền lực họ vốn có ở đất nước này, rồi cướp đi quyền tự do ngôn luận và biến họ thành nô lệ. Còn với người nghèo, y nói rằng Theseus không phải là dân gốc Athens và “kẻ ngoại bang” này chỉ dùng tự do như miếng mồi ngon để sai khiến họ.
Trong khi Menestheus đang tiêm nhiễm những ý nghĩ đó vào đầu óc người dân Athens thì đội quân Sparta kéo đến đòi nàng Helen xinh đẹp và Theseus đã cướp đi trong thời gian du ngoạn. Người Athens đáp rằng, họ không biết nàng Helen ở đâu nên người Sparta chuẩn bị đánh thành.
Menestheus thuyết phục dân Athen mở cổng thành và đón người Sparta như bè bạn, bởi họ chỉ hiềm thù với Theseus mà thôi. Không biết bằng cách nào mà người Sparta biết rằng nàng Helen đang ở Aphidnae với mẹ của Theseus. Sau một trận đánh, họ giành lại nàng, đồng thời bắt mẹ của Theseus làm nô lệ cho Helen.
Trở lại Athens, Theseus thấy mọi sự đã đổi thay. Đầu óc dân chúng tha hoá đến mức họ dễ bị lừa phỉnh bằng những lời đường mật, a dua theo kẻ xấu. Những thù hằn phe phái mới nảy sinh bị bọn mị dân kích động đã phá hỏng mọi uy quyền của Theseus. Những người trước đây từng chống lại Theseus thì giờ đây, ngoài lòng căm ghét, còn có cả sự khinh thường đối với ông.
Cuối cùng, khi thấy không thể khôi phục lại được uy quyền, Theseus nguyền rủa người Athens rồi giương buồm tới hòn đảo Scyros trên biển Aegea, nơi sau này ông qua đời. Menestheus dễ dàng lên ngôi vua Athens. Lúc đó, không ai thèm quan tâm đến cái chết của Theseus.
Sau trận Marathon mà Athens đánh bại quân Ba Tư xâm lược (năm 490 TCN), nhiều chiến binh quả quyết họ đã nhìn thấy Theseus dẫn họ xung trận. Lời sấm truyền ở ngôi đền Delphi ra lệnh cho dân chúng phải đem hài cốt Theseus về quê hương, mai táng trọng thể trong thành phố. Nhưng lúc đó, những cư dân thù địch Scyros ngăn không cho người Athens tìm thấy nơi chôn cất thi hài Theseus. Nhiều năm sau, khi Cimon chiếm được Scyros, chàng thấy một con đại bàng quặp vuốt trên một bãi đất. Theo linh tính, chàng cho đào bãi đất đó để tìm xác Theseus. Cimon tìm thấy một chiếc quan tài đựng hài cốt một người đàn ông to lớn lạ thường, cùng một thanh gươm và một ngọn giáo bằng đồng. Cimon đem những thứ đó lên thuyền rồi mang về Athens.
Dân chúng Athens tổ chức đám rước linh đình và lễ hiến tế trọng thể, như thể người sáng lập Athens vẫn còn sống trở về. Họ mai táng Theseus tại trung tâm thành phố Athens. Ngôi mộ của ông trở thành nơi thiêng liêng cho những nô lệ và người nghèo trốn tránh bạo lực và kẻ độc tài. Đây là nơi tưởng nhớ Theseus, người luôn che chở cho kẻ yếu và giúp đỡ những người gặp khó khăn.
Theo sách Những anh hùng Hy Lạp cổ đại - Việt Báo
 

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top