• Chào mừng Bạn tham gia Diễn Đàn Kiến Thức tổng hợp No.1 VNKienThuc.com - Định hướng VN Kiến Thức
    -
    HÃY TẠO CHỦ ĐỀ KIẾN THỨC HỮU ÍCH VÀ CÙNG NHAU THẢO LUẬN

Thế Lữ “Kẻ bộ hành phiêu lãng”

hopbut107

New member
Xu
0
Trong khi hầu hết những nhà thơ khác trong Phong trào Thơ Mới được coi chủ yếu là những tác giả văn chương thì Thế Lữ lại được tiếp cận cả ở khía cạnh con người xã hội - nghệ thuật, một nhân cách văn hóa.

Thế Lữ sinh ngày 6/10/1907 tại ấp Thái Hà, Hà Nội trong một gia đình viên chức nhỏ. Thuở nhỏ ở Lạng Sơn, sau đó về Hải Phòng học sơ học và thành chung. Năm 1929, học xong năm thứ ba bậc thành chung thì về Hà Nội thi đỗ dự thính vào trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, học được một năm thì bỏ.

Khi còn ở tuổi mười tám đôi mươi, sống ở Hải Phòng, Thế Lữ đã viết truyện, làm thơ. Ông sắm vai kịch nói từ năm 1928. Năm 1932, Thế Lữ được mời làm báo Phong hóa, sau đó gia nhập Tự lực văn đoàn (TLVĐ), là người góp phần sáng lập phái này. Ông là nhà báo, người biên tập nòng cốt, mẫn cán của hai tờ báo Phong hóa và Ngày nay.

Khi gia nhập TLVĐ, Thế Lữ càng quan tâm đến nghệ thuật biểu diễn kịch nói nhiều hơn. Từ năm 1935, rõ nhất là từ năm 1937, ông chuyển hướng mạnh sang hoạt động biểu diễn kịch nói, mặc dù vẫn ở trong TLVĐ, đều đặn làm biên tập, viết báo, sáng tác và công bố tác phẩm văn chương.

Cuối năm 1938, ông kết hôn với người vợ sau là diễn viên Song Kim.

Thế Lữ sớm có tư tưởng tiến bộ. Năm 1928, khi 21 tuổi, ông tham gia Thanh niên cách mạng đồng chí hội ở Hải Phòng. Trước cách mạng tháng Tám, khi TLVĐ vừa ngừng hoạt động, Thế Lữ chỉ đạo đoàn nghệ thuật đi biểu diễn ở nhiều nơi dọc đất nước. Sau đó ông có mặt ở chiến khu Việt Bắc, tiếp tục tổ chức kịch đoàn, biểu diễn phục vụ kháng chiến.

Năm 1957, Hội nghệ sĩ sân khấu Việt Nam được thành lập, Thế Lữ được bầu làm chủ tịch, ông giữ cương vị này liên tục đến năm 1977. Cũng từ năm 1957, Thế Lữ là hội viên thế hệ sáng lập Hội Nhà văn Việt Nam.

Năm 1977, Thế Lữ nghỉ hưu.

Năm 1979, sau nhiều năm xa cách gia đình đầu tiên, Thế Lữ vào thành phố Hồ Chí Minh sống với người vợ đầu và các con.

Ngày 3 tháng 6 năm 1989, do tuổi già, Thế Lữ qua đời tại thành phố Hồ Chí Minh.

Năm 2001, Thế Lữ được Nhà nước truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh.

Thế Lữ là nhà thơ nổi tiếng, đã cùng Lưu Trọng Lư và một số người khác mở đầu Phong trào Thơ Mới (PTTM), trở nên nhà thơ tiêu biểu nhất của thơ mới buổi đầu, đánh dấu bước ngoặt thay đổi về cơ bản diện mạo thi ca nước nhà từ thời kỳ trung đại sang thời kỳ hiện đại.

Thế Lữ là một thành viên chủ chốt, có tư tưởng và hành động nghệ thuật tiến bộ vào bậc nhất trong TLVĐ. Khác hẳn và có ưu điểm hơn hẳn mọi thành viên khác trong TLVĐ, Thế Lữ là một nghệ sĩ duy nhất tham gia sâu vào cả ba thể loại giường cột của văn học, nghệ thuật hiện đại khi ấy: thơ trữ tình, văn xuôi nghệ thuật và sân khấu kịch nói. Ở lĩnh vực nào ông cũng đạt được những thành tựu đáng nể.

Ngoài vị trí là nhà thơ tiêu biểu nhất của Thơ Mới buổi đầu, Thế Lữ còn là một nhà thơ duy nhất trong TLVĐ xây dựng được cho mình một sự nghiệp văn xuôi nghệ thuật nổi danh. Thế Lữ là một trong số ít những nhà văn đầu tiên góp phần lớn hiện đại hóa truyện truyền kỳ, mở đầu truyện huyễn tưởng hiện đại và cũng mở đầu truyện trinh thám ở Việt nam.

Cùng với Đoàn Phú Tứ, Thế Lữ là một trong hai người đầu tiên đưa hoạt động nghệ thuật biểu diễn kịch nói nước ta trở thành chuyên nghiệp và riêng Thế Lữ, ông là người đầu tiên và duy nhất cách tân nghệ thuật biểu diễn kịch nói, kịch thơ, góp phần lớn đưa hoạt động sân khấu của nước nhà trở nên hoàn chỉnh theo hướng chuyên nghiệp hóa và hiện đại hóa.

Khi Thế Lữ mở đầu thơ mới, cũng là khi ông mở đầu một quan niệm nghệ thuật mới. Cái đẹp là hạt nhân của những quan niệm ấy.

Trong khi hầu hết những nhà thơ khác trong PTTM được coi chủ yếu là những tác giả văn chương thì Thế Lữ lại được tiếp cận cả ở khía cạnh người con người xã hội - nghệ thuật, một nhân cách văn hóa.

Là một nghệ sĩ đa tài, với bản lĩnh sáng tạo vững vàng, Thế Lữ sớm có tinh thần dân tộc và khát vọng xây dựng nền văn học, nghệ thuật nước nhà theo hướng hiện đại hóa. Cách mạng đã giúp ông xác định đúng đắn hơn, sâu sắc hơn vai trò, trách nhiệm lớn lao và vinh quang của người nghệ sĩ kiểu mới chân chính. Thế Lữ xứng đáng với Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học, nghệ thuật xuất sắc khác, đặc biệt là nghệ thuật biểu diễn kịch nói, thi sĩ kiêm văn sĩ, hội viên Hội Nhà văn Việt Nam thế hệ sáng lập, đạo diễn, Nghệ sĩ Nhân dân Thế Lữ có vị trí quan trọng trong tiến trình văn học, nghệ thuật hiện đại Việt Nam.

Phạm Đình Ân
 
THẾ LỮ - Cây đàn muôn điệu

THẾ LỮ - Cây đàn muôn điệu

I. Cuộc đời và văn nghiệp

Tên thật là Nguyễn Thứ Lễ, sinh ngày 6 – 10- 1907 ở Thái Hà ấp, Hà Nội. Từ năm 1930 đã viết những truyện ngắn đầu tiên. Có chân trong Tự lực văn đoàn, viết đều đặn trong nhiều mục của các báo Phong hóa và Ngày nay. Là một trong những người khởi xướng phong trào Thơ mới. Các bài trong Mấy vần thơ, tập một ( 1935) đã đưa ông lên hàng đầu những nhà Thơ mới và làm cho phong trào thơ này giành được thắng lợi quyết định. Ông còn viết Mấy vần thơ, tập mới ( 1941) nhiều tiểu thuyết và kịch. Lúc bé, từng theo gia đình sống một thời gian ở Lạng Sơn. Những chuyện đường rừng, chuyện miền núi bí mật và rùng rợn đã để lại dấu vết trong các tác phẩm Vàng và máu ( 1934), Bên đường Thiên lôi ( 1936), Mai Hương và Lê Phong ( 1937), Gió trăng ngàn ( 1941), Trại Bồ Tùng Linh ( 1941).Sau Cách mạng chuyển sang hoạt động sân khấu ( trước 1945 từng đóng kịch và thành lập Ban kịch Thế Lữ). Đã viết một số kịch bản và dịch một số vở của Seecxpia, Gơt, Sile, Pôgôđin. Từng là Chủ tịch Hội nghệ sĩ sân khấu Việt Nam.

Mất ngày 3 – 1989 tại thành phố Hồ Chí Minh



II. Vài nét lớn về tư tưởng, nghệ thuật

1. Bản hòa tấu của “ cái tôi” khác lạ

Đọc bài Tự trào của Thế Lữ, ta cảm thông với một kẻ đi giầy nhầm chân mặc dù chuyện có thật trong thơ là chuyện áo quần vay mượn, thi sĩ lúng túng như gà mắc tóc . Từ bỏ con đường cử nghiệp khoa danh đi tìm kiếm nàng Ly Tao ở cùng đường cuối xứ đến khi trở lại Hà thành hoa lệ năm xưa, nhà thơ lạ lẫm “ như anh Mán học làm sang”. Chiều bạn mà sống khác mình, nhưng cũng chỉ được có dăm hôm. Nhớ đất, nhớ trời , cánh chim phải trở về với đại ngàn của nó:

Để cho tôi sống đời riêng tôi
Cuộc đời lang thang, giản dị nhưng mà vui
Riêng cùng với nàng thơ làm bầu bạn
Cái sung sướng phồn hoa tôi đã chán.


Những câu thơ chưa hẳn đã nên thơ có phong vị đùa vui nhưng tình thì rất thực. Tìm về cội nguồn thi cảm, cái đẹp tự nhiên, kể cả cái hồn nhiên trong mộng tưởng với nhà thơ, đó mới là lã sống. Gọi nó là nghệ thuật vị nghệ thuật cũng không sai, nhưng chưa thể nói là hoàn toàn đúng hẳn. Bởi xét đến cùng , có lẽ đó cũng là một khía cạnh vị nhân sinh trên phương diện nào đó. Vì hành trình đi tìm cái đẹp xét đến cùng là gì nếu nó không là đòi hỏi tự thân của lòng ham sống? Thêm nữa , cái đẹp ở đây nên hiểu trên một biên độ rộng, một kích cỡ đa chiều chứ đâu chỉ là một quan điểm duy mỹ giản đơn thu mình lại ở những khái niệm ngôn từ , hình thức văn chương thuần túy. Dấu hiệu đầu tiên của cái tôi lành mạnh, khỏe khoắn và mới mẻ là thái độ dứt khoát không đội chung trời với một “ xã hội vô nhân”, một sự hạ cấp để “ chịu ngang bầy” với những ai kia trong lồng cũi. Thái độ ấy là một định hướng một điểm tựa, một tuyên ngôn. Cái khoảng cách mà nhà thơ vạch ra muốn thục hiện được chỉ có một cách là thi sĩ ấy phải vượt được chính mình. Chẳng hạn như ở vào lứa tuổi đôi mươi , cũng như mọi người, Thế Lữ đâu dễ thoát vòng tình ái. Chứng cớ là dù lòng đã dặn lòng: “ Trong thưở bình sinh, đôi mắt ta, không hề cho đẫm lệ bao giờ”, ấy thế mà nghe tiếng gọi ái ân, nhà thơ tự thú: “ Nước mắt đầu tiên lã chã rơi”. Bởi vì tiếng hát người con gái nào kia lạ quá::

Tiếng hát trong như suối Ngọc tuyền
Êm như hơi gió thoảng cung tiên
Cao như thông vút, buồn như liễu
Nước lặng, mây ngừng, ta đứng yên.

( Tiếng gọi bên sông)

“ Đứng yên” là một trạng thái bị động mà kẻ đầy tráng chí đã rơi vào. Nhưng dù trái tim mềm yếu đang đập những nhịp khác thường, bám víu vào lí trí, nhà thơ hăm hở gạt đi không thương tiếc::

Đang độ nam nhi vui vẻ hoài
Sầu tư bi thiết gác bên tai
Trái tim chỉ rộn khi căm tức
Ghét lũ vô nhân, giận nỗi đời


Như thế là phải bao nhiêu nước mắt, cái tôi của nhà thơ mới vươn tới sự tiếp cận, hơn thế, sự hòa nhập với cái tầng cao đẹp của nhân sinh, với cốt cách, với sự định hình của một lí tưởng. Tiếng gọi lên đường, tiếng gọi non sông( nhất là trong lúc “ non sông mờ cát bụi” ) dù không giục giã, bồn chồn nhưng thật thiết tha, trong trẻo. Nhất là nó thành thực, nhân văn. Day dứt, suy tư cho thế sự rõ ràng là một thái độ đầy trách nhiệm trước cuộc đời. Ta nên trân trọng cái mạch thơ trăn trở ấy::

Hai mươi sáu tuổi mà xem nhường
Quá nửa đời dầu dãi nắng sương
Các chén chua cay hồ dốc cạn
Trăm lần ôm nặng nỗi bi thương

( Tôi muốn đi )

Có thể nói vừa bước vào cuộc sống – cái cuộc sống không như mình tưởng là một giấc mộng ngọt ngào, một Thế Lữ đã già đi rất nhiều trước tuổi. Tâm trạng thơ giống cái ngơ ngác của kẻ lữ hành đứng giữa ngã ba lúc hoàng hôn buông xuống. Dù ngơ ngác, lạc loài, tâm hồn chưa một lần vẩn đục của người thanh niên không chịu lẫn vào cái xã hội ồn ào, bụi bặm kia vẫn thật đáng yêu::

Hôm nay tạm nghỉ bước gian nan
Trong lúc gần xa pháo nổ ran
Rũ áo phong sương trên gác trọ
Lặng nhìn thiên hạ đón xuân sang

( Giây phút chạnh lòng)

Thì ra hành trình đi tìm cái đẹp, “ đi hái những vần thơ” là một giải pháp tình thế giữa cuộc đời chứ phải đâu là trong mộng tưởng. Những câu thơ đầy dũng cảm ngang tàng cứ gọi nhau và không chỉ một lần trở đi trở lại: :
Năm năm theo tiếng gọi lên đường
Tóc lộng tơi bời gió bốn phương.


Chính là được gạn chắt, gợi khơi từ tinh chất tâm hồn nên nếu xâu chuỗi những tâm trạng tưởng chừng rất khác nhau, chúng vẫn chung nguồn mạch, vì thực chất lại rất gần nhau. Chẳng hạn như một bài thơ vào hàng kiệt tác: Nhớ rừng, người ta thường xem nó như một thứ tuyên ngôn nghệ thuật, mà thực ra đâu chỉ là nghệ thuật? Bằng nghệ thuật, nó nói được những điều hệ trọng nhất của cuộc đời. Với cuộc đời, nó đã là máu thịt, máu thịt ở cái phần cao đẹp nhất của nhân sinh. Đã có thời người ta phê phán bài thơ ở câu “ Ta biết ta là chúa tể của muôn loài”. Giờ nghĩ lại thấy thật là ấu trĩ. Bởi nếu cứ theo cái thiên kiến giai cấp hẹp hòi kia, nếu con hổ “ chịu ngang bầy cùng bọn gấu dở hơi” thì ở cái nơi “ bóng cả, cây già” kia, con hổ đâu còn là chính nó? “ Chúa tể của muôn loài” chẳng qua là một thuộc tính tự thân mà thiên nhiên ban phát. Nó đâu phải là một thứ đế vương của xã hội loài người, khi mà mọi thứ ngai vàng được dựng lên không ít là trên núi xương sông máu. Ấy là chưa kể đến sự toàn vẹn, đến tính logic của hình tượng thơ để nói cho được một tâm trạng, một giấc mơ, một khao khát!

Chung quy cái đẹp của cõi thơ đâu có xa cách với cõi người . Chúng gặp nhau ở lòng thành thực. Đó là cái mạnh tạo nên sức hấp dẫn không cưỡng nổi của sáng tạo văn chương. Ta mới hiểu công lao của một thi sĩ. Trong các cuộc luận chiến liên quan đến sự ra đời của thơ mới, Thế Lữ hầu như không hề có mặt. Ấy thế mà như Hoài Thanh quan sát: “ Thế Lữ chỉ lặng lẽ, chỉ điềm nhiên bước những bước vững vàng mà trong khoảnh khắc, cả hàng ngũ thơ xưa phải tan vỡ” ( Thi nhân Việt Nam). Sự thừa nhận của đông đảo độc giả với người chiến sĩ tiên phong này đâu chỉ thiên lệch dừng lại ở phạm trù mĩ cảm cho dù văn chương thì trước hết phải là nghệ thuật văn chương. Nghệ thuật vi diệu ấy đã đạt đến yêu cầu của sự khám phá, trước hết là tự khám phá. Và trên con đường tìm cái tôi, xuất hiện nhu cầu đến với cái đẹp. Cái đẹp này song hành với lí tưởng , với quan niệm nhân sinh mà ta vừa nói ở phần trên. Nó kết trái nở hoa trong nhận thức như một tình cờ . Thi nhân đã có lần hồi tưởng::


Ngày xưa còn nhỏ đi săn bướm
Bướm sợ bay tìm trốn dưới hoa
Ta thấy hoa cười mê mải ngắm
Thế là từ đấy biết Nàng Thơ

( Ngày xưa còn nhỏ )

Từ buổi tri ngộ tình cờ này, nhận thức ấy về vẻ đẹp và sứ mệnh thi ca sẽ còn được phát triển toàn diện hơn, sâu sắc hơn trong bài Cây đàn muôn điệu. Để có trái ngọt thi ca, cây thơ phải sum suê cành lá. Và muốn thế , tất nhiên nó phải sâu rễ bền gốc vào lòng đất, lòng người. Nếu không muốn cảm hứng cạn vơi, phải vươn về phía đó, chứ còn tuyên ngôn này nọ chẳng có ý nghĩa gì nhiều nếu không kèm với nó – những tuyên ngôn ấy, là nghệ thuật, là đích thực văn chương::

Anh thường bảo tính tình tôi thay đổi
Không chuyên tâm, không chủ nghĩa, nhưng cần chi?
Tôi chỉ là một khách tình si
Ham cái đẹp muôn hình muôn vẻ
Mượn lấy bút nàng


(Sưu tầm)
 

Chủ đề mới

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top