THỂ LOẠI VÀ CÁCH PHÂN CHIA THỂ LOẠI VĂN HỌC
Đề bài: Hiện nay, trong nghiên cứu về thể loại, ta thường tiếp cận về thể loại ở những góc độ nào? Dựa trên những góc độ ấy, ta phân chia thể loại như thế nào?
Thể loại tác phẩm văn học là khái niệm chỉ quy luật loại hình của tác phẩm, trong đó ứng với một loại nội dung nhất định có một loại hình thức nhất định, tạo cho tác phẩm một hình thức tồn tại chỉnh thể. Hiện nay, trong nghiên cứu về thể loại, ta thường tiếp cận thể loại ở 4 góc độ, với mỗi cách tiếp cận ta lại có sự phân chia thể loại riêng.
1. Quan niệm thể loại là một phương thức mô phỏng đời sống
Quan niệm này xuất phát từ thi học của Aristote. Ông có học thuyết mô phỏng. Trong công trình “Nghệ thuật thơ ca” ông đã nói đến 3 phương thức mô phỏng “hiện thực”:
- Mô phỏng thế giới bên ngoài -> Tự sự (kể về sự kiện tồn tại bên ngoài bản thân tác giả thông qua hệ thống nhân vật , sự kiện, tình huống, cốt truyện, trong đó ngôn ngữ trần thuật giữ vị trí nhất định), gồm: tiểu thuyết, sử thi, thơ tự sự, truyện cổ tích, truyền thuyết, phóng sự…
- Mô phỏng thế giới bên trong (bản thân tác giả) -> Trữ tình ( dựa vào nguyên tắc chuyển hóa từ thế giới bên ngoài vào thế giới bên trong thông qua lăng kính chủ quan của cảm xúc), gồm: thơ trữ tình, tản văn trữ tình, thơ văn xuôi…
- Mô phỏng hành động -> kịch (miêu tả nhân vật thông qua xung đột và hành động).
Quan niệm của Aristote sau này được phát triển ở các nước châu Âu, sau đó là phát triển ở Nga (nghiên cứu của Bielinski). Quan niệm “chia 3” bắt nguồn từ Aristote sau đó đã được Bielinski phát triển, phân chia chi tiết hơn theo những tiêu chí sâu hơn.
2. Quan niệm thể loại là nguyên tắc thế giới khách quan
Quan niệm này do M.Bakhtin khởi xướng, thể hiện ở sự lắng đọng cách nhìn để lí giải thế giới. Trong hệ thống lí thuyết của ông, văn học được chia thành hai loại: văn xuôi và thơ; văn học tự do và văn học cách luật. “Sử thi” là “thể” tiêu biểu của “thơ”, của văn học cách luật. “Tiểu thuyết” là “thể” tiêu biểu của văn xuôi và văn học tự do. Như vậy, theo ông văn học có hai loại là sử thi (khác với sử thi dân gian) và tiểu thuyết.
Bakhtin là người đầu tiên nghiên cứu thể của tác phẩm văn học theo cùng một dẫy với các thể loại lời nói. Theo Bakhtin, có bao nhiêu lĩnh vực hoạt động của con người, thì cũng có bấy nhiêu thể loại lời nói. Thể của tác phẩm trước hết là một thể của lời nói như thế. Trong quan niệm của ông, văn xuôi, tiểu thuyết là thể loại lời nói, trong đó các chủ thể phát ngôn đã tách ra thành một quan hệ đối thoại. Còn sử thi, thơ trữ tình, văn học cách luật là thể loại của lời nói độc thoại, vì ở đây các chủ thể phát ngôn không thể tách thành một quan hệ đối thoại.
3. Quan niệm thể loại như hình thức tổ chức văn bản
Xuất phát từ quan điểm của các nhà lí luận Trung Quốc, căn cứ vào đặc trưng đề tài, phương thức cấu tứ hình tượng nghệ thuật, bố cục kết cấu, vận dụng ngôn ngữ và thủ pháp biểu hiện để phân loại thể loại văn học. Thể loại văn học được phân chia như sau:
- Thơ ca: thơ trữ tình, thơ tự sự
- Tiểu thuyết: tất cả các tác phẩm tự sự có cốt truyện và nhân vật
- Văn xuôi: văn xuôi trữ tình, văn xuôi có cốt truyện (du kí, tạp kí, phóng sự, truyện kí, …)
- Kịch
4. Quan niệm thể loại như một loại hình nội dung
Nội dung thể loại phải là nội dung có tính loại hình, được lặp đi lặp lại qua các đề tài khác nhau. Đó là thuộc tính chung của một vùng tiếp xúc có ranh giới loại hình trong việc miêu tả, phản ánh hiện thực, mà mỗi thể loại sinh ra trong một bối cảnh lịch sử nhất định:
- Thần thoại: lí giải thế giới, nhân vật là thần
- Sử thi: hình thành từ sự xung đột giữa các cộng đồng, nhân vật là anh hùng.
- Thế sự: ghi chép về phong tục tập quán, hình thành khi xã hội có giai cấp.
- Đời tư: ghi chép về sự trải nghiệm.
Nguồn: diendankienthuc.net*