• Chào mừng Bạn tham gia Diễn Đàn Kiến Thức tổng hợp No.1 VNKienThuc.com - Định hướng VN Kiến Thức
    -
    HÃY TẠO CHỦ ĐỀ KIẾN THỨC HỮU ÍCH VÀ CÙNG NHAU THẢO LUẬN

Thế giới tuổi thơ trong sáng tác của Võ Quảng

  • Thread starter Thread starter Cua Ta
  • Ngày gửi Ngày gửi

Cua Ta

New member
Thế giới tuổi thơ trong sáng tác của Võ Quảng



MỞ ĐẦU

1. Lí do chọn đề tài
Văn học thiếu nhi (bao gồm sáng tác của thiếu nhi và người lớn viết cho thiếu nhi) là một bộ phận quan trọng trong nền văn học của mỗi một dân tộc và nhân loại. Khác với văn học dành cho người lớn, văn học thiếu nhi còn có yêu cầu riêng là phải phù hợp với tâm lí lứa tuổi của các em, nhưng những tác phẩm hay đích thực dành cho các em bao giờ cũng có sức hấp dẫn cả với người lớn tuổi. Nói như nhà văn Nguyễn Tuân: “Đông Tây cổ kim về văn học nói chung đã có ai dám nói rằng thơ và chuyện viết riêng cho bạn đọc nhỏ thì chỉ là viết riêng cho tuổi đó! Thơ, kịch, truyện chủ yếu là in riêng cho đối tượng các bạn đọc nhỏ tuổi mà đúng mà hay, thì càng là bà già ông già đọc đến, càng thấy vui thích… Người già là ai, nếu không từng là người đã từng có một tuổi Kim Đồng mà nay đang tủm tỉm hoặc trầm ngâm nhớ lại mơ lại cái tuổi thơ hồn nhiên đó của chính mình”. Có lẽ cũng vì vậy, văn học thiếu nhi không chỉ có vai trò to lớn trong việc làm phong phú thêm đời sống trẻ thơ, góp phần bồi dưỡng tâm hồn, tình cảm cho những thế hệ tương lai của một đất nước, mà còn có tác dụng đánh thức vẻ đẹp của ước mơ, khát vọng và cả những hoài niệm trong sáng nhất của mỗi một đời người.

Ở nước ta, do những hoàn cảnh lịch sử đặc biệt, cùng với nền văn học hiện đại, bộ phận văn học viết dành cho thiếu nhi cũng ra đời khá muộn. Tuy vậy, tiếp thu truyền thống từ văn học dân gian từ những đồng dao, cổ tích…, với sự quan tâm của xã hội dành cho tuổi thơ, chúng ta ngày càng có nhiều nhà văn viết cho các em. Nhiều tác phẩm ra đời đã được đông đảo bạn đọc nhỏ tuổi vô cùng yêu thích như "Dế Mèn phiêu lưu kí" và nhiều truyện khác viết về thế giới loài vật của Tô Hoài, "Lá cờ thêu sáu chữ vàng" của Nguyễn Huy Tưởng, "Đất rừng phương Nam" của Đoàn Giỏi, “Góc sân và khoảng trời” của Trần Đăng Khoa v.v… Trong số đó, không thể không kể đến những tác phẩm của một nhà văn rất quen thuộc với lứa tuổi măng non là Võ Quảng (1918 - 2007). Tuy vào nghề có muộn, nhưng ông là cây bút dường như đã dành trọn sự nghiệp văn chương của mình cho thiếu nhi. Sáng tác của ông gồm nhiều thể loại: Thơ, văn xuôi, kịch bản phim hoạt hình…; ở thể loại nào cũng có sức hấp dẫn riêng, nhưng tiểu thuyết "Quê nội" (trọn bộ gồm hai phần: “Quê nội” ra đời năm 1972 và “Tảng sáng” ra đời năm 1976) là tác phẩm ưu tú, vươn tới đỉnh cao nhất trong hành trình sáng tạo của ông. Vì vậy, việc tìm hiểu Thế giới tuổi thơ trong sáng tác của Võ Quảng, qua bộ tiểu thuyết này không chỉ có ý nghĩa khẳng định đóng góp xuất sắc của một tác giả mà qua đó còn có thể thấy rõ hơn những đặc điểm nổi bật của bộ phận văn học thiếu nhi trong nền văn xuôi hiện đại Việt Nam.

Mặt khác, Võ Quảng là một người con của quê hương đất Quảng, tác phẩm của ông đã nhiều năm được tuyển chọn vào chương trình dạy học trong nhà trường phổ thông ở bậc Tiểu học và Trung học cơ sở. Thế giới tuổi thơ trong sáng tác của ông thực sự hấp dẫn vì vừa điển hình cho tâm hồn, tình cảm, tính cách của thiếu nhi trong bối cảnh lịch sử của đất nước một thời, vừa mang đậm bản sắc tâm hồn của một vùng quê rất cụ thể. Do đó, nghiên cứu đề tài này còn có ý nghĩa thiết thực giúp thêm nguồn tư liệu cho việc giảng dạy văn học địa phương nói riêng và việc nâng cao chất lượng dạy học văn trong nhà trường nói chung.

2. Lịch sử vấn đề nghiên cứu
Nhìn một cách khái quát, có thể thấy rằng, từ khi tác phẩm đầu tay (tập thơ Gà mái hoa) ra đời năm 1957 cho đến suốt hơn bốn mươi năm cầm bút, Võ Quảng là một trong những nhà văn hiếm hoi ở nước ta chuyên viết và viết thành công những tác phẩm văn học cho thiếu nhi nên rất được các đồng nghiệp và giới nghiên cứu, phê bình quan tâm.

Ngay từ năm 1983, Nhà xuất bản Kim Đồng trong tập sách Bàn về văn học thiếu nhi bao gồm bài viết của nhiều tác giả, sau phần I: Thơ viết cho các em, công trình đã dành hẳn phần II, với 18 bài viết về Tác phẩm của Võ Quảng, với sự đóng góp của nhiều nhà văn, nhà nghiên cứu phê bình. Tiêu biểu như: Nguyễn Kiên với Một tấm lòng vì tuổi thơ, Vân Hồng với Võ Quảng và tiểu thuyết “Quê nội - Tảng sáng”, Đoàn Giỏi với Tác phẩm và con người Võ Quảng, Vài cảm nghĩ khi đọc thơ Võ Quảng của Phạm Hổ, Vũ Tú Nam với Tài năng miêu tả của Võ Quảng, Vân Thanh khẳng định vị trí Võ Quảng và văn học thiếu nhi, Phạm Hoàng Gia với “Quê nội” và mấy đặc trưng tâm lý thiếu nhi, Võ Quảng với “Quê nội” của Xuân Tùng, Phong Thu với Một thời niên thiếu trong văn Võ Quảng, Vũ Ngọc Bình với Vài cảm nghĩ về văn thơ Võ Quảng, và Phong Lê đi Vào thế giới thu nhỏ trong “Quê nội” và “Tảng sáng” của Võ Quảng

Đặc biệt, công trình Võ Quảng - con người, tác phẩm, do bà Phương Thảo (người vợ hiền của Võ Quảng, đồng thời cũng là một nhà nghiên cứu, dịch thuật văn học) biên soạn, Nhà xuất bản Đà Nẵng ấn hành tháng 3 năm 2008, đã tập hợp khá đầy đủ các bài viết giúp người đọc hình dung về cuộc đời và sự nghiệp của Võ Quảng.

Dưới đây luận văn chỉ điểm lại những bài viết có ý kiến đề cập trực tiếp đến Thế giới tuổi thơ trong sáng tác của Võ Quảng qua bộ tiểu thuyết Quê nội.

- Nhà văn Nguyễn Kiên trong Một tấm lòng vì tuổi thơ (1983) dường như đã phát hiện ra nét nổi bật của ngòi bút Võ Quảng: "Chúng ta có một Võ Quảng thơ và một Võ Quảng văn xuôi, và thường trên những trang sách hay nhất của anh, cái chất thơ và chất văn xuôi của Võ Quảng dẫn nhập vào nhau, hỗ trợ cho nhau, tạo nên một vẻ đẹp riêng Võ Quảng''.

- Giáo sư Phong Lê đã có bài viết rất sớm đi Vào thế giới thu nhỏ trong “Quê nội” và “Tảng sáng” của Võ Quảng, ông nhận ra “Một giọng điệu trầm buồn, và đôi khi như có gì hiu hắt nữa, cứ bám riết, và hằn in lên nửa cuộc đời của số không ít nhân vật truyện, nơi phía bên kia bóng tối chế độ cũ, mà bản lề là Cách mạng Tháng Tám 1945. Và từ đó mà tỏa rộng và loang dần ra một niềm vui, một bâng khuâng, và đôi khi như rạo rực của một cuộc đổi đời đã diễn ra từ mùa thu năm ấy”.

Sau đó, liên tiếp trong ba bài viết: Võ Quảng - Tuổi 80 (năm 2000), Võ Quảng cả một đời văn cho thiếu nhi (năm 2005) và Tết này, tôi lại viết về ông: Nhà văn Võ Quảng (năm 2007), giáo sư Phong Lê không chỉ khắc họa chân dung, không chỉ nhìn lại quá trình và thành tựu đóng góp của nhà văn Võ Quảng cho mảng sáng tác văn học thiếu nhi nói chung mà ông còn phát hiện thêm những nét đặc sắc của hình tượng hai nhân vật Cục và Cù Lao. Là người của Hòa Phước, nhưng cả hai vẫn có sự sống riêng, vẫn có sức lan tỏa của những nhân vật điển hình. Từ đó, cũng như nhiều người khác, giáo sư Phong Lê đã khẳng định đó là “một bộ truyện nổi tiếng” vì với Quê nội Tảng sáng, Võ Quảng “đã bổ sung thêm vào danh mục bảo tàng văn chương hiện đại một cái tên riêng là Hòa Phước…" - Dương Trọng Đạt đề cập đến Chất thơ trong "Quê nội” qua nét bút của Võ Quảng làm nên cảnh sắc của một vùng quê, tưởng như không có gì khác thường, nhưng đằng sau những màu sắc, âm thanh, đường nét… cái làm nên chất thơ chính là sợi chỉ đỏ xuyên suốt của tình yêu đằm thắm sâu thẳm đến nồng cháy mà nhà văn đã dành cho quê hương mình qua từng trang viết.

- Vương Trí Nhàn nhận ra Chất hài hước trong sáng tác văn xuôi của Võ Quảng gắn liền với hai nhân vật chính trong Quê nội Tảng sáng là Cục và Cù Lao và tập thể các bạn nhỏ tuổi ở Hòa Phước;

- Ngô Thảo Thêm một ý nhỏ về văn anh Võ Quảng đã khẳng định những nét đặc sắc của tác phẩm Quê nội, và chỉ có thêm chút ý kiến mà tác giả bài viết chân thành bộc lộ với tác giả, ấy là: "các bạn trẻ của anh - mà hình như anh không chú ý phê bình đúng mức - ít tình cảm cha mẹ quá".

Đi sâu hơn vào thế giới nghệ thuật, nhà văn Vũ Tú Nam nhận xét văn miêu tả của Võ Quảng gọn, động, rất gần với thơ. Nhà văn Hoàng Tiến và Lã Thị Bắc Lý đã nhắc đến "Tính nhạc trong văn xuôi" khi nói về Quê nộiTảng sáng: "Văn xuôi của Võ Quảng rất giàu nhạc điệu. Đọc văn của ông, ta thấy chất thơ trong từng câu, từng chữ". Bạch Thế Mai trong cuốn Văn nghệ sĩ Liên khu V - Lý tưởng nhân cách sáng tạo (2009) đã kết luận: "Võ Quảng thành công và nhìn được xa trong nghệ thuật là vì ông có cái tâm thật trong và còn vì ông biết nhìn đời bằng chính cái tâm đó".

Trên cơ sở tiếp nhận từ nhiều nguồn ý kiến của những người đi trước, cộng hưởng cùng niềm yêu của bản thân đối với những trang văn Võ Quảng, người viết sẽ đi sâu khảo sát tác phẩm và tìm hiểu một cách hệ thống để phát hiện thêm vẻ đẹp của hình tượng Thế giới tuổi thơ trong sáng tác của Võ Quảng. Đồng thời cũng là dịp để người lớn chúng ta được sống lại với tâm tính trẻ thơ khi bước vào sáng tác của Võ Quảng.

3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
3.1. Đối tượng nghiên cứu
Tập trung phát hiện những đặc điểm nổi bật của thế giới tuổi thơ trong sáng tác của Võ Quảng, từ đó giúp người đọc thấy rõ hơn đóng góp của ông cho nền văn học thiếu nhi trong nền văn xuôi hiện đại nước ta.

3.2. Phạm vi nghiên cứu

Trên cơ sở tiếp cận toàn bộ những sáng tác của Võ Quảng, người viết chủ yếu tập trung ở bộ tiểu thuyết nổi tiếng Quê nội (bao gồm cả 2 phần: Quê nộiTảng sáng), Nhà xuất bản Kim Đồng, Hà Nội, 2005.

4. Phương pháp nghiên cứu

Đề tài sử dụng các phương pháp nghiên cứu sau: Phương pháp lịch sử, Phương pháp hệ thống, Phương pháp phân tích tổng hợp, Phương pháp so sánhcác phương pháp bổ trợ khác...

5. Đóng góp của đề tài

- Trên cơ sở kế thừa, phát triển những kết quả nghiên cứu của những người đi trước, đề tài lần đầu tiên tìm hiểu một cách có hệ thống về thế giới tuổi thơ trong sáng tác của Võ Quảng. Đồng thời chỉ ra được những nét đặc sắc về nội dung và nghệ thuật, nét hấp dẫn riêng trong cách viết cho thiếu nhi của Võ Quảng, khẳng định những đóng góp và vị trí của ông trong nền văn học hiện đại Việt Nam.

- Đề tài đi sâu vào nghiên cứu một tác phẩm tiêu biểu của một nhà văn đất Quảng sẽ góp phần bổ sung tư liệu tham khảo, phục vụ thiết thực cho việc giảng dạy văn học thiếu nhi trong nhà trường nói chung và văn học của một vùng đất nói riêng.

6. Cấu trúc của luận văn

Ngoài phần Mở đầu, Kết luận và Danh mục tài liệu tham khảo, nội dung luận văn gồm 3 chương:
- Chương 1: Vài nét về chân dung và sự nghiệp sáng tác của nhà văn Võ Quảng.
- Chương 2: Những hình tượng nổi bật của thế giới tuổi thơ trong sáng tác Võ Quảng qua tiểu thuyết Quê nội.
- Chương 3: Nghệ thuật thể hiện thế giới tuổi thơ trong tiểu thuyết Quê nội.

 
Sửa lần cuối bởi điều hành viên:

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top