Thế giới nghệ thuật thơ Phan Thị Thanh Nhàn

  • Thread starter Thread starter Cua Ta
  • Ngày gửi Ngày gửi

Cua Ta

New member
Thế giới nghệ thuật thơ Phan Thị Thanh Nhàn



MỞ ĐẦU


1. Lý do chọn đề tài
Trên cơ sở kế thừa và phát huy nền thơ ca cách mạng trước đó, bước vào thời kỳ chống Mỹ, thơ tiếp tục phát triển và tạo được những xúc cảm thẩm mĩ ở người đọc. So với các giai đoạn trước, lực lượng thơ trong những năm chống Mỹ khá đông đảo và sung sức. Mỗi người với cá tính độc đáo và năng lực sáng tạo dồi dào đã đem đến cho nền thơ chống Mỹ những thanh âm mới. Trong thế hệ những nhà thơ chống Mỹ, Phan Thị Thanh Nhàn là một gương mặt thơ nữ tiêu biểu, xuất sắc. Ngay từ khi mới xuất hiện trên thi đàn, PhanThị Thanh Nhàn đã để lại những dấu ấn khó phai trong lòng độc giả bởi tiếng thơ trữ tình duyên dáng mà ý nhị, kín đáo.

Trên con đường sáng tạo nghệ thuật của mình, Phan Thị Thanh Nhàn đã thử nghiệm ngòi bút ở nhiều thể loại, bà viết báo, truyện ngắn, truyện cho thiếu nhi, làm thơ và viết tiểu luận, phê bình…Ở thể loại nào bà cũng đạt được những thành công nhất định. Nhưng với riêng thơ Phan Thị Thanh Nhàn đã thể hiện rõ nhất tài năng và vốn sống của mình.

Thế giới nghệ thuật thơ Phan Thị Thanh Nhàn là một chỉnh thể toàn vẹn, thống nhất biện chứng giữa nội dung và hình thức. Đó là kết quả của quá trình lao động nghiêm túc của nhà thơ. Chính vì những lý do trên, tìm hiểu Thế giới nghệ thuật thơ Phan Thị Thanh Nhàn, chúng tôi muốn góp phần ghi nhận một gương mặt thơ tiêu biểu trưởng thành từ thời chống Mỹ, và đồng thời góp phần khẳng định một phong cách thơ nữ hiện đại của văn học Việt Nam.

2. Lịch sử vấn đề
Lâu nay, việc nghiên cứu về thơ Phan Thị Thanh Nhàn còn rất hạn chế, dường như chưa có công trình nghiên cứu nào mang tính chất chuyên biệt mà mới chỉ dừng lại ở những loại bài phân tích về từng bài thơ và loại bài tìm hiểu, nghiên cứu về cả tập thơ, giai đoạn thơ.

Trong bài “Tháng giêng hai – tập thơ của Phan Thị Thanh Nhàn, Hoàng Thị Minh Khanh, Thúy Bắc” tác giả Phong Vũ đã phát hiện ở thơ Phan Thị Thanh Nhàn “sự nhạy cảm, tế nhị và duyên dáng”. Song, dẫu có đôi nét thùy mị, dễ thương, nhưng nhìn chung “thơ chị vẫn quá nhẹ nhõm”.

Mãi đến khi ba bài thơ Hương thầm, Xóm đê, Bản mới được giải nhì cuộc thi thơ của báo văn nghệ năm 1969 – 1970, thì Phan Thị Thanh Nhàn mới tạo được tình cảm trong giới văn nghệ sĩ và để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng đông đảo độc giả. Nhà thơ Xuân Diệu, trong bài phát biểu nhân kết thúc cuộc thi thơ báo Văn nghệ năm 1969 – 1970 đã dành cho Thanh Nhàn nhiều lời khen tặng.

Năm 1973, trong bài “Đọc Hương thầm”, tác giả Thu Vân nhận định: “Thanh Nhàn không sắc sảo nhưng có một hồn thơ dễ cảm”. Nhà phê bình Thiếu Mai (1978), trong bài “Một nét thơ đáng yêu” cũng đã chỉ ra bản sắc riêng của thơ Phan Thị Thanh Nhàn đó là sự “dịu nhẹ, duyên dáng mà kín đáo”.

Ngoài những bài về quê hương, đất nước, con người…Phan Thị Thanh Nhàn đã góp một tiếng nói quan trọng vào khát vọng yêu, khát vọng hạnh phúc muôn đời của phụ nữ. Thơ tình của Thanh Nhàn thiên về ngọt ngào, duyên dáng và dịu dàng e ấp của người phụ nữ Á Đông. Năm 2008 nhân đọc bài thơ “Trời và đất” tác giả Đặng Tương Như cảm nhận: “Đọc thơ tình Phan Thị Thanh Nhàn thấy hiện lên một phụ nữ yêu hết mình với một tình yêu không đòi hỏi đền đáp, bao giờ cũng lặng lẽ hiến dâng, một tình yêu luôn giày vò, khắc khoải nhưng không bao giờ phản kháng và oán trách”. Cùng bàn về vấn đề này, tác giả Hồ Điệp trong bài “Nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn: vẹn nguyên như thuở hương thầm”; tác giả Trần Hoàng Thiên Kim trong bài: “Phan Thị Thanh Nhàn: thơ mình mình đọc câu nào cũng thương” cũng đã nhận thấy ở thơ tình Phan Thị Thanh Nhàn những phẩm chất đáng quý.

Đến nay, vẫn chưa có công trình nào chuyên khảo, nghiên cứu về thế giới nghệ thuật thơ Phan Thị Thanh Nhàn một cách hệ thống, toàn diện. Vì vậy, khi thực hiện đề tài này, chúng tôi muốn đi sâu hơn vào thế giới nghệ thuật thơ Phan Thị Thanh Nhàn, nhằm chỉ ra những giá trị sáng tạo độc đáo và góp phần khẳng định những đóng góp của bà trong nền thơ hiện đại Việt Nam.

3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
Luận văn tập trung khảo sát các tập thơ của Phan Thị Thanh Nhàn đã xuất bản, bao gồm: Tháng giêng hai (1969), Hương thầm (1973), Chân dung người chiến thắng (1977), Bông hoa không tặng (1987), Nghiêng về anh (1992), Bài thơ cuộc đời (1999). Qua việc khảo sát những tập thơ này, chúng tôi sẽ chỉ ra những đặc điểm tiêu biểu trong thế giới nghệ thuật thơ Phan Thị Thanh Nhàn qua hình tượng cái tôi trữ tình và các bình diện thuộc phương thức biểu hiện.

4. Phương pháp nghiên cứu
Để triển khai đề tài chúng tôi sử dụng các phương pháp nghiên cứu sau:
4.1. Phương pháp thống kê
4.2. Phương pháp lịch sử
4.3. Phương pháp so sánh – đối chiếu
4.4. Luận văn sử dụng lý thuyết thi pháp học

5. Đóng góp của luận văn
- Luận văn – trong chừng mực nhất định – sẽ góp phần đánh giá một cách tương đối trọn vẹn, toàn diện những đóng góp của Phan Thị Thanh Nhàn vào tiến trình thơ Việt Nam hiện đại.
- Góp phần khẳng định một phong cách thơ độc đáo, một giọng thơ trữ tình, đằm thắm, đầy nữ tính.

6. Cấu trúc luận văn
Ngoài phần Mở đầu, Kết luận và Tài liệu tham khảo, luận văn được triển khai trong ba chương:
Chương 1: Phan Thị Thanh Nhàn – cuộc đời và hành trình sáng tạo nghệ thuật
Chương 2: Hình tượng cái tôi trữ tình trong thơ Phan Thi Thanh Nhàn
Chương 3: Phương thức biểu hiện trong thơ Phan Thị Thanh Nhàn
 
Sửa lần cuối bởi điều hành viên:

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top