Thế giới nghệ thuật thơ Đào Tấn
MỞ ĐẦU
1. Mục đích, lý do chọn đề tài
Mọi cái đều trôi qua cùng thời gian. Có những cái rồi sẽ bị lãng quên, bị chôn vùi; nhưng có những cái sẽ sống mãi bởi những giá trị của nó. Văn học nghệ thuật và những người nghệ sĩ cũng vậy. Với những giá trị tinh thần mà họ đã đem đến cho chúng ta, cho nhân loại thì mãi được nâng niu, trân trọng, giữ gìn và phát huy.
Đào Tấn - ông tổ của nghệ thuật tuồng Việt Nam là một cái tên vừa gần gũi vừa yêu thương mà những người yêu nghệ thuật tuồng, yêu nền văn hóa dân tộc đều biết đến với tình yêu và sự ngưỡng mộ. Ông đã ra đi nhưng bao thế hệ người dân đất Việt vẫn hoài nhớ đến ông. Và theo thời gian, người ta còn khám phá thêm nhiều điều thú vị về ông. Đó là, Đào Tấn còn là một nhà thơ với một hồn thơ rất đỗi phong phú.
Đào Tấn sáng tác thơ văn trên nhiều thể loại nhưng thành công nhất vẫn là tuồng, thơ, từ. Cùng với tên tuổi Đào Duy Từ, lịch sử tôn vinh Đào Tấn là ông tổ của tuồng chèo Việt Nam. Phải chăng vì thế mà người ta chỉ biết đến Đào Tấn qua hình ảnh một nhà soạn tuồng xuất sắc cả về chất lượng cũng như số lượng của nước ta từ trước đến nay mà chưa quan tâm nghiên cứu một cách có hệ thống mảng thơ ca chữ Hán của thi nhân. Điều này dường như là một thiếu sót chăng ?
Cũng như thơ chữ Hán của Nguyễn Du bổ sung cho “Truyện Kiều” giúp cho ta thấy, ta hiểu toàn bộ con người và hồn thơ Nguyễn Du thì thơ Đào Tấn sẽ bổ sung cho các vở tuồng của ông, giúp cho ta thấy, ta hiểu toàn bộ con người và tâm hồn Đào Tấn.
Cùng với niềm yêu thích thơ Đào Tấn và ước muốn “khơi những nguồn chưa ai khơi” (Nam Cao), chúng tôi chọn đề tài “Thế giới nghệ thuật thơ Đào Tấn” để nghiên cứu. Mục đích của chúng tôi là khám khá thế giới nghệ thuật thơ chữ Hán của ông với tư cách là một chỉnh thể sáng tác nghệ thuật có thế giới riêng, ứng với một quan niệm về thế giới, một cách cắt nghĩa về con người, không gian, thời gian nghệ thuật lẫn ngôn ngữ và thể loại…được sáng tạo ra theo các nguyên tắc tư tưởng thẩm mỹ nhất định của thi pháp văn học trung đại nhằm đóng góp một phần công sức bé nhỏ làm phong phú thêm văn nghiệp, văn phong của tác giả.
2. Lịch sử nghiên cứu vấn đề
“Thế giới nghệ thuật thơ Đào Tấn” là một đề tài mới lạ vì từ trước đến nay, người ta hầu hết chỉ nghiên cứu Đào Tấn với tư cách là một nhà soạn tuồng. Hiện nay, càng ngày càng có nhiều công trình, nhiều bài nghiên cứu nhìn nhận và đánh giá Đào Tấn với tư cách là một nhà thơ.
Tác giả Mang Viên Long tỏ ra rất quan tâm đến tầm ảnh hưởng của Đạo Phật trong đời sống và tác phẩm của Đào Tấn. Ông đã có nhận định rất sâu sắc về vấn đề này: “Cuộc đời đa tài và đa truân của ông trong một giai đoạn lịch sử đầy biến động: Quân Pháp từng bước xâm lăng, đặt nền đô hộ; triều đình rối ren, tha hóa; xã hội giao thời đảo lộn, thiện - ác bất phân; nhân tâm ly tán; thì có rất nhiều lĩnh vực để tìm hiểu, để đào sâu nghiên cứu, để tiếp thu ngưỡng mộ; nhưng với bài ghi nhận ngắn về Đào Tấn hôm nay, chúng tôi chỉ xin được đề cập, bàn bạc tới một khía cạnh khá tế nhị, thường ẩn khuất, bàng bạc; đã là động cơ quan trọng tác động tới cuộc đời và tác phẩm của ông - nhất là những năm tháng cuối đời - đó là: “Tầm ảnh hưởng của Đạo Phật trong cuộc đời và sáng tác của Đào Tấn” [58].
Bàn về đạo Phật trong thơ Đào Tấn, tác giả Minh Thạnh cũng có một lối tiếp cận độc đáo qua bài “Giai sĩ từ bi ninh thị Phật” với những nhận định sau: “Thời kỳ ông tham chính là thời kỳ đen tối nhất trong lịch sử triều đại phong kiến Nguyễn. Giặc Pháp tùng xẻo từng phần đất của Tổ quốc, triều đình mấy lần thay vua. Là quan văn, lại là một học giả, ông khó có thể đóng góp một cách tích cực vào công việc giữ nước. Ông dồn sức vào nỗ lực đóng góp cho văn hóa nghệ thuật dân tộc. Ông làm thơ làm văn, tác phẩm lên đến gần 1000 bài đủ các thể loại, sáng tác, nhuận sắc và tham gia dàn dựng tổng cộng hơn 20 vở tuồng cổ”; “Đào Tấn bắt đầu sự nghiệp nghệ thuật với một số kịch bản tuồng viết dưới sự chi phối của những quan điểm Nho giáo, như tam cương, trung hiếu. Điều này cũng dễ hiểu, vì ông là một người được đào tạo từ Nho học, là một nhà khoa bảng Nho học và là một ông quan theo lý tưởng Nho học. Và trong đạo Phật truyền thống của dân tộc Việt, việc gắn với các tư tưởng Nho học cũng không có điều lạ. Nếu những sáng tác của Đào Tấn vừa mang tính chất Phật học, vừa mang tính chất Nho học thì chúng ta cũng không lấy gì làm lạ. Nhưng ở Đào Tấn, các nhà nghiên cứu ghi nhận một sự chuyển hóa từ Nho học sang Phật học: “Đào Tấn đã sớm thấy các học thuyết xưa cũ của nhà Nho không còn phù hợp với những biến chuyển, đổi thay của thời thế, nhất là không giúp ông giải thoát các bế tắc trong cuộc sống cũng như sáng tác. Đào Tấn đã bắt đầu chuyển hướng …” [61].
Tương tự, trong bài viết “Cõi Phật trong thơ Đào Tấn”, nhà nghiên cứu Thanh Thảo cho rằng: “Vậy là thấp thoáng trong ông quan Đào Tấn, đã thấy ông sư. Có điều, ông sư đây không tu ở chùa, mà tu tại gia, tu tại tâm, tu chính trong nụ cười của mình, phảng phất nụ cười vô vi của Phật Di Lặc”; “Ông chỉ viết những bài thơ đượm mùi thiền này như một đối tượng với những phiền lụy tuế toái của một đời làm quan” [60].
Người ta không chỉ bàn luận và nghiên cứu về đạo Phật trong thơ Đào Tấn, hay Đào Tấn là nhà thơ của hoa mai mà còn là nhà thơ của sông Hương xứ Huế thơ mộng: “Đào Tấn (1845-1907) nhà thơ, nghệ sĩ tuồng xuất sắc. Ông đã ở Huế nhiều năm, viết nhiều vở tuồng có giá trị trong văn học sử Việt Nam. Cảnh sắc thiên nhiên và con người Huế cũng là nguồn cảm hứng của thơ, từ của ông” [57].
Tại lễ kỷ niệm 150 năm ngày sinh danh nhân Đào Tấn tại Hà Nội, Đặng Hiếu Trưng đã phát biểu: “Có thể nói, hiện thực xã hội Việt Nam trong cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20 đã được nhà thơ yêu nước, nhà viết kịch thiên tài Đào Tấn phản ánh trong các tác phẩm của ông. Xem tuồng của ông, đọc văn, thơ của ông, càng thấy rõ tuy phải ra làm quan nhưng ông không hề tiếp tay cho thực dân Pháp và triều đình đàn áp phong trào yêu nước, trái lại còn tìm cách giúp đỡ các phong trào đó. Càng thấy rõ tư tưởng yêu nước, yêu đồng bào của ông, đồng thời cũng thấy rõ bộ mặt của bọn vua quan phản động lúc bấy giờ. Rõ ràng, tác phẩm của ông không những đã sáng tạo nên những hình tượng điển hình sâu sắc, giàu giá trị hiện thực, nhân văn mà còn có giá trị văn học rất cao trong văn thơ và trong kịch bản tuồng” [62].
Nhà thơ Xuân Diệu khi đọc thơ Đào Tấn cũng có đôi lời nhận xét và khen cụ Đào là một nhà thơ có tâm hồn thi sĩ nhạy cảm với thiên nhiên, đặc biệt còn là một nhà thơ mang một mối cảm thông sâu sắc với người nông dân. Xuân Diệu đã nhận định về Đào Tấn như sau: “Trong cái xã hội cũ đau thương, sao cái tâm hồn của thi sĩ này có một khả năng xúc cảm như thế” [23, tr.41].
Mịch Quang trong bài “Đào Tấn - Một nghệ sĩ thiên tài, một chính khách mẫu mực” đã viết về nghệ sĩ Đào Tấn với một cái nhìn khá mạnh dạn và góc cạnh như sau: “di sản nghệ thuật của Đào Tấn là hết sức phong phú, đồ sộ, hiếm có, ít người sánh kịp”. Ông nhấn mạnh: “Từ một thế kỷ qua, Đào Tấn đã được coi là bậc Hậu Tổ của nghệ thuật tuồng, một quốc bảo của văn hóa dân tộc, người đã đưa nghệ thuật tuồng lên những đỉnh cao chói lọi, người đã sáng tạo nên những kiệt tác sân khấu như Hộ sanh đàn, Cổ thành, Trầm hương các. Cũng như cảm nhận của ông nghè Nguyễn Trọng Trì trăm năm trước khi đọc “Mộng Mai từ lục” của Đào Tấn: Luật âm phóng khoáng Tô khôn sánh/ Ý tứ cao xa Liễu khó bằng/ Sông núi, nước nhà, oằn nặng nghĩa/ Trăng hoa, oanh liễu, láng lai tình”; “Nghiên cứu thơ và từ của ông, các học giả Đặng Thái Mai, Nguyễn Huệ Chi, các nhà thơ Xuân Diệu, Lưu Trọng Lư, Hoàng Trung Thông và nhiều học giả, nhà thơ nổi tiếng nhiều thế hệ đều coi Đào Tấn như một nhà thơ lớn, một nguyên súy của thi đàn Việt Nam.” [59].
Đặc biệt, Vũ Ngọc Liễn là tác giả nghiên cứu về thơ và từ Đào Tấn được dư luận quan tâm nhất. Chính ông đã đem thơ và từ Đào Tấn đến với bạn đọc: “Lâu nay nhiều người biết Đào Tấn nhà hoạt động sân khấu, nhưng còn ít người biết Đào Tấn nhà thơ” [23, tr.53]; “Thơ và từ của Mộng Mai Đào Tấn viết trước đây một thế kỉ đến ngày nay mới được dần dần ra mắt bạn đọc [23, tr.58 ]”…Vũ Ngọc Liễn đã rất ưu ái khi ca ngợi Đào Tấn “Thơ ông giản dị mà sâu sắc. Từ ông phong phú và nhiều cảm xúc. Rõ ràng ông là một nhà thơ. Thơ ông mặc dù viết bằng chữ Hán, đã chứa đựng tâm hồn Việt Nam” [23, tr.277]; “Đọc thơ và từ Đào Tấn, lòng tôi bâng khuâng xao xuyến và cứ tự dặn mình làm sao viết cho được tinh tế, cô đọng, sâu sắc như ông vậy” [ 23, tr.279].
Như vậy, có không ít tác giả quan tâm về nhà thơ Đào Tấn. Mỗi tác giả nghiên cứu thơ Đào Tấn ở những khía cạnh khác nhau như: thơ Đào Tấn với đạo Phật; thơ Đào Tấn với hoa mai; với xuân, tiết và cảnh vật…; với những mối quan hệ xã hội, gia đình…
Tóm lại, từ những ý kiến đánh giá của các nhà nghiên cứu ở cả hai miền Nam, Bắc từ trước tới nay cho thấy Đào Tấn là một hiện tượng thơ đã và đang thu hút sự chú ý của giới nghiên cứu. Tất cả đều đi vào tìm hiểu con người, hoàn cảnh, không gian, thời gian nghệ thuật trong thơ ông. Đó là một thế giới đa sắc màu được tái hiện lại một cách sinh động và phong phú. Tất cả đều đến với một thế giới nghệ thuật đầy cá tính sáng tạo, mang những nét riêng của một hồn thơ đa cảm trước thiên nhiên, cuộc sống và con người.
Song sự khám phá đó còn ít ỏi và mang tính riêng lẻ, hầu hết các tác giả chưa đi sâu vào nghiên cứu thế giới nghệ thuật thơ Đào Tấn một cách tập trung và có hệ thống. Tuy nhiên, những hướng tiếp cận đó sẽ là cơ sở khoa học giúp chúng tôi kế thừa để đi sâu nghiên cứu “Thế giới nghệ thuật thơ Đào Tấn” một cách có hệ thống hơn. Bởi vì Đào Tấn đúng là một nhà thơ với hồn thơ tài hoa, phong phú và những tác phẩm của thi nhân là sản phẩm tinh thần đáng được ghi nhận và đào sâu nghiên cứu nhiều hơn nữa. Vì thế, chúng tôi mạnh dạn khám phá “Thế giới nghệ thuật thơ Đào Tấn” với niềm mong mỏi góp một tiếng nói khi nghiên cứu về thơ ông.
3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
- Đối tượng nghiên cứu của luận văn là thơ Đào Tấn.
- Phạm vi nghiên cứu của luận văn là thế giới nghệ thuật thơ Đào Tấn.
Trong quá trình triển khai đề tài, nguồn tư liệu chính của chúng tôi là tác phẩm “Thơ và từ Đào Tấn” của tác giả Vũ Ngọc Liễn xuất bản năm 1987 tại Nxb Văn học, Hà Nội. Ngoài ra, những công trình nghiên cứu khác liên quan đến Đào Tấn đều là nguồn tư liệu vô cùng quí báu cho chúng tôi tham khảo.
4. Phương pháp nghiên cứu:
Trong quá trình thực hiện đề tài “Thế giới nghệ thuật thơ Đào Tấn”, chúng tôi áp dụng các phương pháp nghiên cứu sau:
Phương pháp hệ thống: Nội dung của đề tài nhằm đi vào tìm hiểu Đào Tấn và diện mạo thơ Việt Nam nửa cuối thế kỉ XIX để thấy được cảm quan về cuộc sống và con người thông qua thế giới nghệ thuật thơ Đào Tấn và phương thức thể hiện nó.
Vận dụng phương pháp hệ thống sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho chúng tôi phân tích, tổng hợp các vấn đề liên quan đến nội dung của đề tài. Thông qua đó, chúng tôi dễ dàng khái quát một cách hệ thống các bình diện nghiên cứu.
Ngoài việc chú trọng phương pháp nghiên cứu hệ thống, chúng tôi còn vận dụng phương pháp phân tích, so sánh, thống kê để các vấn đề nghiên cứu được chi tiết và đầy đủ.
Phương pháp phân tích: Phương pháp này đi vào phân tích tác phẩm để tìm hiểu về cuộc sống, hình tượng con người; về không gian, thời gian, ngôn ngữ nghệ thuật… trong thơ Đào Tấn.
Phương pháp so sánh: nhằm để so sánh, đối chiếu với thế giới nghệ thuật của các nhà thơ cùng thời để tìm được những yếu tố mới lạ và bản sắc riêng trong thế giới nghệ thuật thơ thơ Đào Tấn.
Phương pháp thống kê: Đây là phương pháp quan trọng mà người viết luôn áp dụng để xử lí đề tài. Nhờ phương pháp thống kê mới đi vào tìm hiểu được thế giới nghệ thuật thơ Đào Tấn một cách hoàn chỉnh và toàn diện nhất.
5. Bố cục luận văn
Ngoài phần mở đầu, kết luận và tài liệu tham khảo, nội dung của luận văn được chúng tôi triển khai trong 3 chương:
Chương 1. Đào Tấn trong tiến trình vận động của thi ca Việt Nam nửa cuối thế kỉ XIX.
Chương 2. Thế giới nghệ thuật thơ Đào Tấn - Cảm quan về cuộc sống và con người.
Chương 3. Thế giới nghệ thuật thơ Đào Tấn - Phương thức thể hiện.
Sửa lần cuối bởi điều hành viên: