Thay đổi từ ngữ của bạn và thay đổi thế giới của bạn

rubi_mos2002

New member
Xu
0
image34.jpg



Cựu nữ diễn viên Robin Givens, được phỏng vấn trên tạp chí Time mới đây về vấn đề bị bạo hành bởi người bạn đời và cũng là vận động viên nổi tiếng, đã miêu tả trải nghiệm của cô khi bị đánh bởi tay đấm bốc hạng nặng Mike Tyson. Sự chọn lựa từ ngữ của cô tiết lộ một kiểu mẫu ngôn ngữ là một trong những dấu hiệu tiết lộ về lối tư duy của sự yếu thế, mà trong phạm vi khái niệm của ngữ nghĩa tâm lý, nó được biết đến như là sự dịch chuyển – thay đổi từ đại từ “tôi” sang đại từ “bạn”.


Hãy xem sự thay đổi trong 2 cách nói chuyện của cô ấy: “Mọi người hỏi tôi tại sao không bỏ đi ngay lần bị đánh đầu tiên… Nhưng rồi bạn cảm thấy một sự phân vân đang thôi thúc bên trong. Bạn muốn đó là lần duy nhất xảy ra mà thôi”; “Và 3 ngày sau khi sai lầm đó xảy ra, tôi đã làm điều đúng đắn. Tôi nói “Đừng gọi cho tôi nữa, tôi không muốn nhìn thấy mặt anh”. Ấy vậy mà khi anh ta gọi, bạn vẫn bắt máy. Rồi anh ta muốn gặp bạn, bạn đồng ý. Và sau đó anh chàng to con ấy khóc tu tu như một đứa trẻ trên đùi của bạn. Và điều tiếp theo mà bạn biết là bạn đang an ủi hắn”.


Việc thay đổi đại từ nhân xưng, một cách vô thức, có tác động đến sự tha thứ của người nghe, bằng cách hướng họ đến biểu hiện phản ứng tự vệ giống như của người kể. Câu nói ám chỉ “Có lẽ bạn cũng đã làm như vậy thôi”; Đó không phải lỗi của tôi”. Đây gần như là điển hình của những hành động mang ngữ nghĩa tâm lý của sự từ bỏ – từ chối sức mạnh cũng như trách nhiệm để hành xử một cách ích kỉ hơn.


Hãy lắng nghe những con người có sức mạnh điều khiển cuộc sống của họ và so sánh ngôn ngữ họ dùng với ngôn ngữ của những ngưới mà, vì bất kì lí do nào, cảm thấy yếu thế. Bạn có thể nghe thấy 2 cách nói khác biệt rất nhẹ. Một cách được nói theo cấu trúc nguyên nhân – kết quả. Cách kia, nói theo nghĩa bóng, được hiểu theo cấu trúc “kết quả – nguyên nhân”.


Gạt từ ngữ qua một bên, ta có thể nhận thấy sự khác nhau rõ rệt giữa 2 lối tư duy, hay còn gọi là trạng thái tâm thần. Khi một người đang ở trong vị trí của “nguyên nhân”, thì theo tâm lý học mà nói, người đó hành động dựa trên một mục dích nhất định, tìm kiếm một kết quả, có một kế hoạch, dù cho nó có đơn giản đến đâu.


Và khi một người đang ở vị trí của “kết quả” thì người đó nhận thức được, cảm thấy được mình là người hứng chịu sau cùng của những ý định, hành động của người khác. Mọi chuyện cứ xảy đến với họ, chứ không phải do họ gây ra.


Nói một cách chi tiết hơn: việc ở trong vị trí của “kết quả” đôi khi cũng có lợi. Khi một người nào đó đang mát-xa cho bạn, hay khiến bạn trải qua những cảm giác dễ chịu, thì “kết quả” là một nơi tuyệt vời để tận hưởng. Được nuôi dưỡng, an ủi, và quan tâm có thể là những trải nghiệm rất thoải mái.


Lựa chọn mang tính chiến lược trong từng lúc, là liệu cư xử như mình đang ở “nguyên nhân” hay hành xử như mình đang ở “kết quả”. Theo trung bình, bạn sẽ mạnh mẽ hơn trong cuộc sống khi bạn cư xử và phản ứng ở vị trí của “nguyên nhân”. Ngược lại, bạn có thể là nạn nhân của chính đời bạn, khiến bạn chối bỏ trách nhiệm và hậu quả từ hành vi của mình. Hành vi ngôn ngữ cũng rất thật và rất dễ nhận thấy như bất cứ kiểu hành vi nào khác. Nó truyền đạt trạng thái ban đầu của nó.


Vậy bạn thật sự có thể thay đổi thái độ về cuộc sống chỉ nhờ vào thay đổi từ ngữ được dùng để định hình ý nghĩa của bạn? Nghe có vẻ đơn giản thái quá, nhưng hãy xem cấu trúc ngôn ngữ của bạn là phần mềm của bộ não – hay ít nhất là loại phần mềm quan trọng.


Cái gì có trước, suy nghĩ hay từ ngữ giúp thể hiện nó? Rất nhiều nhà ngữ nghĩa học cho rằng chúng xuất hiện cùng lúc trong não. Khi ta nói điều gì đó như thói quen và theo một cách nhất định, thì ta có xu hướng nghĩ về những ám chỉ tinh tế của từ ngữ mà ta chọn. Ngôn ngữ thúc đẩy suy nghĩ, và suy nghĩ cũng thúc đẩy ngôn ngữ.


Bạn có thể bắt đầu từ việc lắng nghe kĩ hơn những dấu hiệu tinh tế của nguyên nhân và kết quả – có thể và không thể – trong những cuộc đối thoại xung quanh bạn. “Bạn gái đối xử với tôi như cỏ rác”; “bố mẹ chưa bao giờ cho tôi làm theo ý mình muốn”; “Vâng anh ta nóng tính thật, nhưng tôi không thể bỏ anh ta bây giờ được, anh ta cần tôi.”; “Tôi đã cố giảm cân, nhưng lại chứng nào tật nấy”; “Tôi không thể mua nó vào lúc này”.


Ngôn ngữ của sự yếu thế dường như trải dài xuyên suốt nền văn hóa phổ biến và trong những cuộc nói chuyện của nó, ngay cả trong âm nhạc. Và không chỉ ngày nay đâu nhé: Còn nhớ, một trong những bài hát hay nhất của Frank Sinatra là “You are nobody ‘till somebody loves you” (bạn không là ai cả cho tới khi ai đó yêu bạn).


Nhưng ngày nay, quá nhiều nhà hoạt động chính trị sử dụng những câu nói của những nạn nhân để nói với những thính giả mà họ nhắm tới. Họ nói với mọi người rằng “xã hội” đang kìm hãm họ, kéo họ (người nghe) xuống, ngăn cản việc có một cuộc sống tốt đẹp hơn. Nhưng có lẽ chính những diễn giả ấy, cùng với bài thuyết trình mang tính tước quyền, mới là thứ đang kìm hãm họ.


Còn nhiều điều nữa về mặt tâm lý học của nguyên nhân – kết quả, nhưng xuất phát điểm lí tưởng cho phần lớn chúng ta là hãy trau chuốt ngôn ngữ của mình. Nhà tâm lý học động lực nổi tiếng Norman Vincent Peale thường nói “Thay đổi suy nghĩ của bạn, và bạn sẽ thay đổi thế giới của mình”. Có lẽ đã đến lúc nâng cấp lời khuyên đó thành: “Thay đổi ngôn ngữ của bạn, và bạn sẽ thay đổi thế giới của mình”.



Ngọc Dung dịch
Link bài :https://www.psychologytoday.com/blog/brainsnacks/201409/change-your-words-and-change-your-world
 

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top