Thầy giáo của sinh viên cá biệt
Bằng đồng lương giảng viên ít ỏi, thầy giáo 28 tuổi đã giúp đỡ những sinh viên bị bệnh, cá độ bóng đá, đi “bụi”… Thầy còn tổ chức lớp dạy nghề thủ công truyền thống để giúp sinh viên có thêm thu nhập.
Căn nhà thuê của thầy Nguyễn Tuấn Anh, giảng viên Khoa Xã hội học, ĐH Khoa học (ĐH Huế) nằm lọt thỏm trong ngõ 269 đường Bùi Thị Xuân (thành phố Huế). Nơi đây lúc nào cũng rộn ràng tiếng nói cười, tiếng đục vào những gốc tre khô khốc để kịp hoàn thành sản phẩm cho ngày khai trương cửa hàng bán đồ lưu niệm của thầy và học trò…
Tốt nghiệp ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội với tấm bằng giỏi, chàng cử nhân Nguyễn Tuấn Anh quê Ninh Bình lại chọn Huế làm mảnh đất thực hiện niềm đam mê “gánh chữ, gánh đời”.
Cơ duyên đưa thầy gắn bó, kèm cặp sinh viên cá biệt là từ câu chuyện của Huỳnh Châu Lâm, sinh viên lớp Xã hội học K30, ĐH Khoa học. “Bước sang năm thứ hai đại học, Lâm mắc chứng hoang tưởng. Thầy cô và các bạn rất ái ngại vì luôn bị Lâm làm phiền bởi những câu hỏi khó hiểu. Lâm bị các bạn chế giễu”, thầy Tuấn Anh kể lại.
Thầy Nguyễn Tuấn Anh đang giới thiệu về những sản phẩm mỹ nghệ từ cây tre do thầy và các sinh viên làm nhằm cải thiện cuộc sống. Ảnh: Văn Nguyễn. Bị chê cười là “đồ thần kinh”, Lâm chán nản, bỏ học và đi lang thang. Thấy Lâm "mất tích", cả trường hoang mang. Riêng thầy Tuấn Anh, dù chỉ dạy một môn Xã hội học và nói chuyện với Lâm vài lần, nhưng đã mất ăn, mất ngủ với chàng sinh viên này.
Thầy chạy đôn chạy đáo khắp nơi hỏi thăm tin tức về Lâm, thậm chí còn nghỉ dạy lên tận nhà Lâm ở Kon Tum để tìm. Một hôm có cán bộ ở quần đảo Hoàng Sa điện về gặp thầy để xác minh vì Lâm xin ở lại đảo. Thầy Tuấn Anh nhờ các cán bộ gửi Lâm về trường để tiếp tục học.
Về trường một thời gian, nhưng căn bệnh của Lâm vẫn không giảm, thầy Tuấn Anh đã chủ động đưa Lâm về ở cùng và tìm mọi cách chữa bệnh cho cậu bằng phương pháp vật lý trị liệu. Lâm dần bình thường trở lại, tốt nghiệp ra trường và hiện làm trưởng đại diện một công ty TNHH tại TP HCM.
“Ngày đó không có thầy Tuấn Anh giúp đỡ, không biết số phận mình bây giờ ra sao! Mình mang ơn thầy nhiều lắm”, Lâm chia sẻ.
Trong số 17 sinh viên cá biệt thầy Tuấn Anh từng giúp đỡ, trường hợp của Nguyễn Thanh Huỳnh, sinh viên lớp Xã hội học K32 khá đặc biệt. Mê cá độ bóng đá, do thiếu tiền Huỳnh đã lấy hết quỹ lớp, quỹ đoàn để… chơi cho đã. Sau khi đã lao vào những cuộc chơi “tiền mất tật mang”, Huỳnh bị khoa kiểm điểm.
Chán nản, Huỳnh bỏ học và đi lang thang. Thầy Tuấn Anh lại đi “bụi” theo Huỳnh để đưa chàng sinh viên trở lại lớp. Sau nửa tháng tìm mọi cách tiếp cận, khuyên can và giúp trả tiền quỹ lớp, Huỳnh đã quay trở lại lớp học.
Quá xúc động và mang ơn thầy giáo, mẹ Huỳnh ở tận Nghệ An bắt xe vào Huế để xin cho con trai về ở với thầy, nhờ thầy kèm cặp thêm. Sau một thời gian học lực của Huỳnh đạt loại khá và được tín nhiệm làm lớp trưởng.
“Thầy Tuấn Anh không chỉ là thầy giáo mà còn là người cha, người anh chăm lo cho sinh viên tụi mình từ bữa ăn đến việc học tập, tập cho tụi mình ý thức hơn về bản thân và lối sống lành mạnh”, Nguyễn Thanh Huỳnh tâm sự.
Những phút thư giãn của các thầy trò. Ảnh: Văn Nguyễn. Việc giúp đỡ sinh viên cá biệt đã khiến thầy giáo trẻ có thâm niên 4 năm trong nghề chịu không ít tai tiếng. Lần mới đưa Huỳnh về ở cùng, đi học hay đi công việc thầy đều chở Huỳnh theo. Vì thế đồng nghiệp và cả một số sinh viên đã đàm tiếu bảo hai thầy trò cùng một duộc.
“Những lúc đó hai thầy trò chỉ biết nhìn nhau cười. Sau này chính nhờ thành tích học tập của Huỳnh mà mình giải được tiếng oan”, thầy Tuấn Anh cho biết pha chút tếu táo.
Nói về sinh viên mình cưu mang, thầy giáo trẻ cho biết: “Nhiều bạn cá biệt rất giỏi, chỉ là đi lầm đường. Vì thế xã hội, thầy cô và bạn bè không nên có thái độ kỳ thị mà cần biết lắng nghe, chia sẻ và uốn nắn để đưa họ về đúng đường”.
Đồng lương giảng viên ít ỏi, cuộc sống của mấy thầy trò gặp nhiều khó khăn. Thầy Tuấn Anh đã phải bán chiếc xe máy là phương tiện duy nhất giúp thầy thuận tiện cho công việc để lấy tiền trang trải cuộc sống. Hàng tháng sau đó thầy đã phải đi xe đạp đến trường.
Vốn học được nghề chạm khắc đá từ gia đình, mới đây thầy đã sáng kiến mở cửa hàng làm đồ mỹ nghệ từ gốc tre. Nguyên liệu thầy đặt những sinh viên nghèo, quê ở Huế mang bán để có thêm thu nhập. Thầy bỏ tiền ra mua đồ nghề và trực tiếp dạy nghề cho sinh viên. Hiện đã có 4 sinh viên thành thạo nghề và tạo ra nhiều sản phẩm đẹp mắt.
“Mở cửa hàng đồ mỹ nghệ từ cây tre, mình muốn quảng bá thêm hình ảnh cây tre Việt ra với bạn bè thế giới, đồng thời tạo thêm việc làm cho chính mình và sinh viên. Khi cửa hàng hoạt động ổn định, mình sẽ nhận thêm sinh viên cá biệt, có hoàn cảnh khó khăn về dạy”, thầy Tuấn Anh chia sẻ.
Nhận xét về đồng nghiệp của mình, thầy Nguyễn Đức Khoa, giáo vụ Khoa Xã hội học, ĐH Khoa học, nói: "Thầy Tuấn Anh từng làm công tác đoàn, rất năng nổ, nhiệt tình. Thầy đã giúp đỡ nhiều sinh viên cá biệt, có hoàn cảnh khó khăn bằng cách cho các em ở chung nhà để trực tiếp bảo ban".
Văn Nguyễn - VnExpress