- Xu
- 0
Sao lưu dữ liệu - Câu chuyện ngày càng "nóng"
Sao lưu dữ liệu là chuyện rất xưa nhưng không hề cũ
Sao lưu (backup) dữ liệu là nhu cầu cơ bản và có lẽ là xưa nhất của cuộc sống điện toán, nhất là từ khi máy tính không còn là cỗ máy thần bí trong các phòng tính toán đồ sộ có không gian như một nhà thi đấu thể thao, mà trở thành một công cụ làm việc ngay trên bàn làm việc của từng người.
Trong giới chuyên môn công nghệ thông tin (CNTT), sao lưu dữ liệu là việc mà bất cứ chuyên viên CNTT nào cũng phải biết đến và thực hiện khi chăm lo cho sự an nguy của hệ thống thông tin của công ty nơi anh ta hay chị ta làm việc. Đều đặn, cần mẫn và cẩn trọng, nghề IT thường bắt đầu với việc lấy băng từ ra khỏi két sắt, đưa vào hệ thống máy chủ đúng chỗ và đúng lúc để công việc sao lưu thực hiện không sai sót, rồi lại lấy băng từ khỏi máy chủ để cất đi với cùng một mức độ cẩn trọng.
Nếu có ai bất ngờ hỏi một nhân viên IT mới vào nghề và được giao cho công việc này, là tại sao phải làm như thế, thì sẽ dễ dàng nhận được một câu trả lời rất “dân dã”: “Cho chắc ăn!”
Công nghệ ngày một tiến bộ, một cách cực kì nhanh chóng, để rồi băng từ được thay bằng đĩa từ, đĩa quang, rồi đĩa quang từ, sau đó là chính đĩa cứng được dùng làm công cụ lưu trữ. Mặc dù vậy, công việc của người làm IT vẫn thế: đều đặn, cần mẫn và cẩn trọng để cho “chắc ăn”.
Thế rồi bây giờ đến thời của “IT everywhere”, nhà nhà có máy tính, người người có máy tính, đi đâu cũng ôm máy tính, điện thoại cũng là máy tính mà máy tính cũng không khác điện thoại. Mọi người đều là chuyên viên IT, cho chính mình. Cứ đi loanh quanh lại thấy có người cặm cụi bên cái laptop, cắm cắm, chép chép xong rồi cất cất, dấu dấu, cũng là để ‘chắc ăn’.
Mất dữ liệu trên máy tính là một nỗi ám ảnh thật sự
Dạo một vòng qua các quán café của dân văn phòng, trò chuyện với bạn bè cũng như những người quen, chúng tôi tranh thủ làm vài cuộc khảo sát bỏ túi, đại khái hỏi thăm xem hàng ngày cái việc cắm cắm, chép chép rồi cất cất, dấu dấu có làm mất nhiều thời gian không, có đáng để làm không.
Câu trả lời nhận được nhiều nhất là: “Mất thời gian, lắm khi lười chẳng buồn làm nhưng không làm không được! Lỡ có chuyện gì xảy ra, mất hết dữ liệu trên máy thì có mà… chết à!”
Trong lúc viết bài này, chúng tôi thử Google với từ khóa “mất laptop” và nhận được 99.700 kết quả trong 0,13 giây. Laptop có thể mua lại rất nhanh, nếu chưa mua được thì có thể… mượn, nhưng dữ liệu trên đó thì không thể lấy gì thay thế.
Mà đâu phải chỉ có mất laptop, còn bao nhiêu nguyên nhân khác có thể làm bạn rơi vào thế kẹt vì không còn dữ liệu để làm việc: đĩa cứng có thể hỏng ‘bất tử’, chính bạn có thể lỡ tay làm đổ nước uống vào máy tính đang để trên bàn, cô giúp việc ở nhà có thể lỡ tay đổ xô nước lau nhà vào máy tính đang để dưới sàn, ấy là chưa kể virus và sâu mạng… Cuộc sống là bất trắc mà, không thể trách ai được.
“Thử tưởng tượng là ngày mai vào văn phòng với cái máy tính trống trơn, vừa cài đặt lại hết mọi thứ xem! Không biết phải làm gì luôn…”. Ngọc, cô bạn đang làm việc cho một công ty chuyên tổ chức sự kiện vừa nói xong là thở dài. Ba tháng trước Ngọc đã lỡ một dự án lớn chỉ bởi mất hết tài liệu thiết kế và kế hoạch làm việc chỉ vì một chuyện rất ‘ngớ ngẩn’: vừa bế cháu vừa làm việc, cô bé cháu ba tuổi quơ tay làm đổ cả ly nước uống lên máy tính.
“Cắm cắm, chép chép” là chuyện vẫn làm
“Cứ chép vào đây cho chắc ăn!”. Ngọc vừa nói vừa cắm sợi dây nối ổ đĩa cứng bé xíu vào cổng USB của máy tính đang để trên bàn.
Cô bạn ấy thì như vậy, trong lúc đó vẫn còn nhiều người khác khá ‘hồn nhiên’. “Cũng không đến nỗi đâu, máy mình làm việc suốt ngày, bao lâu rồi có bị làm sao đâu”, Văn, anh bạn đang phụ trách kinh doanh của một công ty phân phối hàng tiêu dùng, nói như thế.
“Em lười quá anh ạ, bạn em mua cho cái đĩa cứng từ năm ngoái, chép hết mọi thứ vào được một lần rồi cất đi, từ đó đến nay chưa chép lại…”, Hằng, cô bạn mới làm quen ở quán café Highland ngoài Sài Gòn chia sẻ khi chúng tôi hỏi thăm.
Hoặc là tự cảm thấy yên tâm, hoặc là ‘lười’; đấy là câu trả lời của hầu hết những người không “cắm cắm, chép chép” như Ngọc. Nhưng hầu hết đều nói rằng nếu có ai… làm giùm họ cái việc “cắm cắm, chép chép” này thì quá tốt!
“Thế sao không chép lên Internet, lỡ có lúc cần thì thì lấy xuống, sẽ nhanh hơn?” “À, có chứ, Internet bây giờ nhiều chỗ cho chép lên lắm, thậm chí cho chia sẻ cùng nhau làm việc luôn; nhưng có phải cái gì cũng chép lên được đâu…Tài liệu thiết kế, rồi giá cả, hợp đồng… đưa lên Internet rồi ai tìm cũng thấy thì còn chết nữa! Google bây giờ ghê lắm, tìm gì cũng ra hết mà!”. Ngọc nói với chúng tôi như vậy trong lúc trò chuyện với nhau về Internet.
Nhờ có Internet…
Mọi người đều rất e dè với Internet khi nói đến chuyện sao chép dữ liệu lên các dịch vụ lưu trữ đang phổ biến hiện nay, cho dù là dịch vụ của các nhà cung cấp Việt Nam hay nước ngoài. Ai cũng bận tâm về chuyện an toàn cho thông tin của mình, trong khi Internet là môi trường bất an nhất, bởi ai cũng có thể dòm ngó.
Lợi ích của Internet đem đến cho chúng ta là quá to lớn; điều đó không ai có thể phủ nhận. Mặc dù vậy thì mối quan ngại về an ninh thông tin là rất lớn. Ai cũng biết rằng cộng đồng Internet là cộng đồng lớn và phức tạp nhất, luôn chất chứa rất nhiều đe dọa.
May mắn thay, thời nào có chuyện của thời ấy. Khi mà mọi người đều phải là chuyên viên IT của chính mình thì câu chuyện sao lưu để bảo vệ dữ liệu cũng đã thay đổi một cách ghê gớm, không phải theo chiều hướng phức tạp lên, mà là đơn giản đi. Phương pháp sao lưu để bảo vệ dữ liệu của thời nhà nhà làm IT là cực kì dễ sử dụng nhờ sự phát tiển vũ bão của Internet: sao lưu trực tuyến.
“Điện toán đám mây” là thuật ngữ được nhắc đến liên tục trong 4-5 năm trở lại đây. “Mây” chính là Internet. Sao lưu trực tuyến (online backup hay cloud backup) là một trong những ứng dụng cụ thể của điện toán đám mây, cho phép bất cứ ai cũng có thể cất giữ dữ liệu của mình trên các data center trên internet một cách nhanh chóng và khôi phục lại rất đơn giản khi cần.
Như đọc được mối bận tâm của mọi người, các dịch vụ sao lưu trực tuyến đã được thiết kế với độ sẵn sàng rất cao để đóng vai người của làm thay công việc “cắm cắm, chép chép” vốn làm mất nhiều thời gian và rất dễ bị quên.
Ở Việt Nam, mặc dù đi sau thị trường quốc tế vài ba năm, cũng đã có ít nhất vài ba dịch vụ như vậy, có thể kể đến vGuard, EasyBackup và mới đây là EXA Backup.
Với một phần mềm nhỏ gọn cài trên máy tính, người dùng lúc này không còn phải bận tâm nhiều đến việc sao lưu nữa. Toàn bộ những việc cần làm là chọn dữ liệu quan trọng cần sao lưu để bảo vệ, đặt lịch để chương trình tự động sao lưu theo ý muốn của mình; sau đó là có thể yên tâm hoàn toàn.
Các chương trình của dịch vụ sao lưu trực tuyến đem đến nhiều tiện ích, trong đó quan trọng nhất là khả năng chọn sao lưu theo ứng dụng: Email (MS Outlook, Oulook Express…), Favourites của các trình duyệt, các file hệ thống quan trọng của Windows… Đặc biệt hơn nữa, công việc sao lưu làm việc hoàn toàn ở chế độ background, tức là sao lưu ngay cả những file dữ liệu đang mở để làm việc mà không cần đóng ứng dụng.
Chế độ bảo mật của các dịch vụ này cũng được áp dụng với mức độ nghiêm ngặt cao nhất nhằm đảm bảo đúng ý nghĩa của việc sao lưu: riêng tư, bảo mật và sẵn sàng. Dữ liệu khi truyền khỏi máy tính và lưu trữ trên “đám mây” luôn được mã hóa với phương pháp mã hóa AES 256, có thể coi là an toàn tuyệt đối; thêm vào đó là kết nối giữa phần mềm thực hiện sao lưu cài đặt trên máy tính cá nhân và máy chủ là kết nối với giao thức SSL (Secure Socket Layers), làm cho ngày cả những kẻ tò mò nhất cũng không có cách nào nhòm ngó được dữ liệu truyền đi.
Với hàng triệu lượt người dùng máy tính và Internet mỗi ngày, nhu cầu sao lưu dữ liệu ở Việt Nam là cực kỳ lớn; số người dùng quan tâm đến các dịch vụ ngày càng cao. Các nhà cung cấp dịch vụ sao lưu trực tuyến đang rất tin tưởng vào sự phát triển của dịch vụ này trong các năm sắp tới.
EXA Backup là dịch vụ sao lưu trực tuyến trẻ nhất trong các dịch vụ cùng loại ở Việt Nam. Công ty EXA công bố ra mắt dịch vụ EXA Backup vào ngày 09/02/2012 vừa qua. Hiện nay, EXA Backup đang là dịch vụ có mức phí thấp nhất. Ngay khi ra mắt dịch vụ, Công ty EXA đã tung ra các chương trình hỗ trợ người dùng rất đặc biệt, bao gồm giảm giá dịch vụ và ưu đãi cho cộng đồng người dùng sản phẩm của Kaspersky, là thương hiệu gắn bó chiến lược với EXA.
Nguồn: Sưu tầm
Sửa lần cuối bởi điều hành viên: