Thanh niên Long An sống đẹp

HONG KET

New member
Xu
0
Long An, quê hương “Trung dũng, kiên cường toàn dân đánh giặc” anh dũng trong đấu tranh yêu nước. Song những năm gần đây, trước thay đổi nhanh chóng về kinh tế- xã hội, nhu cầu sống của người dân nói chung, của thanh niên nói riêng, mỗi ngày một cao hơn. Nhiều bạn trẻ cầu tiến, ham học hỏi, biết tận dụng thời gian cũng như mọi điều kiện vào việc học tập, rèn luyện, phấn đấu, cống hiến cho xã hội thì còn không ít thanh niên thờ ơ trước những vấn đề diễn ra trong cuộc sống cộng đồng quanh mình, sa vào các tệ nạn xã hội, vi phạm pháp luật.

Hãy tưởng tượng đến một vài thói quen, vài khía cạnh trong đời sống hôm nay liệu sẽ còn phù hợp trong đời sống hiện đại mai sau hay không? Liệu thói quen nhâm nhi vài tách cà phê, đọc vài tờ báo trong giờ làm việc có còn tồn tại? Liệu với suy nghĩ rằng chỉ cần tấm bằng ĐH hoặc bằng cấp nào đó ta có thể tìm được một việc làm ổn định, an nhàn suốt đời có còn phù hợp? Liệu với tác phong làm việc quan liêu, lề mề, kém hiệu quả có còn chỗ đứng?

Cuộc cải cách mở cửa, gia nhập WTO đời sống kinh tế của người dân VN, nhất là các bạn trẻ chúng ta sẽ được hưởng thụ những ưu đãi về vật chất lẫn tinh thần nhưng cũng sẽ phải đối mặt với vô vàn khó khăn thách thức đang chờ đợi. Nếu mỗi bạn trẻ không chuẩn bị sẵn cho mình một tác phong, lối sống giản dị, ý chí, nghị lực thì rất dễ gục ngã trước những cám dỗ vật chất tầm thường, trở thành những con người thực dụng, ích kỷ và là vật cản cho tiến trình phát triển của đất nước.

Chủ tịch Hồ Chí Minh, với hai bàn tay trắng và lòng yêu nước thương dân nồng nàn, người đã lái con tàu CM đưa nhân dân ta ra khỏi đêm đen nô lệ. Điều quan trọng của tuổi trẻ hôm nay là làm theo những việc Bác đã làm, học tập tác phong và tấm gương đạo đức của Người. Do đó, hơn lúc nào hết, việc hưởng ứng cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức HCM” trong thời kỳ hiện nay là vô cùng quan trọng, nhất là đối với tuổi trẻ chúng ta lại càng có ý nghĩa thiết thực trong tiến trình xây dựng CNH-HĐH đất nước.

Nhớ Bác- nhớ về năm 1890, tên Người - Nguyễn Sinh Cung đã cất tiếng khóc chào đời trên mảnh đất VN đau thương, khi Bác Hồ sinh ra thì nước nhà đang chìm đắm trong vòng nô lệ. Cha, mẹ Bác Hồ là cụ Nguyễn Sinh Sắc và bà Hoàng Thị Loan, đều xuất thân từ những vùng quê nghèo khó mà rất đỗi anh hùng:

Quê cha Hà Tĩnh đất hẹp khô rang

Đói bao thuở cơm chia phần từng bát

Quê mẹ gió nồm thổi lên bát ngát

Bình Định lúa xanh ôm bóng tháp Chàm

(Xuân Diệu)

Nước đã mất, quê lại nghèo, làm thế nào giải phóng dân tộc và cải thiện dân sinh? Đó là vấn đề mãi ngự trị tâm trí Bác Hồ cho đến hơi thở cuối cùng. Nguyễn Tất Thành ra đi năm 21 tuổi, đã được đào tạo khá vững vàng để tiếp thu cái mới mà không mất gốc, để luôn luôn sẽ vẫn là “con người hiện đại tiêu biểu nhất cho nước Việt Nam”.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp nói về Bác trong hồi ký của mình: “Bác Hồ là một nghị lực lớn, nghị lực ấy tượng trưng một sức mạnh đi tới có sức động viên rất lớn và không gì cản trở được. Từ ngày đầu gặp Bác ở Côn Minh, tôi đã có cảm tưởng đứng trước một tâm hồn bình dị, trong sáng, kiên quyết, vững chắc, giản dị mà không lay chuyển được”.

Trong rất nhiều những phẩm chất tốt đẹp của Bác, tôi xin được nhấn mạnh: Đạo đức Hồ Chí Minh là đạo đức của ý chí, nghị lực và tinh thần yêu nước nồng nàn. Không lúc nào Bác không muốn tư tưởng đó ngự trị trong tâm khảm và thể hiện qua hành động của mỗi người con VN. Có một câu chuyện minh chứng cho điều ấy bắt nguồn từ những ngày sôi nổi ở Việt Bắc năm 1949.

Mùa thu năm ấy, đơn vị thanh niên xung phong đầu tiên được thành lập theo sáng kiến và chỉ thị của Bác Hồ. Lễ xuất quân diễn ra dưới chân núi Hồng, cách cơ quan TW Đoàn không xa. Sau khi nghe anh Nguyễn Lam, Bí thư TW Đoàn căn dặn, hơn trăm con người lập tức lên đường thẳng tiến đến biên giới, nơi quân ta đang chuẩn bị một chiến dịch lớn. Thực hiện chủ trương “vừa đi đường vừa tuyển quân” đã được báo trước cho các địa phương, nên khi tập kết tại căn cứ Lam Sơn thì toàn đội gồm đủ 225 cán bộ, Đội viên.

Đêm 16/9/1950, quân ta nổ súng đánh vào cứ điểm Đông Khê và cũng từ giờ phút đó, các đơn vị TNXP lao vào làm nhiệm vụ tải đạn, tải thương, thu chiến lợi phẩm, giải tù binh… nhưng quan trọng hơn cả là bảo đảm giao thông trên những trọng điểm đánh phá của giặc. Chiến dịch biên giới toàn thắng làm nức lòng quân dân cả nước, nhưng nhiệm vụ của TNXP thì càng thêm nặng nề.

Đầu tháng 3-1951, đáp ứng yêu cầu bảo đảm giao thông cho chiến dịch mới, Liên phân đội TNXP 312 được điều động đến sửa chữa cầu Nà Cù (Bắc Cạn). Một hôm, anh chị em đang hăm hở lao động thì được tin đồng chí Trần Đăng Ninh, tổng Cục trưởng Hậu cần, sẽ đến thăm đơn vị. Đồng chí Việt Thi, cán bộ phụ trách công tác tuyên truyền và văn hóa, được giao nhiệm vụ tổ chức một đêm lửa trại để đón khách. Anh kể lại rằng trời vừa tối một lúc thì thấy có ánh đèn pin loang loáng tới gần. Anh chị em đồng loạt vỗ tay hoan hô đều hết sức bất ngờ trước niềm hạnh phúc lớn: Bác Hồ! Hàng ngũ trở nên xáo động, xôn xao do ý thức giữ bí mật đã ăn sâu vào tâm trí từng người, nên anh chị em chỉ truyền đi những tiếng reo se sẽ: Bác, Bác Hồ! Bác mặc bộ quần áo màu gụ, chiếc khăn quàng cổ khéo léo che kín chòm râu. Bác giơ tay ra hiệu:

- Các cháu ngồi cả xuống.

Thế là tất cả làm theo lời Bác và lặng im chờ đợi.

Nhìn khắp một lượt, bác hỏi:

- Các cháu ăn có đủ no không?

- Thưa Bác, có ạ!

- Các cháu có đủ muối không?

- Thưa Bác, có ạ!

Bác lại hỏi đến chăn màn, quần áo, thuốc men… Câu hỏi nào của Bác cũng được anh chị em trả lời “Thưa Bác, có ạ, đủ ạ!”. Bác cười, qua nụ cười hiền từ, trìu mến, anh chị em đều thấy Bác biết mọi người không nói thật. Trước khi đến thăm đơn vị, đồng chí Trần Đăng Ninh đã báo cáo với Bác mọi khó khăn, thiếu thốn cũng như tình hình đau ốm, nhất là bệnh sốt rét của TNXP thời ấy rồi.

Trong ánh lửa trại bập bùng, Bác báo tin vui về thắng lợi Đại hội Đảng lần thứ II. Bác giải thích vì sao Đảng ta lấy tên là Đảng Lao động Việt Nam và những nhiệm vụ lớn của toàn Đảng, toàn dân sắp tới. Niềm vui hiện rõ trên nét mặt mọi người. Bỗng Bác đặt câu hỏi:

- Đào núi có khó không các cháu?

Trong anh chị em người trả lời “Thưa Bác, khó ạ”, người lại trả lời “Thưa Bác, không khó ạ”. Nghe xong Bác hỏi tiếp:

- Có ai dám đào núi không? Và Bác chỉ định một nữ đội viên đang ngồi ngay hàng đầu trả lời. Đồng chí nữ đứng lên mạnh dạn thưa:

- Thưa Bác, có ạ. TNXP chúng cháu hàng ngày vẫn đào núi để làm đường đấy ạ.

Bác mỉm cười gật đầu, rồi hỏi tiếp:

- Thế có ai dám lấp biển không?

Câu hỏi này khó quá, vì trong anh chị em nhiều người chưa được thấy biển. Khi mọi người đang lúng túng, Bác liền gỡ bí cho:

- Có người dám đào núi thì cũng có người dám lấp biển đấy các cháu ạ. Thí dụ ở nước ta có cảng Hải Phòng, trên thế giới có nhiều cảng đều do con người lấp biển xây nên. Nói không khó là chưa đúng, nhưng dù khó con người vẫn làm được, chỉ cần cái gì nào?

Lúc này, ai cũng thấy mạnh dạn lên, đã thi nhau đưa tay xin trả lời làm Bác rất vui.

Bác động viên:

- Các cháu trả lời đều đúng cả. Tục ngữ ta có câu: “Có công mài sắt, có ngày nên kim”, tức là muốn vượt qua khó khăn thì phải quyết tâm, quyết chí.

Lửa ngày càng rực đỏ, dáng Bác cao lồng lộng giữa rừng cây. Trước lúc tạm biệt các cháu, giọng Bác đầm ấm:

- Bây giờ để các cháu luôn nhớ buổi gặp mặt hôm nay, Bác tặng các cháu mấy câu thơ:

Không có việc gì khó
Chỉ sợ lòng không bền
Đào núi và lấp biển
Quyết chí ắt làm nên.


Qua lời dạy, Bác đã đặt rõ nội dung vấn đề để ai cũng có thể thấu hiểu được.

- Muốn trung với nước, hiếu với dân, cần có chí khí.

- Muốn hoàn thành bất cứ nhiệm vụ nào, cần có chí khí.

- Muốn vượt mọi khó khăn, cần có chí khí.

- Muốn đánh thắng vô luận kẻ thù nào rất cần đến chí khí…

- Hơn thế, muốn thực hiện lý tưởng đã lựa chọn lại rất cần có chí khí.

Tuổi trẻ chúng tôi rất đỗi tự hào rằng, mỗi độ hè về cũng là lúc tuổi trẻ Long An tất bật lên đường đến những vùng quê xa xôi, nghèo khó, nơi đang cần những đôi bàn tay tình nguyện, các bạn ĐVTN sinh viên học sinh bỏ lại sau lưng tất cả thú vui của một kỳ nghỉ hè, quên đi nhịp sống đời thường để khoác lên mình chiếc áo xanh tình nguyện và chiếc mũ tai bèo quen thuộc. Có những bạn chưa bao giờ tay lấm chân bùn, sợ da rám nắng, nhưng vào chiến dịch họ không nề hà khó khăn, sống giản dị và chân thành, vượt qua những thách thức tưởng chừng rất nhỏ ấy để thắp lên ngọn lửa yêu thương trong tấm lòng người dân. Có lẽ các bạn sẽ hỏi tôi là những Chiến sĩ tình nguyện được gì? Chúng tôi được nhiều lắm chứ. Đó là tri thức, là có thêm sự hiểu biết về cuộc sống, biết sống yêu thương, nhân ái, để nhận ra rằng mình đã trưởng thành hơn qua mỗi mùa chiến dịch.

Mỗi chúng ta cần tự đối chiếu, tự hỏi mình đã học tập, đã làm được gì theo tấm gương và lời dạy của Bác trong công việc, trong cuộc sống để tự kiểm điểm, tự xác định những hành động cụ thể trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức HCM. Học ở Bác, ai cũng có thể học được một điều gì đó, chỉ có điều là mình có lòng thành và quyết tâm hay không. Năm tháng sẽ qua đi, nhưng những quan điểm của Người về rèn luyện đạo đức thì còn mãi mãi. Nếu mỗi chúng ta đều biết học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh thì công cuộc kiến quốc, xây dựng nước ta ngang tầm với các cường quốc trên thế giới sẽ không còn là quá khó khăn nữa phải không các bạn? Bằng niềm tin tưởng và lạc quan ấy, tôi xin được mượn đôi câu thơ của Tố Hữu để khép lại bài viết:

Đã nghe nước chảy lên non

Đã nghe đất chuyển thành con sông dài

Đã nghe gió ngày mai thổi lại

Đã nghe hồn thời đại bay cao
 

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top