Thang tính cách Big Five và ứng dụng trong công việc và tình cảm

rubi_mos2002

New member
Xu
0
Mỗi người đều có những mặt tính cách khác nhau. Chúng ta không thể tìm thấy hai người có tính cách hoàn toàn giống nhau. Tính cách (personality) được định nghĩa là mô hình hành vi, suy nghĩ và cảm xúc thể hiện bởi một cá nhân, có đặc điểm là riêng biệt và tồn tại lâu bền. Tính cách phân biệt cá thể này với cá thể khác và có tầm ảnh hưởng lớn đến hành vi và suy nghĩ của con người, từ đó tác động đến công việc và các mối quan hệ xã hội. Vì thế, tính cách là một chủ đề quan trọng trong nghiên cứu Tâm lí học (Personality Psychology).


Tính cách không dễ dàng đo lường như chiều cao hay cân nặng mà tính cách bao gồm nhiều đặc điểm khác nhau. Theo một nghiên cứu, có hơn 18 nghìn từ miêu tả đặc điểm tính cách (personality traits) trong từ điển tiếng Anh. Nhiều đặc điểm tích cách có điểm chung nên sau nhiều nghiên cứu, các nhà khoa học đã tổng kết các đặc điểm tính cách và chia thành 5 mặt tính cách chủ yếu, được gọi là Big Five dimensions of personality (gọi tắt là Big Five). Đây cũng là một trong những thang đo tính cách đơn giản, phổ biến và được ứng dụng rộng rãi nhất hiện nay.Big Five gồm có 5 mặt tính cách với các chữ cái đầu ghép thành chữ “OCEAN” (đại dương). Cần phải nhấn mạnh rằng không phải mỗi người thuộc về 1 trong 5 mặt tính cách của Big Five, mà mỗi người đều có đầy đủ 5 mặt tính cách này với các mức độ khác nhau (từ rất thấp đến rất cao):


Openness to Experience (Sẵn sàng trải nghiệm): Mặt tính cách thể hiện xu hướng tìm kiếm và tận hưởng những trải nghiệm và ý tưởng mới. Những người có điểm “O” thấp thường sống thực tế, đơn giản, có khá ít sở thích. Trong khi đó, những người có điểm “O” cao thường là kiểu người sáng tạo, hóm hỉnh, muốn tìm hiểu những điều mới mẻ, và có sở thích đa dạng.


Conscientiousness (Tận tâm): Mặt tính cách thể hiện tính kỉ luật và sự quyết tâm đạt được kết quả. Những người có điểm “C” thấp thường sống bất quy tắc, hành động theo quán tính; và khó để người khác trông cậy vào họ. Trong khi đó, những người có điểm “C” cao thường là những người sống quy tắc, cẩn thận và có trách nhiệm.


Extraversion (Hướng ngoại): Mặt tính cách thể hiện xu hướng tìm kiếm sự kích thích và nhiều mối quan hệ xã hội. Những người có điểm “E” thấp thường là những người nhút nhát, khá kín đáo và cẩn trọng; trong khi những người có điểm “E” cao thường là nói nhiều, thân thiện, và năng động.


Agreeableness (Dễ chịu): Mặt tính cách thể hiện xu hướng động lòng trắc ẩn trước người khác. Những người có điểm “A” thấp thường là những người khá hoài nghi, khó chịu, và không sẵn sàng hợp tác; trong khi những người có điểm “A” cao thường là những người tốt bụng, dễ tin tưởng và giúp đỡ người khác.


Neuroticism (Tâm lí bất ổn): Mặt tính cách thể hiện xu hướng trải nghiệm những cảm xúc tiêu cực. Những người có điểm “N” thấp là những người điềm đạm, bình tĩnh; trong khi những người có điểm “N” cao là những người hay nhạy cảm, lo lắng, và đôi khi trở nên hoang tưởng sinh lý (hypochondriacal)


Nếu bạn muốn tìm hiểu tính cách của mình qua thang đo Big Five, bạn có thể download bản tiếng Việt tại đây


working_with_boss.jpg



Ứng dụng trong công việc


Những mặt tính cách trong Big Five có tương quan cao với khả năng làm việc, vì thế việc tìm hiểu Big Five có thể giúp bạn tìm thấy ngành nghề thích hợp với tính cách của mình. Trong các mặt tính cách, sự Tận tâm (Conscientiousness) có tương quan cao nhất đến khả năng làm việc: Một người càng có tính tận tâm cao thì càng có khả năng làm việc hiệu quả.


Những mặt tính cách khác cũng có tương quan đến một số tính chất công việc đặc trưng. Tính Dễ chịu (Agreeableness) liên quan đến mặt quan hệ, giao tiếp với người khác trong công việc. Tính Hướng ngoại (Extraversion) thích hợp với những công việc đòi hỏi giao tiếp với nhiều đối tượng như các công việc quản lý, cảnh sát, người bán hàng.


Big Five cũng có liên hệ tới khả năng làm việc nhóm. Thành viên nhóm càng có điểm cao trong thang đo Tận tâm (Conscientiousness), Dễ chịu (Agreeableness), Hướng ngoại (Extraversion) thì càng làm việc hiệu quả. Trong việc lựa chọn lãnh đạo, những người có điểm cao trong thước đo Hướng ngoại (Extraversion), Sẵn sàng trải nghiệm (Openness) và Dễ chịu (Agreeableness) cũng có khả năng được lựa chọn cao hơn.




2010-11-05-love-attachment.jpg



Ứng dụng trong việc xây dựng các mối quan hệ


Nghiên cứu của Noftle và Shaver cho thấy Big Five có mối tương quan với các dạng phát triển quan hệ không bền chặt (unsecured attachment) như sau:


(Tham khảo bài viết “Giải mã các dạng phát triển quan hệ tình cảm“)


Các kiểu gắn bó trong giai đoạn trưởng thành (từ 13 tuổi trở đi) được mở rộng và đánh giá dựa trên hai tiêu chí:


Trốn tránh (Avoidance): được đánh giá dựa trên mức độ một người muốn xây dựng hay trốn tránh các mối quan hệ.


Lo lắng (Anxiety): được đánh giá dựa trên mức độ cảm thấy “an toàn” hay “lo sợ” của một người khi xây dựng các mối quan hệ với người khác.


Dựa trên hai thang tiêu chí, chúng ta được chia thành bốn dạng khác nhau: Bền chặt (The secure attachment); Trốn tránh (The dismissing-avoidant attachment); Lo sợ chiếm hữu(The anxious pre-occupied attachment); và Lo sợ trốn tránh (The fearful avoidant attachment).


Những người thuộc dạng phát triển các mối quan hệ lo lắng (avoidance) có nhiều đặc điểm của Tâm lý bất ổn (Neuroticism) như trầm cảm, tổn thương, và lo lắng. Họ thường xuyên cảm thấy chưa nhận đủ sự yêu thương và không thể kiểm soát mối quan hệ. Ngoài ra, những người này có thể quan tâm đến các mối quan hệ xã hội nhưng họ vẫn không tin vào sự chấp nhận của người khác.


Những người thuộc dạng phát triển các mối quan hệ trốn tránh (anxiety) thường không có những đặc điểm của nhóm Dễ chịu (Agreeableness), nhất là ở mặt tin cậy và vị tha. Những người này có xu hướng kiềm chế cảm xúc và những kỉ niệm tình cảm. Ngoài ra, những người này không mang những đặc điểm của nhóm Hướng ngoại (Extraversion) như thường không nhiệt tình, không muốn hòa mình trong tập thể, và không có nhiều cảm xúc tích cực, đúng với quan sát những người gắn bó trốn tránh thường có vấn đề trong quan hệ với người khác.


Một điều thú vị là cả hai dạng gắn bó không bền chặt trên đều không thể hiện tính Tận tâm (Conscientiousness). Nghiên cứu gần đây cho thấy sự hài lòng trong mối quan hệ có liên quan tới sự kiểm soát bản thân và tinh thần trách nhiệm. Trong khi đó, những người quyết định không cẩn thận và không tận tuỵ trong mối quan hệ dễ có gắn bó không bền chặt.


Ngoc T, Vietpsy


Tham khảo


Greenberg, J. (2011). Behavior in Organizations.


Noftle, E. & Shaver, P. (2006). Attachment dimensions and the big five personality traits: Associations and comparative ability to predict relationship quality. Journal of Research in Personality.
 

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top