ĐỂ HIỂU THÁI ĐỘ CỦA LÊ HỮU TRÁC TRONG ĐOẠN TRÍCH “VÀO PHỦ CHÚA TRỊNH” (SÁCH NGỮ VĂN 11)
Vũ Nho
Bài “Vào phủ chúa Trịnh” được xác định nội dung chính cần đạt như sau : “Thấy được sự cảm nhận của Lê Hữu Trác về uy quyền và cuộc sống của chúa Trịnh. Hiểu được đặc điểm bút pháp kí sự của tác giả qua đoạn trích” (tr.3, Ngữ văn 11 nâng cao, tập 1, nxb Giáo dục, Hà nội, 2006) và “ Cảm nhận được giá trị hiện thực sâu sắc của tác phẩm và nhân cách thanh cao của tác giả qua ngòi bút kí sự chân thực, sắc sảo về cuộc sống trong phủ chúa Trịnh” ( tr.3, Ngữ văn 11, tập 1, nxb Giáo dục, Hà nội, 2006). Nội dung cơ bản cần làm cho học sinh nắm được là sự xa hoa tột bậc, uy quyền ghê gớm của phủ chúa Trịnh và nhân cách thanh cao của tác giả Lê Hữu Trác.
Vấn đề đặt ra là, Lê Hữu Trác đã phản ánh khách quan, chân thực cuộc sống xa hoa và uy quyền của phủ chúa, hay là ông đã mỉa mai, châm biếm và phê phán chúa Trịnh trong khi phản ánh? Trong tài liệu hướng dẫn giảng dạy ( Ngữ văn 11 nâng cao, sách giáo viên, nxb Giáo dục, Hà nội, 2006)) soạn giả đã luôn luôn lưu ý giáo viên khai thác khía cạnh mỉa mai, châm biếm, phê phán: “Trong đoạn trích, các từ thánh chỉ, thánh thượng, thánh thể phản ánh sự lộng quyền, tiếm lễ của chúa Trịnh Sâm bấy giờ. Do đó, ở đây lời văn của Lê Hữu Trác có ý mỉa mai, châm biếm chúa Trịnh”; “ Cho nên, khi kể về số lượng và chức vụ những người làm việc trong phủ chúa, Lê Hữu Trác có ý mỉa mai và phê phán chúa Trịnh”; “ ...qua cách xưng hô về chúa, cách miêu tả,...một giọng điệu hài hước, châm biếm được toát ra”; “Lê Hữu Trác tỏ thái độ phê phán chúa Trịnh, đặc biệt câu nói mỉa mai: “Mình vốn con quan, sinh trưởng ở chốn phồn hoa, chỗ nào trong cấm thành mình cũng đã từng biết. Chỉ có những việc ở trong phủ chúa là mình mới chỉ nghe nói thôi. Bước chân vào đây mới hay cảnh giàu sang của vua chúa thực khác hẳn người thường” ( tr. 6,7, tài liệu đã dẫn). Trong “Tài liệu bồi dưỡng giáo viên thực hiện chương trình, sách giáo khoa lớp 11 môn Ngữ văn”, người soạn giáo án bài “Vào phủ chúa Trịnh” cũng hướng dẫn: “... lời thế tử khen cần đọc với giọng mỉa mai, châm biếm” ( tr. 104). Vậy, thực chất Lê Hữu Trác có tỏ thái độ mỉa mai, châm biếm, phê phán chúa Trịnh hay không; hay đó chỉ là điều mà một vài soạn giả gán vào cho Lê Hữu Trác để cho thấy vị thầy thuốc kiêm nhà văn rất “có lập trường”, rất dũng cảm, dám mỉa mai, châm biếm, phê phán chúa Trịnh?
Để giải quyết vấn đề này, khách quan và khoa học nhất là cần phải trở lại với văn bản được trích.
Quả là trong đoạn trích có 4 lần dùng từ thánh chỉ, 3 lần dùng từ thánh thượng, 1 lần dùng từ thánh thể. Những từ thánh ấy là dùng cho vua, nay chúa dùng, có vẻ như thế là lộng quyền, tiếm lễ. Nhưng với người đọc bây giờ thì chúa Trịnh là người lộng quyền, tiếm lễ. Còn Lê Hữu Trác lại không cho là như vậy. Chính vị thầy thuốc gọi chúa là Thánh thượng (Xem chừng Thánh thượng thường thường vẫn ngồi trên ghế rồng này); lại cũng chính ông gọi thân thể thế tử là thánh thể (Tôi thấy thánh thể gầy, mạch lại tế, sác). Lê Hữu Trác xưng hô tự nhiên, bình thường như mọi người xưng hô, tuyệt không có sự mỉa mai châm biếm nào.
Bây giờ, chúng ta xem xét vị thế của Lê Hữu Trác khi vào phủ chúa xem liệu vị thầy thuốc kiêm nhà văn có thể mỉa mai, châm biếm, phê phán? Đặc sắc của ngòi bút Lê Hữu Trác là đã phản ánh thật khách quan uy quyền tột bực của nhà chúa. Trong đó, tất cả mọi người, từ quan lớn đến quan nhỏ, đều không ai dám nói to, hỏi to. Có bốn lần miêu tả tiếng nói thì hai lần hỏi nhỏ, hai lần nói nhỏ. Bản thân Lê Hữu Trác cũng cảm thấy e dè, khép nép, cẩn trọng trước uy quyền to lớn của nhà chúa. Không ai bắt buộc, thế nhưng Lê Hữu Trác không dám tự nhiên nhìn ngắm cảnh vật : “Trước sập và hai bên, bày bàn ghế, những đồ đạc mà nhân gian chưa từng thấy. Tôi chỉ dám ngước mắt nhìn rồi lại cúi đầu đi”. Rồi khi gặp thế tử thì “Tôi nín thở đứng chờ ở xa”. Chưa hết, khi được phép xem bệnh thì “Tôi khúm núm đến trước sập xem mạch”. Rõ ràng một cách tự nhiên, vị thầy thuốc của chúng ta bỗng nhiên trở nên nhỏ bé trước uy quyền tột bực của nhà chúa. Trong tờ khải để dâng lên, ông cũng khiêm nhường ghi “Tiểu thần Lê Hữu Trác phụng kê”. Một vị thần dân nhỏ bé phụng mệnh viết ra.
Căn cứ vào các chi tiết trên , ta thấy thực sự Lê Hữu Trác kính cẩn, tôn trọng nhà chúa chứ tuyệt nhiên không có vị thế nào để mỉa mai, châm biếm hay phê phán cả. Bây giờ hãy xét thêm ý nghĩ của Lê Hữu Trác khi ông định dùng phương thuốc hoà hoãn : “ Nhưng rồi lại nghĩ : Cha ông mình đời đời chịu ơn của nước, ta phải dốc hết cả lòng thành, để nối tiếp cái lòng trung của cha ông mình mới được”. Nước, trong quan niệm của vị thầy thuốc đó chính là chúa Trịnh. Chữa bệnh cho thế tử Cán đó là “nối tiếp cái lòng trung của cha ông mình” với nhà chúa cũng là với nước. Và cách thức là “phải dốc hết cả lòng thành”. Một con người suy nghĩ như thế thì liệu có khả năng châm biếm, mỉa mai hay phê phán chúa Trịnh không? Theo chúng tôi, vấn đề đã rõ. Không nhất thiết phải cố gán sự mỉa mai, châm biếm hay phê phán chúa Trịnh vào thì Lê Hữu Trác mới là nhà văn tiến bộ. Cần phải tôn trọng sự thật, nhất là sự thật lịch sử trong tác phẩm.
Hà Nội, 1/10/2007 Bài đăng trên TẠP CHÍ GIÁO DỤC số 187 kì 1-4/2008
Sửa lần cuối bởi điều hành viên: