Thạch Lam- Những trang văn xanh màu cốm non - Hoài Anh

  • Thread starter Thread starter Tuyền Nguyễn
  • Ngày gửi Ngày gửi
T

Tuyền Nguyễn

Guest
Có lẽ cái phép đọc văn Thạch Lam - những trang văn xanh màu cốm non - cũng giống như cái phép ăn cốm của người Hà Nội thanh lịch chăng?

Ngày nhỏ, có lần bà tôi dẫn tôi đi lễ chùa. Trước cổng chùa đắp hai pho tượng hộ pháp, một ông hiền lành, một ông dữ tợn. Bà tôi chỉ pho tượng mặt mũi hiền lành, bảo tôi: "Đây là Ông Thiện", rồi chỉ vào pho tượng mặt mũi dữ tợn: "Còn kia là Ông Ác". Tôi không thích nhìn Ông Ác, mà chỉ chăm chú nhìn Ông Thiện, tôi thấy nét mặt hiền từ của ông gợi tôi nhớ đến hình ảnh Ông Bụt trong cổ tích hiện lên hỏi cô Tấm "Làm sao con khóc" mà bà tôi những tối mùa hè oi ả, vừa gãi lưng cho tôi - lưng tôi đầy rôm sẩy - vừa kể cho tôi nghe. Nghe đến khi tôi bắt đầu đi học, biết đọc sách, thì những câu chuyện cổ tích của bà tôi không thỏa mãn tôi được nữa. Bù vào đó, tôi được đọc những truyện, trong đó có truyện ngắn Thạch Lam. Lần này, đến lượt Thạch Lam đóng vai trò Ông Thiện trong trí óc non nớt của tôi, và nhiều năm sau vẫn là ông hộ pháp canh giữ những giấc mơ bé bỏng của tôi. Còn gì thú vị hơn những tối mùa đông, ăn ngô rang xong chui vào trong chăn ấm nhưng không ngủ một mạch tới sáng mà còn bồi hồi nhớ lại những truyện đã đọc lúc ban ngày: chuyện chị em Lan và Sơn đem cái áo cho Hiên, đứa con gái nghèo bên hàng xóm trong Gió lạnh đầu mùa, chuyện hai anh em nằm trong chăn ấm khi ngoài trời mưa gió, nghe tiếng cây tre ở đầu nhà bị gió lay ngỡ đó là tiếng kêu chiêm chiếp của con chim bị mưa gió đánh bạt đến đây trú, và động lòng thương muốn cứu vớt nó, trong Tiếng chim kêu. Ở ngay xóm tôi cũng có nhiều nhà nghèo không khác gì Nhà mẹ Lê trong truyện ngắn cùng tên của Thạch Lam. Thạch Lam là người thứ hai, sau cha tôi, dạy tôi biết yêu thương những con người nghèo khổ, giúp tôi tích lũy cái vốn thiện trong hành trang vào đời của tôi. Cũng nhờ Thạch Lam, tôi biết cảm thông với cảnh mòn mỏi của những cô hàng xén, kiếp tôi đòi của người đi ở trong Đứa con, cảnh làm dâu cay cực trong Hai lần chết, cuộc đời đau khổ của những cô gái giang hồ tuy sống trong vũng bùn mà còn giữ được nhất điểm lương tâm, trong nhà săm, tối ba mươi tết, còn nhớ bày bàn thờ cúng gia tiên, không nỡ dùng cái cốc bẩn mà bao khách làng chơi đã ghé miệng vào đó, để thắp nén hương thành kính. Lên tỉnh học, ngày nghỉ về nhà chơi, tôi lai được sống cái cảm giác êm đềm có người bà hiền từ chờ đợi và săn sóc như trong truyện Dưới bóng hoàng lan. Ở tỉnh, gặp những cô thợ từ nhà máy sợi Nam Định ra tôi thấy hao hao giống như cô Mai trong truyện Trong bóng tối buổi chiều. Lớn lên, biết suy nghĩ, tôi mới thấm thía cái câu "cơ hàn thiết thân bất cố liêm sỉ", được hình tượng hóa trong truyện Đói, tả cái cảm giác của một người vì đói mà phải ăn ngấu nghiến miếng ăn mua bằng tiền bán mình của vợ. Có những người không đến nỗi đói, mà bi sức quyến rũ của đồng tiền, suýt nữa thì trở thành ăn cắp, cho thấy ranh giới giữa cái thiện và cái ác có khi chỉ bằng sợi tóc.

Mặc dù Thạch Lam không trực tiếp kêu gọi làm cách mạng - trong truyện Người bạn cũ, ông còn tả một phụ nữ ra đi hoạt động, cuối cùng thất bại phải quay về nhờ cậy một đồng chí cũ giúp đỡ, người này đã nguội lạnh bầu nhiệt huyết và an phận sống cuộc đời trưởng giả ăn no mặc ấm - nhưng ý nghĩa khách quan toát lên từ tác phẩm Thạch Lam vẫn khiến tôi day dứt, khi ông viết: "Từ cái dĩ vãng xa xôi thăm thẳm, tôi thấy hiện lên một hình ảnh rõ ràng, hình ảnh tôi trong lúc còn niên thiếu, một thanh niên hăng hái, nhiệt thành, bồng bột những điều hay, sự đẹp, lúc nào cũng mơ màng những việc thành công to tát, một thanh niên chưa biết đến cái sự thực chua chát của cuộc đời.

Tôi lại nghĩ đến cái thân thế tôi bây giờ, một viên chức ở tỉnh nhỏ, sống cái đời yên lặng, trưởng giả, một đời ăn no mặc ấm, không phải lo lắng cái gì. Tôi hình như cảm thấy một sự ý hợp hơn.
Rồi tôi băn khoăn tự hỏi xem trong hai cái hình ảnh ấy, hình ảnh người thiếu niên hăng hái và hình ảnh người trưởng giả an nhàn, cái hình ảnh nào thật là của tôi?
Tôi không dám trả lời".

Chính nỗi băn khoăn, day dứt của Thạch Lam cũng đã dày vò tâm trí tôi, khiến cuối cùng tôi có một quyết định dứt khoát, không thể sống cảnh an nhàn, sung sướng cùng bà con họ hàng ở trong thành thị tạm bị chiếm, mà phải lên đường tham gia cách mạng. Về mặt nào đó, có thể coi Thạch Lam như người "phát động tư tưởng" cho tôi, khi đứng về phía người nghèo, chiến đấu sao cho những cảnh đời từng được miêu tả trên trang viết của Thạch Lam không bao giờ còn xảy ra nữa.

Suốt trong thời kỳ kháng chiến, tôi không đọc lại Thạch Lam, một phần vì ngờ rằng có lẽ ông chỉ đứng trên lập trường tư sản, từ trên cao cúi xuống thương xót những người nghèo, một phần cho rằng nghệ thuật viết truyện ngắn của ông đã cũ rồi, trong khi tôi mải mê tìm hiểu, học hỏi những cách viết tân kỳ, hiện đai. Phải nói thật rằng, có những cuốn tiểu thuyết của nhóm Tự Lực Văn Đoàn đến nay không thể nào đọc được nữa nó lỗi thời như ta nhìn thấy một người mặc vét-tông ba khuy cài chéo, thắt nơ, tay ngoe nguẩy chiếc can.

Sau ngày hòa bình, thống nhất đất nước, tôi mới có đủ bình tâm để đọc lại một số tác phẩm cũ. Tôi để ý đọc một số hồi ức về Thạch Lam và nhận ra rằng Thạch Lam không phải là người ở tầng lớp trên mà đã phải sống những ngày nghèo khổ. Cha Thạch Lam làm thông phán ở Tòa sứ Sầm Nưa (Lào) và qua đời ở đó năm 1918, khi ấy Thạch Lam mới có 8 tuổi. Sau khi ông mất, gia đình trở thành khốn quẫn, mẹ Thạch Lam buôn bán tảo tần nuôi bảy con ở phố huyện Cẩm Giàng, Hải Dương, cái phố huyện buồn thiu lúc nào cũng như ngủ lim dim chỉ mở choàng mắt thức tỉnh khi có đoàn xe lửa chạy qua, dừng lại ga xép chốc lát rồi lại "đi vào đêm tối, để lại những đốm than đỏ bay tung trên đường sắt". Qua hồi ký của chi ruột Thạch Lam là bà Nguyễn Thị Thế, chúng ta hoàn toàn có quyền tin rằng truyện Hai đứa trẻ của Thạch Lam là một chuyện có thực, mang tính chất tự truyện. Thạch Lam đã thực sự sống chung đụng với những người nghèo khổ, và bản thân cũng đã trải qua cảnh đói rét và tủi nhục, nên mới có thể viết xúc động đến như vậy về cuộc sống của người lao động với một tinh thần nhân bản hiếm có. Đến khi làm báo Ngày Nay với anh là Nhất Linh, Thạch Lam vốn tính mơ mộng, đa cảm, chỉ viết được khi có hứng, nên có tuần không có bài nộp, bị Nhất Linh cắt lương. Khi ở Hà Nội, Thạch Lam cũng sống trong một ngôi nhà giản dị, thanh bạch, bên cạnh những người dân nghèo thành thị. Cũng vì nghèo nên Thạch Lam mới mắc bệnh lao, không chữa nổi, do thổ huyết nhiều nên người càng ngày càng gầy yếu, chỉ có đôi mắt trũng sâu là còn le lói chút ánh sáng tinh thần. Một hôm Thạch Lam vừa thổ huyết, chỉ kịp gọi mấy tiếng "Bách ơi! Bách ơi!" thì ngã xuống đất, lúc ông em là bác sĩ Nguyễn Tường Bách chạy vào thì Thạch Lam đã tắt thở!

Hồi đó chỉ cần đỗ tú tài như Thạch Lam là có thể xin vào học trường Pháp chính để lúc ra thì được bổ tri huyện, hay nếu có làm công chức cũng có thể lên đến ngạch tham tá, nhưng Thạch Lam do tinh thần yêu nước không chịu ra làm việc cho Pháp, lại yêu mến văn chương nghệ thuật, nên mới cam chịu sống cảnh nghèo khổ mà trong sạch, để thực hiện chí hướng, hoài bão của mình.

Thạch Lam là người sống khiêm tốn, chí tình, trung hậu với bạn bè, lai có lòng liên tài. Hồi đó Tự Lực Văn Đoàn chỉ đề cao những người trong nhóm mình, mà dìm chê những người ở các nhóm khác. Nhưng Thạch Lam đã công tâm và vô tư, viết bài khen ngợi cuốn Vang bóng một thời của Nguyễn Tuân. Trong cuốn Theo dòng, ông còn nhắc đến cả cuốn Cành hoa điểm tuyết của Đặng Trần Phất, một trong những cuốn tiểu thuyết đầu tiên của văn chương quốc ngữ, ra đời năm 1921 trước cả Tố Tâm của Hoàng Ngọc Phách, nhưng bi người đời quên lãng. Ông giao du thân mật với những người không ở trong nhóm Tự Lực Văn Đoàn như Huyền Kiêu, Đinh Hùng... Chuyên viết văn xuôi nhưng ông rất am hiểu về thơ, từng góp ý sửa bài Tương biệt dạ của Huyền Kiêu. Không ăn chơi nhưng khi vui anh em, ông lại cho moi người thưởng thức ngón trống chầu tài hoa với khiếu thẩm âm tinh tế giống như khiếu thẩm vị những món quà Hà Nội. Chỉ có một điều người ta lầm lẫn, tưởng ông còn là một họa sĩ, vì ông trùng tên với họa sĩ Nguyễn Tường Lân, nhưng những trang tả cảnh của ông đẹp và gợi cảm không thua gì tranh của các họa sĩ nổi tiếng đương thời. Cái đặc biệt nhất là, so với các nhà văn cùng thời, ông đọc rất nhiều, và có những nhận xét xác đáng về tác phẩm của các nhà văn nước ngoài, và những ý nghĩ sâu sắc về nghề văn.

Sau khi tìm hiểu thêm về cuộc đời Thạch Lam, tôi đọc lại tác phẩm của ông, và thật bất ngờ đối với tôi, văn ông vẫn tươi tắn, nhuần nhị, chịu được sự thử thách của thời gian. Tôi bắt đầu tìm hiểu bí quyết viết văn để có sức thanh xuân và độ bền vững của ông. Trong bài Tính cách tạo tác của Thạch Lam đăng báo Thanh Nghị số 39, 16.61943, Thế Lữ viết: "Thạch Lam không bao giờ phải tìm "đầu đề" phải tìm "câu chuyện". Một ý chợt đến, một việc chợt xảy ra, một hình sắc chợt để mắt tới, một hương vi thoáng qua, thế là cả một đoạn đời sống súc tích rung động và nổi dậy. Vẻ dịu mát của màu xanh cây một buổi chiều nhìn ra ngoài đường nắng đưa trí nghĩ tới vườn lá của một đoạn tuổi thơ quê nhà. Tôi được nghe Thạch Lam gợi lên những kỷ niệm ngày còn nhỏ của anh trước mấy ngày anh viết bài "Trở về" trong đó ta thấy sáng gay gắt làm âm thầm thêm bóng cây lá. Khái Hưng trong bài tựa Gió đầu mùa nhận thấy rõ những duyên do xúc động của Thạch Lam trong nhiều đoạn ở tập sách này. Chính Thạch Lam cũng thường nói riêng với tôi rằng cái "Lòng Quê hương" là niềm nhớ quá vãng vẫn mãi mãi sống cùng hiện tại ở trong anh. Đó là lời thú thực của một người nặng tình có nhiều lúc muốn thoát khỏi những giây vương. Không có một sáng tác nào của Thạch Lam mà không có rất nhiều Thạch Lam trong đó. Gió bụi xa xưa, hương ruộng lúa, mùi rạ phơi, tiếng lá tre reo rét, thứ bóng tối uất ức nhẫn nại của đời thôn quê dưới mái lá nát, hay những đêm sâu điểm trống huyện, những buổi sáng trăng dặt dìu, từ sự thực lầm lội đến cảnh êm dịu mơ màng, không một tình nào trạng nào ta thấy ở những trang châu báu còn lại cho chúng ta kia, không làm cho Thạch Lam cảm động đê mê từ bao nhiêu tháng năm trước". Trong bài Thạch Lam in trong cuốn Chuyện nghề, Nguyễn Tuân viết: "Đọc Thạch Lam, có người chê câu văn Thạch Lam và nói chung văn phẩm Thạch Lam là ít động tác, ít hành động và kết luận: "Cho nên Thạch Lam viết truyện dài không thành công". Tôi đồng ý là truyện dài Ngày mới của Thạch Lam không thành công, nhưng rất dè dặt về cái điểm "câu văn và văn phẩm nhất thiết phải có động tác, phải nhiều hành động" bởi vì nhiều khi, nhiều động tác quá thì lại hóa ra túi bụi, cái chính trong truyện là nhân vật có làm, phải làm cái này cái kia, nhưng nhân vật còn phải có cảm nghĩ, có suy nghĩ nữa. Và cái thế giới bên trong đó của nhân vật của những nhân vật rất là cần cho sinh khí tiểu thuyết. Cái phần ấy mới đem đến cho nhân vật một cái chiều sâu và do cái thâm thúy đó, mới thỏa mãn được người bạn đọc và giúp gì cho người bạn đọc.

Về Thạch Lam và đọc truyện ngắn Thạch Lam, tôi cứ nghĩ như đó là một người tính tình nhẹ nhàng tinh tế, từng trải sự sống ở một số mặt sống, vừa sống vừa lắng nghe chung quanh cũng là lắng nghe mình phản ứng trước mọi diễn biến cả bên trong và bên ngoài mình. Rồi trang trọng đề nghị với moi người cùng bàn về điều hơn lẽ thiệt mặc dù cái điều hơn thiệt đem ra bàn bạc có khi chỉ nhỏ như một sợi tóc. Bằng sáng tác văn học, Thạch Lam đã làm cho tiếng nói Việt nam gọn ghẽ đi, co duỗi thêm, mềm mại ra, và tươi đậm hơn. Thạch Lam có đem sinh sắc vào tiếng ta".
Trước ý kiến của hai người vừa là bạn văn của Thạch Lam vừa là bậc thầy trong văn học, tôi thấy không cần nói thêm gì nữa. Tôi chỉ xin lưu ý bạn đọc, chính lối viết đi sâu vào nội tâm như thế đã khiến cho truyện Thạch Lam không bị ảnh hưởng của sự biến động về quan niệm tiểu thuyết dẫn tới cái gọi là "sự khủng hoảng về tiểu thuyết" diễn ra ở phương Tây mấy chục năm sau khi Thạch Lam qua đời. Tôi xin dẫn ra ý kiến của các nhà văn đương đại nói về cách khắc phục cuộc khủng hoảng đó. Nhà văn Jose Ortega y Gasset trong bài Những ý nghĩ về tiểu thuyết, viết: "Cần phải trình bày cuộc sống của các nhân vật tiểu thuyết, chứ không phải kể về cuộc sống đó. Kể chuyện, thông báo, trần thuật - chỉ là tượng trưng của sự vắng thiếu những cái được kể lại, thông báo lại, thuật lại. Nơi đâu trước mặt chúng ta là bản thân sự vật thì lời nói về chúng là thừa. Ý muốn xác định tính cách nhân vật - đó là sai lầm chính của nhà tiểu thuyết.

... Không, không phải cốt truyện là cái tạo nên hứng thú, chúng ta hoàn toàn không cần biết chuyện gì xảy ra với một nhân vật nào đó. Bằng chứng là cốt truyện của bất kỳ cuốn tiểu thuyết nào cũng có thể tóm gọn trong vài ba từ. Nhưng khi đó nó hoàn toàn hết hấp dẫn. Chúng ta muốn là tác giả dừng lại, để một vài lần đưa chúng ta dạo quanh các nhân vật của mình. Chúng ta chỉ thấy khoái chí khi được thực sự làm quen với chúng như những người bạn cũ mà ta đã hiểu hết mọi điều và mỗi lần gặp lại thấy tâm hồn mình thêm phong phú. Vì vậy, về thực chất, tiểu thuyết là thể loại chậm rãi". Chính vì không hiểu rằng tiểu thuyết là một thể loại chậm rãi nên Vũ Ngọc Phan trong Nhà văn hiện đại chê nhiều truyện của Thạch Lam là nhạt, cũng như đã xếp truyện Thạch Lam vào loại tiểu thuyết tình cảm; nhưng đúng ra trong truyện Thạch Lam, chất hiện thực quyện chặt với chất trữ tình, và có yếu tố tâm lý.

Chúng ta thấy như trong truyện Đói, Thạch Lam không xác định tính cách của Sinh, cao thượng hay ti tiện, cũng không trình bày toàn bộ diễn biến tâm lý của Sinh, mà chỉ trình bày cái cảm giác mang tính thuần sinh lý của một người vì đói mà hết cả lòng tự ái, mất cả liêm sỉ, nhân phẩm. Tác giả không kể lể, mà làm hiển hiện sống động hình ảnh "Sinh cúi xuống nhìn gói đồ ăn tung tóe dưới bàn; chàng lấm lét đưa mắt nhìn quanh không thấy Mai đứng đấy nữa. Khẽ đưa tay ngập ngừng, sợ hãi, Sinh vớ lấy miếng thịt hồng hào.

Sinh ăn vội vàng, không kịp nhai kịp nuốt. Chàng nắm chặt miếng thịt trong tay, nhây nhớp mỡ, không nghĩ ngợi gì, luôn luôn đưa vào miệng".
Ở đoạn trên, ta thấy Thạch Lam dường như đã vận dụng bút pháp điện ảnh để miêu tả nhân vật thật là sống động, sắc nét. Jose Ortega y Gasset cũng nhận xét về lối viết của Dostoevsky "Một đầu óc thiếu hiểu biết chắc sẽ cho là Dostoevsky xác định tính cách cho từng nhân vật. Thực ra, khi tác giả giới thiệu một ai đó, ông trình bày tóm tắt tiểu sử của nhân vật và thế là chúng ta yên trí rằng mình đã nắm được đầy đủ các thông số đặc điểm của nó. Nhưng chỉ cần nhân vật ấy bắt đầu hoạt động thôi, đi lại, nói năng, làm việc này việc nọ - thế là chúng ta thấy bối rối ngay. Hành vi của nhân vật không nằm vừa trong cái khung được tính cách giả tưởng của tác giả tạo ra. Thay cho khái niệm ban đầu về nhân vật là hình tượng sống động trực tiếp của nó, và nó không những không phù hợp với sự đánh giá của tác giả mà còn đối lập rõ ràng với sự đánh giá đó. Độc giả bất giác cảm thấy lo lắng vì các nhân vật cứ chuồi khỏi họ trong mớ những sự đánh giá trái ngược nhau này, họ gắng sức đuổi theo các nhân vật, tìm cách giải thích những nét tính cách mâu thuẫn nhau, hòa lẫn chúng vào một hình tượng thống nhất. Nói cách khác, độc giả muốn tự mình đưa ra sự đánh giá cho nhân vật. Nhưng chính đó là việc thường xảy ra trong cuộc sống thực. Sự ngẫu nhiên đưa đẩy chúng ta đến với mọi người, dường như để họ đi qua một bộ lọc vào bên trong cuộc sống riêng của chúng ta và không một ai cảm thấy phải có trách nhiệm chính thức bằng cách nào đó quy định họ cho chúng ta. Chúng ta thường xuyên va phải hiện thực phức tạp của những người khác, chứ không phải với khái niệm đơn giản về họ. Thái độ bối rối muôn thuở của chúng ta trước sự bí ẩn khép kín của người khác và sự khăng khăng của người thân cận không muốn tỏ ra phù hợp với những hình dung của chúng ta về họ, buộc ta phải cảm nhận họ như một cái gì đó của hiện thực, thực tế mà trí tưởng tượng ta dù có nỗ lực đến mấy cũng không nắm bắt được". Chúng ta cũng nhận thấy, nhân vật trong truyện của Thạch Lam hành động hết sức bất ngờ: không ai đoán trước được Sinh trong truyện Đói lại ăn gói đồ ăn mà chàng nghi là vợ lấy tiền của trai để mua cho mình. Cũng như không ai ngờ được rằng một người có vẻ tử tế như Thành trong Sợi tóc lại có thể có ý định ăn cắp tiền của bạn, nhưng sau đó lại có thể đấu tranh thắng được cái xấu xa của mình. Như trong truyện Tình xưa, mối tình cứ ngỡ ngày càng nồng nàn không ngờ lại kết thúc trong sự hững hờ lạnh nhạt, trong sự biến chuyển tế vi của hai tâm hồn từ cực này sang cực khác. Lại còn nhân vật người đầm trong truyện cùng tên, tác giả đưa ra hình ảnh một người đầm đi xem chiếu bóng mà lại ngồi ở hạng nhì lẫn với mọi người "bản xứ", khi đứa con đùa lại vội vàng đưa mắt nhìn quanh với vẻ rụt rè e lệ, rồi ra hiệu bảo con im, tác giả đoán là bà ta mới ở Pháp sang nên không hách dịch, khinh người như những người đầm đã sống lâu bên này. Cuối cùng tác giả hạ một câu: "Bây giờ chắc bà ta đã có công việc làm rồi", khiến người đọc liên tưởng nếu bà ta gia nhập vào hàng ngũ bọn cầm quyền thực dân ở thuộc địa, thì liệu có giữ được cái dịu dàng, nhũn nhặn lúc mới sang hay không? Tác giả đã dùng lối bỏ nhỏ, gài một miếng võ kín thật là cao tay!

Hiện nay trên thế giới đang có khuynh hướng quay lưng lại với truyền thống tiểu thuyết của Balzac, trong khi đó lại nồng nhiệt ca ngợi Dostoevsky, một tác giả Nga, Dickens, một tác giả Anh, và Stendhal, một tác giả Pháp nhưng trước đây không được các nhà phê bình văn học Pháp đánh giá đúng mức. Chúng ta thấy Thạch Lam trong tập tiểu luận Theo dòng từ trước 1941 đã viết: "Nhà nghệ sĩ chỉ có thể diễn tả đúng tâm lý một người khi quan sát đến cả hoàn cảnh chung quanh. Người ta không sống một mình, mà có liên lạc mật thiết với những người khác, với xã hội. Phải làm sống lại trong tiểu thuyết cái không khí bao bọc lấy vai chính. Phải bày tỏ bằng những hành động cái tâm lý của các nhân vật. Sự quan sát, bởi thế rất cần: quan sát đúng, tìm những hành vi chính, đó là cái tài của nghệ sĩ. Những điều nho nhỏ, một nét mặt, một cử chỉ, một giọng nói, cho chúng ta biết rõ tâm lý một người hơn những công việc và quyết định hệ trọng, trong lúc ấy, người ta tìm xét mình lại. Những cái mà ta thường coi là nhỏ nhặt, vụn vặt hay tỉ mỉ chính lại là những cốt yếu của tiểu thuyết hay.

Các tác giả người Anh hay Nga rất khéo làm linh động cái không khí bằng những việc nho nhỏ như thế. Bởi vậy tiểu thuyết của Anh bao giờ cũng hay hơn của Pháp. Tiểu thuyết Anh hay Nga gần chúng ta hơn, và làm chúng ta cảm động hơn. Tiểu thuyết của Pháp, bởi cách xếp đặt và bố trí khéo léo và chặt chẽ khiến chúng ta phục, nhưng không thích, vì không đi sâu vào trong tâm hồn ta".

Quả là những nhận định sáng suốt và đi trước thời đại. Đọc đoạn văn trên, tôi chắc chắn Thạch Lam đã từng đọc Dostoevsky và có lẽ, cả Tchékhov. Truyện ngắn Thạch Lam rất gần truyện ngắn Tchékhov ở chất sống, chất nhân đạo, sự giản dị, tinh tế của nó, và âm hưởng trữ tình thấm đượm hồn người.

Đọc văn Thạch Lam bỗng tôi nghĩ đến một đoạn của chính Thạch Lam viết trong Hà Nội băm sáu phố phường: "Cốm không phải thức quà của người vội; ăn cốm phải ăn từng chút ít, thong thả và ngẫm nghĩ. Lúc bấy giờ ta mới thấy thu lại cả trong hương vị ấy, cái mùi thơm phức của lúa mới, của hoa cỏ dại ven bờ; trong màu xanh của cốm, cái tươi mát của lá non, và trong chất ngọt của cốm, cái dịu dàng thanh đạm của loài thảo mộc. Thêm vào cái mùi hơi ngát của lá sen già, ướp lấy từng hạt cốm một, còn giữ lại cái ấm áp của những ngày mùa hạ trên hồ".
Có lẽ cái phép đọc văn Thạch Lam - những trang văn xanh màu cốm non - cũng giống như cái phép ăn cốm của người Hà Nội thanh lịch chăng?
 

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top