Tôi đã từng thi đại học, cũng từng học đại học. Và cũng đã luyện thi đại học nhiều. Một điều rút ra là nếu các em thực sự nắm được các kiến thức cơ bản trong SGK, đạt đủ theo mục tiêu của người viết SGK và mục tiêu của giáo viên đặt ra khi giảng bài thì các em có thể làm một đề thi đại học bất kì đạt điểm 7, 8 trở lên. Tại sao tôi lại nói như vậy? Quan trọng là các em nắm được kiến thức, hiểu kiến thức và vận dụng kiến thức vào các bài tập các em gặp phải, chứ không phải các em vận dụng những kiến thức học ở bên ngoài chương trình. Khi tôi dạy luyện thi tôi cũng chỉ xoay chuyển bài tập cho các em rèn kĩ năng vận dụng chứ không hề cung cấp thêm bất cứ một kiến thức mới nào. Thêm vào đó là kĩ năng trình bày của nhiều em quá kém dù đã tìm ra được kết quả bài tập nhưng trình bày không theo chuẩn mực nên không đạt điểm cao. Tôi đã từng gặp những học sinh ra khỏi phòng thi rất tự tin vì kết quả mọi bài đều đúng, tuy nhiên khi chấm chỉ đạt 3 điểm vì không biết trình bày.
Vấn đề của các em học sinh bây giờ là sự "mất định hướng" và "trào lưu". Tôi nói ở đây với những lời chân thành nhất. Nếu em thực sự chưa có định hướng sẽ dẫn đến phân tâm khi học tập. Sự lựa chọn giữa các khối và nghề nghiệp. Vấn đề "trào lưu" là vấn đề tâm lí. Nhiều em có đủ khả năng để có thể tự giải quyết bài tập độc lập nhưng do tâm lí "trào lưu" nên thấy các bạn bè xung quanh mình đi học thêm thì không thể ngồi nhà học được. Cháu tôi là một điển hình. Co bé học rất khá các môn tự nhiên, tôi bảo cháu tự làm bài thì cháu làm được, nhưng cháu cũng tâm sự rất thật rằng "Nếu cháu ở nhà học cháu cứ lo lo...". Các em nên bỏ thói quen "trào lưu" đó thì sẽ tập trung được vào bài học. Nhưng nay cháu đã an tâm khi tôi động viên cháu suốt năm học lớp 11 vừa qua.
Một vấn đề khác ảnh hưởng đến kết quả thi là sự rèn luyện kĩ năng bằng cách làm nhiều bài tập, các em có thể xoay chuyển một bài tập thành một bài mới bằng cách thêm bước, bỏ bước,...... Các em hoàn toàn có thể tự tìm tòi ra những định hướng mới cho bài tập, xoay chuyển câu hỏi, cùng một câu hỏi đặt vấn đề theo nhiều hướng khác nhau, khi đó các em sẽ nắm vững kiến thức để có thể yên tâm thi đại học. Hơn nữa, đại học không phải là cánh cửa duy nhất để bước vào đời. Vấn đề căn bản là các em có những gì khi bước vào cuộc sống. Đó không chỉ là vốn kiến thức của 13 môn học trong nhà trường, mà còn là kĩ năng sống, nhận biết sống. Mảng này thì GD ở Việt Nam ta chưa mạnh, các em phải cố gắng nắm bắt từ những gì quanh mình.
Tôi có một lới khuyên chân thành đến các em, hãy tự tin và cố gắng bằng khả năng của mình. Các em sẽ gặt hái được thành công trong cuộc sống.