• Chào mừng Bạn tham gia Diễn Đàn Kiến Thức tổng hợp No.1 VNKienThuc.com - Định hướng VN Kiến Thức
    -
    HÃY TẠO CHỦ ĐỀ KIẾN THỨC HỮU ÍCH VÀ CÙNG NHAU THẢO LUẬN

Tết Tỵ mừng tuổi ông thơ rắn

Gia Hiếu

New member
Xu
0
Họ và tên: Nguyễn Gia Hiếu
Tuổi: 19
Nghề nghiệp: Sinh viên


Tết Tỵ mừng tuổi ông thơ rắn

Tết năm nay là Tết Quý Tỵ, tức là Tết con rắn. Nhắc tới Tết con rắn, tôi chợt nhớ lại câu chuyện xảy ra vào mười hai năm trước, dịp Tết Tân Tỵ, cũng là Tết con rắn. Năm đó tôi đã có một cái Tết thật đặc biệt khi được tự tay mừng tuổi cho ông nội một bài thơ.

Tết Tân Tỵ năm đó, tôi tròn mười hai tuổi. Mười hai tuổi, vẫn còn trẻ con lắm. Chỉ cần nhắc đến đi chơi Tết thôi là tôi đã háo hức vô cùng. Tôi thích đến nhà ông nội nhất vì ông nội rất cưng chiều tôi, cho tôi bao nhiêu bánh kẹo ngon và được nhiều lì xì nữa. Trẻ con mà, chỉ cần vậy thôi là hạnh phúc rồi. Còn một lý do nữa khiến tôi háo hức đó là cuộc thi "khai bút đầu xuân" do ông nội tổ chức. Tuy nhiên người tham gia không phải là tôi mà là bố tôi và các anh chị em của bố. Bài thơ của người thắng cuộc sẽ được đóng khung treo trong phòng khách suốt năm đó.

Nhưng điều tôi háo hức không phải là nghe thơ mà là được giúp ông đóng khung. Cái khung thật đẹp, ước gì tôi biết làm thơ để được đóng khung nhỉ. Tôi thường hứa với ông:
- Ông ơi, Tết năm sau cháu sẽ làm thơ tặng ông, ông đóng khung cho cháu nhé?
- Ồ, được nghe thơ của cháu tôi thì còn gì bằng nữa - Ông cười, xoa đầu tôi.

Tôi bắt đầu tìm hiểu các quy tắc, niêm luật ... nhưng mà sao khó quá. Trẻ con mà, ít khi kiên nhẫn, chán là bỏ ngay. Vì vậy lời hứa vẫn cứ là lời hứa. Ông cũng biết vậy nên không nhắc lại chuyện này.

287f597395df6fc6be315b7a0f409c51_52311818.hoadao20012.jpg


( Ảnh minh h ọa)

Mùng một Tết Tân Tỵ năm đó, gia đình tôi đến nhà ông nội khá sớm. Trong nhà ông lúc này có bác hai, chị của bố tôi và chú út. Bác hai đang nói chuyện điện thoại với chồng bác với vẻ không vui. Chú út thì đang ngắm hoa đào, hát vu vơ. Còn ông tôi ở tầng trên, có lẽ ông đang chờ cho mọi người đến hết rồi mới xuống, hoặc cũng có thể ông đang chuẩn bị. Trong lúc chờ đợi, tôi ngồi bóc kẹo ăn vì thèm quá. Trẻ con mà, cứ thấy cái gì lạ mắt là thèm.

Vài phút sau, mọi người đến đông đủ. Căn phòng khách nhỏ của ông nội bỗng rộn rã hẳn lên, nhất là khi ông bước xuống. Mọi người hỏi thăm nhau, chúc nhau những lời chúc tốt đẹp nhất. Sau đó lần lượt từng người lên mừng tuổi ông. Năm đó, ông bảy mươi tuổi, thuộc vào độ tuổi "xưa nay hiếm". Tuy vậy nhưng ông vẫn rất nhanh nhẹn, vui vẻ và rất đẹp lão. Bố tôi là con thứ năm trong bảy người con của ông và là người học cao và thành đạt nhất. Vì vậy bố tôi thay mặt mọi người đứng lên phát biểu:

- Hôm nay ngày mùng một năm Tân Tỵ, chúng con đến đây, trước hết là để hỏi thăm sức khỏe bố và các anh chị em, sau là đại gia đình mình đoàn tụ bên nhau ăn bữa cơm đầu năm. Chúng con kính chúc bố khỏe mạnh, vui vẻ, sống lâu trăm tuổi.

Ông nội chậm rãi đáp:
- Cảm ơn các con, các cháu. Sống lâu trăm tuổi làm gì, nhìn thấy đại gia đình mình quây quần yêu thương lẫn nhau là quý giá gấp bội rồi các con.

Mọi người vỗ tay. Ai cũng mừng vì ông nội vẫn còn khỏe mạnh. Ông đứng dậy, cầm bao lì xì phát cho các cháu:
- Nào, để ông mừng tuổi cho các cháu ... đây, của cháu đây, hay ăn chóng lớn nhé, ... anh cu này năm nay thi đỗ đại học nhé ...

f405b5a630e6e03a225d364611e7005d_52311819.mungtuoi.jpg


( Ảnh minh h ọa)

Rồi ông tiếp tục l ấy ra trong túi áo bảy phong bao đỏ. Ông nói với bố và các bác, các cô các chú:
- Đến lượt các "công tử tiểu thư" của tôi, nào nào, vẫn còn nhớ chứ? Trong mỗi phong bao này đều có chứa một chủ đề, các "công tử tiểu thư" hãy chọn và khai bút đầu xuân nhé, ai viết hay sẽ được đóng khung treo cả năm... Ưu tiên "công tử" út trước nhé, đây, cho bao to nhất ...

Ông gọi trêu các con là "công tử, tiểu thư" khiến mọi người phì cười. Thật mừng khi ông vẫn vui vẻ như ngày nào. Chú út mở phong bao ra, bên trong ngoài tờ tiền mừng tuổi còn có mẩu giấy ghi dòng chữ "tình yêu". Chú út sẽ phải làm một bài thơ về tình yêu.

Các anh chị em của bố lần lượt biết được chủ đề của mình. Tôi tò mò chủ để của bố tôi. Nhận được phong bao, bố tôi đưa cho tôi và bảo "tay son mở hộ bố". Thật ra là do thấy tôi tò mò quá nên bố tôi mới đưa. Trẻ con mà, tò mò kinh khủng luôn. Tôi mở ra, đọc dòng chữ ghi trên giấy: "Tân Tỵ". Bố tôi hơi bất ngờ vì chủ đề khá lạ, Tỵ là rắn, tức là viết bài thơ về rắn. Mọi người cất phong bao vào túi và tiếp tục trò chuyện vui vẻ.

Về đến nhà, bố tôi lao ngay vào bàn làm việc. Chắc bố đã có ý tưởng gì trong đầu rồi. Lúc nãy nghe bác ba bảo, vì bố tôi là người học rộng hiểu nhiều nhất nên năm nào cũng được ông giao cho chủ đề khó nhất, lắt léo nhất. Và bố tôi bao giờ cũng là người làm thơ hay nhất, các anh chị em đều phải công nhận điều đó. Nhưng một điều kì lạ là, thơ của bố tôi, không bao giờ được đóng khung!

Tối đến, bác cả gọi điện hỏi bố làm thơ xong chưa, muốn nghe thơ của bố nhất đấy. Bố nói rằng quả thật bố chưa làm được chữ nào. Nếu chủ đề là về năm con rồng thì tay bút còn tung bay được, nhưng mà về rắn thì ... chịu thật! Văn thơ người ta làm về rồng thì nhiều chứ về rắn thì ít. Cuối cùng bố tôi nói rằng sẽ làm được. Chỉ là ông muốn thử thách bố một chút thôi mà! Nhưng mãi mà bố chưa viết được dòng nào ... Một ý nghĩ chợt lóe lên trong đầu tôi, ... sao mình không làm thơ giúp bố nhỉ? Nói là làm, tôi mở các tạp chí, sách báo ra, hi vọng có ý tưởng. Tìm mãi, tìm mãi, thơ về rắn ít quá nhưng may mắn tôi đã tìm được một bài:

Rắn đầu biếng học - Lê Quý Đôn


"Chẳng phải liu điu cũng giống nhà
Rắn đầu biếng học chẳng ai tha
Thẹn đèn, hổ lửa, đau lòng mẹ
Nay thét, mai gầm, rát cổ cha
Ráo mép chỉ quen tuồng nói dối
Lằn lưng cam chịu tiếng roi tra
Từ nay Trâu Lỗ chăm nghề học
Kẻo hổ mang danh tiếng thế gia"

Hay thật, một bài thơ mà nhiều loài rắn đến vậy. Ý tưởng chợt lóe lên đầu tôi, t ôi vội vàng cầm quyển từ điển của bố tra cứu. Trẻ con mà, nhiều ý tưởng lắm. Trước đây tôi cũng học được vài "mẹo" làm thơ và cũng tập tành làm một hai câu kiểu như:"Nhà em có một con mèo, con mèo rất thích được trèo cây cau". Nghe ngây ngô và ngang phè, đến giờ nhắc lại không khỏi làm tôi bật cười. Tôi lấy giấy bút bắt đầu viết. Một tiếng sau, tôi hoàn thành bài thơ và đưa cho bố. Bố khen hay và chép lại bài thơ đó cho đẹp. Bố quyết định tặng bài thơ của tôi cho ông nội.

Mùng hai, mọi người tập trung ở nhà ông nội, lần lượt đọc thơ cho ông nghe. Thơ các bác các cô các chú hay quá, làm tôi thấy xấu hổ. Tôi bảo bố hay thôi đừng đọc nữa kẻo mọi người cười. Bố bảo không sao, cứ yên tâm đi, đúng chủ đề "Tân Tỵ" thì có gì phải ngại.

Ông nội bảo bố tôi:
- Nào, "ngũ công tử", đến lượt "công tử" rồi đó.

Bố tôi lấy hơi, dõng dạc đọc:
"Những kẻ khẩu Phật tâm xà
Chúng ta cần biết tránh xa bọn này.
Hang hùm nọc rắn quanh đây
Chúng ta cần biết nơi này tránh xa.
Cõng rắn, rắn cắn gà nhà
Là kẻ phản bội khó tha tội này.
Đánh rắn phải đánh dập đầu
Không thì nó cắn con gâu nhà mình.
Ai đi vẽ rắn thêm chân
Để cho rắn chạy thêm phần hiểm nguy.
Loạn lên như rắn mất đầu
Mất rồi không cắn con gâu nhà mình.
Năm Tân Tỵ thật đẹp xinh,
Cả nhà chúng mình, cùng cười thật tươi!"

1d8c743bad11d0a3953c91b336e76817_52311817.020247598122645114c8e9147b35z.jpg


( Ảnh minh h ọa)

Vừa dứt lời, cả phòng khách nhà ông rộn lên tiếng cười khoái trá. Ai cũng cười hết cỡ, ông nội cũng cười. Mọi người cười bố tôi nhưng tôi lại thấy xấu hổ. Ông nội nói:
- Bài thơ rất hay, vui vẻ, một bài mà có rất nhiều thành ngữ về rắn. Quá giỏi!
- Bố quá khen rồi ạ! - Bố tôi nói.
- Ô hay cái anh này, tôi có khen anh đâu?
- Dạ ...?
- Tôi khen là khen cháu tôi kia - Ông chỉ tôi, bảo tôi ra gần ông - Bài thơ của cháu rất hay. Ta nghe là ta biết không phải bố ch áu mà chính cháu làm. Tí nữa ở lại đóng khung với ông nhé.

Mọi người cũng đồng ý với ông. Tôi bất ngờ. Tôi không nghĩ bài thơ kết hợp giữa từ điển thành ngữ của bố, bài thơ của Lê Quý Đôn và cái ngây ngô ngang phè mà lại khiến ông thích thú đến vậy. Tôi nhanh chóng chuyển từ xấu hổ sang tự hào. Trẻ con mà, thay đổi tâm trạng nhanh lắm. Mà đâu, làm được bài thơ hay thế thì mình là người lớn rồi còn gì nữa. Thế là mùng hai Tết năm đó, tôi không đi chơi đâu cả mà ngồi đóng khung bài thơ với ông.

Cuối năm Tân Tỵ, ông mất. Tôi buồn lắm. Từ đó mỗi khi Tết đến đại gia đình chúng tôi không còn làm thơ khai bút nữa. Tôi buồn vì chỉ được tặng ông đúng một bài thơ duy nhất.

fd91bab79eda5ebfcf20eea6d112dc3c_52311823.maivang06.jpg


( Ảnh minh h ọa)

Sau này, khi lớn lên, tôi mới hiểu được rằng những chủ đề ông đặt trong mỗi phong bao đỏ đều có ý nghĩa. Không phải ông làm ngẫu nhiên đâu mà có chủ ý cả. Như nhà bác hai chẳng hạn, vợ chồng hay cãi cọ thì ông đặt trong phong bao chủ đề "gia đình" hay "vợ chồng" với hàm ý muốn nhà bác hai bớt xung đột. Hay như chú út hát vu vơ, ngắm hoa đào thì chắc chắn là chú này đang yêu, nên ông đặt vào phong bao chủ đề "tình yêu", với mong muốn một tình yêu đẹp sẽ đến với chú.

Vậy còn bố tôi? Chủ đề "Tân Tỵ" nghĩa là gì? Tỵ là rắn, đương nhiên rồi. Viết một bài thơ về rắn mà khó với bố tôi thế ư? Không phải đâu, bố tôi thấy khó bởi vì không thể hiện được cái hàm ý của ông nội: Bố tôi và tôi đ u tuổi rắn. Rắn là biểu tượng của sự thành đạt, niềm kiêu hãnh, cũng chính là hình ảnh bố tôi, là người thành đạt nhất là luôn là niềm tự hào của ông. Nhưng cũng chính vì thế ông không bao giờ đóng khung thơ của bố vì sợ bố kiêu ngạo, đó cũng là một tính cách của loài rắn.

Nhưng không chỉ có "Tỵ" mà còn có "Tân". Ông nội khéo chơi chữ "Tân Tỵ" tức là "rắn mới", ý nói đến tôi, với hi vọng tôi có thể tài giỏi hơn bố, là niềm tự hào của gia đình. Việc tôi làm thơ thay bố vô tình làm bật lên ẩn ý của ông, mong chờ một "Tân Tỵ".

Mặc dù ông không còn nhưng mỗi dịp Tết đến xuân về tôi vẫn thường khai bút như một thói quen. Năm nào tôi cũng đắn đo không biết nên viết về chủ đề gì. Nếu có ông nội ở đây chắc chắn ông sẽ gợi ý ngay cho tôi như ngày Tết Tân Tỵ năm nào, lặng lẽ đặt một mẩu giấy đầy tình thương, mong ước vào phong bao đỏ.
 
cảm ơn bạn, bài viết của bạn làm mình nhớ tới bố mình vì bố mình cũng tuổi rắn :) nhớ tới tính cách đặc trưng của tuổi này, cảm thấy rất đúng :D
 

Chủ đề mới

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top