• Chào mừng Bạn tham gia Diễn Đàn Kiến Thức tổng hợp No.1 VNKienThuc.com - Định hướng VN Kiến Thức
    -
    HÃY TẠO CHỦ ĐỀ KIẾN THỨC HỮU ÍCH VÀ CÙNG NHAU THẢO LUẬN

Tế Hanh – một hồn thơ đằm thắm và trong trẻo

Bạch Việt

New member
Xu
69
Tế Hanh – một hồn thơ đằm thắm và trong trẻo


Người đọc biết đến Tế Hanh khi nhà thơ trẻ tuổi được Giải khuyến khích của Tự Lực văn đoàn với tập thơ Nghẹn ngào năm 1939. Phong trào Thơ mới, sau thời kỳ phát triển rực rỡ với những tên tuổi sáng giá đã có thêm một tiếng Thơ mới.

Tập Nghẹn ngào sau đó được bổ sung thêm một số bài và xuất bản với tên Hoa niên (1944). Các tập thơ trên cùng những bài thơ được sáng tác trong khoảng 1942-1945 sau này được in dưới tên Tập thơ tìm lại càng cho ta thấy một chân dung thơ đầy đặn và đặc sắc của Tế Hanh thời kỳ lãng mạn. Tế Hanh đến với Thơ mới và đem đến cho bầu không khí thơ đương thời một luồng gió trong lành.

Hoài Thanh trong Thi nhân Việt Nam khi giới thiệu Tế Hanh như một cây bút "vẫn còn trẻ lắm và cũng mới bước vào làng thơ" đã kể lại ấn tượng về lần gặp gỡ với người thiếu niên thi sĩ rụt rè ngượng nghịu mới bước vào tuổi đôi mươi. Nhà phê bình nhớ mãi đôi mắt nhà thơ trẻ - "đôi mắt nồng nàn lạ", cũng như những vần thơ thể hiện "cái nhìn sâu sắc của một con người sẵn có một tâm hồn tha thiết". Bài thơ Quê hương ít nhiều có thể coi là một hiện tượng của thơ đương thời. Nó vượt qua những bài thôn ca quen thuộc thời ấy, mở ra một khía cạnh còn rất mới mẻ với Thơ mới về đề tài thôn quê, để nâng cảm xúc thôn dã thành một chủ đề có tầm khái quát sâu sắc hơn: quê hương. Khái niệm "quê hương" thường được gợi lên qua hình ảnh giếng nước gốc đa và những mối tình quê tha thiết của những miền quê lúa chất phác nay có thêm âm vang sóng nước và vị mặn mòi của biển cả, được cất lên qua một khúc ca lao động khỏe khoắn và trong lành, một tiếng nói thiết tha gắn bó với một vùng chài lưới:

Làng tôi ở vốn làm nghề chài lưới
Nước bao vây cách biển nửa ngày sông
Khi trời trong gió nhẹ, sớm mai hồng
Dân trai tráng bơi thuyền đi đánh cá
Chiếc thuyền nhẹ hăng như con tuấn mã
Phăng mái chèo mạnh mẽ vượt trường giang

Cánh buồm trương to như mảnh hồn làng Rướn thân trắng bao la thâu góp gió... Và hình ảnh những người lao động làng chài cũng được khắc họa bằng những câu thơ vạm vỡ:

Dân chài lưới làn da ngăm rám nắng
Cả thân hình nồng thở vị xa xăm
Chiếc thuyền im bến mỏi trở về nằm
Nghe chất muối thấm dần trong thớ vỏ...

Tôi thấy nhớ cái mùi nồng mặn quá!- Có thể nói, Thơ mới lần đầu tiên biết hát lên những câu hát khỏe khoắn, đẫm mồ hôi lao động qua những vần thơ tha thiết ấy. Và có lẽ ngay cả với nỗi buồn như một chủ đề thường trực, Thơ mới cũng ngỡ ngàng khi bắt gặp nỗi buồn dịu nhẹ trong Lời con đường quê trong trẻo này:

Tôi, con đường nhỏ chạy lang thang
Kéo nỗi buồn không dạo khắp làng
Đến cuối thôn kia hơi cỏ vướng
Hương đồng quyến rũ hát lên vang

Thơ mới, trong dòng phát triển liên tục của nó, luôn được bổ sung những cây bút mới, cũng đồng nghĩa là bổ sung những cách cảm nhận mới về con người và cuộc đời. Tập thơ Nghẹn ngào ra đời vào thời điểm Thơ mới đã qua chặng đường rực rỡ nhất có một ý nghĩa không nhỏ: nó đã góp vào cho Thơ mới những rung cảm nhẹ nhàng của tuổi hoa niên đối với những chủ đề còn vắng vẻ trong Thơ mới - đó là tình quê hương, tình mẹ, tình cha... được biểu hiện một cách giản dị trong sáng như những trải nghiệm đầu đời của một thi sĩ trẻ. Điều này làm nên giá trị và độ rung cảm của những bài thơ như Quê hương, Chiếc rổ may, Một nỗi niềm xưa, Người mẹ...

Nằm trong khí quyển chung của Thơ mới, thơ Tế Hanh cũng mang nỗi cô đơn của thi nhân, của một cá thể trước cõi người với rất nhiều ân tình sâu nặng: Tôi thấy tôi thương những chiếc tầu - Ngàn đời không đủ sức đi mau... (Những ngày nghỉ học). Con mắt nồng nàn, tâm hồn trong trẻo của nhà thơ khi chạm vào một sự vật hiện tượng nào thì ở đây rung ngân những xúc cảm nhẹ nhàng tha thiết để rồi tự "dàn ra trong hình thể của lời", hình thể của thơ. Ảnh hưởng của lớp thi sĩ Thơ mới đàn anh đã hằn nhiều dấu vết trong giai đoạn sáng tác đầu đời của Tế Hanh: cũng một nỗi sầu vũ trụ mênh mang của Huy Cận - Biệt ly tụ họp thời nào - Thương vương khắp nẻo, nhớ bao tư bề (Sống vội), cũng một niềm tha thiết yêu đời của Xuân Diệu - Chân bước khoan thai giữa biếc hường - Và lòng vơ vẩn giữa yêu thương (Phơi phới) và cả chút siêu hình siêu thực của Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên... trong những cảm nhận trừu tượng này:

Ta đứng trên cao gió lộng bày
Ngọn đèn tâm tưởng đảo điên lay
Cầu ngươi hỡi Phượng tươi như máu
Dâng sáng linh hồn cánh dợn bay (Phượng)
hoặc:
Biết bao huyền diệu trong đời trái Từ cõi hư vô đến tượng hình (Trái chín)

Ngay trong chủ đề tàn tạ chia ly quen thuộc của Thơ mới, người thi sĩ trẻ tuổi đến sau cũng kịp góp vào đấy không ít những tứ thơ đặc sắc. Trăng trong Thơ mới đã hiện lên với bao dáng vẻ, từ thơ mộng nhất đến đau thương nhất, nhưng đây là lời của trăng cảm nhận sự cô đơn tàn tạ của chính mình khi "lủi thủi đi sâu vào cõi mất". Số phận của trăng cũng là một ám gợi về sự nhỏ bé cô đơn của kiếp người:

Và sau hết ta chỉ là ngấn lệ
Nằm rưng rưng trong mắt của đêm hờn (Trăng tàn)

Hồn nhiên nhưng cũng trĩu nặng nỗi buồn nhân thế, Tế Hanh cũng đã ý thức được nguyên nhân nỗi thất vọng của cả một lớp nhà thơ, và rộng hơn, cả một thế hệ. Sau những phơi trải say mê cõi lòng mình, "chỉ lặng chuồi theo dòng cảm xúc - như thuyền ngư phủ lạc trong sương" (Xuân Diệu), Thơ mới cũng đã có dịp ý thức về chính nó, thông qua những vần thơ của người thi sĩ tuổi hoa niên đến muộn. Tế Hanh đã viết những câu thơ phác họa đúng nhất trạng thái tinh thần bi thương của Thơ mới vào buổi xế chiều của nó:

Gió lãng mạn thổi qua buồn thế hệ
Sóng thị thành tan rã cả lòng tin
Thuyết hoài nghi mờ xóa những kinh nguyền
Buồn số kiếp đưa về cơn gió lạnh

Từ một tâm hồn nặng lòng với cuộc sống, giàu tình thương con người và quê hương, thơ Tế Hanh giàu thêm tính tự sự trong việc mô tả những bức tranh hiện thực. Một làng thương nhớ là hoài niệm một khung cảnh làng dệt ngày nào rộn rã tiếng thoi, tơ vàng lụa thắm nay chỉ còn xác xơ buồn thảm:

Chiếc khung cửi nằm im chờ nhện đóng
Phận con tằm lỡ dở nghĩ mà thương
Bao trái tim góa bụa giữa tầm thường
Một thế hệ hao mòn trong lặng lẽ

Và ở bài thơ Một nỗi niềm xưa được viết "kính dâng cha tôi" - một người thất chí chôn niềm khát khao tung hoành của chí nam nhi ở một miền quê nghèo, người ta thấy cả nỗi xót xa của hưng vong của đất nước:

Bóng đau thương mấy mươi năm về trước
Núi sông buồn trang sử mở suy vong
Đường số mệnh là con đường của nước
Nợ nam nhi canh cánh giục bên lòng...

Đến với Thơ mới bằng những bài thơ trong trẻo, thơ Tế Hanh ngày càng đằm sâu nỗi niềm thời thế và thấm đẫm những nỗi buồn trước hiện thực cuộc sống. Cũng chính từ đấy, không ồn ào và choáng ngợp, thơ Tế Hanh đã tiếp tục tô thêm màu sắc, bồi đắp thêm những giá trị mới cho thơ lãng mạn vào chặng cuối của nó. *

Với tấm lòng yêu thương cuộc sống và một tâm hồn nhạy cảm với đời, Tế Hanh bước vào cuộc kháng chiến, hòa nhập với nhân dân. Sang bờ tư tưởng ta lìa ta - Một tiếng gà lên tiễn nguyệt tà; những câu thơ còn vương vấn siêu hình diễn đạt một quyết tâm rất thực của nhà thơ. Như mọi nhà thơ lãng mạn khác, Tế Hanh đã có những chuyển biến lớn lao cả trong cảm hứng sáng tạo cũng như nghệ thuật thơ: thơ trở thành những khúc ca giản dị hướng về đại chúng, thơ phục vụ kháng chiến, ca ngợi những con người kháng chiến. Hai tập thơ Hoa mùa thiNhân dân một lòng là kết quả sáng tạo của nhà thơ trong tám năm kháng chiến, trong đó, bài thơ Người đàn bà Ninh Thuận thường được coi như một thành công đánh dấu bước đường này của Tế Hanh. Trong hình thức tự sự, nhà thơ ghi lại cuộc trò chuyện với một người phụ nữ bình thường của miền cực nam Trung bộ mang nặng thù nhà nợ nước, hết lòng với kháng chiến. Đoạn kết mạnh mẽ, rắn rỏi, gói trọn niềm căm thù của người đàn bà Ninh Thuận, của những người phụ nữ kháng chiến:

Bao giờ lệnh tổng phản công
Chắc là đá cũng xuống đồng giết Tây
Núi rừng tất cả lá cây
Không ghi hết tội của bầy chó kia.

Sau 1954, một nguồn cảm hứng mới đã mở ra một giai đoạn sáng tác mới của thơ Tế Hanh. Tình quê hương đậm đà, nỗi đau đất nước cắt chia cùng nỗi niềm thương nhớ xa cách của tình yêu cùng một lúc quyện hòa tha thiết và xót xa trong chủ đề đấu tranh thống nhất đất nước. Như nhà thơ kể: "Tôi bước vào giai đoạn mới trong sáng tác của mình, bắt đầu bằng hai bài thơ Nhớ con sông quê hương Chiêm bao viết năm 1956. Có thể nói từ năm 1955-1956 đến hết cuộc chiến tranh năm 1975 là giai đoạn tôi viết được nhiều nhất và có nhiều bài thơ đã để lại trong trí nhớ người đọc". Với hai bài thơ này và một chùm thơ đặc sắc như Vườn xưa, Nhớ con sông quê hương, Nói chuyện với sông Hiền Lương, Em ở đâu, Gửi miền Bắc, Bài thơ tháng bảy, Bài thơ tình ở Hàng Châu, Tiếng sóng, Người thủy thủ và con chim én..., cùng sự ra đời liên tiếp của các tập Lòng miền Nam (1956), Gửi miền Bắc (1958), Tiếng sóng (1960), Bài thơ tháng bảy (1961), Hai nửa yêu thương (1963), Tế Hanh thực sự trở thành một nhà thơ tiêu biểu của chủ đề quê hương và đấu tranh thống nhất đất nước.

Có những chuyển đổi đáng kể trong đề tài, cảm hứng và thi pháp thơ Tế Hanh trong những năm tháng chiến tranh chống Mỹ. Tính nội cảm trong thơ giảm đi, thơ ông mở rộng ra những cảnh ngộ, con người và những mảng hiện thực của cuộc sống chiến đấu và xây dựng. Đề tài thơ phong phú hơn, tiếng nói của thơ ông ghi lấy nhiều câu chuyện đời, bộc lộ trực tiếp cảm xúc của nhà thơ trước hiện thực và con người những năm đánh giặc. Tên những tập thơ cũng thể hiện rõ nội dung và cảm xúc hàm chứa trong nó: Khúc ca mới (1966), Đi suốt bài ca (1970), Câu chuyện quê hương (1973), Theo nhịp tháng ngày (1974). Thơ Tế Hanh bộn bề hơn những câu chuyện đời sống, nhiều bài thơ cố ghi nhanh lấy sự việc, khung cảnh mà ít đi chất nội tâm sâu lắng quen thuộc của phong cách thơ Tế Hanh. Chính vì thế, những bài thơ trữ tình nhỏ về đêm trắng ở một nước bạn, về hoa phượng, hoa báo mưa, cảnh bé hát dưới trăng hay những cảm xúc mùa thu tiễn em: Tiễn em trong cảnh thu này- Lòng ta muôn tiếng sao đầy lặng im... thường gợi lại giọng thơ đằm thắm hồn nhiên của Tế Hanh. Nằm trong dòng thơ chiến đấu những năm đánh giặc, nhà thơ cũng muốn tăng cường giọng điệu mới cho thơ mình. Thơ ông nghĩ nhiều hơn, tăng cường chất trí tuệ và chất triết lý trong một cách diễn đạt cô đọng, muốn tạo những nét khắc phù điêu hơn là những không gian trữ tình nhiều màu vẻ. Nét mới này của phong cách Tế Hanh thể hiện khá rõ như một cố gắng của thơ ông hơn là những tìm tòi thành công dù đã gây được ấn tượng nhất định với một số bài thơ như Bài học nhỏ về nhà thơ lớn, Trước mộ Bec-tôn Brets...

Vẫn trong cảm xúc hào hứng chiến đấu ấy, thơ Tế Hanh giàu thêm niềm vui và những xúc cảm riêng chung trộn lẫn trong những bài thơ viết sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng. Nhà thơ có dịp trở về sau bao năm xa cách để đắm mình với tình cảm gia đình quê hương, và rộng hơn, với cả miền Nam mở rộng trong tầm nhìn và trong hồn thơ: Trở lại con sông quê hương, Vườn Lái Thiêu, Hoa Đà Lạt, Huế ơi, Trường Sơn dâng Bác... Các tập thơ Con đường và dòng sông (1980), Bài ca sự sống (1985) là một giai đoạn chuyển tiếp khác của thơ Tế Hanh đến với chặng đường cuối trong đời thơ ông. Với các tập Vườn xưa (1992), Giữa anh và em (1992), Em chờ anh (1993) được viết trong những năm tháng tuổi đã cao cùng với đau yếu bệnh tật, thơ ông là sự chiêm nghiệm về cuộc đời, là sự giãi bày tâm trạng. Phảng phất nỗi buồn, sự cô đơn nhưng người ta vẫn thấy ở đây những gì nguyên vẹn trong hồn thơ Tế Hanh: nỗi buồn của ông vẫn luôn là nỗi buồn trong sáng và không dứt niềm tin yêu với cuộc đời, dù biết rằng "Em không thể mãi là em - Dẫu anh còn mãi cái nhìn ngày xưa (Cái nhìn).
*
Một đời sáng tạo không mệt mỏi, Tế Hanh đã có một khối lượng tác phẩm phong phú. Dù có những thành bại thăng trầm trong sáng tạo, ông đã để lại không ít bài thơ từng làm say mê người đọc một thời và có sức sống lâu bền với thời gian. Có thể nói đến một phong cách thơ Tế Hanh: ông là nhà thơ trữ tình trong sáng và đằm thắm trong tình cảm quê hương đất nước và với con người. Có thể thấy những biến đổi, cả những tìm tòi mới mẻ nào đấy của thơ Tế Hanh nhưng trước sau ông vẫn là một nhà thơ trữ tình hồn nhiên bậc nhất trong việc phơi trải những rung động của tâm hồn mình trước cuộc đời. Mỗi bài thơ là một xúc động, một gợi nhớ, một sẻ chia. Ngay trong những đề tài quen thuộc nhất của thơ ca là tình yêu quê hương đất nước, mỗi bài thơ của ông cũng mang đậm dấu ấn của tâm tình ông, của cảnh ngộ riêng. Không phải ngẫu nhiên, trong những năm đất nước còn chia cắt, những vần thơ xa cách nhớ thương của ông luôn làm xúc động lòng người chính vì tâm hồn nhà thơ là sự thống nhất đến tận cùng máu thịt tình quê hương đất nước:

Như chiếc đảo bốn bề chao mặt sóng
Hồn tôi vang tiếng vọng cả hai miền
(Bài thơ tháng bảy)

Những nỗi niềm riêng tư, cảnh ngộ riêng của nhà thơ chan hòa trong tình yêu ấy, khiến cho mỗi bài thơ bỗng trở thành gần gũi với mọi người. Chiêm bao, Vườn xưa là những bài thơ như thế. Chiêm bao là một bài thơ tình, cũng là nỗi đau của xa cách chia ly:

Chiêm bao bừng tỉnh giấc
Biết là em đã xa
Trên tường một tia sáng
Biết là đêm đã qua.

Từ nỗi buồn chia ly, bài thơ mở ra một chủ đề lớn hơn: nỗi đau xa cách những ngày đất nước cắt chia - Ban ngày ở miền Bắc - Ở miền Nam ban đêm. Và cũng đúng như cái chất hồn hậu của Tế Hanh, vẫn có gì giữ người đọc lại phía bên này của những bi quan tuyệt vọng:

Dẫu anh đâu em đâu
Hai ta vẫn gần nhau
Giấc chiêm bao đêm trước
Soi sáng cả ngày sau.

Cả một dòng tình cảm tha thiết, tuôn trào của nhà thơ về quê hương, về tuổi thơ đã tạo nên một bài thơ đặc sắc của Tế Hanh - bài Nhớ con sông quê hương:

Quê hương tôi có con sông xanh biếc
Nước gương trong soi tóc những hàng tre
Tâm hồn tôi là một buổi trưa hè
Tỏa nắng xuống dòng sông lấp loáng
Chẳng biết nước có giữ ngày giữ tháng
Giữ bao nhiêu kỷ niệm giữa dòng trôi
Hỡi con sông đã tắm cả đời tôi
Tôi giữ mãi mối tình mới mẻ
Sông của quê hương sông của tuổi trẻ
Sông của miền Nam nước Việt thân yêu.

Ở những bài thơ mang đậm phong cách Tế Hanh, người ta luôn thấy ông giãi bày tình cảm và những rung động qua những lời thơ giản dị. Thơ ông thấm vào lòng người tự nhiên như một luồng gió nhẹ, một ngụm nước trong. Nhà thơ Chế Lan Viên đã từng nhận xét rằng câu chữ trong thơ Tế Hanh như "nước ta uống hàng ngày, không có gì cả. Nhưng uống lên là có thơ. Có nhiều bài thơ của Tế Hanh khi đạt là như vậy. Chữ ít mà nghĩa rất nhiều. Không phải nghĩa nữa, đó là hồn, tâm hồn, cái không thể đo bằng đơn vị chữ nghĩa"(1). Tính tư tưởng trong thơ Tế Hanh do vậy ít khi là sự tuyên truyền minh họa trực tiếp; nó thấm thía mà khơi gợi những tình cảm cao đẹp của con người.

Thơ Tế Hanh không mạnh về cấu tứ, về trí tuệ. Tính trữ tình tự nhiên, đằm thắm và thuần khiết làm nên vẻ đẹp của thơ ông. Ít có nhà thơ nào kể lể trực tiếp, bộc bạch hồn nhiên đến thật thà như Tế Hanh những gì mà nhà thơ đang cảm nhận và xúc động: Nay xa cách lòng tôi luôn tưởng nhớ; Tôi thấy tôi thương những chiếc tầu - Ngàn đời không đủ sức đi mau; Có những trưa tôi đứng dưới hàng cây - Bỗng nghe dâng cả một nỗi tràn đầy; Tôi thấy nhớ cái mùi nồng mặn quá... Nhưng chính cách nói ấy lại như một bàn tay tin cậy dẫn người đọc vào không khí riêng của những bài thơ Tế Hanh để cùng chia sẻ những cảm xúc của nhà thơ.
Là một nhà thơ thiên về nội cảm, trong xu hướng chung của thơ ca đương thời hướng ra sự sống, cuộc đời, tăng cường tính chiến đấu và tính tư tưởng của thơ ca, Tế Hanh cũng đã có những thể nghiệm lối thơ "ở ngoài mình". Ông kể chuyện, tăng cường chất tự sự, để cho sự việc tự cất lên tiếng nói của nó. Ông chú tâm lập ý, cấu tứ để bài thơ có sức cô đúc một triết lý. Nhưng khi đi quá xa cái tạng của mình, thơ ông trở thành nôm na dễ dãi hoặc lộ liễu khiên cưỡng. Một vài bài thơ như Em trả lời, Chị Câm, Thăm quê hương Lỗ Tấn... là những thí dụ tiêu biểu cho nhược điểm này. Có thể khẳng định rằng phần quan trọng nhất làm nên sức hấp dẫn và thành công của thơ Tế Hanh chính là dòng xúc cảm nội tâm trong trẻo được cuốn theo những dòng thơ. Bởi thế, không cầu kỳ, ít kỹ xảo, cũng không tài hoa trong câu chữ, Tế Hanh vẫn có những bài thơ có một vẻ đẹp riêng và không ít những câu thơ thực sự tài hoa theo cách riêng của ông. Niềm tin yêu tha thiết vào vẻ đẹp của cuộc đời là gốc của những câu thơ bất ngờ và tài hoa này về cuộc sống và niềm vui của một nông trường:

Chiều nay sẽ có văn công múa
Trời rộng, chiều xanh sắp mở màn
(Đến Mộc Châu)

hoặc khung cảnh một đêm trăng ở Nông trường cà phê:

Nông trường ta rộng mênh mông
Trăng lên, trăng lặn cũng không ra ngoài

Bài thơ tình ở Hàng Châu - một bài thơ được xếp vào hàng những bài thơ tình hay nhất đương thời và có thể cả sau này là một dòng chảy miên man của cảm xúc, ngôn từ và hình tượng:

Lá phong đỏ như mối tình đượm lửa
Hoa cúc vàng như nỗi nhớ day dưa
Làn nước qua, ánh mắt ai đưa
Cơn gió đến, bàn tay ai vẫy
Chúng mình đã yêu nhau từ độ ấy
Có núi sông và có trăng sao
Có giận hờn và có chiêm bao
Cay đắng ngọt bùi cuộc đời kháng chiến
Nói sao hết em ơi bao kỷ niệm...

Thơ Tế Hanh giàu tình hơn là giàu tứ. Và tứ thơ trong những bài thơ hay của Tế Hanh thường là cái tứ bật ra từ trái tim hơn là khối óc. Khác với bài Mặt quê hương với những ví von ít nhiều khiên cưỡng Kìa đôi mắt, đôi mắt - Dòng sông yêu trong vắt - Hơi thở em chan hòa - Như hơi thở quê ta... nhằm diễn giải cái tứ mặt em là quê hương, bài thơ Vườn xưa là bài thơ tình hay một cách tự nhiên trong một cấu trúc thơ chặt chẽ. Bài thơ kết đọng cả nỗi buồn xa cách của hai người yêu trong nhớ nhung da diết và cả ước vọng xa vời về một ngày hội ngộ trong mảnh vườn xưa thân thiết, ở đấy có một người mẹ già trông ngóng và biết bao kỷ niệm. Những câu thơ cặp đôi tương phản xếp kề nhau trên cái nền của một điệp khúc buồn trong trẻo:

Hai ta ở hai đầu công tác
Có bao giờ cùng trở lại vườn xưa?
Hai ta như ngày nắng tránh ngày mưa
Như mặt trăng mặt trời cách trở
Như sao hôm sao mai không cùng ở
Có bao giờ cùng trở lại vườn xưa?
Hai ta như sen mùa hạ, cúc mùa thu
Như tháng mười hồng tháng năm nhãn
Em theo chim em đi về tháng tám
Anh theo chim cùng với tháng ba qua...

Cứ như thế, chủ đề nhớ thương xa cách và hình ảnh quê hương thân thiết khi hiện lên qua cái giếng đầu làng, mảnh vườn xưa, con sông tuổi nhỏ... đan kết vào nhau tạo thành một nốt nhấn da diết trong thơ Tế Hanh. Và nhớ đến thơ Tế Hanh, người đọc luôn lưu luyến những vần thơ ấy...

Yêu thơ Pháp từ những năm đầu làm thơ, Tế Hanh học nhiều ở những nhà thơ lãng mạn Pháp như Rimbaud, Musset, Verlaine... và cũng với tình yêu ấy, tầm nhìn về thơ của ông mở rộng ra với những tên tuổi lớn khác như N. Hitmet, B. Brets, H. Hainơ... Cảm nhận những nhà thơ lớn ấy bằng tâm hồn của một thi sĩ Việt Nam, ông còn mong muốn truyền vẻ đẹp của thơ họ qua công việc dịch thơ, giới thiệu thơ. Tế Hanh dịch nhiều và những bản dịch thơ của ông thường truyền đạt được cái hồn của nguyên bản thông qua cách cảm nhận thi sĩ và những câu thơ giàu âm điệu Việt Nam. Thôi em đừng hát - Những khúc hát Grudi - Vị chua cay nhắc lại - Một đời bên kia, một bờ bên kia... - những câu thơ dịch khá thành công bài thơ Vô đề của Puskin cũng có thể ít nhiều cho thấy chất thơ trong bản dịch và phong cách dịch thơ của Tế Hanh. Tế Hanh gần như tập trung tất cả tinh lực của ông cho thơ. Ông cũng có những tác phẩm thơ viết cho thiếu nhi được ưa thích. Tập văn xuôi - tiểu luận duy nhất Thơ và cuộc sống (1961) cũng là nhằm giãi bày những suy nghĩ, kinh nghiệm và tâm sự của ông quanh việc làm thơ để người đọc có thể hiểu thêm đời thơ ông, hoàn cảnh ra đời của nhiều bài thơ đặc sắc. "Một bài thơ hay như một tấm gương- Mình thấy mình ở đó"- đó là những câu thơ trong bài Kinh nghiệm làm thơ của ông. Đấy chính là hồn cốt cơ bản làm nên đời thơ và phong cách thơ Tế Hanh. Mỗi bài thơ hay của Tế Hanh thực sự là một mảnh đời ông, là tấm gương phản chiếu tâm hồn ông - một hồn thơ luôn đằm thắm và trong trẻo.

(PGS.TS Vũ Tuấn Anh)
Tạp chí Nghiên cứu văn học, số 8/2009





 

Chủ đề mới

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top