Tàu hủ đường xa - Nguyễn Nhật Ánh

  • Thread starter Thread starter Tuyền Nguyễn
  • Ngày gửi Ngày gửi
T

Tuyền Nguyễn

Guest
Tàu hủ đường xa

View attachment 15614

1. Tàu hủ có lẽ là món ăn thuộc loại bình dân số một. Tôi tin mọi trẻ con, dù sống ở thôn quê hẻo lánh hay thị tứ náo nhiệt, đều từng ăn tàu hủ một lần trong đời (mà ăn một lần thì tất nhiên... ăn nhiều lần).

Hồi tôi học lớp hai, lớp ba, hè năm nào cũng được ba mẹ cho về nghỉ hè ở quê ngoại. Quê ngoại tôi ở Cẩm Lũ, đồng bằng, gần biển, lắm trò chơi thú vị: câu cá, trèo cây, tắm suối, bắt ve sầu hay nhặt phân bò khô chọi nhau. Nhưng dù đang chạy nhảy chơi đùa ở đâu, cứ đúng 2 giờ chiều là tôi lập tức bỏ dở trò chơi, ba chân bốn cẳng chạy vù về nhà, mặc cho tụi bạn kêu réo inh ỏi. Chỉ vì ngay vào giờ đó, ngày nào cũng như ngày nào, có một gánh tàu hủ kẽo kẹt đi ngang trước ngõ nhà ông tôi.

Tôi và những đứa anh em họ, tay nắm chặt tờ giấy bạc vừa xin ông, chen chúc quanh gánh tàu hủ, nhao nhao: “Bán cho con một chén”, “Nhớ cho con thêm muỗng đường”... Sau này đi đây đi đó, tôi thấy có nơi nấu nước đường bằng đường cát, nhưng chén tàu hủ quê tôi bao giờ cũng dùng nước đường đen sánh. Nước đường đen nằm len lỏi lóng lánh giữa các lát tàu hủ trắng, chỉ ăn bằng mắt thôi đã thấy ngon tuyệt vời.
Lâu rồi tôi không còn nhớ, nhưng tàu hủ giá rẻ, hình như vài đồng một chén. Gặp lúc ông tôi vui vẻ, tụi tôi mỗi đứa được ăn tới hai chén, sướng mê tơi.

2. Lên lớp bốn, lớp năm, nhà tôi dời ra thị xã Hà Lam, ở cạnh Trường Bồ Đề. Lại một gánh tàu hủ đi ngang nhà lúc ba giờ chiều, lại dù đang chơi bi, đánh đáo ở đâu, cứ đúng giờ đó là tôi biến thành đứa con ngoan quanh quẩn trước sân, mẹ ới một tiếng là có mặt ngay. Cả tuổi thơ tôi, tiếng rao “Ai ăn đậu hủ không?” (quê tôi gọi “đậu hủ” chứ không gọi “tàu hủ”) trở thành một âm thanh vô cùng thân thiết.

Gánh tàu hủ truyền thống bao giờ cũng như thế này: Bên này gánh là một hũ sành lớn đựng tàu hủ, bên ngoài bọc rơm hay tre. Bên kia gánh là một thùng gỗ hình chữ nhật có nhiều ngăn đặt theo chiều thẳng đứng dùng đựng chén, muỗng, lọ đường... Tôi mê nhất cái muỗng to bản, mỏng và dẹt dùng để múc tàu hủ. Cái muỗng lướt nhẹ qua bề mặt, từng lát tàu hủ được cắt một cách nhẹ nhàng, điêu luyện, đều tăm tắp.
Gánh tàu hủ (nhất là lúc chưa bán chén nào) không hề nhẹ, gánh kĩu kịt đi hàng cây số khắp các đường làng hay luồn lách giữa các ngõ ngách trong thị xã quả là một lao động vất vả. Lúc nhỏ mê ăn, tôi chỉ quan tâm đến chén tàu hủ, không để ý gì đến người bán tàu hủ. Lớn lên, nghĩ đến chuyện gánh gồng nặng nhọc, mới thấy rưng rưng thương cảm.

3. Giữa thập niên 80, tôi lấy vợ sinh con, gia đình ở trên tầng bảy của một chung cư. Lúc tôi mới dọn về, chung cư vẫn còn sót lại cái thang máy cũ kỹ, có cô gái trẻ ngồi trước cửa thang máy thu tiền và đưa khách lên các tầng lầu. Thang máy hoạt động chừng một năm thì hỏng, từ đó toàn bộ cư dân đành bấm bụng leo cầu thang bộ.

Leo hàng trăm bậc thang để lên tầng bảy, đi tay không đã thở không ra hơi. Vậy mà chiều nào, bà bán tàu hủ cũng với gánh tàu hủ trên vai ì ạch leo hết tầng này đến tầng khác và cứ đúng 4 giờ chiều là rảo ngang trước cửa phòng tôi.
Y như tôi hồi bé, lần này tới lượt đứa con gái 5 tuổi của tôi cứ ngủ trưa dậy là bắt đầu ngóng gánh tàu hủ dạo. Lại “Ba ơi, mẹ ơi, tàu hủ kìa!”, lại “Bà ơi, cho con thêm muỗng đường”...
Chỉ đến khi gia đình tôi dọn đi nơi khác, con tôi mới không trông đứng trông ngồi món ăn tuổi thơ của nó mỗi khi chiều xuống.

4. Mười hai năm sau, cũng vào một buổi trưa lất phất mưa, một gánh tàu hủ đi ngang trước nhà tôi, dĩ nhiên là căn nhà mới, cũng ở trên tầng lầu một chung cư.
Con gái tôi lúc này đã 17 tuổi, bước ra định kêu vài chén. Nhưng rồi nó bỗng khựng lại. Nó nhận ra người đàn bà bán tàu hủ năm xưa, dù nay đã già đi nhiều do thời gian và do mưu sinh vất vả.
Mười hai năm, bao nhiêu vật đổi sao dời, nhiều tòa bin-đinh thi nhau mọc lên dọc phố, ô tô trên đường nhiều hơn, tỷ phú trên thị trường chứng khoán đông hơn, chỉ có bà bán tàu hủ lặng lẽ với chiếc đòn gánh cong oằn trên đôi vai gầy guộc là vẫn thế.

Người đàn bà bán tàu hủ thực ra cũng có nhiều thay đổi. Tóc bà bạc hơn, những vết chân chim nơi khóe mắt chi chít hơn, người bà nhỏ đi - như rút lại. Bà thầm lặng hơn xưa và bước chân của bà rõ ràng đã không còn nhanh nhẹn. Tóm lại, trông bà như cũ đi sau chừng ấy năm lang thang trên đường. Có vẻ như bà để rơi rớt lại trên từng mét đường bà đi qua chỗ này một ít thanh xuân, chỗ kia vài tiếng nói cười.
Con gái tôi nhìn sững bà, không thốt được lời nào. Từ ngách cửa nhìn ra, tôi thấy nó len lén đưa tay chùi nước mắt...
 

VnKienthuc lúc này

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top