Tản văn: Chợt sân trường vắng...

Thandieu2

Thần Điêu
Chợt sân trường vắng...

Chiều thứ sáu, mây trôi về phía chân trời kéo những tia nắng nhạt dần trên nền trời loang lổ. Tôi có việc đi qua trường mình, phải ngồi đợi trước sân trường. Trong những phút giây tĩnh lặng, tôi cảm thấy như mình đang lắng nghe tiếng của nỗi buồn vu vơ vẫy gọi.

Mỗi con người đều có một tuổi thơ, khép lại quãng đường thấp thoáng những tà áo trắng, đọng lại trong kí ức đẹp nhất có lẽ là bóng dáng một ngôi trường. Nhưng cũng có người lại luôn luôn quay quắt một nỗi tiếc nuối, khi mà họ không có kỉ niệm về mái trường, hoặc họ không để kỉ niệm trôi về tâm hồn mình theo nhiều cách. Hôm nay ngồi đây, chênh vênh trong khoảng thời gian ở-đi, tôi mới cảm nhận được rằng mình thật may mắn khi còn được ngắm trường, còn được lắng nghe nhịp bước của tuổi thơ ngọt ngào...

Tôi ngả mình dựa vào gốc cây trước trường, thú thật đến giờ tôi cũng không biết gọi đó là cây gì, bởi hoa nó không đẹp nhưng rất kì lạ, lâu lâu ngồi buồn, tôi lại nghịch ngợm bỏ những bông hoa nhỏ màu đỏ vào tóc cô bạn, và thế là hai đứa có một trận rượt đuổi tóe lửa, dẫu là đang mặc...áo dài! Có lẽ, tôi không được nhớ về một ngôi trường "hai gian lá đơn sơ, che trên miếng sân vuông mơ màng", nhưng trong tất cả sự hiện đại của một ngôi trường mới, tôi lại chiêm nghiệm ra nhiều điều khác, và cũng nhiều kỉ niệm đẹp hơn. Miên man nhìn màu nắng chiều đè bóng lên hàng sơn xanh nhạt, tôi bỗng cảm thấy trường mình đẹp đến kì lạ. Tôi biết, sự nhạy cảm và lãng mạn là hai yếu tố quyết định cho sự nhận xét ấy, nhưng còn một yếu tố khác, đó là thực tế, bởi trường tôi được mô phỏng theo kiến trúc hiện đại, lại mới được xây, vì thế nói trường đẹp quả là không ngoa. Có lẽ, ngôi trường Trường Chinh của tôi được xây trễ nhất trong thành phố, và thật tự hào làm sao khi tự vỗ ngực xưng tên mình là thế hệ học sinh đầu tiên của trường, và cũng ngậm ngùi làm sao khi biết rằng, mình cũng là thế hệ sẽ ra đi đầu tiên trong trường. Trường tôi rộng, có một sân chơi khoáng đạt và nhiều phòng ốc hiện đại, chả trách sao phụ huynh luôn mong mỏi và tìm đủ mọi cách để đưa con mình vào trường, bởi cơ sở vậy chất cũng là yếu tố quan trọng quyết định sự thành đạt trong học tập của con em. Bên cạnh đó, trường mới xây thì đội tuyển giáo viên và Ban hội đồng nhà trường chắc chắn sẽ rất nền nếp để gò học sinh-những chú chim "dậy thì" ngay từ khi chúng vừa tiếp xúc với thế giới mới. Tôi mừng vì điều đó. Dù sao học ở nơi bình yên vẫn tốt hơn khi cứ phải nghe những cuộc ẩu đả xảy ra liên miên.

Mấy tuần nay, báo chí đăng tin một em học sinh ở trường Tân Bình(cách trường tôi không bao xa) đâm chết một người bạn và làm trọng thương hai người bạn khác của mình. Mấy người bạn của tôi nói:" Thằng này chắc điên rồi".Lâu lâu lại nghe một chuyện khác, học sinh quan hệ ngay khi còn ngồi cấp hai,..v.v.Còn tôi, tôi ngẫm nghĩ nhiều thứ, về dấu chấm hỏi trong nhân cách học sinh hiện nay! Điều này không phải lạ ở môi trường học đường, nhưng hậu quả nó gây ra mỗi lần thì lại khiến ai cũng bàng hoàng, và bản thân tôi-là một học sinh cùng trang lứa, tôi hiểu những diễn biến tâm lý xảy ra trong tuổi học trò này, ngay cả ở một người bình thường còn có lúc không kềm chế được, huống hồ gì là một học sinh đã bị chèn ép và nhiều ngông cuồng trong suy nghĩ. Nhưng nói thế không phải tôi chỉ muốn bênh vực cho hành động sai trái của em, bởi hành động luôn luôn xuất phát từ nhân cách con người. Nhưng, một khía cạnh khác trong việc hình thành nhân cách học sinh chính là sự tác động từ thế giới bên ngoài, nhất là mạng. Mạng bây giờ tràn lan, chỉ cần click, chúng tôi có thể truy cập mấy trang web cùng lúc, phim, ảnh, nghe nhạc trực tuyến,..vv. Và tất nhiên, trang web đen, phim bạo lực lại càng dễ dàng khi tiếp cận với giới trẻ, với hàng ngàn lời mời mọc..hấp dẫn và đầy dung tục!Một trưa vừa tan giờ học, tôi ra khỏi trường và được dúi vào tay một xấp những cuốn bìa nhỏ xíu quảng cáo thông tin giải trí và truy cập qua điện thoại. Và điều tôi không ngờ rằng trong đó, hơn nửa thông tin dạy cho mọi người truy cập các vấn đề về...giới tính một cách không lành mạnh.Tôi không thể hiểu rằng, với những thông tin ấy, họ có thể dễ dàng trao vào tay những cô bé, cậu bé mới cấp hai như chúng tôi, để mặc chúng muốn "tìm" và "hiểu" như thế nào là tùy. Ở đây, nếu xét đến khía cạnh khách quan thì chấp nhận rằng những người phát tờ rơi không biết nội dung bên trong, hoặc hàng ngàn lý do khác mà ta cần phải thông cảm. Nhưng, nếu chỉ cần một tin nhắn, chúng tôi đã có cả một "thế giới người lớn", thì sẽ ra sao? Đành rằng chuyện giới tính không còn là lạ lẫm với học sinh, thậm chí một em học sinh lớp 6 bây giờ cũng có thể hiểu rành rẽ. Nhưng ở đây là liệu họ đã hiểu như thế nào và bao nhiêu cho chuyện ấy?Thêm nữa, lợi nhuận từ hàng giờ ngồi nghiền ngẫm của học sinh trong phòng net khiến cho một số chủ tiệm thoải mái cho các em truy cập, thậm chí tạo điều kiện nữa(!). Liệu những chú chim non như chúng tôi có thể thoát khỏi sự bủa vây cố tình và vô tình ấy? Xã hội đề cập nhiều đến sự mở rộng quan niệm về tình dục, thế nhưng tất cả chỉ mới dừng lại ở tín hiệu đèn vàng của sự mở đường giáo dục ngay từ gia đình.Nhưng không phải gia đình nào, bố mẹ nào cũng có đầy đủ kĩ năng và "can đảm" để giáo dục con cái mình, và tuổi trẻ thì lại thích đi tìm tòi những gì chúng không bị cấm cản, không bị gò ép và soi mói. Thế là nhân cách, đạo đức học sinh cứ dần dần đi xuống theo đà phát triển của thông tin đại chúng! Trách ai đây? Trách sự phát triển của thế giới mạng, trách những người có trách nhiệm, trách sự du nhập từ muôn vàn luồng văn hòa ào ạt đổ về "cửa" Việt nam, hay là trách chính bản lĩnh của học sinh thời nay? Thiết nghĩ, giáo dục không đâu tốt hơn là gia đình và nhà trường. Học sinh có thể ngại tâm sự với ba mẹ, vì họ là người gần gũi chúng, dễ phát sinh nghi ngờ, nhưng thầy cô, bạn bè lại dễ dàng bộc lộ hơn, nhất là với những thầy cô trẻ. Những bài giảng về sức khỏe giới tính hiện nay đã được áp dụng ở một số trường(như trường tôi chẳng hạn), nhưng vẫn còn nhiều thầy cô e ngại và tránh né việc đề cập đến. Mặc dù biết học trò là chúa quậy và nghịch ngợm, dễ thắc mắc, nhưng nếu thầy cô biết cách khéo léo đưa những câu chuyện giáo dục sinh động vào bài giảng, chắc chắn học sinh sẽ có cái nhìn lành mạnh hơn về những vấn đề nhạy cảm trong cuộc sống. Dẫu sao trong màu mắt học trò tụi tôi, cuộc đời vẫn thấp thoáng một màu hồng của hạnh phúc, những bài học sẽ dễ dàng đi vào tiềm thức và nuôi dưỡng chúng tôi lớn lên như cây giữa rừng.

Không biết vì bản tính tôi hay "già dặn"nhưng lại dễ trò chuyện hay là vì sự ham thích và nhiều hứng thú với ngành sư phạm, mà tôi cảm thấy mình rất có duyên với thầy cô. Đối với tôi, đó là một sự ban tặng của hạnh phúc và may mắn. Suốt chín năm học của tôi cho đến nay, năm nào tôi cũng có nhiều kỉ niệm với giáo viên, có những kỉ niệm vui và đẹp khiến tôi luôn mỉm cười và thầm cảm ơn khi nghĩ đến, nhưng cũng có những kỉ niệm buồn đôi khi như một vết thương lòng, cứ chực chờ dịp thuận tiện để làm đau...

Có lẽ, theo sự chứng kiến của tôi, thì nghề giáo chính là nghề dễ bị đau nhất, mà người bị vết thương ấy lại không thể trách ai, có chăng là tự trở về ngồi với những giọt nước mắt của mình thôi. Bàng bạc trong tôi là một kỉ niệm buồn với cô giáo dạy lớp năm của mình. Ngày ấy, tôi là con bé khép kín và khá nhút nhát, nhưng suy nghĩ còn rất non nớt. Vào ngày lễ 30/4-1/5, đáng lẽ được nghỉ, nhưng cô lại bắt lớp tôi đi học để chuẩn bị ôn thi chuyển cấp sắp tới. Trong lũ học trò tụi tôi lúc ấy chỉ có sự tức giận và ganh tị, tức giận với nỗi bất công của mình. Nhưng vì cả lớp không ai dám lên tiếng, chúng đành nhờ tôi-và cho đến bây giờ tôi cũng không hiểu vì sao lúc ấy mình lại...gan đến vậy! Tôi lên thẳng Ban giám hiệu để kiện, và ngay lập tức, cô giáo của tôi bị phê bình và hai ngày ấy, chúng tôi được cho nghỉ, nhưng đứa nào muốn đi thì vẫn đi. kể từ chuyện ấy, tôi hiểu lòng tự trọng của cô bị xúc phạm nặng nề, nên cô có vẻ ra mặt ghét tôi. Thế nhưng, vẫn còn là một đứa trẻ, nên tôi cũng dễ dàng nói lời xin lỗi, và ngay lúc đó tôi được nghe cô nói, những lời nói không bao giờ tôi quên! Cô bảo với tôi rằng cô chẳng giận gì tôi cả, nhưng cô buồn vì học sinh của mình đã không tin mình, không tâm sự với mình mà lại hành động như vậy. Và cô tha thứ cho tôi. Quả thật lúc ấy trong tôi là sự xấu hổ và xúc động nghẹn ngào, nhưng có lẽ xấu hổ nhiều hơn xúc động. Bây giờ nhớ lại, tôi vẫn còn giữ nguyên vẹn cảm giác ấy, nhưng cộng thêm sự chiêm nghiệm của mình nữa, tôi hiểu được rằng người chấp nhận làm nghề giáo, là người không chỉ trao trọn kiến thức của mình cho học trò, mà còn là người chấp nhận bị học trò phản bội, mà không bao giờ có quyền lên tiếng. Bởi đó là trái tim của nghề giáo.

Cổng trường mở ra chưa đựng biết bao điều thú vị, ngọt ngào và lạ lẫm. Tôi còn nhớ rất rõ những kỉ niệm đẹp với thầy cô, bạn bè trải qua trong suốt quá trình lớn lên... Những kỉ niệm ấy không bao giờ tôi kể hết, nhưng tôi thầm cảm ơn những phút giây trôi qua trong cuộc đời mình, nhất là thời đi học. Tuổi học trò chính là gió. Người ta không thể giữ mãi gió, nhưng người ta có thể luôn luôn cảm nhận được hơi mát của nó.

Hôm nay, ngồi trong một bầu trời, trong vòng tay của nắng hạ, nghe tiếng lá đung đưa khúc khích trong vòm cây xao xuyến. Chợt sân trường vắng...Tôi đang lắng nghe nhịp bước thời gian gõ cửa.Từng giọt nắng như những giọt buồn không tên! Có khi nào người ta buồn như khi người ta biết trước sự chia ly là điều không tránh khỏi?

Nguồn: Internet.
 

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top