TẢN MẠN VỀ KIẾN THỨC CƠ BẢN CỦA KIẾN THỨC hay 6 MỨC BIẾT VÀ 5 MỨC DỐT

hungkienthuc

New member
Xu
0
6 MỨC BIẾT

- kiến thức: những điều hiểu biết có được do từng trải hoặc do học tập
- tri thức: những điều hiểu biết có hệ thống về sự vật, hiện tượng tự nhiên hoặc xã hội
(Từ điển tiếng Việt - Trung tâm Từ điển học, 2008). Lĩnh vực “kiến”, “tri”, “cảm”, “thức”, quán”,...cũng dễ nhức đầu; nói đâu xa, tín đồ google cũng biết sự khác nhau giữa dữ liệu, thông tin, tin tức, .... . Từ “tin tức” đến “kiến thức” và lên “tri thức” thì ...Ôi thôi !

Từ điển nói trên cũng phân loại cái sự “dốt”, theo các VIP ở đó, "dốt" là:
- "kém về trí lực, chậm hiểu (đần)"
- "không hiểu biết gì hoặc hiểu biết rất ít".
Kinh !

Cõi biết mênh mông nên ai cũng có những lĩnh vực "không hiểu biết gì hoặc hiểu biết rất ít - dốt", tôi cũng vậy.

Năm 1956, Benjamin Bloom ra mắt cuốn Phân loại tư duy có mô tả về 6 mức tư duy - từ đơn giản nhất (gợi lại kiến thức) đến phức tạp nhất (đánh giá giá trị và tính hữu ích của một ý kiến).

blooms_rose.jpg

Giống như bất cứ mô hình lý thuyết nào, phân loại tư duy của Bloom cũng có những mặt mạnh và mặt yếu. Điểm mạnh nhất của nó là đã đề cập đến một chủ đề rất quan trọng về tư duy và đề ra một cấu trúc các bậc thang tư duy rất tiện lợi cho việc vận dụng.

So với 1956, thế giới ngày nay đã khác, sự hiểu biết về cách học cách dạy đã được tăng lên - dạy và học chứa nhiều điều hơn là chỉ phát triển tư duy (như tình cảm, lòng tin của người học, của người dạy...). Tuy vậy, việc sắp xếp cõi biết thành 6 mức sẽ ít nhiều giúp người khoái nạp kiến thức càng cẩn trọng và khiêm cung về cái biết của mình.


6 MỨC BIẾT (diễn Nôm)
Lập bảng: Hoàng Ngọc Hùng hungskkn@yahoo.com



VỀ 5 MỨC DỐT

(Tất nhiên "dốt" và "chưa biết" có khác nhau ít nhiều, ý kiến của GS Ngô Quang Hưng, dẫn lời Phillip G. Armour, nói về 5 mức dốt cũng là điều "nên biết")
OI viết tắt của Order of Ignorance

* 0OI - không dốt: để đạt mức này ta phải biết X và chứng minh được rằng ta biết X. Ví dụ: tôi biết viết blog!

* 1OI - thiếu kiến thức: để … đạt được mức dốt này thì ta phải biết là ta thiếu kiến thức về X. Ví dụ: tôi biết là tôi không biết gì về cơ học lượng tử. Đạt được mức dốt này cũng đã tốt, vì nếu có nhu cầu tôi có thể đi tìm sách vở tài liệu về cơ học lượng tử để học thêm.

* 2OI - thiếu nhận thức: ở mức dốt này thì ta không biết là ta không biết gì về X. Hiển nhiên là ta không thể cho ví dụ về 2OI nào! Tuy nhiên, thỉnh thoảng đọc sách đọc báo,đọc blog KHMT (!), tôi có thể tìm ra được nhiều thứ chưa bao giờ biết là mình không biết, và như thế tôi chuyển các thứ đó lên 1OI. Dù rằng với cơ học lượng tử nói chung thì tôi ở mức 1OI, chắc chắn là có các đối tượng cụ thể nào đó trong cơ học lượng tử mà tôi ở mức 2OI.

* 3OI - thiếu quá trình: ở mức dốt này thì ta thiếu một quá trình cụ thể để khám phá ra rằng mình đang không biết rằng mình đang không biết về X. Nói cách khác, ở mức dốt này thì ta không biết cách nào để tìm ra các thứ mà ta không biết rằng ta không biết :-).

* 4OI - siêu dốt: chữ này tôi dịch bừa từ chữ meta-ignorance, vì meta-physics người ta dịch là siêu hình (học). Ở mức dốt này thì ta không biết gì về năm mức ngu dốt.

Đọc đến đây thì chẳng ai ở mức 4OI nữa, mọi người đều đã ở, ít nhất là, 3OI. Một câu hỏi tự nhiên được đặt ra, làm sao để bớt ngu dốt?

Nhưng câu hỏi “làm sao” này sẽ không được trả lời trọn vẹn, nếu như chúng ta không thể trả lời được một câu hỏi khó hơn: tại sao cần phải biết?

Bản thân tôi cho rằng, “biết nhiều hơn” là một trong những mục tiêu quan trọng nhất của đời người. Tôi quan niệm, sống thì phải có hưởng thụ, và một trong những cách hưởng thụ “lành mạnh” và “sang trọng” nhất là tự bồi bổ cho bản thân, bằng cách đọc và học về những thứ thú vị và sâu sắc.

Đương nhiên, cái thú vị và sâu sắc với người này chưa chắc gì đã thú vị và sâu sắc với người khác. Ý tưởng ở đây là chúng ta phải luôn luôn chủ động và sẵn sàng tìm kiếm, tiếp nhận và đánh giá những tri thức mới. Nhu cầu về tri thức phải được ưu tiên hàng đầu, xếp ngang hàng với những nhu cầu cơ bản như ăn uống ngủ nghỉ hay yêu thương giận hờn.

Về mặt tinh thần là vậy, nhưng về mặt “vật chất”, biết nhiều có lợi gì không? Đây là một câu hỏi, cứ ngỡ là đơn giản, nhưng thật ra không dễ để trả lời.

Có rất nhiều trường hợp, do quá tin tưởng vào tri thức của bản thân, mà chúng ta trở nên chủ quan, cho rằng chúng ta đọc được bản chất của vấn đề, chúng ta kiểm soát được tình huống, trong khi thật tế thì không phải.

Chẳng hạn như, khi đầu tư chứng khoán, người nào có kiến thức nhiều hơn thường nghĩ họ giỏi hơn những người không có kiến thức. Thậm chí người không có kiến thức gì cũng luôn nghĩ, họ giỏi hơn hoặc có nhiều thông tin hơn những người trung bình khác.

Tất cả đều nghĩ, có rất nhiều thằng bờm trên thị trường, và hãy khai thác sự ngu dốt của chúng. Ai cũng cố phán đoán bước tiếp theo của những thằng bườm, mà thằng bờm, do bản chất ngu dốt, nên nó chẳng có chiến thuật chiến lược ráo gì cả, cứ ngẫu nhiên mà bán, ngẫu nhiên mà mua, hoàn toàn theo cảm tính.

Thế là cuối cùng, thằng bờm nhất chiến thắng, đơn giản vì nó may mắn hơn. Và đến lượt nó, nó lại nghĩ, nó khôn hơn nhiều người.

Trong cá cược bóng đá cũng vậy. Bản thân tôi khi tham gia cá cược, luôn nghĩ rằng, tôi khôn hơn, có lợi thế hơn nhiều thằng khác. Tôi được ăn học đàng hoàng, tôi thông minh hơn, tôi có Internet để luôn cập nhật những tin tức, phân tích, bình luận, dự đoán mới nhất. Tôi có mọi lợi thế. Thế mà tôi vẫn thua, khi cá với những thằng, biết ít hơn tôi rất nhiều.

Trong mùa giải WC 2006 vừa rồi, tôi luôn chiến thắng từ vòng bảng cho đến tận tứ kết. Nhưng chỉ trong vòng 3 trận còn lại, tôi thua sạch. Chuyện gì đã xảy ra? Ngẫm lại, hóa ra, chẳng phải tôi thắng là nhờ tôi giỏi, còn thua là do tôi dở, mà chủ yếu là, hên xui.

Có vẻ như hai ví dụ này cho thấy biết nhiều không tốt lắm nhỉ? Nhưng kỳ thực chúng thể hiện rất rõ, những lợi ích của việc biết nhiều hơn. Nếu tôi biết được rằng, bóng đá cũng như thị trường chứng khoán, luôn tồn tại yếu tố ngẫu nhiên rất khó dự đoán, luôn có những con “thiên nga đen” rình rập, tôi sẽ không đặt cược quá lớn vào những dự đoán, dựa trên những phân tích có vẻ có lý. Tôi sẽ chọn một chiến thuật khác, hoàn toàn khác.

Rất nhiều lần chúng ta ngỡ là chúng ta biết, nhưng kỳ thực chúng ta không biết là chúng ta không biết gì cả. Chúng ta đang ở 2OI hoặc 3OI, mà cứ ngỡ là đang ở 1OI hoặc 0OI.

Rõ ràng, bắt đầu từ mức 1OI, chúng ta mới bớt ngu dốt. Nhưng để chuyển từ “không biết là chúng ta không biết” (mức 2OI) lên “biết là chúng ta không biết” (mức 1OI) thì không hề đơn giản tí nào. Đó cũng là câu hỏi đầu tiên, làm thế nào để bớt ngu dốt?

Tôi nghĩ đi học và đọc nhiều sách, tài liệu, báo cáo là cách tốt nhất để bớt ngu. Đi học sẽ giúp chúng ta leo từ 3OI lên 2OI, còn đọc nhiều sẽ giúp leo từ 2OI lên 1OI. Từ 1OI leo lên O0I thì đòi hỏi phải đầu tư rất nhiều thời gian để học và đọc chuyên sâu.

Càng học, càng đọc nhiều, chúng ta lại nhận ra, ôi trời, sao ta ngu đến thế, sao có quá trời X mà ta không biết gì về chúng. Mà một cái X lại thường dẫn ta đến vô vàng những cái X khác. Ta cảm thấy thật thú vị khi tìm hiểu chúng, và ngược lại, chúng lại giúp ta nhìn đời một cách sâu sắc hơn.

Và ta thấy sướng, bởi ta đã biết ta ngu thế nào. Thật không? Haha không biết nữa, nhưng ít ra, giờ thì tôi biết (và hi vọng bạn cũng biết) là còn rất nhiều điều ở ngoài kia, mà chúng ta không biết là chúng ta không biết gì về chúng.

Trích Blog vnhacker
 

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top