Tâm trạng của Thuý Kiều trong buổi báo ân báo oán.
BÀI LÀM
Nguyễn Du là một nghệ sĩ tài hoa bậc thầy. Tài năng của Nguyễn Du không chỉ thể hiện ở nghệ thuật tả cảnh ngụ tình, đối thoại, độc thoại... Quan trọng hơn, cái tài của Nguyễn Du bộc lộ rõ ở đôi mắt nhìn thấu đáo, tinh tế mọi chuyển biến tinh vi nhất trong tâm hồn mỗi nhân vật của ông. Thế giới nội tâm của Kiều, có thể nói, là nơi tập trung tất cả tinh lực của ngòi bút Nguyễn Du. Trong buổi báo ân báo oán, Thuý Kiều đã trải qua những tâm trạng phức tạp. Diễn biến ấy đã được thể hiện một cách thần tình qua ngòi bút và cái nhìn yêu thương, trân trọng của Nguyễn Du.
Cuộc đời Kiều được đan nối bởi một chuỗi dài những bi kịch, hoạn nạn. Tuy nhiên, trên dặm trường đầy đau khổ, đôi khi Thuý Kiều cũng gặp được một vài bến đỗ bình yên với những khoảnh khắc bình yên. Từ Hải là một trong những bến đỗ bình yên hiếm hoi, ngắn ngủi như vậy. Từ Hải đã giúp Kiều xoa dịu nỗi đau bấy lâu chất chứa trong lòng. Tự mình cầm cán công công lí để trả ơn, báo oán, đó là một giấc mơ mà chỉ có Từ Hải mới giúp Kiều biến nó thành hiện thực.
Giữa thanh thiên bạch nhật, dưới rừng gươm giáo uy nghi, Kiều được làm quan toà để báo ơn tất cả những người đã che chở, cứu giúp mình trên chặng đời lưu lạc ; trừng trị những kẻ ác đã lừa gạt, xô đẩy, vùi dập nàng xuống vũng bùn lầy nhơ nhớp. Một không khí đầy tâm trạng, kẻ cười, người khóc...
Trước tiên, Kiều đền ơn và người được mời đến đầu tiên không ai khác ngoài Thúc Sinh:
Cho gươm mời đến Thúc Lang
Mặt như chàm đổ, mình dường dẽ run.
Với tính cách nhu nhược đáng thương, chàng Thúc không rõ mình có công hay có tội nên nỗi sợ hãi thể hiện rõ trên nét mặt và cử chỉ. Gặp lại người xưa trong trong hoàn cảnh đã khác hẳn, nhất là trông thấy điệu bộ Thúc Sinh, lòng Kiều dâng lên một nỗi xúc động lẫn cảm thương. Nàng nhắc lại quá khứ, những ngày tháng hạnh phúc êm đềm ngắn ngủi của hai người :
Nàng rằng: Nghĩa nặng nghìn non
Lâm Tri người cũ, chàng còn nhớ không?
Nàng trân trọng cuộc sống đã qua, khẳng định tình xưa nghĩa cũ nặng tựa nghìn ngọn núi cao. Nàng xưng hô với chàng bằng những lời vừa trang trọng, vừa gần gũi, thân mật. Nàng gửi gắm vào đó lòng biết ơn chân thành, sâu sắc đối với người đã cứu nàng ra khỏi lầu xanh, đã cho nàng hưởng những tháng ngày ấm cúng dưới mái ấm một gia đình.
Vì gắn bó với Thúc Sinh mà Kiều phải chịu phận làm lẽ đau đớn, một kẻ tôi đòi cơ cực, nhục nhã. Nhưng Kiều đã thấu hiểu cho hoàn cảnh của Thúc Sinh bởi nàng biết thủ phạm gây ra đau khổ cho nàng không phải là chàng:
Sâm Thương chẳng vẹn chữ tòng
Tại ai, há dám phụ lòng cố nhân.
Kiều sai ban thưởng "gấm trăm cuốn, bạc nghìn cân" nhưng trong lòng vẫn nghĩ bao nhiêu gấm vóc lụa là cũng không xứng với nghĩa nặng tình thâm và chưa thể trả hết ân nghĩa mà chàng Thúc đã giành cho nàng buổi đoạn trường éo le đau khổ.
Nếu Thúc Sinh đã rộng lòng thương Kiều bao nhiêu thì Hoạn Thư, vợ chàng lại làm Kiều đau khổ bấy nhiêu. Bởi vậy, cùng với lòng biết ơn Thúc Sinh, trong Kiều vẫn còn nguyên nỗi căm ghét kẻ đã gây ra nỗi đau đớn cho mình. Nàng mỉa mai, chì chiết:
Vợ chàng quỷ quái tinh ma
Phen này kẻ cắp bà già gặp nhau
Kiến bò miệng chén chưa lâu
Mưu sâu cũng trả nghĩa sâu cho vừa.
Hoạn Thư không chỉ gây những vết thương đau đớn trên thể xác Kiều, thâm hiểm hơn, Hoạn Thư còn đọa đày nàng cơ cực về mặt tinh thần. Khác với tình cảm và những lời trân trọng giành cho Thúc Sinh, khi nói về Hoạn Thư, Kiều dùng ngôn ngữ bình dị, nôm na: quỷ quái tinh ma, kẻ cắp bà già, kiến bò miệng chén... và sự quyết tâm "mưu sâu cũng trả nghĩa sâu cho vừa". Có thể thấy, nỗi đau kia đã luôn thường trực trong lòng nàng và giờ đâ đang bùng lên thành ngọn lửa. Bởi vậy, sau khi trả ơn, hậu tạ những người đã cứu giúp mình, Thuý Kiều thực hiện việc báo oán. Người đầu tiên bị Thuý Kiều lôi ra xét xử chính là Hoạn Thư, vợ cả Thúc Sinh :
Thoắt trông nàng đã chào thưa
Tiểu thư cũng có bây giờ ở đây
Đàn bà dễ có mấy tay
Đời xưa mấy mặt, đời này mấy gan
Dễ dàng là thói hồng nhan
Càng cay nghiệt lắm càng oan trái nhiều.
Nỗi đau chất chứa bấy lâu nay đang trào ra theo mỗi câu nói mà mỗi câu chữ là một lời mỉa mai. Nàng khen Hoạn Thư tài giỏi nhưng thực ra là đang đay nghiến và khép cô ta vào tội : Một tiểu thư dòng dõi mà nham hiểm, độc ác, “Bề ngoài thơn thớt nói cười / Bề trong nham hiểm giết người không dao". Một tay lập mưu và chỉ huy màn đánh ghen tàn nhẫn, những tưởng cô ta sẽ sống sung sướmg, mãn nguyện. Nào ngờ, con gái Lại Bộ thượng thư giờ này lại cũng có mặt ở đây? Thật là một nỗi nhục cho danh gia họ Hoạn. Thuý Kiều tuyên bố :“Càng cay nghiệt lắm càng oan trái nhiều”. Đau đớn, tức giận, oán ghét và đầy quyết tâm như vậy, nhưng khi nghe Hoạn Thư bào chữa :
Rằng : "Tôi chút phận đàn bà
Ghen tuông thì cũng người ta thường tình
Nghĩ cho khi gác viết kinh
Với khi khỏi cửa dứt tình chẳng theo
Lòng riêng, riêng những kính yêu ,
Chồng chung chưa dễ ai chiều cho ai!
Trót lòng gây việc chông gai
Còn nhờ lượng kể thương bài nào chăng!"
thì Thuý Kiều lại tha ngay. Theo hành vi phạm tội, điều này thật khó chấp nhận. Nhưng theo tâm lí, tính cách Kiều, hành động này lại rất hợp lí. Kiều vốn là một con người có bản tính nhân hậu, độ lượng, dám hi sinh cả cuộc đời mình vì những người thân yêu nhất. Kiều cũng là một con người thấu tình, đạt lí, thông minh sáng suốt. Nàng đã bằng tấm lòng độ lượng của một người từng trải qua nhiều đau khổ để chia sẻ, đồng cảm sâu sắc với nỗi niềm của kẻ khôn ngoan giảo hoạt kia.
Hơn nữa, “đã lòng tri quá thì nên”. Kẻ có nhẫn tâm độc ác đến mấy, nhưng một khi đã biết nhìn lại, biết nhận lỗi, hối lỗi thì cũng đáng được tha thứ, đánh kẻ chạy đi không ai đánh người chạy lại”. Đây là một quan niệm sống vị tha nhân hậu của ông cha ta. Hơn ai hết, là một người luôn sống bằng tình thương, Kiều càng hiểu sâu sắc điều này.
Ân đền, oán báo phân minh. Buổi báo ân báo oán đã xua hết những đám mây u ám vẩn đục suốt một quãng đời dài của Kiều. Nàng đã lấy tấm lòng trân trọng, chân thành để báo ân Thúc Sinh rồi lại lấy lòng vị tha, nhân hậu mà “báo oán” Hoạn Thư. Lấy ân báo oán, hành động đó, tấm lòng đó của nàng khiến ta khâm phục và yêu thương nàng biết bao.
Sưu tầm