Sương Ban Mai
New member
- Xu
- 0
Tâm tình người quét rác
Tôi làm nghề lao công hay nói nôm na là nghề quét rác. Số ít người cảm thông xem đó là công việc có cống hiến thầm lặng vì những cung đường sạch đẹp, nhiều người thì đi qua rất đỗi thờ ơ và cũng có người thấy chúng tôi thì xa lánh coi đó là một trong những công việc thuộc đáy cùng xã hội-công việc đi thu gom tất cả những thứ người ta đã bỏ đi.
Làm nghề này chẳng cần nói ai cũng biết nó cực nhọc như thế nào, tôi bắt đầu công việc là lúc những người bình thường khác đang trong giấc ngủ ngon. Ừ thì chỉ là quét và dọn mà cơ man nào là rác đủ các thể loại… Dù hàng ngày trên tivi thấy người ta vẫn kêu gọi rằng “hãy phân loại rác vì đó là tài nguyên quý giá” nhưng chẳng mấy khi chúng tôi được gom rác nhẹ nhàng như thế cả. Gần 10 năm trong nghề, tôi đã quen với đôi bàn tay ngày càng chai sạn đi, quen thuộc với bộ bảo hộ lao động kín mít, quen với tiếng chổi tre xoàn xoạt trên đường và kể cả đã chai sạn đi không nghĩ nhiều bởi những lời nói vô tâm kiểu “Đúng là cái đồ quét rác” hay như cách dạy con của một số bà mẹ trẻ khi đi qua chúng tôi nói “Con mà học hành không chăm chỉ, không ngoan lớn lên chỉ làm quét rác như người kia thôi”… Nhưng mùi hôi, mùi khó chịu từ rác thì mãi tôi không thể quen được, bởi sao rác ở đâu mà ngày càng nhiều thế: rác từ dân cư, rác từ bệnh viện, trường học, quán ăn, công trình… rác vẫn phải thải ra hàng ngày, chúng tôi vẫn phải dọn mỗi ngày. Chỉ mong mỗi người dân có ý thức hơn thì chúng tôi đỡ vất vả.
View attachment 10824
Ngày nắng có nỗi khổ của ngày nắng, ngày mưa có cái nhọc của ngày mưa. Mấy chị em phụ nữ lao công chúng tôi vẫn tán nhau nghề của chúng mình cái gì cũng dở “ăn với chồng nửa bữa, ngủ với chồng nửa đêm”. Phụ nữ mà, hàng ngày trên đường thấy chị em phụ nữ xúng xính váy áo đẹp thích lắm chứ, mà mình chẳng có dịp được mặc bao giờ… Cái đó nhỏ thôi, nhưng sao không khỏi chạnh lòng những đêm 30 tết, khi mọi nhà quây quần bên mâm cơm tất niên, tôi lại hay vắng nhà khi ấy. Lủi thủi trên đường, nghĩ thương mình, thương chồng con đến lạ, mấy năm rồi muốn có một ngày lễ trọn vẹn bên gia đình mà cũng khó bởi khi mọi người nghỉ mình lại đi làm. Nhưng rồi tôi lại nghĩ đó là sự phân công của xã hội và khi đã theo một nghề nó là cái nghiệp. Và mỗi khi ngoảnh nhìn lại đoạn đường mình vừa dọn, sạch sẽ hơn, thoáng đãng hơn, người đi lại thoải mái, trẻ nhỏ vui vẻ chơi đùa tôi lại thấy vui vui…
Nghề nào cũng có cái hay của nó, nghề của chúng tôi cũng vậy. Có lẽ đa phần cùng hoàn cảnh, anh chị em lao công chúng tôi rất thương và thân nhau. Những ngày hè nóng nực sẻ chia cốc nước mát, ngày đông rét mướt bẻ đôi từng bắp ngô, giản dị mà ấm áp vô cùng… Quét rác mà đôi khi tôi cũng nhặt được nhiều thứ. Khi là tiền 5.000, 10.000 và đã có lúc tôi nhặt được 100.000đ, chẳng biết của ai tôi coi đó là lộc nhưng vài lần nhặt được điện thoại, có cả dây chuyền vàng nữa tôi đều tìm cách trả lại hết. Mình chẳng giàu nghèo gì thêm từ những thứ như thế, từ bé tôi được dạy là không tham của rơi và tôi cũng dạy các con mình thế. Cũng trên đường tôi chứng kiến nhiều người khỏe mạnh mà giả dạng ăn mày, nhiều thanh niên sức vóc mà đi trộm cắp thật đáng xấu hổ.
Tất nhiên tôi cũng muốn các con tôi sau này học hành đến nơi đến chốn, có nghề nghiệp đàng hoàng để đỡ vất vả. Nhưng nếu có làm nghề lao công tôi cũng thấy vui bởi chính con người mới làm nên giá trị của công việc. Bất cứ nghề nào lương thiện giúp ích cho đời này đều đáng để tự hào. Có lẽ bây giờ tôi lại tiếp tục công việc của mình thôi.
Lê Hồng