• Chào mừng Bạn tham gia Diễn Đàn Kiến Thức tổng hợp No.1 VNKienThuc.com - Định hướng VN Kiến Thức
    -
    HÃY TẠO CHỦ ĐỀ KIẾN THỨC HỮU ÍCH VÀ CÙNG NHAU THẢO LUẬN

Tâm tính học Nho gia với đặc trưng thẩm mĩ của văn chương nhà Nho

Chị Lan

New member
TÂM TÍNH HỌC NHO GIA VỚI ĐẶC TRƯNG THẨM MĨ CỦA VĂN CHƯƠNG NHÀ NHO

Nghiên cứu văn học nhà Nho từ trước tới nay đã có nhiều hướng tiếp cận, hoặc từ góc độ giải thích văn bản, góc độ nghiên cứu các phương diện nội dung xã hội, những vấn đề con người và thời đại, có hướng nghiên cứu từ góc độ phương pháp sáng tác, có người nghiên cứu từ góc độ thi pháp học, văn hóa học...Những cách tiếp cận nêu trên đều ít nhiều từ những mặt sở trường của chúng đã có thể chỉ ra được những đặc trưng của văn học trung đại, sự khác biệt của nó so với các thời đại văn học khác. Tuy nhiên, người viết bài này cho rằng, còn một phương diện hết sức quan trọng để nhận diện, để phân biệt văn chương trung đại với trọng tâm là văn chương nhà Nho so với các nền văn học khác, đó là việc làm rõ những đặc trưng thẩm mỹ của loại hình văn học trung đại. Làm rõ những đặc trưng thẩm mỹ của văn học trung đại khả dĩ có thể tránh được cái nhìn khiên cưỡng, áp đặt đối với văn chương của người xưa.

Trong văn học trung đại có một bộ phận văn học tạm được gọi là văn chương đạo lý. Loại văn chương này chủ yếu nói về đạo đức, thuyết giáo về đạo đức, nói chuyện tu thân, khen chê nhân cách... Ngày nay nều không phải là những người nghiên cứu chuyên nghiệp, hoặc những người hiếu cổ thì không mấy ai thấy nó hay, và không mấy ai thưởng thức chúng. Thế nhưng cũng chính loại văn chương ấy, xưa kia từng được nhà Nho xem là văn chương chính thống nhất, cao quý nhất. Đọc chúng nhà nho thấy bức thiết, xúc động bồi hồi. Chẳng hạn lời thơ của Nguyễn Bỉnh Khiêm trong bài “ cương thường tổng quát” chẳng hạn. Người ngay nay không thể thấy nó hay. Nó chỉ là đoạn diễn nghĩa của mấy vấn đề luân lý đạo đức không có gì mới mẻ, độc đáo. Thế nhưng với những người ngày ngày sống trong sự thường trực của luân lý cương thường, với tinh thần “không khoảnh khắc nào rời xa Đạo, không rời xa dẫu chỉ khoảng thời gian ăn bữa cơm”, thì bất kỳ lúc nào, nghe những lời giáo huấn giản dị nhưng rất gan ruột của Nguyễn Bỉnh Khiêm, đều có thể xúc động. Các quan niệm về văn chương, về hoạt động sáng tạo, về thưởng thức và phê bình văn chương của Nhà nho đều chịu sự chi phối của một loại quan niệm thẩm mỹ rất riêng, rất đặc thù. Quan niệm thẩm mỹ này không phải được phát biểu thành một hệ thống, nó nằm ngay trong các triết lý nhân sinh của nhà nho. Nó bắt nguồn từ học thuyết, từ các quan niệm cơ bản khác của nhà nho về nhân sinh, xã hội, về công việc tu dưỡng.

Trên con đường truy tìm điểm căn cội của các quan niệm thẩm mỹ của Nhà nho, chúng tôi thấy rằng, tâm tính học của nhà nho là gốc rễ của mọi quan niệm và đời sống tinh thần cũng như hoạt động thẩm mỹ. Nó là đặc sắc của Nho gia. Nó vừa là triết học, vừa là đạo đức, vừa là tôn giáo vừa là mỹ học. Tất cả những điều ấy hợp nhất trong một tổng thể không thể phân tách.

Tâm tính học không phải là một loại hiểu biết đạt đượcnhờ hoạt động nhận thức giống như các loại học vấn khác. Nó chính là một thực tiễn đạo đức, là quá trình thể nghiệm tâm lý, là quá trình tự bồi dưỡng và hoàn thiện nhân cách. Con đường để thực hiện điều đó là tự ngã, là nội tại, là hướng nội tự điều tiết. Nó là tự ngã hoàn thiện, tự ngã tu dưỡng, tự ngã điều tiết và chế ước, tự ngã thực hiện và tự mình đạt tới cảnh giới của sự siêu việt. Nó không có giới hạn cuối cùng. Cảnh giới tự lạc, tự thoả mãn thuần tinh thần mà đích cao nhất mà nó hướng tới. Nó rất sống động trong tâm lý, tình cảm của người thực hiện. Là một thực tiễn đạo đức, do đó tâm tính học rất cần có các công cụ hỗ trợ. Vì là hoạt động nội tỉnh, có tính chất tự rút kinh nghiệm và tự hoàn thiện nên nó rất coi trọng kinh nghiệm. Nó hướng về quá khứ để tìm bài học. Nó lấy mốc là quá khứ của mình và của người khác. Nho gia đặc biệt coi trọng sử học và luôn tìm kiếm giá trị từ quá khứ. Sử học không chỉ thuần là học thuật và chính trị học. Sử học cũng là tâm tính học. Họ suy ngẫm, họ bao biếm khuyến trừng đối với những sự kiện và nhân vật lịch sử để thanh lọc, gột rửa hoạc tự cổ vũ nhắc nhở cho mình. Một lần họ chê trách kẻ gian nịch là một lần tâm họ thanh bạch trung chính hơn một chút. Một lần học ngợi ca kẻ trung thần chính trực tâm can họ cũng thêm một lần cứng cỏi. Sử học vì thế đối với Nhà nho là cách để làm chính trị, để kinh thế. Đối với việc tu thân dưỡng tâm, bao biếm khuyến trừng cũng là đào luyện nhân cách, là sự thức tỉnh đạo đức, là thực tiễn đạo đức. Nó vừa hướng tới đối tượng vừa tác động trước hết tới chính chủ thể đạo đức. Tương tự như vậy, các hoạt động sáng tạo nghệ thuật và sự suy ngẫm triết học cũng là một bộ phận của tâm tính học. Chẳng hạn khi Nguyễn Trãi viết những vần thơ ca ngợi cây tùng cây bách, viết những bài thơ vịnh trúc vịnh mai, đó là khi ông đang làm công việc tự động viên, khích lệ đào luyện thêm phẩm chất và ý chí của mình .


Tâm tính học nói một cách tổng quát là hoạt động tu tâm và dưỡng tính. Nhà Nho cho rằng thiên tính có sẵn trong tất cả mọi con người. Thiên tính ấy là chí thiện chí mỹ, là toàn vẹn đầy đủ. Con người sinh ra đều đã được phú bẩm thiên tính chí thiện đó. Nhiệm vụ của con người là làm sao giữ cho được thiên tính đó, không làm cho nó mất đi, sai lệch đi, biến thiên đi. Như thế là tồn tâm dưỡng tính. Từ mầm thiện ( thiện đoan) con người bằng sự tu dưỡng tự giác của cá thể sẽ trở thành những chuẩn mực đạo đức, thành hiện thực đạo đức sinh động. Hiện thực đạo đức đó là nhân, nghĩa, lễ, trí. Các hoạt động kiểm soát, bảo tồn, phát huy thiên tính, thể hiện nó thành các hành vi đạo đức được thực hiện trong một thế giới tinh thần nội tại. Thế giới đó nhà Nho gọi là Tâm. Tâm tính học là toàn bộ các hoạt động tu dưỡng điều tiết đời sống tinh thần của chủ thể đạo đức là nhà nho. Nó là hoạt động tự ngã điều tiết, tự ngã hoàn thiện. Về mặt phương pháp, nhà nho dùng phương pháp nội tỉnh. Nội tỉnh nghĩa là hướng nội tự phản tỉnh. Khi gặp hiện tượng nào,hành vi đạo đức nào trong thực tế nhà nho đều quay về xem xét phân tính bản thân để hướng tới những chuẩn mực của Nho gia. Khổng tử từng nói: “ Kiến bất thiện nhi nội tự tụng” ... “ Tam nhân đồng hành tất hữu ngã sư yên...” Tâm tính học là hạt nhân của học thuyết chính trị đạo đức Nho gia. Các hoạt động tu tâm nội tỉnh như nói ở trên có thể đem lại cho người thực hiện một lạc thú thần tinh thần. Có người gọi nó là nội thẩm mỹ. Văn chương, nghệ thuật đều là sự thể hiện của thế giới nội thẩm mỹ này. Vì thế, bàn về các đặc trưng thẩm mỹ của văn học nhà nho phải bắt đầu và phải nhìn nhận trong mối quan hệ mật thiết với tâm tính học của nhà Nho.

Bài viết này quan tâm chỉ ra đặc trưng thẩm mỹ của văn học nhà nho, tuy nhiên không thể làm rõ mọi phương diện của nó chỉ bằng một bài viết. Chúng tôi cũng không đi sâu vào nội dung của các phương diện được đề cập tới mà chỉ tập trung chú ý, đề cập tới các phương diện thẩm mỹ, các quan niệm và khuynh hướng thẩm mỹ được quy định bởi tâm tính học, có liên hệ mật thiết với tâm tính học của nhà Nho. Tuy không nói tới toàn bộ các phương diện thẩm mỹ của văn chương nhà nho, nhưng chúng tôi cho rằng một số phương diện mà chúng tôi nhắc tới sau đây là những phương diện thẩm mỹ quan trọng và nổi bật nhất.

Đặc trưng thẩm mỹ đầu tiên của văn chương nhà Nho cần nói tới là cái đẹp của thế giới thực tại, của đời sống thế tục. Cũng cần nhắc lại ở đây rằng Nho gia là học thuyết nhập thế, coi trọng cuộc sống hiện thực. Khổng tử từng đặc biệt nhấn mạnh tới việc quan tâm tới hiện thế, từ chối quan tâm tới chuyện sau khi chết, chuyện về thế giới siêu nhiên, thế giới thần linh. “ Vị tri sinh yên tri tử,”” kính quỷ thần nhi viễn chi”[4]... Nho gia không có quan niệm về thiên đường, cõi niết bàn, không có chốn tiên cảnh nằm ngoài cuộc sống thế tục. Nho gia trọng sinh, trọng cuộc sống hiện thực. Do đó các hoạt động của nhà Nho đều tập trung, hướng tới và nằm trong đời sống thế tục. Các mối quan tâm của nhà nho là những vấn đề luân lý đạo đức, các quan hệ hiện thực bình thường của con người.

Sự tu dưỡng của nhà nho cũng là tu dưỡng trong đời sống hiện thực, tu dưỡng dựa trên sự xử lý các quan hệ luân lý đạo đức bình phàn hiện thực. Tu tâm, dưỡng tâm không phải điều gì xa lạ, mà chính là lấy ta suy ra người, chú ý tới quan hệ, tìm sự thoả mãn tinh thần trong việc giải quyết tốt các quan hệ luân lý hiện thực. Sự tu dưỡng, công việc hoàn thiện đạo đức giữa đời thường có thể đem lại những lạc thú tương tự như tìm tới thế giới giải thoát của các tôn giáo khác. Nội tỉnh bất cữu tắc hà ưu hà hoạn. Nội tỉnh thấy mình tiến bộ thấy tràn ngập lạc thú. Những tác phẩm văn chương của nhà nho không phải hướng tới cái đẹp của đại tự nhiên, không coi trọng việc giải phóng cho trí tưởng tượng, không hướng tới xác lập cái đẹp kỳ vỹ, phi phàm hay cái đẹp mang tính siêu thế mà cõi thẩm mỹ, thế giới cái đẹp của văn chương nhà nho hoàn toàn là cái đẹp của thế giới thực tại, nhưng hiện thực mà nhà nho hướng tới và nhấn mạnh là hiện thực đạo đức .
Lê Thánh Tông ngồi một mình chốn thâm cung, tự suy xét về đời sống tinh thần của mình viết quỳnh uyển cửu ca với niềm của sự tu dưỡng, lạc thú ấy hoàn toàn được tạo ra trong đời sống nhân tình thế tục hiện thực. Lạc thú tìm thấy trong việc suy xét tinh thần của người làm vua thấy mình đã tiến bộ, thấy mình không lầm lỗi, thấy mình đã thành nhân, đã gần với thánh vương. Một trong 9 bài Quỳnh uyển cửu ca là Quân đạo thi, nói về mẫu mực của đạo làm vua:

Đế vương đại đạo cực tinh nghiên,
Hạ dục nguyên nguyên thượng kính thiên.
Chế trị bảo bang tư kế thuật,
Thanh tâm quả dục tuyệt du điền.
Bàng cầu tuấn ngải phô văn đức,
Khắc hạt binh nhung trọng tướng quyền,
Ngọc chúc điều hoà hàn noãn tự.
Hoa di cộng lạc thái bình thiên.

( Đạo lớn của bậc đế vương nghiên cứu đã tinh thông,
Trên kính trời, dưới thì chăm lo cho dân
Việc gây dựng sự thịnh trị, giữ gìn đất nước, suy nghĩ phát huy
Đối với bản thân thì chay lòng ít dục, bỏ hẳn việc ham chơi săn bắn
Rộng cầu những bậc tài giỏi, phô bày văn đức
Chăm lo hỏi han việc võ bị, coi trọng quyền của người làm tướng
Điều hòa mọi việc sáng suốt có thứ tự như mùa nóng lạnh kế tiếp nhau
Người Kinh và người thiểu số cùng vui hưởng thái bình)


Quân đạo thi là một ví dụ cho cái đẹp của đời sống hiện thực, không phải của thế giới tưởng tượng phong phú, không phải là những hình tượng siêu việt mà là toàn chuyện chính trị, chuyện điều hành đất nước, toàn chuyện tu dưỡng để thành đấng minh quân. Tâm cảnh là cõi tinh thần của một ông vua đang suy xét lại chức phận làm vua của mình, so với lý tưởng của vua sáng đã đạt được chưa. Đó là chuyện chăm dân kính trời, là chuyện kế chí thuật sự của tiên vương, là chuyện quả dục, bỏ săn bắn, là việt dùng tướng văn tướng võ, là chuyện dùng người tài, là sự công tâm trong cai trị, và cuối cùng là cảnh tượng thái bình. Tâm cảnh là tinh thần tràn ngập lạc thú của người chăn dân có kết quả. Cái đẹp nằm ngay trong công việc cai trị bình thường, những việc của cuộc đời, của thế nhân.

Nói tới cái đẹp hiện thế, thực tại thì không chỉ có trong đặc trưng thẩm mỹ của Nho gia, nhiều loại quan niệm thẩm mỹ khác cũng có, nhưng cái đẹp của thế giới hiện thực đạo đức thì hầu như chỉ riêng có ở Nho gia.

Vũ Cán, một nhà nho thế kỷ XVI từng viết :

Kỷ sở độc tri nhân bất tri,
Khổng môn thuỳ giáo thận ư ty.
Tuy cư u ám ẩn vi xứ,
Thường tại thao tồn tỉnh sát thì.
Thành chính công phu tòng thử đắc,
Trị bình hiệu nghiệm tựu trung suy,
Dục cầu quân tử tu thân yếu.
Đương tại ngô tâm vô tự khi.

( Điều chỉ mình mình biết người khác không hay biết,
Cửa Khổng truyền dạy rằng phải cẩn thận với điều đó.
Dẫu ở nơi u ám khuất nẻo,
Vẫn luôn phải luôn rèn rũa suy xét.
Công phu của đạo thành ý chính tâm từ đó mà được,
Hiệu nghiệm của đạo trị quốc bình thiên hạ theo đó mà thành.
Muốn tìm điều cốt yếu của điều người quân tử dùng tu thân,
Nên tìm ơ chỗ tâm ta không tự lừa dối)
(Thận độc)


Bài thơ này hoàn toàn mang tính duy lý, hay nói đúng hơn là tình cảm và lý tính hoàn toàn thống nhất, thậm chí là đồng nhất. Nhà nho bị cuốn hút, bị hấp dẫn, họ đồng cảm, đồng tình với những điều mang đầy màu sác lý tính như bài thơ của Vũ Cán, bởi vì ai cũng thấy tu tâm thận độc là việc hệ trọng, thường xuyên. Nó là công phu nội tỉnh. Nó là thế giới nội thẩm mỹ có ở mọi nhà Nho.

Đi vào thực tại, văn chương nhà nho cũng thể hiện thái độ, sự cảm nhận về thế giới thực với một thái độ rõ ràng. Trong những hoàn cảnh của cuộc sống loạn lạc, văn chương nhà nho thành lời ca sinh dân bệnh, theo mẫu mực như Đỗ Phủ, Bạch Cư Dị. Nguyễn Bỉnh Khiêm viết Thương loạn, Nguyễn Du viết Long Thành cầm giả ca, viết những vần thơ về những con người khốn khổ trong Bắc hành tạp lục….

Đặc trưng thẩm mỹ thứ hai của văn chương nhà Nho là cái đẹp của nhân cách chủ thể. Đối với nhà Nho, vấn đề quan trọng hàng đầu là nhân cách. Việc tu dưỡng của nhà nho nhằm tới sự hoàn thiện của nhân cách. Nhà Nho tự hào về nhân cách cao khiết cứng cỏi, không nổi chìm theo thế gian. Nhà Nho nhập thế nhưng giữa cuộc đời đầy biến động, đầy hiểm nguy, họ có cái bất biến để ứng phó với mọi biến thiên. Cái bất biến đó là nhân cách, nó cũng chính là đạo của nhà Nho. Nhân cách ấy cứng cỏi ngay thẳng như cây trúc, thanh khiết như bông mai, ưu trội như bông cúc vàng trong tiết thu. Nhân cách ấy được nhìn nhận là thiên tính bất biến như cây tùng cây bách. Những tùng trúc cúc mai với phẩm chất thiên phú ưu việt thực chất là những phù hiệu nghệ thuật, là công cụ ngoại hóa cho cái đẹp của tinh thần nội tại, cái đẹp của nhân cách nhà Nho.

Nguyễn Trãi nói:

Nào hoa chẳng bén khí dầm hâm,
Có mấy bầu sương nhuỵ mới đâm.
Trùng cửu chớ hiềm thu đã muộn,
Cho hay thu muộn tiết càng thơm.

(Cúc - thơ Nôm)


Hình tượng bông cúc vượt lên trên mọi loài, khác với mọi loài chính ở sức mạnh tiềm ẩn của tinh thần nội tại, nó là biểu tượng sự ký thác của một đời sống tâm tính nội tại.

Cái đẹp của nhân cách chủ thể được nhà Nho ví như châu ngọc. Nhưng ngọc đã sáng rồi còn cần làm cho sáng thêm, đã đẹp rồi còn cần làm cho đẹp nữa. Việc tu thân dưỡng tâm cũng như việc của người thợ đẽo ngọc. Hình tượng người quân tử được ca ngợi: “ Hữu phỉ quân tử, như thiết như tha, như trác như ma.” Nhà Nho coi ngoại cảnh khốc liệt, gian khổ khó khăn chính là cơ hội để rèn luyện, để thể hiện những phẩm chất ưu trội. Năm rét để thử thách tùng bách. Tuyết sương để thấy cúc thơm. Đại Nho Trưong Tái đời Tống từng nói: “ phú quý phúc trạch tương hậu ngô chi sinh, Bần tiện ưu thích dong ngọc nhữ vu thành”( phú quý giàu sang đó là trời ưu ái với đời ta, nghèo hèn khốn khó đó là trời thử thách để đào luyện cho ta).

Nguyễn Trãi viết những bài thơ vịnh cây Tùng:

Thu đến cây nào chẳng lạ lùng,
Một mình lạt thuở ba đông.
Lâm tuyền ai rặng già làm khách,
Tài đống lương cao ắt cả dùng.

( Tùng –bài 1)



Đống lương tài ấy có bằng mày,
Nhà cả đòi phen chống khoẻ thay!
Cội rễ bền, dời chẳng động,
Tuyết sương thấy đã đặng nhiều ngày.

( Tùng bài 2)


Nhìn chung những bài vịnh cảnh vịnh vật, phần nhiều đều là những bài thể hiện cái đẹp của nhân cách. Tùng bách, trúc mai chỉ là những công cụ ngoại hoá cho những tinh thần chủ thể, cho cái đẹp nội tại, cái đẹp của nhân cách. Nó là một thứ nội thẩm mỹ, một thứ thể nghiệm thẩm mỹ.

Đặc trưng thẩm mỹ thứ ba của văn chương nhà Nho là cái đẹp của tình cảm, tư tưởng được điều tiết chế ước, cái đẹp của sự thống nhất cao độ giữa tình và lý. Sách Trung dung từng có đoạn mô tả mối liên hệ giữa thiên tính và nhân tình. Thiên mệnh nhi tính, suất tính chi vị đạo, tu đạo chi vị giáo...hỷ nộ ai lạc chi vị phát vị chi trung, phát nhi giai trúng tiết vị chi hoà. Trung dã giải thiên hạ chi đại bản dã, Hoà dã giả thiên hạ chi đạt đạo dã. Trí Trung hoà, thiên hạ vị yên,bách vật sinh yên... Tâm tính học của Nho gia hướng tới sự phù hợp tuyệt đối, phù hợp tới độ nhất thể giữa bản năng và lễ chế/ các thiết chế xã hội. Cái đó nhà nho gọi là phát nhi giai trúng tiết. Nó là Hoà. Hoà ở đây là tư tưởng, tình cảm, bản năng, xúc cảm hoàn toàn được làm chủ, được điều tiết và những tình cảm bản năng đó không gì vượt ra ngoài khuôn phép. Cái tiêu chí, chỗ dựa để điều tiết đó là các quy định của lễ chế. Tu tâm dưõng tính thực chất là làm cho tình cảm tự nhiên không mẫu thuẫn với lễ. Điều này hình thành nên một thói quen, một cảnh giới tinh thần có sự thống nhất cao độ giữa tình cảm và lý tính. Các tình cảm của nhà nho luôn là tình cảm được điều tiết, được chế ước...

Nguyễn Bỉnh Khiêm viết những vần thơ:

Trời phú tính ở mình ta,
Đạo cả cương thường năm mấy ba.
Tôi hết ngay chầu chức chúa,
Con hằng thảo kính thờ cha.
Anh em mựa nỡ điều hơn thiệt,
Bầu bạn cho hay nết thực thà.
Nghĩa vợ chồng xem rất trọng,
ở đầu phong hoá nếp chưng nhà.

(Cương thường tổng quát)


Những câu thơ hoàn toàn nói tới những chuyện của cuộc sống nhân tình nhật sự bình thường, toàn những chuyện của cuộc đời, cuộc sống thực. Nó không có gì xa xôi cao viễn, không có những hình tượng gì tươi mới. Đây là những vần thơ hoàn toàn có tính chất giáo huấn. Nhưng ta vẫn thấy ở đó có xúc cảm nghệ thuật, có cái đẹp của nghệ thuật. Nó là lý tính đó, nhưng cũng là tình cảm, tình cảm mà vẫn lý tính.

Đặc trưng thứ tư là cái đẹp sống động, cương kiện. “ Thiên hành kiện, quân tử dĩ tự cường nhi bất tức”( Thiên vận hành rất mạnh, người quân tử cũng cần luân tự làm cho mình trở lên mạnh mẽ không ngừng nghỉ) . Đó là tinh thần quan trọng trong Chu Dịch, nó rất được nhà nho tán thưởng. Nó thành phương châm của hành động. Nhà nho khái quát về thiên đạo cũng cốt để minh định cho nhân đạo, lấy thiên đạo làm khuân mẫu cho nhân đạo, thiên nhân hợp nhất, thiên nhân hợp đức. Cho nên người quân tử lấy thiên đạo làm nhân đạo. Càn khôn vận hành không ngừng nghỉ. Càn khôn mạnh mẽ vô cùng. Người quân tử tu đức cũng không ngừng nghỉ, không giới hạn, lúc nào cũng cố gắng như giữ dây cung căng không bao giờ buông “ bất đãi thỉ lao”. Tâm tính học của Nho gia là quá trình sống động và mạnh mẽ. Cái tự cường của Nho gia là tự cường của tinh thần. Sức mạnh của Nhà nho là sức mạnh của tinh thần nội tại. Người suy xét thấy lòng mình không có tội lỗi thì đứng trước ba quân không hề run sợ, kẻ lòng đầy tội lỗi đứng trước đứa trẻ lên 3 cũng sợ hãi vô cùng. Tự cường bất tức là giữ sức mạnh tinh thần, niềm tin bất diệt vào sức mạnh của đạo đức chủ thể. Sức mạnh đó của nhà nho giúp họ vượt lên hoàn cảnh, chống chọi giữa cuộc đời, vững chãi trước phong ba như cây tùng cây bách.

Phương diện này của tâm tính học cũng trở thành một đặc trưng thẩm mỹ quan trọng của văn chương nhà Nho. Cái sống động của tinh thần nội tại của nhà nho được xác lập trước hết cũng chính do những tinh thần tình cảm ở họ đều là tình cảm hiện thực. Nó thuộc về cuộc sống nên không gì sống động bằng. Về tính khuynh hướng nó đối lập với cái đẹp của Thiền. Cái đẹp của Thiền là cái đẹp thanh tĩnh, là sự tĩnh tịch của tâm, tĩnh tịch của tinh thần chủ thể. Thiền gia có thể viết về một cảnh cực sống động nhưng cái động của ngoại cảnh lại gợi dẫn về một thế giới tinh thần thanh tĩnh. Trong khi đó, một nhà nho nói về cái động là cái động thực và khi nói về cái tĩnh cũng để nổi bật một cái động của hiện thực. Cái động của văn chương nhà nho, đối lập với cái tĩnh, trọng tĩnh của văn học Thiền, cái tự do phóng khoáng của Đạo. Tĩnh hay động ở đây quan trọng nhất là động của tâm và tĩnh của tâm. Tâm Thiền là tâm tĩnh, là tâm tịch mịch. Tâm của Nho gia là động, là cảm. Hai loại động tĩnh ấy của tâm thể hiện ra ở hình tượng văn chương.

Lê Thánh Tông là một ông vua mà không phải là một nhà Nho bình thường. Ông Lê Thánh Tông lại tu dưỡng theo những chuẩn mực của một thánh vương Nho gia. Thơ của ông có đầy đủ, thậm chí là tiêu biểu cho những đặc trưng thẩm mỹ của văn chương Nhà nho. Ông từng viết trong Quỳnh uyển cửu ca:

Thiết hoạch ngân câu học cổ nhân,
Nhàn lai thí thảo nhật tương huân.
Dương dương khát ký tông Từ Hạo,
Niểu niểu thu xà bệnh Tử Vân.
Hồng cẩm tiêu trung thư Liễu cốt,
Thái hoa bút hạ thúc Nhan cân.
Tráng hoài mãnh tiết như duyên mộng,
áp tả kinh thiên vĩ địa văn.

( Ngự chế Thư thảo hý thành thi)


( Học cổ nhân viết nét sổ cứng như sắt, nét móc mềm như bạc,
Lúc mặt trời sắp lặn, nhân nhàn rỗi, ta thử viết thảo chơi.
Nét chữ hiên ngang như ngựa ký khát nước, khen thay cho Từ Hạo,
Nét chữ ẻo lả như con rắn mùa thu, đáng che ông Tử Vân.
Trên mặt giấy hồng cẩm, nét phóng khoáng như chữ ông Liễu,
Đầu ngọn bút thái hoa, nét gọn gàng tựa chữ ông Nhan.
Chí lớn thể hiện rõ nơi đầu bút như cây bút to bằng xà nhà mà Vương Tuân mơ thấy trong mộng,
Viết ra những chữ dọc ngang trời đất.)


Thực là những vần thơ mạnh mẽ hoằng đại và sống động.

Hay trong bài Ngự chế kỳ khí thi ( cũng trong Quỳnh uyển cửu ca), Lê Thánh Tông viết:

“ Tài cao muốn bẻ cành quế trên cung trăng,
Chí mạnh muốn bắt gọn loại thuồng luồng biển Bắc.
Như người tiên ở Liêu Thủy cưỡi hạc bay đi,
Như con vua trên Hầu Sơn cưỡi loan bay ngất.
Khác nào chim đại bàng hăm hở bay vút tầng mây,
Tư thế anh hùng rạng rỡ theo cả các bậc tài giỏi.


Đó đều là những vần thơ, những hình tượng cực sống động. Nó có phần là sản phẩm của bút pháp khoa trương phóng đại, tuy nhiên đặc trưng thẩm mỹ của nó vẫn là cái động cái khỏe khoắn của tinh thần nội tại của nhà nho.

PGS.TS Nguyễn Kim Sơn
Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQG Hà Nội​
 

Chủ đề mới

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top