Tầm nhìn 2019 của Microsoft

  • Thread starter Thread starter ButBi
  • Ngày gửi Ngày gửi

ButBi

New member
Xu
0
Trong cuộc hội thảo về các xu hướng công nghệ tại Trường Kinh doanh Wharton (thuộc Đại học Pennsylvania, Mỹ) đầu năm 2009, Stephen Elop - người phụ trách bộ phận kinh doanh của Microsoft - đã phóng tầm nhìn đến năm 2019, trình bày quan điểm của Microsoft về những thành tựu công nghệ sẽ đạt tới sau thập niên trước mặt. Viễn cảnh tương lai hạnh phúc gây nên... nhiều cuộc tranh luận trong hiện tại.
ict1.jpg

Tấm thẻ bằng "giấy điện tử" thay cho mọi loại thẻ cá nhân, có khả năng tương tác với người dùng và nối mạng không dây (công nghệ tương lai)
Hai đứa trẻ nhìn thấy nhau qua màn hình lớn như bức tường, dường như đang đứng đối diện với nhau nhưng thực ra rất xa nhau, một tại Mỹ và một tại Trung Quốc. Dù không cùng ngôn ngữ, chúng trò chuyện thật thoải mái nhờ mỗi câu nói được phiên dịch và hiển thị tức thời trên màn hình. Thỉnh thoảng, chúng dùng ngón tay vẽ những hình ngộ nghĩnh trên màn hình để trao đổi ý tưởng của mình. Trong bệnh viện, sau khi khám cho bệnh nhân, bác sĩ ghi toa thuốc trên tấm bảng cầm tay mỏng nhẹ. Tấm bảng là một máy tính dùng để cập nhật bệnh án. Khi các lọ thuốc được đặt trên chiếc bàn đầu giường bệnh nhân, khung hướng dẫn về liều lượng dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ hiện ra ngay trên mặt bàn, bên cạnh mỗi lọ thuốc. Với thiết bị cầm tay đưa lên ngang mặt, người dùng thấy khung cảnh trước mắt trên màn hình của thiết bị, kèm theo thông tin về từng đối tượng trong khung cảnh đó. Khi khách bước vào tiền sảnh ngân hàng, những nút bấm hiện lên bức vách. Sau khi khách bấm chọn, các hình mũi tên hiển thị trên vách và trên sàn hướng dẫn khách đến chỗ giao dịch thích hợp. Ngoạn mục hơn, tại siêu thị, những chỉ dẫn về các gian hàng được hiện ra và biến đi ngay trong... khoảng không. Thay cho chiếc ví đựng nhiều thẻ khác nhau, người dùng thẻ chỉ cần bấm chọn trên thẻ để chuyển từ thẻ này qua thẻ khác. Tương tự, tin tức trên tờ báo giấy được cập nhật tự động trước mắt người xem. Tờ báo thuộc loại màn hình mềm dẻo, gấp được. Đó là vài cảnh trong đoạn phim ngắn mang tên 2019 (https://www.istartedsomething.com/20090228/microsoft-office-labs-vision-2019-video/), được dàn dựng tại bộ phận Microsoft Office Labs nhằm minh họa cho bản tham luận của Stephen Elop. Đoạn phim cho thấy giao tiếp đa phương tiện giữa con người và máy tính trở nên dễ dàng, thuận tiện nhờ màn hình xuất hiện khắp nơi. Việc truy cập thông tin, chia sẻ thông tin luôn luôn được thực hiện tức thời thông qua kết nối mạng không dây. Dường như không còn khái niệm "tập tin". Trong phim, màn hình máy tính được tạo ra bởi nhiều loại vật liệu, hoặc được tạo ra dưới dạng hình chiếu từ thiết bị nào đó. Mọi loại màn hình đều cho phép con người điều khiển bằng cách chạm tay hoặc bằng cử động của bàn tay, như trong các phim khoa học viễn tưởng.
ict2.jpg

Hình chiếu trên nhiều chất liệu có thể tạo ra tương tác giữa con người và máy tính (công nghệ tương lai)
Viễn tưởng nhưng không... hoang tưởng, nhiều chi tiết của đoạn phim 2019 có mầm mống ở hiện tại. Những nghiên cứu gần đây tại học viện MIT (Massachusetts Institute of Technology) đã tạo được màn hình ở dạng hình chiếu, có khả năng tương tác với người dùng. Công nghệ nhận dạng hình ảnh đã cho phép theo dõi khá chính xác cử động của bàn tay. MIT và Trung tâm Nghiên cứu Microsoft (Microsoft Research) cũng thành công trong việc chế tạo màn hình LCD nhận biết cử động bàn tay, giúp người dùng điều khiển máy tính mà không cần chạm vào màn hình. Các loại màn hình như vậy có một mạng lưới cảm ứng đặt phía sau màn phát sáng. Loại màn hình không phát sáng, thường gọi là "giấy điện tử" (e-paper) đã được sử dụng rộng rãi trong máy đọc sách Kindle của Công ty Amazon. Khác với màn hình phát sáng thông thường, văn bản trên giấy điện tử không cần điện năng để duy trì. Giấy điện tử chỉ dùng điện năng khi thay đổi văn bản. Trong khi máy Kindle chỉ hiển thị được những sắc độ xám, đầu năm 2009, Công ty Fujitsu chế tạo thành công giấy điện tử hiển thị đầy đủ màu sắc. Khả năng nhận dạng vật thể của "mặt bàn" thực ra rất gần với công nghệ Microsoft Surface, có thể thực hiện hoàn toàn chính xác trong hiện tại đối với vật thể có mã vạch hoặc được gắn vi mạch RFID.
ict3.jpg

Thiết bị cầm tay cung cấp thông tin về cảnh vật trước mặt (công nghệ hiện tại)
Việc cung cấp thông tin về vật thể hoặc cảnh quan trước mắt trên màn hình của thiết bị cầm tay cũng là câu chuyện của ngày hôm nay, là mục tiêu của lĩnh vực nghiên cứu sôi động mang tên "thực tại tăng cường" (augmented reality - AR), chủ yếu dựa trên thành tựu của công nghệ nhận dạng và công nghệ xác định vị trí. Trên điện thoại di động thông minh G1 (dùng hệ điều hành Android), ứng dụng NRU (tức "Near You") của Công ty Lastminute có khả năng cung cấp thông tin về các địa điểm (cửa hàng, rạp hát,...) ở gần vị trí của người dùng. Khi đưa G1 lên ngang mặt, NRU nhận biết các địa điểm trong tầm mắt của người dùng và hiển thị chú thích tương ứng. Công ty Nokia đang phát triển các ứng dụng có chức năng tương tự mang tên MARA (Mobile Augmented Reality Applications). Ứng dụng Google Goggles trên nền Android cũng là sự thể hiện sinh động, mạnh mẽ của "thực tại tăng cường": tìm thông tin về vât thể trong ảnh chụp bất kỳ. Tầm nhìn 2019 của Microsoft chưa tính đến sự kết hợp giữa "thực tại tăng cường" với "thực tại ảo" (virtual reality - VR), đang mang lại kết quả bước đầu đầy hứa hẹn cho công nghiệp giải trí. Chẳng hạn, kính đeo mắt Vuzix cho phép người dùng thấy nhân vật ảo trên cảnh nền thực trước mặt, có thể dùng cho những trò chơi phụ thuộc vào vị trí của người chơi. Bất kể viễn cảnh 2019 của Microsoft có nhiều yếu tố hiện thực, không ít ý kiến nghi ngờ khoảng thời gian mười năm đủ dài cho con người đạt tới mức phát triển ngoạn mục như vậy. Tuy nhiên, nếu so sánh công nghệ hiện tại với công nghệ của mười năm trước, khi việc kết nối Internet được thực hiện chủ yếu bằng cuộc gọi điện thoại và điện thoại di động thông minh hầu như chỉ là ý niệm, rõ ràng mười năm không phải là khoảng thời gian ngắn.
ict4.jpg

Kính Vuzix kết hợp "thực tại tăng cường" và "thực tại ảo" (công nghệ hiện tại)
Nhiều ý kiến theo hướng khác cho rằng việc đạt được những thành tựu giả định sẽ không mang đến hạnh phúc bền vững nếu con người không có giải pháp thỏa đáng cho vấn đề năng lượng và rác thải. Những màn hình hiện diện khắp nơi "đẩy mạnh" việc tiêu thụ năng lượng, tiêu thụ tài nguyên. Nghiên cứu trong lĩnh vực môi trường cho thấy rõ: nếu cả thế giới có tốc độ tiêu thụ năng lượng và tài nguyên như nước Mỹ hiện nay, con người phải có thêm hai Trái Đất nữa mới đủ dùng! Mười năm sau, liệu con người cần thêm... bao nhiêu Trái Đất? NGỌC THẠCH
 

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top