rubi_mos2002
New member
- Xu
- 0
Bắt nạt là gì?
Bắt nạt có thể bao gồm nhiều kiểu hành vi khác nhau. Bắt nạt thân thể gồm bất kỳ kiểu bạo lực nào về thân thể, bất kể nó nhỏ như thế nào. Kiểu bắt nạt này chiếm 30.5% của bắt nạt học đường. (Time for Tolerance, 2008). Nó gồm việc đánh đập nạn nhân hoặc một hành động đơn giản như ngoéo chân, làm ai đó vấp ngã. Kiểu bắt nạt khác là bắt nạt bằng lời nói. Kiểu bắt nạt này gồm hành vi xúc phạm, trêu chọc, chế nhạo và những đe doạ bạo lực. Kiểu bắt nạt này chiếm 46.5% của những vụ bắt nạt ở trường học. (Time for Tolerance, 2008). Tiếp đến là hăm doạ. Kiểu bắt nạt này xuất hiện khi nạn nhân bị đe doạ để kẻ bắt nạt khiến họ làm những việc họ muốn như làm bài tập về nhà hoặc đưa tiền cho họ. Cuối cùng là bắt nạt trên mạng. Kiểu bắt nạt này có lẽ là kiểu bắt nạt nguy hiểm nhất vì nó có thể được thực hiện một cách vô danh. Kẻ bắt nạt qua mạng có thể tìm thấy nhiều phương tiện như email, tin nhắn, và các mạng xã hội như Face Book và MySpace. Ở đây kẻ bắt nạt có thể ẩn danh khi họ tạo ra những tên và hồ sơ giả. Việc bắt nạt qua mạng có thể bao gồm những lời đe doạ bạo lực, bạo hành bằng ngôn từ và phát tán thông tin sai với mục đích làm bẽ mặt ai đó hoặc làm tổn hại uy tín của họ
Ai là kẻ bắt nạt?
Họ đến từ mọi nhóm kinh tế-xã hội, mọi độ tuổi, mọi giới, mọi chủng tộc và mọi nền văn hoá. "Những kẻ bắt nạt thường là những người từng bị bắt nạt hoặc bạo hành. Đôi lúc, họ trải qua những hoàn cảnh mà họ không thể đương đầu, khiến họ cảm thấy bất lực và mất kiểm soát.” (TktTuder, 2000). Nhiều khi, một kẻ bắt nạt không cảm thấy họ có thể tìm thấy bất kỳ phương tiện nào khác để hoà nhập hoặc tạo được chỗ thích hợp của riêng họ trong cuộc sống, vì vậy họ trở nên mạnh mẽ theo cách họ cảm thấy nó mang lại cho họ sự tôn trọng. Họ cảm thấy bị đe doạ là cách để có được sự tôn trọng và vây quanh họ là những người tôn kính họ. Tuy nhiên, họ không nhận ra rằng mọi người là "bạn bè" với họ để không trở thành đối tượng bị họ bắt nạt. Tất cả đều do sợ hãi. Một khả năng khác của lý do cho thái độ bắt nạt đó là bản thân những kẻ bắt nạt cảm thấy họ không có sự kiểm soát trong cuộc sống của họ. Có thể cuộc sống gia đình của họ bị mất kiểm soát và họ không được lắng nghe hoặc đánh giá cao bởi gia đình của họ. Để bù đắp cho sự không được coi trọng ở gia đình, kẻ bắt nạt tìm kiếm giá trị ở những nơi khác bằng những cách không lành mạnh và không thích hợp. Dù đó là những lời giải thích hợp lệ, thì đôi lúc, lời giải thích duy nhất đó là kẻ bắt nạt là một người xấu xa và độc ác, chỉ cảm thấy vui khi họ có thể làm hại những người khác. Những kiểu người đó không cảm thấy ăn năn và hiếm khi chấm dứt việc bắt nạt. Đây có thể là một lối sống trong suốt cuộc đời của họ. Những sự thật được nói ở trên về những kẻ bắt nạt từng được chấp nhận rộng rãi trong nhiều năm, nhưng nghiên cứu mới cho rằng việc bắt nạt là một thứ gì đó hoàn toàn khác biệt đối với một số người.” Các nhà tâm lý từng nghĩ rằng những kẻ bắt nạt có lòng tự trọng thấp và khinh thường người khác để cảm thấy tốt hơn về bản thân. Dù bản thân nhiều kẻ bắt nạt từng bị bắt nạt ở nhà hoặc ở trường, thì nghiên cứu mới cho thấy phần lớn những kẻ bắt nạt có lòng tự trọng rất tốt. Những kẻ bắt nạt thường có cảm giác có quyền và phi thường hơn những người khác và thiếu lòng từ bi, khả năng kiểm soát sự bốc đồng và những kỹ năng xã hội.” (St.Clair, 2011).
Dù có những lý do khác nhau đằng sau hành vi bắt nạt, thì đa số những kẻ bắt nạt có những điểm chung nhất định. Những kẻ bắt nạt hành xử theo một kiểu thống trị và đổ lỗi cho người khác về những điều tồi tệ xảy ra trong cuộc sống của họ. Dù bắt nạt là một hành vi học được, thì yếu tố di truyền cũng có thể đóng một phần. Ví dụ, một số người có xu hướng bạo lực và gây hấn nhiều hơn. Tuy nhiên, không phải tất cả những người có xu hướng đó đều trở thành kẻ bắt nạt. Một số người có thể tìm được những cách thức để đẩy cơn giận và xung hấn của họ ra ngoài theo cách lành mạnh và có thể kiểm soát được. Nó có thể là vấn đề của tự nhiên đối lập với giáo dục. Một sự tương đồng khác ở những kẻ bắt nạt đó là họ là những người tìm kiếm sự chú ý. Dù sự chú ý mà họ nhận được là tiêu cực, thì họ vẫn khao khát nó mỗi lần mà nó là sự chú ý duy nhất mà họ nhận được.
Những người trong cuộc sống của kẻ bắt nạt cũng có một ảnh hưởng lên hành vi của họ. Một mặt, kẻ bắt nạt có thể có một gia đình không quan tâm đến hành vi của kẻ bắt nạt và thậm chí có thể khuyến khích nó vì họ cũng đối xử với những người khác theo cách tương tự. Mặt khác, bố mẹ của kẻ bắt nạt cũng có thể sợ kẻ bắt nạt và sợ đứng lên chống lại họ và chỉ cho họ thấy làm thế nào để thay đổi hành vi của họ. Nếu các bậc cha mẹ sợ kỷ luật đứa con bắt nạt thì khi đó kẻ bắt nạt học được điều chúng có thể thực hiện hành vi của mình vì ba mẹ chúng không thể chấm dứt hành vi của chúng. Khi có sự kỷ luật từ ba mẹ thì nó thường không nhất quán. "Nếu bố mẹ của họ đang có tâm trạng tốt thì đứa trẻ không bị phạt vì hành vi hư. Nếu bố mẹ đang bị stress thì họ sẽ nổi giận với đứa trẻ. Đứa trẻ không bao giờ tiếp thu được những quy tắc đạo đức hoặc tôn trọng người có quyền.” (St.Clair, 2011).
Ai là nạn nhân?
Dù bất cứ ai cũng có thể trở thành đối tượng bị bắt nạt, thì vẫn có một số điểm tương đồng giữa những người là nạn nhân bị bắt nạt vì những kẻ bắt nạt có xu hướng chọn một kiểu người nhất định để bắt nạt. "Có nhiều lý do giải thích tại sao và làm sao mà những kẻ bắt nạt nhắm đến người khác, và các lý do là nhất quán giữa các trường hợp.”(Bully Online, 2006). Những người là nạn nhân bị bắt nạt thấy bản thân họ bị bắt nạt vì những thành tích của họ, không có mạng lưới bạn bè rộng lớn, phải chịu những tin đồn và trêu chọc, và có xu hướng nghiêm túc về những điều quan trọng trong cuộc sống như học tập hoặc công việc. Đa số những nạn nhân bị bắt nạt có một điều gì đó khác biệt ở họ. Có lẽ họ đeo cặp kính dày, ăn mặc khác biệt, hoặc nhút nhát. Nhiều người ngượng ngịu trong các tình huống xã hội và cố gắng không thu hút sự chú ý vào bản thân họ. Những đối tượng của kẻ bắt nạt thường có ít bạn hoặc không có bạn có thể bênh vực, bảo vệ họ (đó là một lý do mà kẻ bắt nạt cảm thấy chúng có thể bắt nạt họ.) và vốn có lòng tự trọng thấp. Những kẻ bắt nạt cũng nhắm đến những người có vẻ dễ bị tổn thương và lý thuyết chính là họ làm điều này vì nạn nhân ít có cơ hội đứng lên bảo vệ bản thân, làm họ dễ bị bắt nạt. "Khi bị bắt nạt, họ trở nên hoảng sợ, khóc, hoặc không có một phản ứng thích hợp. Đó chính là điều mà đứa trẻ bắt nạt muốn thấy; nó trở thành một lời mời để bị bắt nạt nhiều hơn.” (NBPC, 2011)
Những ảnh hưởng của bắt nạt lên nạn nhân
Bắt nạt có thể, và thường có ảnh hưởng kéo dài suốt đời lên nạn nhân. Bị bắt nạt ảnh hưởng đến lòng tự trọng của nạn nhân, điều này còn quan trọng hơn nữa khi nạn nhân vốn đã có những vấn đề về lòng tự trọng. Nhiều nạn nhân cần đi tham vấn để xây dựng lại cuộc sống của họ vì bị bắt nạt có thể dẫn đến trầm cảm, sợ bị tấn công và ốm đau bệnh tật. Trẻ em bị bắt nạt thường bị ảnh hưởng đến học tập do chúng sợ đến trường. Một số trẻ bị ảnh hưởng bởi bắt nạt đến nỗi chúng chọn không học tiếp vì sợ phải đối mặt với chuyện bắt nạt ở những môi trường khác như đại học. Nhiều người bị bắt nạt, quá tổn thương trước sự đối xử độc ác đến nỗi họ toan tự tử và một số người trong thực tế đã cố tự tử. Phổ biến ở những trẻ từng bị bắt nạt đã trở thành nạn nhân bị bắt nạt trong cuộc sống trưởng thành của họ vì lòng tự trọng của họ từng bị suy giảm và họ dường như không thể tìm thấy lòng dũng cảm để chấm dứt việc trở thành một nạn nhân.
Vấn đề nghiêm trọng khác đối với những nạn nhân bị bắt nạt đó là bạn bè của họ quay lưng với họ vì họ sợ trở thành đối tượng bị bắt nạt. Điều này làm nạn nhân xa cách thêm với thế giới bình thường của họ. Đôi lúc nạn nhân, vì tức giận và và thiếu sự kiểm soát đối với cuộc sống của họ, đã tìm kiếm một người nào đó yếu hơn họ và bắt nạt họ; do đó nạn nhân chuyển thành kẻ bắt nạt. Chúng là những ảnh hưởng nghiêm trọng có thể thực sự thay đổi cuộc sống của nạn nhân và quan điểm về tương lai.
Những ảnh hưởng của bắt nạt lên kẻ bắt nạt
Nghe có vẻ kỳ lạ, nhưng thực sự có những ảnh hưởng tiêu cực từ chuyện bắt nạt lên bản thân những kẻ bắt nạt. "Những kẻ bắt nạt có thể chịu đựng những ảnh hưởng về lâu dài của việc bắt nạt nếu hành vi của họ không được nêu ra. Nghiên cứu xác minh rằng những kẻ bắt nạt có khả năng bị kết tội gấp hai lần so với bạn bè đồng trang lứa của họ và có khả năng trở thành những người phạm nhiều tội gấp bốn lần.” (Abel, 2010). Thỉnh thoảng, một kẻ bắt nạt có thể ghét cái cách họ đối xử với các nạn nhân của họ nhưng lại cảm thấy chính đáng khi làm thế vì họ cũng từng bị những người khác bạo hành, bắt nạt. Cảm giác này có xu hướng lấn át cảm giác thấu cảm, tạo ra một sự rối loạn đối với kẻ bat nạt. Cảm giác xung đột, mâu thuẫn về hành vi của họ cũng là một nguồn gây ra stress khiến họ muốn bắt nạt người khác nhiều hơn. Nếu một kẻ bắt nạt không được ngăn chặn và điều trị thì khi đó khả năng để họ dừng lại và trở thành một người khác và lành mạnh hơn là rất mong manh và hành vi bắt nạt của họ sẽ tiếp tục đến tuổi trưởng thành.
Chúng ta có thể làm gì?
Bắt nạt không phải là một thực tế mà một người phải sống cùng. Nếu một người bị bắt nạt thì họ nên nói với một ai đó; bố mẹ, giáo viên hoặc nhà tham vấn. Bố mẹ phải đóng một vai trò chủ động trong cuộc sống và sự an toàn của con họ. Nếu bố mẹ biết con họ là kẻ bắt nạt thì họ phải thực hiện các bước để chấm dứt hành vi này. Đi tham vấn tâm lý có thể giúp hiểu được gốc rễ của vấn đề và giúp kẻ bắt nạt thay đổi hành vi của họ trước khi quá trễ. Nếu một người chứng kiến một sự kiện bắt nạt thì khi đó họ có trách nhiệm can thiệp, bằng cách báo với người lớn ngay lập tức. Hiệu ứng người đứng ngoài xem (bystander effect) (nhìn thấy chuyện bắt nạt nhưng quá sợ nên không can thiệp) không phải là lý do bào chữa và có thể gây ra tác hại thêm nữa trong tương lai cho nạn nhân và kẻ bắt nạt. Không nói gì cũng gần tiêu cực như bản thân hành vi bắt nạt.
Rubi dịch
Nguồn:
https://www.theravive.com/research/The-Psychology-Of-Bullying