Tấm lòng của Bác Hồ với thương binh và gia đình liệt sĩ

Asaki_No1

Trưởng phòng thể thao
Xu
0
hung(1951).jpg

Ảnh: Bác Hồ thăm Đền Hùng (1951)

Sinh thời, Bác Hồ luôn luôn quan tâm chăm sóc công tác thương binh, liệt sĩ. Người rất đau xót và tiếc thương khi hay tin ngoài mặt trận có chiến sĩ bị thương, chiến sĩ hy sinh, Ngày 7 tháng 1 năm 1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư tới bác sĩ Vũ Đình Tụng:

“Thưa ngài, tôi được báo cáo rằng: con giai ngài đã oanh liệt hy sinh cho Tổ quốc. Ngài biết rằng tôi không có gia đình, cũng không con cái. Nước Việt Nam là đại gia đình của tôi. Mất một thanh niên thì hình như tôi đứt một đoạn ruột.
Nhưng cháu và anh em thanh niên khác dũng cảm hy sinh để giữ gìn đất nước. Thế là họ đã làm rạng rỡ dân tộc, vẻ vang giống nòi. Họ chết cho Tổ quốc sống mãi, vật chất họ mất nhưng tinh thần họ sẽ luôn luôn sống mãi với non sông Việt Nam.

Những thanh niên đó là anh hùng dân tộc. Đồng bào Tổ quốc sẽ không bao giờ quên ơn họ”.(1)

Là Chủ tịch nước, bộn bề công việc, Bác vẫn dành thời gian đi thăm thương binh và gia đinh liệt sĩ. Nhiều thương binh cảm động trước tấm lòng của Bác đã hứa với Người sẽ sớm xung phong ra trận khi liền vết thương. Qùa của đồng bào gửi Bác, Bác đem tặng thương binh và gia đinh liệt sĩ kèm theo một phần lương của Người.

Ở các địa phương nơi xa, Bác Hồ không đến được, Người biên thư thăm hỏi chiến sĩ bị thương trong các chiến dịch và mặt trận: Lê Hồng Phong, Quang Trung, Đông Khê, Trung Du và Đông Bắc... Bức thư đề ngày 23 tháng9 năm 1949 gửi đồng bào và chiến sĩ Nam Bộ, miền Nam Trung Bộ - Người viết:

“Hôm nay , cuộc kháng chiến oanh liệt ở Nam Bộ và miền Nam Trung Bộ vừa đúng hai năm. Tôi trân trọng thay mặt Chính phủ và nhân dân toàn quốc nghiêng mình trước linh hồn các chiến sĩ và đồng bào đã hy sinh vì tổ quốc.

Tôi gửi lời an ủi những chiến sĩ và đồng bào bị thương, bị địch giam cầm hoặc đang bị khổ sở nơi địch chiếm đóng.

Tôi gửi lời thân ái khen ngợi toàn thể đồng bào và chiến sĩ đang hăng hái chiến đấu.

Đã hai năm nay, chiến sĩ và đồng bào ta hy sinh nhiều tính mạng, tài sản, chịu nhiều cực khổ gian nan, chí dũng cảm ngày càng bền chặt, sức chiến đấu ngày càng tăng gia, chí quyết thắng ngày càng vững chắc. Các bạn là đội xung phong của dân tộc, con yêu của đất nước nhà”.(2)

Bác Hồ khen ngợi các bác sĩ , y sĩ, y tá đã hết lòng cứu chữa thương binh: “Thế là các bạn cũng trực tiếp tham gia kháng chiến cứu quốc”. Người nêu tấm gương nữ y tá Phạm Thị Tám (Quê Khánh Hoà) để toàn ngành y học tập.

Bác Hồ quan tâm giáo dục đối với cán bộ ngành thương binh - những người được giao nhiệm vụ thay mặt và chịu trách nhiệm trước nhân dân và Chính phủ để săn sóc đời sống tinh thần, vật chất cho anh em thương binh, bệnh binh.

Thư gửi hội nghị cán bộ ngành thương binh, cựu binh tháng 01 năm 1954 (bút tích lưu lại tại Viện bảo tàng Hồ Chí Minh) Người viết: “Trong công tác, anh chị em đều có tiến bộ. Đó là một điều đáng khen. Nhưng vẫn còn những khuyết điểm cần sửa chữa...

Nhiệm vụ của cán bộ và nhân viên trong ngành là phải hết lòng kính mến, thương yêu, chăm sóc thương binh, bệnh binh. Ra sức làm cho họ vui vẻ, lành mạnh, tiến bộ”.

Tư tưởng chỉ đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Quan tâm chăm sóc giúp đỡ thương binh và gia đình liệt sĩ là nhiệm vụ lâu dài, bền bỉ chứ không phải nhất thời. Mọi người, mọi ngành, mọi cấp đều phải tham gia với tình cảm uống nước nhớ nguồn. Bác Hồ chủ trương chính quyền và các đoàn thể xã hội tổ chức đón thương binh về làng. Người đề ra biện pháp cụ thể: Mỗi xã trích một phần ruộng công hoặc khai hoang thêm diện tích mới đề cày cấy, chăm nom, gặt hái thu hoa lợi để nuôi thương binh. Người động viên thương binh, bệnh binh tàn mà không phế tuỳ theo sức của mình làm những công việc nhẹ như học may, đan lát, hớt tóc hoặc giúp việc phòng giấy, việc bình dân học vụ trong làng...

Tháng 7 năm 1951, Bác Hồ kêu gọi: “Với lòng hăng hái và cố gắng của đồng bào, với sự nỗ lực của cán bộ chính quyền và đoàn thể các địa phương, tin chắc rằng công việc đón thương binh về làng sẽ có kết quả tốt đẹp”(3). Tư tưởng xã hội hoá của Chủ tịch Hồ Chí Minh hình thành rất sớm, từ những năm kháng chiến chống thực dân Pháp.

Tôi nhớ mãi lần quê hương tôi nghe lời kêu gọi của Hồ Chủ tịch đón thương binh về làng, sau chiến thắng Điện Biên Phủ. Anh em thương binh, bệnh binh được sống trong tình cảm nồng ấm của gia đình, họ hàng, đoàn thể, chính quyền. Nhân dân tự nguyện giúp đỡ thương binh, bệnh binh và gia đình liệt sĩ bằng việc làm thiết thực: Gánh nước, kiếm củi, lợp nhà, tát nước, làm cỏ ngô, lúa... Những việc làm đền ơn đáp nghĩa ấy còn quí hơn tiền tử tuất và hưu bổng thương tật. Tôi có chị gái xung phong kết hôn với anh thương binh trong tình thương yêu cao cả. Đám cưới tập thể của nhiều anh em thương binh, bệnh binh được tổ chức long trọng, vui tươi và giản dị với bát nước chè xanh và hái hoa dân chủ. Ngày ấy không khí làng quê nao nức như ngày hội.

LƯƠNG SƠN

(1) Bút tích lưu tại Viện Bảo tàng Hồ Chí Minh.

(2) Hồ Chí Minh toàn tập, NXB Chính trị Quốc gia 1995. Tập V, trang 214.

(3) Những lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, NXB Sự thật 1960. Tập II, trang 100

Theo MTTQVN TP Hà Nội
 

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top