TẤM CÁM
Phần 1: Hai chị em gái
Chuyện kể rằng, ngày xửa ngày xưa, trong một gia đình nọ, có hai người con gái cùng cha khác ông nội. Tấm là con của bà vợ cả, Cám là con của bà vợ lẽ. Người cha mất rồi, mẹ Tấm do lây bệnh từ ông nên cũng đi theo phụ bán muối. Mất cả cha mẹ, Tấm buồn quá tính ra ở riêng nhưng chưa đủ 18 tuổi nên luật không cho. Thành thử ra Tấm phải ở cùng với dì ghẻ là mẹ của Cám.
Chuyện không dừng lại ở đó. Dì ghẻ muốn Tấm vào Nam ở chung nhưng Tấm một mực một tấc không đi, nửa li không rời đất kinh Bắc. Sau khi tranh chấp đã đời, cuối cùng đi đến quyết định oẳn tù tì thì ba mẹ con ra miền Trung ở trọ nhà của dượng ghẻ đã mất là cha của Cám. Câu chuyện bi thương, bi thống, bi hài của chúng ta cũng bắt đầu từ miền Trung nắng cháy bão lũ này.
- Tấmm! Bầm đã cấm mày xào nấm với dấm rồi cơ maaaaà. Đầu mày có bị ấm không? Cẩn thận tao cho vài đấm!
- Tấmmmm! Mày hâm à, mày câm à. Sao mày đâm thủng cái mâm???
Hàng ngày, những lời đay nghiến, chửi bới Tấm xảy ra như cơm bữa, cho dù gì ghẻ đã đôi lần bị phê bình trước tổ dân phố vì vi phạm nếp sống văn minh gia đình văn hoá. Tấm làm gì cũng bị bà mắng; chẳng những mọi lúc mà còn mọi thể loại, đủ phong cách: từ la dân gian tới văng tục bằng tiếng Tàu, hết mắng theo điệu cải lương lại lấy tiếng Tây mà chửi rap. Trong khi Cám cũng đâm thủng mâm lúc chơi đùa với Tấm thì lại được mẹ khen là văn võ song toàn.
Một ngày nọ, dì ghẻ bỗng thèm ăn tép xào khế. Bà liền gọi hai cô đến và rằng:
- Hai con! Hai con hãy ra ngoài ao tắm rửa giặt giũ cho sạch, cho thơm. Nhân tiện lúc đi ngang qua đồng bắt cho mẹ ít tép. Đồng người ta nên hai đứa ráng bắt cho lẹ. Đứa nào bắt được nhiều tép về đây thì ta thưởng cho yếm đỏ. Bằng không ta đập cho tan nát.
Hai cô vâng lời mẹ và chạy đi. Tấm vốn không còn áo mới để bận, bộ đồ mới nhất vừa được Tấm tặng cho con bạn hôm kia. Ngay lập tức, trong đầu nàng nảy sinh một mưu kế. Cô bảo:
- Cám ơi, nhìn em xem. Tội nghiệp em chưa, xương em còn chưa lành sau vụ đâm thủng cái mâm kìa. Hôm nay đẹp giời, em cứ ngủ đi, để chị bắt tép cho. Bắt xong chị em mình cưa đôi.
- Thiệt dzị hả chị? Dzậy em ngủ đây. Tối qua chị ngủ mà cứ nói mớ sao mẹ độc ác làm em không chợp mắt được!
Thế là Cám tìm một gốc dừa đặt lưng xuống ngủ. Tấm nhảy ào xuống đồng làm tôm tép, cua đồng văng lên lũ lượt. Một tay nàng mò từng con tép, bắt từng con tôm bỏ vào giỏ. Còn tay kia bứt từng con đỉa đang bám chặt vào đùi, nhìn trước ngó sau rồi vứt mạnh về phía Cám đang say giấc trên bờ. Chẳng mấy chốc, giỏ tép đã đầy kín. Tấm tính cất tiếng gọi Cám đi về nhưng nỗi sung sướng thấy Cám bị mắng tức thì khép miệng Tấm lại.
Cám quan niệm: có sức ngủ mới có sức làm. Chỉ có điều ngủ chưa đủ sức thì bị kiến cắn. Choàng dậy, Cám giật mình khi nhìn thấy giỏ của mình trống rỗng. Như thế này thì mẹ sẽ đánh mất. Vừa mới hôm qua thôi, Cám còn chứng kiến cảnh mẹ mình đấm lia lịa vào mõm con chó becgie vì nó trót xơi trộm của bà củ khoai lang. Con chó dữ tợn là thế mà phải bỏ chạy, để lại bốn chiếc răng cửa ở bãi chiến trường. Nhớ đến cảnh đó, Cám bất giác đưa tay che lấy miệng mình…
Cám vội vàng len ra bờ ruộng, cất tiếng gọi: “Tép ơi, tôm à cua ơi, ốc hỡi, có con nào rảnh trôi vào đây cho chị bắt không mấy cưng?”. Nhưng tôm tép nào thoát khỏi bàn tay to bè Tấm, chỉ có những vỏ hộp thức ăn người ta vứt bừa là trôi về phía Cám. Cám vừa tức vừa thèm; cô bèn nghĩ ra một kế lừa Tấm để chiếm đoạt lấy giỏ tép đầy. Cô cất tiếng gọi:
- Chị Tấm ơi chị Tấm, sao đầu chị nhiều gàu thế? Về nhà dì thấy chị gải gàu khắp nhà là dì mắng cho đó.
- Ối giời ơi, làm seo bây chừ?
- Đó là do đầu chị thiếu lượng lipid thiết yếu, chị ngụp sâu dưới đồng là hết ngay í mà.
Cám không quên đế thêm: “Chị Tấm ơi, chị lặn thiệt sâu nha, để giỏ tép em coi cho.”; rồi nhân lúc Tấm chưa kịp ngoi lên để xem Cám có coi giùm không thì Cám đã kịp đánh tráo giỏ tép. Nghe Cám la lên “Em đi đây!” cộng với vẻ mặt hí hửng, Tấm lập tức hiểu ra âm mưu tày trời của đứa em gian trá. Chợt thấy chị Tấm đang nhìn mình như thể muốn ăn tươi nuốt chín, Cám vội cầm giỏ tép vọt lẹ, bỏ lại đằng sau vài con đỉa do Tấm ném với theo.
Về đến nhà, dì ghẻ đon đả ra đón Cám. Cám hớn hở nói:
- Má ơi, con cướp, à nhầm, xúc được giỏ tép đầy. Má thưởng cái yếm đỏ cho con liền đi!
- Ừ, con chờ chút, để bầm vào trong cởi ra đưa con.
Chợt thấy Tấm về, Cám nói to:
- Má, chị Tấm về rồi kìa.
- Để đó cho bầm!
- Sao mày về trễ mà còn không bắt được cả một con ruốc vậy? – dì ghẻ gằn giọng.
- Con...
- Đừng biện minh nữa. Tài nói dối của mình trạng Quỳnh còn chịu thua. Hôm nay bầm phải hầm mày nhừ tử.
Thấy mẹ giang tay sử Như Lai thần chưởng, Cám vội la lên:
- Đừng má, đau lắm đấy!
- Con để bầm dạy nó.
- Đau lắm, đừng đánh nữa! – Cám vừa nói vừa chìa tay ra – dùng cái roi này cho đỡ đau nè má.
- Chỉ có con gái ngoan là hiểu bầm thôi.
Trong khi mẹ đang quất Tấm như người ta đang hối một con ngựa chạy, Cám lê tấm thân đầm đìa máu do bị đỉa cắn vào phòng. Một mặt, cô tìm thuốc xức; mặt khác, độn gối vào người để lát nữa chị Tấm có trả thù thì cũng khỏi bại liệt.
Tấm sau khi bị đánh xong thì khóc tấm tức lủi thủi ra chiếc giếng sau nhà. Nàng thấy cuộc đời sau lắm trái ngang. Nàng đã bỏ ra bao nhiêu công sức và mưu trí để dụ Cám và bắt đầy giỏ tép mang về cho dì ghẻ. Vậy mà vào phút tám chín, nàng đã cả tin khi nghe Cám nói: “Chị Tấm ơi, chị Tấm. Đầu chị lấm chị ngụp cho sâu kẻo về má đấm”. Điều an ủi duy nhất lúc này là nàng đã kịp thảy con cá Bống chiến lược xuống dưới giếng. Riêng việc trừng phạt Cám, do quá mệt, Tấm chỉ còn biết lên giường ngủ trước khi bị dì giật dậy ăn cơm trưa.
Ngược trở về lúc ở ngoài đồng, Tấm uất ức vì không ngờ cao nhân tắc hữu cao nhân trị. Nàng đập thùm thụp hai tay xuống đất với tất cả nỗi bi thống; báo hại làm cả làng hoảng hốt một phen vì ngỡ động đất. Bất chợt từ phía sau lưng, một làn khói 7 màu tuôn ra cùng với tiếng kèn đám ma não nề, một ông già từ đâu xuất hiện bước ra khỏi đám khói và ho sặc sụ. Vừa nhìn thấy ông, Tấm không khỏi thảng thốt: “Gớm, đàn ông gì mà giâu thẳng mượt thế?! Giuỗi giâu chắc là kì công lắm đây!”. Với sự cảnh giác cao độ, Tấm cất tiếng hỏi:
- Lẻo già xấu xí kia, lão là ai? Bộ thấy ta khóc hay quá tính giở trò quay lén ghép vô “Vòng xoáy tình yêu” hả?
- Đâu có, ta đến để hỏi con: vì sao con khóc thôi mà :-<...
- Mày là ai?
- Ta là, e hèm – ông giở mắt kính đen lên và nói với giọng tự hào – Bụt một mắt .
Lần đầu tiên Tấm thấy người như thế trên đời, nàng nghĩ thầm: "Tên gì mà xấu tệ! Sao cha mẹ ông ấy không đặt tên gì nghe kêu hơn một chút? Ví như Độc nhãn tướng cướp chẳng hạn.”. Tuy nhiên, nàng đã trở nên có cảm tình khi nghe ông nhẹ nhàng hỏi lại: “Vì sao con T_T?”. Tấm kể lại mọi chuyện và thốt lên:
- Giời ơi, tức wé! Bụt, ông giúp tui lèm cho con Tấm này chạy nửa đường thì bị vấp té què giò được phỏng?
- Hổng chịu đâu ! Bởi giúp quá nhiều thân chủ có ước muốn như con nên giờ ta đang bị án treo nè, . Thôi, giờ ta cho con con cá Bống này. Con đem về nuôi, đợi khi nó lớn thì trét nhớt nó lên giầy Cám, hay nhét xương vào chai nước của nó cũng được. Kế ta hay hén > ?
Ông Bụt đưa Tấm con cá Bống này và dặn:
- Mỗi khi cho Bống ăn cơm, hãy nhớ cất giọng hò: “Bán bông bán hoa! Lên ăn cơm cháy cơm thiu nhà ta. Chớ ăn cơm đổi biến gen nhà người”. Câu này là 1 đoạn trong “Tình anh bán hoa” đó.
- Sao không bảo “Bống bống bang bang”?
- Câu đó bị đăng kí độc quyền rồi. Ta chưa có tiền mua lại .
Trước khi biến đi, Bụt không khỏi hớn hở đưa cho Tấm một tấm thiếp nhỏ và nói: “Đây là card visit của ta. Cần thì con cứ ” rồi biến mất trước khi con chó becgiê Cám mang theo kịp nhe răng ra cắn vì tưởng kẻ gian. Tấm cầm lên đọc ngay: Trung tâm giải quyết khúc mắc vô trách nhiệm. Giám đốc: Phật độc nhãn. Da hù ai đì: Bất đờ quan ai a móc da hu chấm com. Làm việc: 24/24, ngoài giờ phụ thu 50%. Liên hệ: hãy nhỏ một giọt nước mắt lên bưu thiếp này. Tấm tính ném đi nhưng chợt có người đi ngang. Sợ mình bị tố giác và phạt bồi thường do ăn cắp tài sản người khác và xả rác nơi công cộng nên nàng ngậm đắng nuốt cay dông lẹ về nhà.
Trở lại bữa cơm yên ắng lạ thường, Tấm cúi đầu ăn 5 bát mà không hề bóng gió xỏ xiên Cám. Sự dịu dàng của Tấm hôm đó thật sự làm Cám xúc động và đã ríu rít xin lỗi chị. Tấm nhìn Cám mỉm cười gian trá và thầm nghĩ: “Làm gì dễ bỏ qua vậy cưng!? Tao sẽ cho mày biết lợi hại của con cá Bống.” Nhưng ngoài mặt, Tấm lại bảo lúc nào cũng thương em và mong từ nay Cám sẽ nhường phần cho Tấm dọn cơm. Tất nhiên, đó chỉ là kế giương Đông kích Tây hòng qua mặt dì ghẻ để Tấm nuôi con cá Bống. Kể từ ngày đó, mỗi lần sau bữa ăn, Tấm đều vét toàn bộ số cơm mà nàng phải ráng nhịn cho vào trong yếm và nhảy tưng tưng ra ngoài giếng để cho Bống. Những lúc như vậy, Tấm phải tìm cách khiến hàng xóm gây gổ hoặc chó sủa để át tiếng gọi Bống. Nhưng cây kim trong bọc cuối cùng cũng lòi ra, vở kịch công phu của Tấm đã không qua được con mắt tinh đời của dì ghẻ…
Phần 2: Gia biến
“Không điên! Không dở hơi! Không thần kinh! Thế mà vừa ăn no xong lại nhảy chồm chồm như phải bỏng” – Dì ghẻ nghĩ thầm – “con này nó giảm béo nhanh thế rõ ràng là đem cơm cho ai đây…”. Mụ sai Cám rình Tấm mọi lúc, mọi nơi, ghi lại mọi diễn biến, việc làm thường ngày của Tấm. Cám ghi được tất, không bỏ sót bất kỳ một hành động nào, kể cả những câu chửi thầm Tấm dành cho hai mẹ con Cám mỗi khi nàng tủi phận. Và rồi Cám phát hiện ra chiếc giếng, nơi Tấm thường nhảy tưng tưng đến mỗi khi ăn cơm xong. Ngay sau đó, Cám về thưa với mẹ. Dì ghẻ uất lắm. Bà nghĩ Tấm mang cơm cho giai. Bất chợt, bà chặt lưỡi: “Dù Tấm có tiếp tục nhịn ăn thì thằng đó vẫn khó mà ôm trọn con ấy …”
Ngay sáng hôm sau, lúc con gà còn chưa kịp cất tiếng gáy vì chiều hôm trước bị Cám đá vào cổ họng trong lúc tập võ, dì ghẻ đã gọi Tấm dậy: “Con ơi con ơi. Đi chăn trâu phải chăn đồng xa. Chớ chăn đồng gần, làng biết trâu ta lở mồm long móng làng bắt mất con ạ”. Tấm ức lắm. Nàng vừa làu bàu, vừa mắt nhắm mắt mở nhảy lên lưng trâu. Làm sao mà không tức cho được, khi mới ba rưỡi sáng đã bị đánh thức; trong khi lịch ngủ thường ngày của nàng chỉ được bắt đầu vào lúc ba giờ mười lăm. Hôm qua đài khí tượng thông báo hôm nay có bão. Ôi, lại một ngày phải bứng dừa che đầu tránh mưa…
Tấm vừa đi khuất, dì ghẻ và Cám vội chạy lại gần chiếc giếng. Hai mẹ tìm đủ loại nhạc cho phù hợp với ca từ bài hát “Bống bống bang bang”. Nhưng dù là hard rock hay slow pop tới R&B đều không có tác dụng. Thế là từ đằng xa, hai mẹ con thi nhau nhặt gạch ném rào rào về phía đó. Họ chẳng biết dưới giếng là thứ gì nhưng quyết tâm giải phóng cho chàng trai nào đỏ bạc đen tình vớ phải con Tấm. Chẳng biết mẹ con Cám đã ném bao nhiêu viên, chỉ biết rằng chiều hôm đó cả làng phải nghe chửi vì nhà hàng xóm bên cạnh chỉ còn lại cái mái lá.
Tối đến, như thường ngày, Tấm lại mang cơm ra cho Bống ăn…“Bán bông bán hoa! Lên ăn cơm cháy cơm thiu nhà ta. Chớ ăn cơm đổi biến gen nhà người.” Tấm gọi mãi, gọi mãi, mà sao hàng xóm đã đánh nhau nhừ tử, chó sủa đến bở hơi tai mà con cá Bống chưa nổi lên. Tấm đâm bực bội và với mọi kìm nén do việc ăn bớt lại ¼ chén cơm, Tấm vận công đấm xuống nước. Người ta còn chưa khỏi giật mình vì tiếng nước văng và gạch bể, lại bàng hoàng nghe tiếng Tấm rú vang khi nàng thấy một cục máu nổi lên mặt nước.
Tấm oà khóc. Nàng tiếc cho bao nhiêu chén cơm mình đã nhịn mà chưa thu lại một tí nhớt nào. Nàng tự hỏi: “Ai đã đang tâm làm việc này? Không thể là mẹ con Cám được, chúng ngu thấy bà!” Nỗi bi phẫn cùng cái đói khiến Tấm không thể gằn được thói cục súc của mình. Thế là tối hôm đó, không biết lần thứ mấy trong ngày, cả làng lại một lần nữa phải nghe chửi, chỉ khác ở chỗ bài hịch chửi của Tấm thì rất giàu chất thơ trữ tình với cái tôi lãng mạn làm chủ thể trung tâm.
Nước mắt, nước mũi và nước miếng của Tấm văng lên tấm thiếp. Bụt hiện lên và hỏi: “Vì sao con chửi ?”. Sau khi nghe Tấm lải nhải sự tình, Bụt mới bảo Tấm tìm xương Bống về cho vào bốn cái lọ và chôn vào bốn góc giường.
- Sao không nhét xương vào chai nước của con Cám?
- Thôi con ạ, xương này nhỏ thí mồ – Bụt vừa nói vừa lấy khăn lau nước miếng dính đầy trên người – để làm việc khác có ích hơn >-.
Nghe lời Bụt, Tấm quay sang cái giếng tìm xương Bống. Tìm mãi mà không thấy, Tấm lại văng tục. Chợt có một tiếng nói the thé vang lên “Cục ta cục tác, cho ta nắm thóc ta bới xương cho”. Ngẩng đầu lên, Tấm nhận ra con gà trống ngày nào, nay chất giọng và tính nết đã hoàn toàn thay đổi vì di chứng của lần bị Cám đá vào cổ. Tấm tính ném thóc nhưng nghĩ thấy con gà này bị rối loạn thần kinh nên thảy cám cho gà ăn. Con gà đáng thương vừa bới vừa lầm bầm: “Khiếp, cái con này! Giờ này là lúc gà gáy báo sáng mà tiếng nó chửi át cả tiếng ta. Định giúp nó im một lúc mà nó trả công cho mình thế đấy!” Dù rất muốn làm nhơ nhuốc đám xương đã bới gần hết, nhưng cứ nhìn ánh mắt thèm thuồng của Tấm thì gà chỉ lo chạy cho toàn mạng. Tấm nhặt lấy xương bỏ vào lọ và đem chôn dưới bốn chân giường nơi mình nằm…
Phần 3: Cuộc gặp gỡ định mệnh
Ít lâu sau, Hoàng thượng mở hội. Mọi người dân trong kinh thành đều được mời tới dự bữa tiệc do vua chiêu đãi. Mẹ con Cám nghe tin dậy từ sáng sớm, chuẩn bị những bộ váy đẹp nhất, những đôi hài xinh xắn, và đặc biệt là bỏ qua thói quen kêu Tấm dậy ăn sáng hàng ngày. Báo hại Tấm phải ăn đồ hộp với xúc xích quệt phô mai với ba tê và dưa leo.
Tấm cũng muốn đi lắm. Gì thì gì, ăn uống free, không đi cũng phí. Nhưng dì ghẻ lại không đồng ý. Bà nghĩ ra kế. Ban đầu, bà lấy một lon sữa ông Thọ tính phục vụ kế hoạch. Nhưng thấy không ăn thua, bà kiếm một hộp sữa Cô gái Hà Lan loại 3kg, xúc đầy thóc, đầy gạo, sau đó đem đổ tất vào hộp và bảo Cám xay cho chúng trộn lẫn rồi sai đem đến bảo Tấm nhặt thóc gạo riêng ra, xong thì mới cho đi hội. Nhìn Tấm uất hận khi cầm hộp sữa, Cám nhẹ nhàng hỏi:
- Hay là để em giúp chị?
- Cảm ơn em, chị tự làm được rồi – chẳng là Tấm đang sĩ diện.
- Ờ , dzậy đi!
Nhìn Cám ngoe nguẩy bước đi, Tấm muốn bóp cổ đứa em cho hả giận. Nhưng khi thấy Cám vừa đi vừa thở phì phò vì chóng mặt do xay quá nhiều, lòng nhân từ đã khiến Tấm gạt phắt tư tưởng tội lỗi…
Mẹ con Cám đi rồi, Tấm bắt tay ngay vào công việc. Nhưng nhặt mãi, nhặt mãi mà vẫn không hết, Tấm lại khóc. Bụt hiện lên trong làn khói thất sắc trong tiếng nhạc đưa tang và hỏi: “Làm sao con mà không có nước mắt?”. Sau khi biết rõ câu chuyện, Bụt đăm chiêu suy nghĩ dữ lắm. Một hồi sau, Bụt mới đút vào miệng mút lấy mút để và reo lên:
- Xời, tưởng gì, chuyện nhỏ ! Ta sẽ cho chim của ta đến giúp con .
- Chim của Bụt ư? To không? Mà Bụt mút thứ gì mà nghĩ ra hay thế?
- Nhỏ thôi, xài hoài nó suy dinh dưỡng . À, con hỏi kẹo Starburst hả? 10000 ₫ một viên .
Trong lúc Bục và Tấm kì kèo ngã giá, chim của Bụt bay đến, sà vào hộp sữa. Tấm thích chí lắm. Có trong mơ nàng cũng chẳng hình dung ra nổi, chim của Bụt tuy nhỏ nhưng cổ dài có thể thụt ra thụt vào nhanh gắp thóc nhanh đến sợ. Tiện thể, Tấm bê cả thùng hạt dẻ, nhờ chim bóc vỏ hộ…
Trong chốc lát, mọi việc đã xong xuôi. Tấm hớn hở vì sắp được đi trẩy hội. Nhưng khi nhìn mình trong gương, Tấm lại đâm sầu. Bộ váy yếm ưng ý nhất mà cô mặc từ ngày này qua ngày khác, từ mùa đông sang mùa hè, giờ chẳng khác gì bikini hai mảnh. Và đôi guốc cao gót, giờ trông y hệt đôi dép Lào. Tấm tính khóc. Nhưng nước mắt nàng có hạn và đã cạn. Trong cái khó ló cái khôn. Tấm chuyển sang hát tân cổ giao duyên với giọng ca thống thiết đã từng lường gạt bao nhiêu chàng trai trả tiền ăn hàng giùm cô. Cô hát mùi mẫn phần nhỏ vì cô tủi, và phần nhiều cốt để cho Bụt nghe thấy.
Và Bụt đã nghe thấy thật!
Làm Bụt như làm dâu trăm họ, thấy có tiếng khóc ở đâu là phải xuất hiện nơi đó, trừ nhà hộ sinh. Bụt đến chỗ Tấm, và cố gắng cất giọng ngọt ngào: “Lại chuyện gì nữa đây ? Con có biết con suýt làm ta mất mặt trước bà thâu tiền nhà vệ sinh công cộng không ?”. Sau khi nghe Tấm lải nhải sự tình, Bụt mới bảo Tấm: "Con đào những cái lọ đã chôn ngày trước lên, thì muốn quần áo đẹp thế nào cũng có . Toàn hàng hiệu, rất hợp với dáng con !". Nói xong, Bụt biến mất luôn. Kể từ đó, không ai còn thấy Bụt một mắt xuất hiện lần nào trên giang hồ nữa và nghe đâu, ông đã nằng nặc đòi Thượng đế cho chuyển công tác khác an nhàn hơn…
Nghe lời Bụt, Tấm đào tung cả ngôi nhà vì chẳng nhớ lần trước đã chôn ở đâu. Cuối cùng, nàng cũng tìm thấy chúng bên cạnh cái giường bị gãy nửa thân. Nào thì áo hở lưng, nào thì quần trễ, nào thì bốt cao gót, và cả một con ngựa hí “pin pin”. Tấm đóng bộ gọn gàng, lên lưng ngựa và phi thần tốc đến hội đình, mặc kệ các quy định về an toàn giao thông.
Lúc đi ngang qua cầu, hấp tấp thúc ngựa chạy lẹ thế nào, Tấm đá rơi một chiếc bốt tấc hai trúng ngay đầu vị vua trẻ ham chơi đang ngồi câu cá ở dưới đó. Vua liền ngóc đầu lên chửi với theo: "Mẹ đứa nào ném giầy vào đầu ông!". Tấm sợ đến muộn giờ trẩy hội nên thúc ngựa phi nước đại nhưng không quên vứt lại câu chửi thề về phía vị vua trẻ đó "Sư cha đứa nào chửi bà!" và tiếp tục cuộc hành trình sẽ mở ra một trang mới trong cuộc đời nàng.
Đầu Hoàng thượng nổi u một cục mà không có dầu “Mẹ bồng con” xức nên nóng mặt. “Cả đời ta chưa thấy con bé nào chua ngoa như con này! Muốn tìm nó thì phải giăng mồi. Chà, làm sao đây?…”. Nhà vua đang suy mưu tính kế thì bị chiếc giầy làm trượt ngã. Một ý tưởng loé sáng trong đầu, anh vội ném toàn bộ nồi niêu xoong chảo câu được xuống hồ và phi đường tắt về cung điện.
Tấm đến nơi một lúc thì triều đình mở cuộc thi kén vợ cho vua. Ai ướm vừa chiếc giầy có sẵn, người đó sẽ là vợ của vua. Điều lệ cực kỳ đơn giản, dễ chơi, dễ trúng thưởng nên ai cũng muốn thử vận may, trong đó có cả mẹ con nhà Cám. Vậy mà lạ thay, chẳng ai ướm vừa. Người to nhất thì giầy vẫn còn rộng ngót một size.Trong khi đó nhà vua thầm nghĩ "Ông mà bắt được mày thì mày biết tay ông!".
Tấm len lỏi chen vào. Cô nhận ngay ra giầy của mình. Làm sao mà không nhận ra chiếc bốt quá khổ và cao ngất ngưởng! Tấm ngạc nhiên lắm. Tấm bèn xin ướm thử và vừa khít. Từ đó nàng trở thành vợ của nhà vua. Chẳng ai biết được vị vua trẻ đó đang toan tính điều gì chỉ thấy chàng ta nhếch mép cười mỉm trông vẻ rất gian xảo.
Tấm và vua kẻ tám lạng người nửa cân. Hai người suốt ngày cãi nhau chí chóe chẳng ai chịu nhường ai. Nhà vua ra sức hành hạ tấm thân ngọc ngà của Tấm: nào là làm bia cho vua tập bắn, nào là làm bao cát cho vua tập đánh quyền… Tấm cũng chẳng vừa, Tấm bắt ruồi muỗi bỏ vào mồm vua lúc vua ngủ gật, hay vừa xoa bóp vừa nhéo… Chính vì thế mà cả hai người rất tâm đầu ý hợp, Hoàng thượng thật sự rất sung sướng khi đã tìm được một ý trung nhân theo mong muốn của mình. Họ cãi nhau hạnh phúc, hành hạ nhau hạnh phúc ngày qua tháng lại…