Tại sao ta đọc truyện ?

Bút Nghiên

ButNghien.com
Tại sao ta đọc truyện?

(Dorothy Brewster & John Angus Burrell - Dương Thanh Bình dịch)​

Từ năm 1900 tới nay, trên lục địa Âu châu, ở Anh quốc và Hoa kỳ, tiểu thuyết và truyện ngắn đã là nhưng thể văn quan trọng nhất. Trong lịch sử đã từng có những thời kỳ mà thơ, kịch, họa hoặc điêu khắc giữ địa vị bá chủ. Nhưng ở tiền bán thế kỷ này, thì truyện đã chiếm ưu thế.

Tiểu thuyết và truyện ngắn bao giờ cũng có hai mục đích: giải trí và giáo dục. Chúng ta không cần nói nhiều về điểm thứ nhất, trừ ra để nhắc rằng nếu truyện không có tác dụng giải trí thì chẳng ai chịu đọc. Còn sự đọc tiểu thuyết hay truyện ngắn đem lại cho ta nhiều hay ít hứng thú, đó cố nhiên là một vấn đề cá nhân, mỗi người mỗi khác. Đã ghi nhận điều đó rồi, chúng ta có thể bước sang điểm thứ hai, là thảo luận về truyện được sử dụng như một phương tiện giáo dục. Chúng ta sẽ thấy rõ truyện có tác dụng giáo dục như thế nào, sau khi đặt vấn đề sơ khởi: Trong tiền bản thế kỷ này, truyện đã cố gắng làm gì? Và chúng ta sẽ thấy rằng nó đã cố gắng làm rất nhiều việc.

Truyện là phương tiện giải trí

Có lẽ chúng ta không thể gạt bỏ thú đọc truyện một cách quá dung dị. Trong một xứ có nhiều người biết chữ như nước ta, gần như tất cả mọi người đều thấy hứng thú đọc truyện, không lúc này thì lúc khác. Thú vị đó không dễ gì đo lường được. Người thanh niên có thể cho một truyện nào đó là thú vị mặc dù trình độ truyện ấy rất tầm thường. Nhưng khi lớn lên chúng ta không còn thích nhưng truyện ấu trĩ nữa; chúng ta đi tìm những tác phẩm già dặn hơn. Và sự thưởng thức truyện lại là một vấn đề tích lũy; chúng ta càng đọc nhiều, càng tham khảo rộng, thì chúng ta càng được đền bù bằng một thích thú mỗi lúc thêm thanh tao. Lúc đó, khuynh hướng của chúng ta là đòi hỏi ở truyện những tình tiết thực mà chúng ta nhận thấy được, và có thể tạo cho chúng ta cảm tưởng của cuộc sống thực.

Truyện là phương tiện giáo dục

Mọi văn phẩm có giá trị, đặc biệt là truyện đều cung cấp cho độc giả một hình ảnh thật, hoặc có thể tin là thật, của cuộc sống vào một thời kỳ nào đó, ở một địa điểm nào đó. Chúng ta hiện sống trong một thế giới đang trải qua nhiều biến chuyển vĩ đại. Do đó, khi nhìn lại năm mươi năm vừa qua và thấy có hai trận đại chiến thảm khốc, chúng ta không thể không tự hỏi có những nguyên nhân nào đó dẫn dắt nhân loại tới vực thẳm thảm khốc đó. Chính vì các nhà viết truyện đã phản ánh đúng thời đại và địa phương họ sinh sống, và vì họ linh cảm hơn người thường những điều kiện chung quanh họ, hèn chúng ta đọc sách của họ đã xem có thể tìm thấy ở đó một lời báo động nào không. Và chúng ta đã thấy rằng nhiều truyện cố gắng báo động độc giả về tình trạng xã hội và kinh tế khẩn cấp, cũng như về tai họa đang đe dọa nhân loại. Nhưng lời báo động đó nhiều khi không được nói thẳng ra, vì một cuốn truyện hay thì không thuyết pháp hay giảng đạo lý một cách lộ liễu. Tuy nhiên, ta thấy trong nhiều truyện có ẩn ý một tình trạng bất ổn đang đe dọa nhân loại. Chẳng phải nhấn mạnh quá nhiều về điểm này, chúng tôi cũng xin nói rằng nhiều tiểu thuyết cố ý làm cho độc giả phải suy ngẫm để đi tới kết luận mà tác giả mong muốn.

Thời kỳ nào cũng sản xuất nhiều tác phẩm chỉ phiến diện mô tả các hình thái cuộc sống để tạm thời giải trí độc giả: đó là những tác phẩm đôi khi được mệnh danh là “văn chương đào thoát”(1). Ta không cần quan tâm đến loại tác phẩm này, vì nó phù du và không quan trọng. Ở đây chúng tôi chỉ muốn đề cập tới những tác giả có một sức tưởng tượng dồi dào và một văn tài cao quý.

Chúng tôi cũng sẽ không dành nhiều thì giờ cho những văn sĩ có vẻ khinh thường độc giả trừ một số ít tâm hồn đặc biệt, những văn sĩ chủ trương “nghệ thuật vị nghệ thuật”. Những tiểu thuyết gia thật sự quan trọng là những vị quyết tâm chủ trương nghệ thuật vị nhân sinh. Họ phân tích kỹ lưỡng những phức tạp và mâu thuẫn của đời sống, và đề nghị giải pháp, dù rằng những giải pháp họ đề nghị chưa hẳn đem lại phương thuốc hoàn toàn. Những truyện đó, khi thành công, làm cho chúng ta tin tưởng rằng cái gì tác giả trình bày có thể xảy ra thực, rằng cuộc sống thực giống như thế, hay nói một cách khác, rằng quyển sách đó giống như cuộc sống. Và điều này làm cho chúng ta hiểu biết sâu xa hơn về những lý do hành động và cách cư xử của con người.

Trên đây là vài lý do giải thích sơ lược tại sao chúng ta đọc truyện. Nhưng cũng có những lý do phức tạp hơn nữa. Có người không lãnh hội rõ ràng những lý do đó, nhưng vẫn đọc truyện chỉ vì có ý tưởng rởm là làm thế sẽ được đời coi trọng, hay là để tự coi mình hơn kẻ khác. Nhưng đọc mãi rồi nhiều khi những độc giả đó bỏ được cái ý tưởng rởm đời đi và thực sự thấy thú vị trong sự đọc sách.

Phát huy những giá trị phê bình.

Đọc tiểu thuyết lại còn mang lại cho ta một thú vui nữa, là rèn luyện cho ta có khả năng đánh giá quyển sách. Điều này dẫn ta tới việc phê bình nghệ thuật, vừa là một tiêu khiển có hứng thú, vừa nêu ra một số vấn đề để ta suy ngẫm. Riêng đối với thanh niên, thì sớm hay muộn vấn đề định nghĩa thế nào là một quyển sách hay cũng được đặt ra. Những độc giả trẻ tuổi thường ngại không dám quả quyết bênh vực ý kiến phê phán thành thực của mình, dù đúng dù sai, nếu ý kiến đó chống lại ý kiến của các phê bình gia nổi tiếng. Khi không thích một quyển sách nào đó đã được công nhận là hay, thì họ sẽ tự hỏi sự phê bình có những nguyên lý nào có thể áp dụng cho mọi tác phẩm văn chương được không. Họ không dám tin ở óc thẩm mỹ hoặc phê bình của họ. Trong tình trạng khó khăn ấy, họ rất cần được giúp đỡ.

Chúng tôi xin nói rằng lời phê bình của các vị lão thành chưa chắc đã giúp ích được gì. Trong số những văn sĩ lỗi lạc đã cố gắng giải quyết vấn đề tiêu chuẩn này, chúng tôi chỉ xin nêu ra một vị làm tỷ dụ, là Matthew Arnold. Ông này tin rằng phê bình gia có nhiệm vụ tuyên bố cho đời biết những tác phẩm hay nhất đã xuất bản. Nhưng không phải tất cả độc giả đều đồng ý về những tác phẩm nào là hay nhất. Và cái được mệnh danh là tân phê bình, do I.A.Bichards trình bày trong cuốn Nguyên tắc phê bình văn học (Principles oi Literary Criticism), dù là rất hữu ích, sáng sủa trong lối phân tích tỉ mỉ, rốt cuộc cũng không cung cấp được cho chúng ta một tiêu chuẩn nhất định nào cả.

Có lẽ chúng ta nên quay về mối tương quan đặc thù giữa độc giả và một quyển sách nào đó thì sở hữu ích hơn. Rất có thể là mối tương quan đặc thù đó mới là yếu tố đáng kể như. Như thế phải chăng mỗi độc giả là một phê bình gia riêng đối với mình? Theo một khía cạnh, thì đúng như vậy. Nhưng nếu độc giả đó nhận thấy có nhiều người khác đồng ý với mình, thì hắn sẽ vững tâm hơn. Ngoài ra, nếu độc giả tự hỏi tại sao mình thích hay không thích một quyển sách nào đó, thì lại càng có lợi. Những giải đáp mà hắn tìm ra sẽ có thể nói nhiều về bản thân hắn hơn là về quyển sách, nhưng chính sự tự kiểm thảo đó sẽ giúp hắn tìm hiểu những tiêu chuẩn phê bình khả dĩ hướng dẫn hắn trong việc đọc sách. Đó là điều mà chúng tôi đã mệnh danh là “nắm vững được lối nhận xét của chính mình” (Xin xem chương I cuốn Modern Fiction của Brewster và Burrell).

Độc giả thanh niên thường hay cắt nghĩa những sự việc mô tả trong một cuốn sách bằng cách so sánh hoặc đối chiếu với những sự việc đã được đọc trong một cuốn sách khác. Độc giả có tuổi lại càng hay dùng kinh nghiệm bản thân để xem những gì nói trong sách đúng hay sai. Sự kiện này hình như có nghĩa là người đứng tuổi có phương tiện đầy đủ hơn thanh niên để trở thành phê bình gia chân chính. Nhận xét này thật đúng, trừ vài đặc lệ rất hiếm. Đặc lệ đối với độc giả, tuy ít tuổi, nhưng lại có tri giác sắc bén hơn người thường.

Trong nhiều năm giảng dạy tại đại học đường Columbia, chúng tôi đã thực nghiệm phương pháp nắm vững được lối nhận xét của chính mình. Chúng tôi đã không đòi hỏi bài làm của sinh viên phải tốn công tham khảo nhiều. Trái lại. chúng tôi chỉ yêu cầu sinh viên giải thích hết sức thành thực và rõ ràng phản ứng của họ về các tiểu thuyết họ đọc không phải để nhận định một quyển sách nào đó hay hoặc dở, mà chỉ cần tìm rõ nguyên cớ tại sao họ đã nghĩ về quyển sách đó như vậy. Một sinh viên trẻ tuổi đã cho biết rằng đối với hắn cuốn Valley of the Moon của Jack Lon don là cuốn sách hay nhất anh đã được đọc. Nhân vật trong truyện đó được tả rất sống động và thực, còn cốt chuyện thì được xây dựng vững vàng. Do bài làm của anh, chúng tôi được biết tại sao anh thích quyển sách đó, và chính anh lúc đó cũng vỡ lẽ ra. Anh viết rằng vào một ngày mùa hạ đẹp trời, khi anh vừa được bình phục san một tai nạn, anh ra ngồi ở một công viên và được một thiếu nữ đọc lớn tiếng quyển sách đó cho anh nghe. Giọng của thiếu nữ rất hay khi nàng đọc tới đoạn tả những cuộc tranh đấu của vai chính trong truyện. Và anh thì thích nhưng cuộc tranh đấu, miễn là của người khác. Lúc đó có gió mát thổi nhẹ, có chim hót, có thuyền nhỏ lướt trên vịnh gần đó, và có người chơi quần vợt ở đằng xa. Anh thấy mình sung sướng lạ lùng, và trong trạng thái đó tất nhiên bất cứ quyển sách nào anh cũng phải cho là hay.
Đối với quyển The Ambassadors của Henry James, có hai phản ứng trái ngược nhau. Theo ý một phụ nữ thì quyển đó rất xoàng xĩnh. Nhưng nàng là một nữ khán hộ, và đã đọc sách ấy trong một phiên gác nàng phải săn sóc cho bệnh nhân đại thần kinh. Những cảnh tượng kinh khủng diễn ra trước mắt nàng khiến cho câu truyện của James mà nàng mệnh danh là trò bướm vỗ cánh trên hoa trở thành giả dối và phi lý. Đối với một sinh viên khác, thì truyện đó lại đượm một ý nghĩa thâm thúy. Trong bài làm, nàng này bày tỏ rằng nàng vừa trải qua một biến chuyển lớn lao trong thái độ của nàng đối với cuộc đời, và cuốn tiểu thuyết đã làm cho nàng hiểu rõ tính chất và những biến thiên của kinh nghiệm bản thân nàng. Nàng nói rằng dường như nàng đang cố gắng đánh vần trong một gian phòng tối tăm, và cuốn tiểu thuyết đã đem ánh sáng rực rỡ vào trong phòng.

Đọc một cuốn tiểu thuyết còn có thể đưa đến phản ứng liên hệ mật thiết với bản thân hơn nữa khi độc giả vô tình hay hữu ý, đồng nhất mình với một nhân vật nào trong truyện. Cách đọc truyện như vậy cỏ thể rất hứng thú, và khi độc giả đã hiểu rõ mình đồng nhất với một nhân vật trong truyện, thì sẽ thâu thập được một kinh nghiệm vô cùng quý báu. Chúng tôi xin dẫn ra đây một tỷ dự cuối cùng, là có rất nhiều thanh niên tự thấy mình giống nhân vật Philip trong truyện Of Human Bondage của Somerset Maugham. Philip, vì có nhiều nhược điểm, đã vấp váp nhiều trong lúc lăn lộn với cuộc đời trước khi đạt được thành công. Và nhân vật đó đã an ủi rất nhiều thanh niên thấy mình cũng ở trong cảnh ngộ tương tự.

Trên đây chúng ta đã xem xét mối liên quan giữa độc giả và tác giả. Nếu chúng ta tìm hiểu mối liên quan giữa tác giả và tác phẩm, khám phá những lý do nào đã đưa tác giả đến việc sáng tác tiểu thuyết này nọ, thì chúng ta sẽ gặp nhiều vấn đề quá phức tạp để có thể trình bày ở đây được. Nhưng với những tài liệu tham khảo có ghi trong cuốn sách này về tiểu sử nhiều tác giả, mỗi độc giả có thể tự mình tìm hiểu lấy mối liên quan đó. Trong phần nói về mỗi cá nhân các tiểu thuyết gia, chúng tôi sẽ gợi cho độc giả biết sự tìm hiểu đó có ích lợi như thế nào.

(Nguồn: Tiểu thuyết hiện đại )​
 

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top