Tại sao những nơi mà loài ốc sên bò qua thường để lại một đường chất nhờn?
Ốc sên là một thành viên trong đại gia tộc động vật thân mềm, khi nó bò, nó thường dùng chân bám chặt lên các vật thể khác và bò quằn quại hình sóng nhờ các cơ thịt ở phần chân, vì thế nó có thể bò chậm rãi về phía trước. Trên chân ốc sên có một tuyến gọi là tuyến chân. Tuyến chân có thể tiết ra một chất dịch rất dính giúp ốc sên bò đi được, vì vậy những nơi mà nó bò qua đều để lại dấu vết của chất dịch do tuyến chân tiết ra. Sau khi chất dịch này khô đi, nó sẽ hình thành nên một đường phát ra ánh sáng lấp lánh.
Khi ngủ đông hoặc ngủ hè, dịch dính được tiết ra từ tuyến chân này sau khi khô sẽ hình thành một lớp màng mỏng ở miệng vỏ, giúp cho cơ thể đóng chặt lại, đợi đến khi môi trường bên ngoài thích hợp sẽ thoát ra khỏi lớp màng. Tiêu bản ốc sên được cất trữ trong phòng lưu giữ tiêu bản do được lớp màng này bảo vệ nên ốc sên có thể sống nhiều năm mà không chết.
Ngoài ra còn có một loài ốc sên tương tự nhưng không có vỏ và cũng được gọi là con sên. Những nơi mà nó bò qua cũng để lại một đường phát ra ánh sáng màu trắng, chỉ có điều là dịch dính mà sên không vỏ tiết ra có tính chất khác một chút so với dịch dính mà ốc sên bình thường tiết ra. Vết bò mà ốc sên không vỏ để lại trên giấy hoặc vải sẽ làm cho chất giấy hoặc vải trở nên cứng hơn, còn vết bò mà ốc sên thông thường để lại trên giấy hoặc vải lại làm cho giấy hoặc vải bị biến chất.
st