Kẹo Siêu Nhân
Moderator
- Xu
- 0
Tại sao người miền Nam lại gọi con trưởng là "anh hai"?
Trong phương ngữ Nam bộ, người con trưởng trong gia đình được gọi là "anh hai / chị hai" mà không gọi là "anh cả / chị cả" như theo cách nói của người miền Bắc. Tại sao lại như vậy? Hiện nay có một số cách giải thích khác nhau về vấn đề này: Cách thứ nhất: Từ giữa thế kỷ thứ XVII, cư dân người Việt từ miền Bắc và miền Trung (đặc biệt là vùng Ngũ Quảng) được lệnh của chúa Nguyễn vào Nam khai hoang lập nghiệp. Những người con trưởng thường phải ở lại quê hương để thờ cúng ông bà tổ tiên, phụng dưỡng cha mẹ, chăm nom nhà cửa, vườn tược,... Những người ra đi thường là con thứ hoặc con út. Họ luôn nhớ về quê hương, xứ sở, nhớ về gia đình lớn vẫn còn đang sinh sống ở vùng ngoài... Chính vì vậy, họ không xưng mình là Cả (vì thực tế anh Cả còn ở ngoài kia) mà xưng là Hai, rồi kế tiếp là Ba,... Lâu dần, thành thói quen, họ sinh con đẻ cái và gọi đứa con lớn trong gia đình là bé Hai, thằng Hai chứ không gọi là thằng Cả, con Cả như ở ngoài Bắc.
Cách thứ hai: Ở Việt Nam, làng xã là một đơn vị rất quan trọng. Ý thức quốc gia không mạnh bằng làng xã: "phép vua thua lệ làng". Khi bị Pháp chiếm làm thuộc địa, cơ quan cai trị ở mỗi xã miền Nam được gọi là Hội Đồng Tề, trong đó người đứng đầu được gọi là Hương Cả. Nếu gọi người con lớn nhất là “cả”, thí dụ: “Thằng cả đâu, vô đây biểu coi” thì vô tình đã gọi trùng với tên Hương Cả. Điều này có thể bị suy diễn là hỗn láo, mỉa mai và bị kết tội phạm húy. Vì vậy, người miền Nam tránh tiếng “cả” mà gọi người con lớn nhất là “anh hai” hoặc “chị hai”. (Trích bài “Tị húy trong sinh hoạt của người Việt Nam” - Phạm Văn Bân).
Cách thứ ba: Cách giải thích này có liên quan đến “tứ bất lập” dưới thời chúa Nguyễn Ánh. Sau khi lên ngôi năm 1802, Nguyễn Ánh ban ra nhiều chính sách mà trong đó có “tứ bất lập” (bốn điều không) : không đặt ngôi hoàng hậu và đông cung thái tử, không tể tướng, không trạng nguyên và không phong vương cho người ngoài họ. Trong những điều không ấy, sở dĩ Nguyễn Ánh không phong hoàng hậu và đông cung là vì ông muốn dành trọn vẹn hai vị trí đó cho hai người mà ông yêu thương nhất, người vợ cả Tống Thị Lan và con trai cả Nguyễn Phúc Cảnh. Ngược dòng lịch sử, ta biết bà Tống Thị Lan là người vợ đã một lòng một dạ, cùng chia sẻ và đồng cam cộng khổ cùng Nguyễn Ánh khi ông thất thế, lúc còn phải trốn chạy nhà Tây Sơn. Còn Nguyễn Phúc Cảnh, khi mới 4 tuổi đã phải theo Bá Đa Lộc sang Pháp cầu viện giúp cha. Nguyễn Phúc Cảnh lúc đó không khác gì vật “thí thân”, ra đi mà chẳng biết có ngày trở về hay không. Về sau, hoàng tử Cảnh cũng đoản mệnh, mất vì bệnh đậu mùa. Nguyễn Ánh là người trọng tình, trọng nghĩa, ông muốn dành vị trí cao nhất cho hai người mà ông hết mực yêu thương này. Vì thế về sau, với ông không có gì là “thứ nhất” cả, dù có toàn vẹn thế nào thì cũng chỉ là “thứ hai” mà thôi, và ông muốn thực hiện điều ấy bằng những chính sách của mình. Phải chăng cách nói “anh hai / chị hai” bắt nguồn từ đây?