TẠI SAO MẮT BÃO LÀ NƠI BÌNH YÊN NHẤT?
Bão thực chất là khối không khí xoay tròn với vận tốc cao, hoạt động trong phạm vi khá lớn, đường kính có thể lên tới 1.000 km.
Mắt bão, còn gọi là tâm bão, là nơi có áp suất không khí rất thấp, còn xung quanh mắt bão thì không khí ở tầng thấp vừa xoáy nhanh vừa đổ về trung tâm áp thấp.
Tốc độ dòng khí càng nhanh thì vận tốc gió càng mạnh, tạo nên lực ly tâm cực lớn khiến không khí bên ngoài càng khó lọt vào tâm bão. Do đó, mắt bão giống như một cái ống được xây bằng mây, bên trong dường như không khí không quay, gió rất yếu.
Mắt bão Catarina được các phi hành gia trên trạm vũ trụ quốc tế ISS chụp lại hôm 27/3/2004 khi nó đổ vào bang Catarina của Brazil. Ảnh: NASA.
Tuy nhiên, nếu mắt bão ở trên đại dương thì nơi đó sóng biển lại cực kỳ dữ dội. Thí nghiệm cho thấy, đặt ly nước vào trong chuông thuỷ tinh rồi hút dần không khí ra, đến khi không khí rất loãng và áp suất giảm tới mức nhất định thì nước trong ly nổi bọt sùng sục như bị đun sôi.
Mắt bão thông thường có đường kính 40 km. Bão là khối khí vừa quay vừa di chuyển nên mắt bão cũng di chuyển theo. Sau khi mắt bão rời chỗ, tức thì mưa to gió lớn ập tới. Các chuyên gia khí tượng học cho biết, sự phân bố hướng gió ở mọi vị trí trong phạm vi hoạt động của cơn bão đều được thể hiện rất có quy luật. Khi không khí xung quanh đổ dồn về tâm bão, do ảnh hưởng của sự tự quay của trái đất, hướng đi của gió sẽ bị lệch đi. Sự lệch góc đó khiến gió xung quanh hướng tới tâm bão luôn ngược chiều kim đồng hồ. Càng đến gần tâm bão, phương tiếp tuyến càng lớn, gió càng tiếp cận với vận động quay tròn quanh tâm bão. Bởi vậy, góc tạo ra giữa hướng gió với tuyếp tuyến đường tròn tâm bão càng nhỏ. Trong phạm vi cơn bão, dù đứng ở bất kỳ vị trí nào, chỉ cần đứng quay lưng về hướng gió thì người ta có thể phán đoán chắc chắn rằng mắt bão nằm trong góc dao động 45-90 độ ở phía trước mặt và lệch sang trái.
Theo Thế Giới Mới