Tại sao chúng ta ngáp?
Các nhà khoa học kết luận rằng: chỉ cần 14 tuần tuổi, các cô cậu đã bắt đầu biết ngáp trong bụng mẹ. Chỉ kéo dài không quá 6 giây nhưng ngáp nói lên nhiều ý nghĩ, nhiều thông điệp liên quan đến trạng thái của con người. Bởi thế, không ngạc nhiên lắm khi nó đã từng là môn nghiên cứu của nhiều bộ môn khoa học, từ tâm lý học, sinh lý học và cả bệnh lý học…
Ai cũng biết rằng: đó chỉ là một đòi hỏi bình thường cũng giống như hành động cười nói mà thôi. Ngáp đến vào bất cứ thời điểm nào khi chúng ta có cảm giác mệt mỏi, chán chường, buồn ngủ…
Một câu hỏi khá thú vị là: Tại sao chúng ta lại ngáp? Xung quanh nó có rất nhiều giả thuyết…
Giả thuyết thứ nhất cho rằng: Khi bạn ngồi lâu một tư thế, trong máu sẽ tích tụ cabonnic khiến cho cơ thể cần thải ra, cơ chế uể oải kéo theo sau đó. Thần kinh não nhận được tín hiệu, ra lệnh các bộ phận khác, kết quả: chúng ta bắt đầu ngáp ngắn ngáp dài. Khi bạn ngáp, bạn đã làm mới một lượng ôxy tươi mới qua phổi, vào máu, lên não, nhờ thế, ngáp xong, phần nào ta tỉnh táo trở lại.
Một giả thuyết khác lại cho rằng: ngáp thực chất là cơ chế tự điều chỉnh nhiệt độ trong máu một cách tức thời.
Một giả thiết dễ hiểu hơn là: các trạng thái tình cảm, tâm lý buồn bực, chán chường hay ngán ngẩm… khiến các hoá chất truyền dẫn thần kinh như: setotinin, dopamine, oxit nitric… sản sinh ra quá nhiều làm cho chúng ta ngáp để giải phóng, hàm lượng các chất này càng nhiều, tần suất ngáp càng tăng.
Khi bạn đọc đến dòng này, tôi tin chắc bạn đã ngáp ít nhất 1 lần. Vì sao vậy? Chẳng lẽ lại tồn tại một cơ chế lây nhiễm ở đây? Cũng có thể lắm chứ!
Ngáp cũng bị lây
Khoa học có ủng hộ lý giải này? Một nghiên cứu năm 2005 đã chụp não người khi họ ngáp và nhận thấy một hoạt động não đặc biệt trong vùng liên quan tới sự bắt chước. Vì vậy, nếu lần tới bạn bị ném một ánh nhìn khó chịu vì ngáp trong một cuộc họp, thì hãy giải thích rằng đó chỉ là một hình thức giao tiếp thời thượng cổ.
Ngáp không chịu sự kiểm soát của thần kinh trung ương. Nó nằm ngoài tầm khống chế của bạn: Có thể cố ý ngáp nhưng không thể ngăn cản ngáp. Dựa vào hoàn cảnh xuất hiện, động tác này được chia làm 5 loại:
- Ngáp lúc ngủ dậy: Thường kèm theo vươn vai, co duỗi chân tay.
- Ngáp vì uể oải, buồn ngủ: Thể hiện rõ nhất trong lúc hội họp. Có tác dụng làm tăng lượng không khí đưa vào phổi.
- Ngáp vì đói: Thường kèm theo một số chuyển động ở ổ bụng và cơ hoành.
- Ngáp vì ưu phiền.
- Ngáp dây chuyền (do bắt chước): Cơ chế của loại ngáp này còn chưa rõ ràng.
Quá trình ngáp diễn ra qua 3 giai đoạn:
- Hít vào tối đa: Miệng mở rộng, gốc lưỡi hạ xuống, cửa hầu giãn nở. L.g ngực và cơ hoành giãn ra.
- Co thắt một loạt cơ mặt, mũi giản nở. Trong trường hợp ngáp dài (ngáp thực sự, không phải ngáp theo hoặc cố tình) mắt thường nhắm lại, nước mắt và nước bọt chảy ra. Ở khoảnh khắc này, việc dẫn truyền các thông tin liên quan tới thị giác và thính giác có thể bị tê liệt.
- Thở ra: Kèm theo sự giãn của các cơ tham gia quá trình ngáp.
Khi ngáp, các cơ mặt, cơ lưỡi, cơ cổ co mạnh, áp lực trong khoang miệng đột ngột tăng. Áp lực này tác động lên khoang mũi ngăn đường thoát của nước mắt xuống mũi. Chính vì vậy, khi ngáp, không ai không chảy nước mắt. Đó cũng chỉ là một cơ chế tự nhiên theo kiểu dây chuyền.
Chẳng có gì là lạ khi chúng ta cảm giác mệt mỏi sau một thời gian dài không vận động. Sự “mụ mị” đó sẽ gây ra một phản ứng ngáp tức thời, sau đó, dù chỉ vài giây, chúng ta – ai cũng được thoải mái hơn chút ít…
ST