Tại sao chúng ta mất nước?

Trang Dimple

New member
Xu
38
Đề bài: Việt Nam là quốc gia đã từng nhiều lần chiến thắng giặc ngoại xâm trong lịch sử nhưng vào cuối thế kỉ XIX, sau gần 30 năm kháng chiến (1858-1884), Việt Nam đã thất bại và trở thành thuộc địa của Pháp. Tại sao? Em hãy chỉ ra và phân tích rõ các nguyên nhân khiến Việt Nam thất bại trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (1858-1884)

Bài Làm
Trong lịch sử Việt Nam, chúng ta đã nhiều lần chiến thắng giặc ngoại xâm, lập nên các trang vàng lịch sử oai hùng như: Nhà Trần ba lần đánh thắng giặc Nguyên-Mông, Lê Lợi đã dẹp tan quân Minh sau bao nhiêu năm bị đô hộ…Nhưng vào cuối thế kỉ XIX sau gần 30 năm kháng chiến, Việt Nam đã thất bại và trở thành thuộc địa của Pháp. Tại sao vậy? Đó là vì triều đình nhà Nguyễn không có các máy móc kĩ thuật hiện đại nên không thể thắng được Pháp-là một cường quốc với nền kinh tế công nghiệp phát triển. Đó là vì khi đó chúng ta không có một đội quân hùng mạnh và không có sự trang bị về vũ khí. Chúng ta ở thế bất lợi. Nhưng triều đình lại không có ý định đấu tranh. Nhà Nguyễn kí 4 bản hiệp ước đã lần lượt từng bước làm rõ sự đô hộ của Pháp ở Việt Nam. Đầu tiên bản Hiệp ước Nhâm Tuất (5/6/1862) đã cắt cho Pháp cai quản ba tỉnh miền Đông Nam Kì, bồi thường thiệt hại cho Pháp. …Chưa dừng lại ở đó, Pháp tiếp tục đánh chiếm Bắc Kì và bản hiệp ước thứ hai-Hiệp ước Giáp Tuất (15/3/1874) ra đời. Vẫn chưa thỏa mãn sự thèm khát thị trường, nhân công Pháp đã tiếp tục đưa ra các điều kiện chèn ép nước ta, triều đình đã kí hai văn kiện còn lại vào năm 1883 và 1884. Nhưng triều đình Huế vẫn bảo thủ không chịu cải cách nền kinh tế suy thoái và lạc hậu. Trong khi đó cuộc sống của người dân hết sức cực khổ bị áp bức bóc lột nặng nề. Bao nhiêu cuộc khởi nghĩa nổ ra nhưng quân triều đình lại tiêu diệt chính những đồng bào của mình. Thật đau xót biết bao khi người nước mình lại giết chính đồng bào của mình.

Ngoài ra, đã có bao nhiêu con người yêu nước với ý chí quyết tâm giành lại chủ quyền, họ dâng lên triều đình các bản cải cách nhưng triều đình lúc ấy đã quá thối nát vẫn từ chối mọi cải cách. Nó chính là nguyên nhân chính đánh dấu một bóng tối đang bao phủ lấy đất nước Việt Nam.

(CTD, nữ, học sinh lớp 8)
 
Việt Nam là quốc gia đã từng nhiều lần chiến thắng giặc ngoại xâm trong lịch sử nhưng vào cuối thế kỉ XIX, sau gần 30 năm kháng chiến (1858-1884), đất nước này đã thất bại, trở thành thuộc địa của Pháp. Do đó, ngày nay, nhiều bạn trẻ hứng thú với bộ môn Lịch sử không khỏi thắc mắc và đặt ra câu hỏi: “Tại sao?”. Đây cũng chính là câu hỏi khá phổ biến của những người học, tìm hiểu lịch sử như học sinh chúng em.



Tự hào là con người Việt với truyền thống chống giặc ngoại xâm từ lâu đời, cùng bề dày văn hóa dân tộc. Tuy vậy, du khách thế giới quan tâm đến chúng ta chủ yếu về lòng dũng cảm, không biết bao nhiêu lần đánh đuổi giặc và bảo vệ trọn vẹn lãnh thổ. Những cuộc đánh lớn chấn động cả năm châu, những cuộc đánh thắng lợi vẻ vang như: ba lần đánh đuổi giặc Nguyên Mông, các trận đánh huy hoàng nổi tiếng ở sông Bạch Đằng, đã nhuộm máu quân thù; cửa Hàm Tử bắt sống tướng giặc. Tất cả đều chứng minh lòng yêu nước nồng nàn của nhân dân qua sự đoàn kết, mưu trí.



Dù vậy, vào cuối thế kỉ XIX, Việt Nam đã thất bại, không phải không có tinh thần đánh giặc, không phải tình yêu nước chưa dâng trào mà do chưa tìm được người chủ tướng xứng đáng cho quân đội quân triều đình. Quân của triều đình liên tục thực thi các chính sách bảo thủ, không hợp lí. Trong những trận đánh đầu tiên, dưới sự chỉ huy của Nguyễn Tri Phương, nhân dân ta đã anh dũng chống trả. Quân Pháp bước đầu thất bại. Sau 5 tháng xâm lược, chúng chỉ chiếm được bán đảo Sơn Trà. Bắt đầu đến năm 1859, quân Pháp sau khi thua trước những âm mưu đánh nhanh thắng nhanh ở Đà Nẵng , quân Pháp kéo vào Gia Định. Ngày 17/2/1852, chúng tấn công thành Gia Đinh, quân Triều Đình chống cự yếu ớt rồi tan rã, mặc dù có nhiều binh khí, lương thực. Trong khi đó, nhân dân địa phương đã tự động nổi lên đánh giặc khiến chúng khốn đốn. Nhưng vẫn không thể nào xoay chuyển được tình thế, quân Pháp liên tục lấn tới và chiếm Định Tường, Biên Hòa, Vĩnh Long. Vì sợ hãi, triều đình đã kí với Pháp hiệp ước Nhâm Tuất, nhượng cho chúng quyền lợi. Không dừng ở đó, nhân dân ta vô cùng căm phẫn, nhiều phong trào kháng chiến nổ ra sôi nổi.



Sau năm 1867, hai lần quân Pháp đánh chiếm Bắc Kì, nhân dân kiên quyết còn triều đình Huế thì do dự, tiếp tục cắt đất cầu hòa. Hiệp ước Pa-tơ-nốt được kí kết, chấm dứt sự tồn tại độc lập của triều đình phong kiến nhà Nguyễn. Vì vậy, nhiều văn thân và sĩ phu, quan lại phản đối và làm cho quân Pháp gặp nhiều khó khăn. Tuy vậy, bằng hiệp ước này, Việt Nam đã hoàn toàn nằm dưới sự cai trị của Pháp. Cuosoic ùng, nguyên nhân sâu xa khiến dân tộc thất bại trước Pháp chỉ là do triều đình Huế hèn nhát.



(NMH, nữ, học sinh lớp 8)
 
Việt Nam được biết đến như một cường quốc chống giặc ngoại xâm với rất nhiều chiến tích vẻ vang cho dù quân địch vượt trội hơn rất nhiều. Nhưng trang sử vẻ vang ấy đã bị nhuốm đen khi vào thế kỉ XIX, quân dân ta đã có một thất bại quá dễ dàng trước Pháp.


Có rất nhiều lý do cho thấy việc quân dân ta thất bại là điều khó tránh khỏi! Lý do đầu tiên là do sự yếu kém và nhu nhược của triều đình nhà Nguyễn. Ngay từ ban đầu, khi quân Pháp mới đặt chân lên đất Việt, nhà Nguyễn đã có trương “cầu hòa” và làm rất nhiều tỉnh, thành phố vào tay Pháp. Ngay cả khi đã có rất nhiều cơ hội đánh đuổi như việc giết được Rivie, phản công của quân ta nhiều lần thành công nhưng với sự nhu nhược và sợ chết, quân Nguyễn đã “tiếp tay” cho Pháp nhiều lần ổn định và tăng cường viện binh. Lý do thứ hai đó chính là sự chênh lệch quá lớn về vũ khí, lực lượng. Quân Pháp có một lực lượng kiệt xuất, “được trang bị đến tận răng” nhưng lực lượng ưu tú của Việt Nam lại được sử dụng cho việc bảo vệ nhà Nguyễn, để rồi những người chiến đấu vì Tổ quốc cũng chỉ là những người dân yêu nước với những vũ khí thô sơ. Nguyên nhân tiếp theo là do chúng ta chưa có một đường lối đấu tranh đúng đắn. Tại sao lại có chuyện 8 tên Pháp làm chao đảo cả thành Ninh Bình được bảo vệ bởi hàng ngàn tên lính? Tại sao có chuyện cả hai vị tướng: Nguyễn Tri Phương và Hoàng Diệu đều thất bại trong việc giữ thành Hà Nội? Tấtt cả là do chúng ta chưa có một đội quân hùng mạnh cùng một chiến lược đúng đắn. Cuối cùng, cũng có thể là lý do quan trọng nhất, đó là việc chúng ta thiếu có một sợi dây đoàn kết thật bền chặt giữa quân và dân. Trong khi nhân dân vẫn cố gắng quyết tâm đánh đuổi quân giặc thì triều đình lại về bên chủ hòa. Phải chăng quân và dân mà cùng quyết tâm bằng hết sức lực thì chẳng phải chúng ta sẽ có một kết quả tốt đẹp hơn sao?


Đó là bốn lý do đã khiến cho chúng ta thất bại thảm hại trước quân Pháp và nó cũng thể hiện được một thực tại lúc bây giờ: nhân dân bất hạnh, triều đình nhu nhược, đất nước khổ đau.

(NTT, nam, học sinh lớp 8)
 
Việt Nam là quốc gia đã từng nhiều lần chiến thắng giặc ngoại xâm trong lịch sử nhưng vào cuối thế kỉ XIX, sau gần 30 năm kháng chiến (1858-1884), Việt Nam đã thất bại và trở thành thuộc địa của Pháp. Việt Nam thất bại trong cuộc kháng chiến chống Pháp (1858-1884) do khá nhiều nguyên nhân. Trước hết là do ở giai đoạn này, mặc dù trước khi bị thực dân Pháp xâm lược, Việt Nam là một quốc gia độc lập có chủ quyền, đạt được những tiến bộ nhất định về kinh tế, văn hóa, nhưng chế độ phong kiến Việt Nam đang có những biểu hiện khủng hoảng, suy yếu nghiêm trọng. Nông nghiệp sa sút, đất đai rơi vào tay địa chủ, cường hào. Dân lưu tán phổ biến. Đê điều không được chăm sóc. Mất mùa, đói kém xảy ra liên miên. Công thương nghiệp bị đình đốn. Chính sách “bế quan tỏa cảng” khiến cho nước ta bị cô lập với thế giới bên ngoài. Nhất là do quân sự lạc hậu, chính sách đối ngoại hết sức sai lầm, đặc biệt là việc “cấm đạo”, đuổi giáo sĩ phương Tây, đã gây ra những mâu thuẫn làm rạn nứt khối đoàn kết dân tộc, gây bất lợi cho sự nghiệp kháng chiến.


Trong thời kì đầu tấn công xâm lược nước ta, giặc Pháp đã vấp phải sự kháng cự ngoan cường của dân quân ta. Pháp nhiều lần đã rơi vào thế bí, đã tính phải rút quân về nước. Nhưng nhà Nguyễn, thay vì ủng hộ lại chọn con đường cầu hòa với Pháp để đàn áp phong trào nông dân trong nước, không chỉ vậy mà còn bắt tay với Pháp tiêu diệt hết phong trào. Điều này đã từng bước tạo điều kiện cho Pháp xâm lược và thôn tính nước ta. Không chỉ vậy, các quan trong triều đình thuộc một bộ phận muốn chống Pháp như Nguyễn Tri Phương, Hoàng Diệu… thì lại bị chi phổi bởi kiểu đánh, kiểu chiến thuật phong kiến nên so với chiến thuật hiện đại của Pháp không địch nổi nên đã thất bại.


Trong giai đoạn này có nhiều cuộc khởi nghĩa đã nổ ra như cuộc kháng chiến chống Pháp ở Gia Định và các tỉnh miền Đông Nam Kì. Các cuộc khởi nghĩa này diễn ra liên tục, rộng khắp, gây nhiều khó khăn, tổn thất cho giặc nhưng lại thiếu tổ chức, thiếu sự lãnh đạo thống nhất nên cuối cùng đều thất bại. Ngoài ra, thất bại còn do bộ phận lãnh đạo phong trào kháng chiến chủ yếu là các văn thân sĩ phu yêu nước hạn chế về giai cấp, về lịch sử nên chưa có chính sách đúng đắn, mang nặng tư tưởng phong kiến.


Trong số các nguyên nhân thì có lẽ nguyên nhân do Nhà Nguyễn là nguyên nhân chính dẫn đến thất bại của dân tộc ta. Là thế lực cầm quyền của đất nước, đứng đầu nhà nước, nhà Nguyễn không thể không nhận trách nhiệm để mất nước vào tay Pháp. Lúc đầu, nhà Nguyễn cũng cố gắng chống chọi Pháp nhưng do kẻ thù vừa hơn về quân sự lại quá khôn khéo, nhà Nguyễn đã không tìm được chủ trương và biện pháp hữu hiệu để vượt qua. Các chính sách của nhà Nguyễn đã khiến họ tách dần ra khỏi cuộc kháng chiến của nhân dân, tạo điều kiện cho kẻ địch xâm lược. Họ đã đi từ thủ để hòa đến chủ hòa rồi đầu hàng. Họ không đoàn kết mà còn phá hoại các cuộc kháng chiến của nhân dân, bỏ mặc nhân dân với cuộc chiến đấu nên đã thất bại trong cuộc chiến.


Tất cả những nguyên nhân trên đã dẫn đến thất bại của dân tộc ta trong cuộc kháng chiến chống Pháp (1858-1884)
 
BÀI LÀM

Việt Nam với bề dày truyền thống yêu nước đã ghi lại những dấu ấn oanh liệt trong cuộc kháng chiến chống ngoại xâm trong hàng nghàn năm chống Bắc thuộc và thời kỳ xây dựng đất nước phong kiến độc lập. Thế nhưng lịch sử oanh liệt ấy lại phải dừng lại ở năm 1884 với sự đầu hàng của triều đình nhà Nguyễn đối với quân xâm lược Pháp sau hơn 30 năm kháng chiến (1858 - 1884). Thất bại ấy khiến chúng ta phải suy nghĩ...tại sao tới thời điểm cuối thể kỷ XIX, nền độc lập nước nhà lại rơi vào tay Pháp?

Về nguyên nhân khách quan: Đến giữa thế kỷ XIX, trong khi thế giời chủ nghĩa tư bản chuyển sang giai đoạn chủ nghĩa đế quốc với những thèm khát ngày càng gia tăng về nhu cầu nguyên liệu, thị trường và nhân công thì các nước phong kiến phương Đông lại lâm vào cuộc khủng hoảng suy yếu trầm trọng. Đó vừa là yêu cầu, vừa là điều kiện thuận lợi để các nước Phương Tây tiến hành chiến tranh xâm lược các nước Phương Đông. Các nước phương Đông, trong đó có Việt Nam đang đứng trước nguy cơ xâm lược. Tuy nhiên trước nguy cơ và hiện thực mất nước là một khoảng cách khá xa. Chính các nhân tố chủ quan trở thành nguyên nhân chính, quyết định đến sự thất bại ấy.

Về nguyên nhân khách quan:

Sự suy giảm về tiềm lực kinh tế - quốc phòng


Đến giữa thế kỷ XIX, chế độ phong kiến Việt Nam trượt dài trong khủng hoảng. Nhà nước tỏ ra bất lực đối với các chính sách phát triển kinh tế, làm nền kinh tế trước hết là kinh tế nông nghiệp tiêu điều sơ xác, không còn trở thành cơ sở kinh tế của đất nước. Trong khi đó, tiếm lực quân sự với vũ khí nghèo nan, lạc hậu lại tiêu tốn vào cuộc vũ trang bắt các nước Cao Miên và Ai Lao thuần phục mình. Những chính sách ấy đã đặt Việt Nam trước tình thế bất lợi trước cuộc đối đầu đối với thực dân Pháp - kẻ thù hơn chúng ta cả một trình độ phương thức sản xuất.

Sự tan vỡ của khối đại đoàn kết toàn dân tộc


Một trong những nguyên nhân làm nên thắng lợi của các cuộc đấu trang bảo vệ nền độc lập đó chính là việc nhà nước phát huy được sức mạnh tổng hợp của khổi đại đoàn kết toàn dân, đánh bại sức mạnh của kẻ thù. Song đến giữa thế kỷ XIX, nhân tố đó không còn nữa. Nhân dân luôn sẵn sáng đứng dưới ngọn cờ lãnh đạo của triều đình để chống Pháp tuy nhiên triều đình nhà Nguyễn lại không phát huy được sức mạnh của vũ khí tổng hợp này.

Sai lầm trong đường lối chiến lược, chiến thuật trong quá trình kháng chiến của triều đình

Đây là nguyên nhân trực tiếp dẫn tới sự thất bại cuộc kháng chiến. Triều đình nhà Nguyễn với tử tưởng sợ dân hơn sợ giặc, đặt quyền lợi giai cấp lên trên quyền lợi dân tộc, ảo tưởng với âm mưu của kẻ thù xâm lược đã đưa tới sai lầm trong hàng loạt đường lối chiến đấu như tư tưởng thủ để hòa, hòa cả trong thế thua và trên thế thắng, đi từ nhược bộ này đến nhược bộ khác, từ đầu hàng từng bước đến đầu hàng toàn bộ, bỏ lỡ các cơ hội "vàng" để đánh đuổi thực dân Pháp...

Chính những nguyên nhân ấy, trong đó trách nhiệm chính thuộc về Triều Nguyễn đã đưa việc mất nước từ không tất yếu trở thành tất yếu, mở đầu ách đô hộ hơn 80 năm của thực dân Pháp, gây ra bao đau thương cho dân tộc VIệt Nam.
 
Sửa lần cuối bởi điều hành viên:
Tuy là quốc gia đã từng chiến thắng giặc ngoại xâm làm vang lừng lịch sử dân tộc, nhưng trong 30 năm kháng chiến, Việt Nam đã thất bại và trở thành thuộc địa của Pháp. Vì sao vậy? Đó là một câu hỏi có vô số câu trả lời.


Thứ nhất phải kể đến sự suy yếu của nhà Nguyễn. Vua là một ngôi vị quan trọng trong sự mạnh yếu, hòa bình hay chiến tranh, độc lập hay bị cai trị của đất nước. Nhưng thật không may, thời đó có được mấy trung thần yêu nước. Ông vua đứng đầu sa đọa, ăn chơi, nhu nhược, hèn nhát thì sao có được một quốc gia hùng mạnh. Giặc vừa tới, quân sĩ đã run sợ (như trong lần Pháp tấn công đồn Thuận An) là do đâu? Đó là do trách nhiệm cảu vua. Vua là người đứng đầu trên tất cả mà còn như vậy thì quân sĩ không hèn nhát mới thật lạ. Sự suy sụp của Việt Nam có một phần trách nhiệm của vua Tự Đức. Bao lần triều đình chấp nhận kí các bản hiệp ước, dần chấp nhận sự cai trị của Pháp trên tổ quốc quê hương. Đó thật là một hành động bán nước không thể tha thứ của triều Nguyễn. Chính triều Nguyễn đã chấm dứt nền độc lập của Tổ quốc.


Song, không phải ai cũng nhu nhược, hèn nhát, không biết lo cho tương lai dân tộc. Như Nguyễn Tri Phương anh dũng chống trả nhưng thất bại; Hoàng Diệu bất khuất chống Pháp bảo vệ thành Hà Nội, và còn nhiều cuộc nổi dậy khác. Trong đó không thể không kể đến sự giúp sức mạnh mẽ của nhân dân (trong việc giết được Rivie). Nhưng rồi cũng là do triều đình Huế đã bỏ lỡ một cơ hội để đuổi Pháp ra khỏi Việt Nam vì không có biện pháp kiên quyết, tạo điều kiện cho Pháp tăng viện binh. Như vậy triều đình Huế không những bỏ đi nỗ lực của chính họ mà còn cả nỗ lực của nhân dân.


Mặt khác, trong thời gian kháng chiến lan rộng ra toàn quốc, triều Nguyễn vẫn từ chối cải cách và thi hành các chính sách đối nội, đối ngoại lỗi thời, không có tính đột phá, mở mang ra tầm quốc tế: ra sức vơ vét tiền của trong nhân dân để phục vụ cho cuộc sống xa hoa và bồi thường chiến phí cho Pháp dẫn đến các ngành kinh tế nông, công, thương nghiệp bị sa sút, đời sống nhân dân cơ cực. Trần Quốc Tuấn từng dạy phải biết đoàn kết toàn dân tộc trước giặc ngoại xâm. Nhưng triều Nguyễn không làm được vậy. Các quyết định (kí hiệp ước) của triều Nguyễn càng làm dân tộc ta bị chia ra, kẻ tham tiền theo Pháp, kẻ yêu nước nổi lên. Đất nước tan rã, mất đoàn kết là một lí do khá to lớn trong việc mất nước.
Trên là những lí do trong nước.


Thứ hai, về phía Pháp. Ta biết rằng Việt Nam là một đất nước đóng kín, không giao du, trao đổi với nước ngoài nên ta là một đất nước khá lạc hậu. Còn Pháp là một đất nước phát triển, hiện đại. Như vậy có thể biết rằng vũ khí chiến tranh của Pháp khác hoàn toàn so với Việt Nam ta: hiện đại hơn, tân tiến hơn và trên hết là sức công phá của chúng. Việt Nam ta còn phải sử dụng những vũ khí khá thô sơ. Tóm lại, Pháp có một lợi thế hơn hẳn so với nước ta.


Đó là những lí do chính trong việc thất bại của Việt Nam ta trong khoảng thời gian này.
 

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top