Tago và chờ đợi

ngan trang

New member
Ta go và chờ đợi

Tác phẩm Chờ đợi của Ta-go-rơ

Chờ đợi trong tình yêu như là nốt lặng trong âm nhạc. Không có chờ đợi thì không có tình yêu như không có nốt lặng thì không thành âm nhạc. Người tình cổ xưa đã biết chờ đợi, trong huyền thoại người tình chờ đợi đã hoá đá. Hãy nghe một khúc chờ đợi trong ca dao:

“Sớm mai em ngồi bên bức vách
Em rửa cái trách
Em nghe con chim khách
Nó kêu chí cha chí chách trên bụi tre già
Khách ơi! Có phải khách báo tin người bạn đường xa
Để ta trải chiếu quét nhà cho nó tinh tươm”.

“Với một vài cử chỉ đơn sơ như “trải chiếu quét nhà cho nó tinh tươm” nhưng là những cử chỉ của tình yêu viết hoa, nó nguyên sơ, chân chất. Rượu còn ủ trong hầm, hương còn khép trong hoa, ngọc trai còn ở dưới đáy biển. Mà có lẽ tất cả những người tình trên đời này đều thèm khát được là “người bạn đường xa” trong nỗi mong chờ, trong cuộc sửa soạn đón tiếp trong lòng cô thôn nữ” (Vẻ đẹp trong Ca dao).

Bài thơ “Đợi anh về” của Xi-mô-nốp (Nga) trong đại chiến thế giới lần thứ hai vọng lên triết lí chờ đợi của thời đại:

“Em ơi, đợi anh về
Đợi anh hoài, em nhé
Mưa có rơi dầm dề
Ngày có dài lê thê
Em ơi em, cứ đợi!



Vì sao anh chẳng chết
Nào bao giờ ai biết
Có gì đâu em ơi
Chỉ vì không ai người
Biết như em chờ đợi”

Người tình chờ đợi hoá đá ở phía bên này (huyền thoại) và bất tử ở phía bên kia (Xi-mô-nốp).

Với bài thơ 19 trong tập “Thơ dâng” (Gitanjali), nhà thơ Ta-go-rơ đã lựa chọn khoảnh khắc im lặng của tình yêu như nốt lặng giữa hai dòng nhạc (tỏ tình và chấp nhận). Bài thơ có gì đó rất giống với khúc ca cô thôn nữ Việt Nam “sớm mai em ngồi bên bức vách” nhưng Ta-go-rơ không theo phong cách Folklore (văn hoá dân gian) mà theo phong cách bác học rất Ta-go-rơ và cũng rất Ấn Độ:

“Nếu em không nói lời nào, ta sẽ chất đầy niềm im lặng ấy vào trái tim mình mà cam lòng chịu đựng.

Ta sẽ im lìm chờ đợi như bóng đêm kia đầy sao canh giấc, như bóng đêm kia ẩn nhẫn cúi đầu.

Ban mai thế nào cũng đến, bóng tối sẽ tan đi, và tiếng em sẽ là những dòng suối vàng xẻ vòm trời rực rỡ trào tuôn.

Rồi lời em vỗ cánh thành ca khúc, bay lên từ mọi tổ chim ta.

Và giai điệu em sẽ thành hoa bừng nở, phủ cánh rừng chồi biếc lộc xanh ta”.

(Phan Nhật chiêu và Lương Duy Trung dịch)

Chọn khoảnh khắc im lặng của tình yêu là Ta-go-rơ thiên về tâm linh đậm màu sắc Ấn Độ. Ta-go-rơ tôn trọng sự im lặng trong tình yêu, tôn trọng sự chờ đợi trong tình yêu vì đây là khoảnh khắc của sự vận động tâm linh:

“Nếu em không nói lời nào, ta sẽ chất đầy niềm im lặng ấy vào trái tim mình mà cam lòng chịu đựng.”

Mệnh đề “giả thiết” ở đầu câu thơ thiên về trí tuệ, ta nhận ra ngay đặc trưng của tư duy Ấn Độ ngay cả ở một đề tài thuộc lĩnh vực tình cảm. Ta-go-rơ thiên về minh triết tình yêu chứ không bộc lộ tình yêu bằng cảm giác hay dục tính. Thơ tình Ta-go-rơ hấp dẫn ở tính thánh thiện của cảm xúc và ở tư duy siêu việt qua những hình tượng tuyệt mĩ. Câu thơ vừa có luận lí - phi thơ (nếu em không nói lời nào) vừa trừu tượng (ta sẽ chất đầy niềm im lặng) vừa cụ thể (trái tim mình).

Minh triết tình yêu cứ hiện dần lên theo từng chuỗi hình ảnh:

“Ta sẽ im lìm chờ đợi như bóng đêm kia đầy sao canh giấc, như bóng đêm kia ẩn nhẫn cúi đầu”

Nhà thơ nói “Ta sẽ im lìm chờ đợi” thì người tình nào ẩn nhẫn một chút là cũng có thể nói được lời đó, nhưng khi hình ảnh so sánh xuất hiện “như bóng đêm kia đầy sao canh giấc”…thì chỉ có người tình - thi sĩ thiên tài Ta-go-rơ mới nói hay nói đẹp như vậy. Người tình với tâm trạng “im lìm chờ đợi” bỗng kì vĩ như hiện tượng của vũ trụ - bóng đêm, và bóng đêm không đen tối mà “đầy sao canh giấc”, rực rỡ, lung linh, vận động một cách bí ẩn. Ta cũng nhận ra một nét quen thuộc trong nghệ thuật thơ Ta-go-rơ là thi pháp vũ trụ. Với Ta-go-rơ, con người và vũ trụ là một. Trong một câu thơ mà khi con người như một hiện tượng của vũ trụ “Ta sẽ im lìm chờ đợi như bóng đêm kia đầy sao canh giấc”, khi thì hiện tượng vũ trụ như con người “như bóng đêm kia ẩn nhẫn cúi đầu”.

Mà so sanh sự “im lìm chờ đợi như bóng đêm” là đã sửa soạn cho sự vận động của ánh sáng, “ban mai thế nào cũng đến” và có ý nghĩa là lời yêu sẽ cất lên:

“Ban mai thế nào cũng đến, bóng tối sẽ tan đi, và tiếng em sẽ là những dòng suối vàng xẻ vòm trời rực rỡ trào tuôn”

Phô diễn niềm tin tưởng vào tình yêu như thế thật là hay. Huy động cả quy luật tự nhiên để diễn tả sự vận động tất yếu của tâm linh đấy là một nét mới của tư duy Ấn Độ. Hình tượng thì thật là kì vĩ “tiếng em sẽ là những dòng suối vàng xẻ vòm trời rực rỡ trào tuôn”, tình cảm thì dào dạt. Âm thanh của lời yêu mãnh liệt với sắc màu rực rỡ.

Lại nữa là “lời em” lại vỗ cánh bay lên từ phía người tình chờ đợi:

“Rồi lời em vỗ cánh thành ca khúc, bay lên từ mọi tổ chim ta. Và giai điệu em sẽ thành hoa bừng nở, phủ cánh rừng chồi biếc lộc xanh ta.”

Thơ Ta-go-rơ thể hiện sự tưởng tượng giàu có trong những hình ảnh táo bạo, bất ngờ nhưng không xa rời chủ đề, chủ đề chờ đợi được mở ra chiều rộng và đi vào chiều sâu. Sự chờ đợi của người tình được hình tượng hoá bằng sự gầy những tổ chim và trồng cánh rừng. Tất nhiên là lời yêu sẽ vỗ cánh bay lên từ những tổ chim chờ đợi, và hoa sẽ bừng nở, “phủ cánh rừng chồi biếc lộc xanh ta”. Người tình chờ đợi đến khi lời yêu cất lên thì “mình với ta tuy hai mà một”. Tư tưởng và hình tượng trong thơ Ta-go-rơ thật là trác tuyệt, theo phong cách tư duy Ấn Độ, nhưng cũng rất Đông phương, gần gũi với đời sống tâm linh Việt Nam, gần gũi với những trái tim yêu thương đang đập những nhịp chờ đợi.


Nguồn: Sưu tầm


 
Sửa lần cuối bởi điều hành viên:

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top