Tác giả - tác phẩm văn học Việt Nam

thu hoang

Moderator
Xu
0
Chào các bạn !

Để học tốt môn Ngữ Văn điều quan trọng cần đọc nhiều, tìm hiểu nhiều để hiểu thêm về tác giả, tác phẩm, nhưng chúng ta ít có cơ hội đọc thêm các tác phẩm văn học ngoài chương trình SGK, vì vậy, mình lập topic này để giới thiệu cho mọi người các tác phẩm khác của các các tác giả văn học Việt Nam ngoài các bài mà chúng ta đã học, hi vọng sẽ phần nào giúp ích cho mọi người. Chúc thành công !

Tài liệu mình tham khảo trên các trang văn học, có gì sai sót mong mọi người chỉnh sửa thêm, cảm ơn các bạn !



Tác giả đầu tiên chuối xanh giới thiệu là nhà văn Tô Hoài :


Tên khai sinh: Nguyễn Sen, sinh ngày 27-9-1920 (tức ngày 16-8 năm Canh Thân) tại thị trấn Nghĩa Đô, Từ Liêm, Hà Nội. Quê quán: thị trấn Kim Bài, huyện Thanh Oai, tỉnh Hà Tây. Nơi ở hiện nay: thị trấn Nghĩa Đô, Hà Nội. Cao đẳng tiểu học (cũ). Hội viên sáng lập Hội Nhà văn Việt Nam (1957).

* Tô Hoài tham gia cách mạng từ trước Cách mạng tháng Tám (1945) trong Hội ái hữu công nhân, Hội Văn hóa Cứu quốc. Từ năm 1945-1958: Làm phóng viên rồi Chủ nhiệm báo Cứu quốc Việt Bắc. Từ năm 1957 - 1958: Tổng thư ký Hội Nhà văn Việt Nam. Từ năm 1958 - 1980: Phó Tổng thư ký Hội Nhà văn Việt Nam. Từ năm 1986 - 1996: Chủ tịch Hội Văn nghệ Hà Nội.

* Tác phẩm đã xuất bản: 150 tác phẩm, trong đó nổi bật là Dế mèn phiêu lưu ký (truyện dài, 1942, tái bản nhiều lần); Quê người (tiểu thuyết, 1943, tái bản nhiều lần); Truyện Tây Bắc (tiểu thuyết, 1954, tái bản nhiều lần); Miền Tây (tiểu thuyết, 1960, tái bản nhiều lần); Tự truyện (hồi ký, 1965, tái bản nhiều lần); Quê nhà (tiểu thuyết, 1970); Cát bụi chân ai (hồi ký, 1991, tái bản nhiều lần); Tuyển tập Tô Hoài (3 tập, 1993); Tuyển tập truyện ngắn Tô Hoài (trước và sau 1945, 3 tập, 1994); Tuyển tập truyện viết cho thiếu nhi (2 tập, 1994).


- Nhà văn đã được nhận: Giải nhất Tiểu thuyết của Hội Nhà văn Việt Nam 1956 (tiểu thuyết Truyện Tây Bắc), Giải A Giải thưởng Hội Văn nghệ Hà Nội 1970 (tiểu thuyết Quê nhà); Giải thưởng của Hội Nhà văn á-Phi năm 1970 (tiểu thuyết Miền Tây);
 
Sửa lần cuối bởi điều hành viên:
Tác phẩm : Con Cua Tám Càng

Ông lão đang ngồi lơ mơ. Bỗng thoáng một cái gì đụng đậy ngoài sân đất. A, con cua, con cua bò lổm ngổm dưới bờ ao lên. Lại một con nữa. Hai con cua, cái càng giơ lêu ngêu. Ngoài đồng bây giờ chẳng có bóng một con cua. Người ta bỏ cái thuốc sâu, như thuốc mối thuốc mọt ấy mà, đến thằng nhện nước loăng quăng cũng chết mất giống. Những con cua sống sót này ranh ma thế. Nó khôn bằng mấy người già đấy, biết chạy chết vào các ao trong làng.

Ông lão cúi ngắm nghía con cua đồng như chưa trông thấy con cua bao giờ. Cái càng cua huơ lên định quắp. Con cua tám cẳng hai càng, một mai hai mắt rõ ràng con cua. Con cua có tám cẳng, con cua đến lắm chân. Cứ đương bò ngang con cua lại bò dọc, hu ríu chẳng chân nào bảo được chân nào. Phải rồi, cho nên người đời mới mắng nhau: Ngang như cua, ngang như cua bò.

Chẳng phải đứa nào đâu xa, bà lão nhà này vẫn nhiếc tớ, tớ chỉ được cái nói ngang, ngang như cua. Chẳng biết bà lão hay lẩm bẩm về tớ như thế từ bao giờ. Ở với nhau cả đời, sao mà cứ ngày lại thấy ra một cái tật, một cái chẳng hay ho ra làm sao. Bà lão bảo lão ngang như cua, lão chỉ thấy cái miệng bà lão nói dối dựng đứng. Nó đi chợ về, nó bảo nó ra bến. Nó ngỡ nếu nói là đi chợ thì lão này lại cho là bà lão đi chợ ăn quà. Không biết lão có nghĩ thế không, nhưng lão đoán có phần có khi đúng, không phải lão ngang như cua.

Thế là lão bực, lão dúi một cái. Bà lão ngã ngồi xuống. Nhưng bà lão đã nhổm lên, đẩy ông lão một cái ông lão lăn chiêng ra, hay là ông lão nằm ăn vạ ông lão quờ quạng như con cua bò thế rồi lại rên phè phè như con rắn hổ mang.

Bà lão lập cập bước ra ngõ, nói trống không:
- Đứt đuôi con nòng nọc, đứt đuôi con nòng nọc, từ đây cơm ai người nấy ăn.

Mấy hôm sắp trở trời hay sao, cái mảnh mìn giắt trong bắp chân làm ông lão lại nhức nhối. Ông lão được trợ cấp thương tật, nhưng có đứa bảo đấy là ngày trước tại lão đi vô ý giẫm phải. Không biết mìn ta hay mìn Tây, ông không cãi lại với ai bao giờ. Chỗ ấy là ven đường thằng Tây qua lại, chỗ nào Tây gài mìn thì đấy là mặt trận, có là du kích cảm tử như tao mới dám ra đấy biết chưa. Bà lão dỗi thật. Cả ngày hôm sau, cái bếp im ắng. Đúng là bà lão dỗi thật rồi. Mặc kệ. Có lúc ông lão muốn lên tỉnh chơi với thằng giáo. Nhưng mới nghĩ đến nó, ông lão đã bực mình. Trẻ con bây giờ hỗn. Đời ông, cầm súng cũng có, cầm cuốc cũng có, ông chẳng phải đi học trường thấp đẳng, cao đẳng gì cả. Nhưng cái gì ông cũng biết, cái gì không đúng “quy lát” cũng không qua được mắt ông. Mày cậy mày có đôi ba chữ, mày cũng bảo ông nói ngang như cua. Mày bảo ông im đi, ông đừng nói nữa. Con nhà láo đâu mà láo thế. Cái con mẹ mày cả đời chỉ biết dựa cột cũng vào hùa với mày. Chúng mày ếch ngồi đáy giếng thì có. Mẹ mày bảo từ giờ mỗi người một niêu. Ông sợ gì. Ông lên nhà thương nhà nước trên huyện ông ở cho mà xem. Ông có sổ ốm, ông đi bệnh viện lúc nào cũng được. Nhưng mà ông cũng nghĩ doạ chúng nó thôi, có bần cùng mới đến cái chỗ chứa người bệnh, người chết cho nó ốm đau sầu não người ra.

Ông cũng có việc của ông. Đến mùa hanh hao, ông đi mua những cây tre chết dóc. Tre ấy chẳng bán thì cũng đẵn bỏ cho măng mọc, người ta bán như cho không. Ông vác tre về, chặt từng đốt, ngâm bùn phơi rồi chẻ ra vót đũa cả, đũa quấy bánh đúc. Cái tre chết dóc, lại tre cật, trông đôi đũa chưa gác bếp đã muốn mua rồi, mà nhà nào cũng phải có đũa, có đũa cả, chưa dùng đến thì cũng cắm vào rọ cho đẹp bếp, đẹp chạn, cho vẻ nllà phong lưu. Nó là cái đũa cả, đũa đầu họ nhà vua bếp. Ông chỉ vót đũa cả. Cả chợ gọi ông là cụ “đũa cả” ông cười.
Chẳng qua ông lão nghĩ ồn ào thế chứ anh giáo có dám láo, hỗn gì với cụ đâu. Anh giáo chỉ ngượng mỗi cái gì ông cũng bảo ông biết, ai cắt nghĩa ông cũng có ý kiến. Cái rađiô, cái truyền hình ấy a, chỉ hơn được là trông thấy cái thằng người chứ nó cũng ở cái galen mà ra. Chỉ được cái không phải dựng cây tre ngoài sân, không lo bị sét đánh, chứ nó cũng eo éo thế thôi, có gì đâu... Hội hè à, ngày trước, ông mà đi hội Lim ấy a, con gái Lim có mà theo ông hàng đàn. Chúng mày bảo tham ô là thế nào, đứa nào cầm tiền trong tay chẳng muốn tiêu, ngày xưa việc vua quan việc thằng Tây cũng vậy thôi. Ông đã bảo mà.., mày thấy tao nói cái gì không đúng. Ông không biết à? ông biết tất... Rồi cả mấy hôm nay không có khói bếp. Cơ mà bà lão bỏ bếp thật. Thế thì ông đi. Ông đi cho mà biết tay cho mà thấy là ông đi đâu cũng được. Nhưng ông không lên nhà anh giáo trên tỉnh. Ông lại lên bệnh viện. Cái sổ ốm của ông lão và cái chân ông đau, cả hàng huyện người ta đã quen mặt, quen bệnh ông rồi. Từ hôm lên đây lão không nhắn thằng giáo, nó không biết mà về thăm ông đã đành, nhưng cũng không thấy mặt bà lão. Thế là ra sao nhỉ, ông mà có thế nào ở đây, ông mà chết ở đây cho chúng mày trắng mắt ra. Ông lão nói quở mình thế, nhưng mấy hôm nay ông lão cũng ê ẩm cái chân thật. Có người thấy ông vắng nhà, hỏi thì bà lão nói: “Ông lão đi ăn cơm hà nước rồi”. “Ông ấy đi ăn cơm tù hay sao mà cơm nhà nước ạ?”. Biết người ta trêu, nhưng bà lão cũng chửi: “Quân này xấc nào? Nhà nước mời ông ấy lên trên nhà thương, không phải chuyện đùa đâu” - “À ra thế... Thế thì bà cũng lên huyện ăn cơm nhà thương một thể, tội gì!” – “Ăn cơm nhà thương ghê chết được”.

Bề ngoài thì cứ như thờ ơ, như đủng đỉnh, chả biết ông bà khinh khỉnh với nhau từ bao giờ. Cái lúc còn trẻ chẳng biết thế nào, mà lúc còn trẻ bao nhiêu chuyện, thì nói làm gì. Vả chăng, ông lão ba hoa cứ ba hoa ông lão vẫn vót đũa bán được tiền, bà lão chỉ để ý có thế. Rồi đôi khi ông lão hay vặc nhau với thằng giáo trên tỉnh về - nhưng thằng giáo mà giảng giải, mà đưa tiền biếu, lão cũng im. Nhiều lần như thế bà lão mới nhận ra quả là ông lão hay nói ba hoa như tướng thế mà cái số ông lão sướng. Ông lão là tướng xó nhà. Nhưng bà lão không như thằng giáo, mà bà lão thấy ông trái mười mươi cũng chẳng biết nói thế nào, bà lão im, bà lão nhịn. Cái khó chịu nhau lịm vào trong từ bao giờ.

Ừ cứ để nằm như con gà rù ở đấy vài hôm cho bớt rác tai. Bà lão bảo thế, nghĩ thế nhưng rồi cũng sốt ruột. Buổi chợ hôm ấy có người dưới bãi đem lên chợ bán cái mía bãi mềm và ngọt. Bà lão mua hai cây.
Chốc nữa tan chợ, tạt sang bệnh viện.

Bấy giờ ông lão vẫn đứng nhìn con cua ở ngoài sân. Ông đi bắt cua từ thuở bé, mà cũng không bao giờ tẩn mẩn nhìn con cua như hôm nay. Những cái chân cua, càng cua líu, ríu xô ngang đằng này, xô dọc đằng kia, tám cái mỗi cái một phách làm cho cái mai cua cứ xoay ngang xoay dọc. Buồn cười đấy Nhưng mà cái thằng giáo bảo ông ngang như cua thì không được. Con cua là con cua, con cua bò ngang con cua bò dọc, thì nó là con cua chứ nó có phải là ông đâu.

Ông lão đã ra ngoài thềm, ngồi xuống, tay cầm cái túi nilông. Con cua bò nghênh càng lên định cắp, ông lão chộp chộp.., hai ngón tay nhón xuống, nhấc mai con cua, ông lão thấy ông vẫn nhanh vẫn thạo chẳng khác ngày trước đi bắt cua ngoài đồng. Ông lão đã nhón được mấy con cua bỏ vào túi. Những chân cua quào quào trong cái giấy bóng mà không leo lên được. Còn ở khe gạch thập thò mấy con cua nữa. Ông nhấc gạch bắt nốt. Chốc nữa, ông xuống nhà bếp. Hái vài cái rau dền cơm, thế là được bát canh cua ngọt. Hay là đem nướng ăn chơi, cua nướng chấm muối nhắm rượu, nghe cũng được đấy

Bên kia bờ ao, thoáng bóng người đi vào. Hình như trên tỉnh người ta sắp về khám, cho nên nhà thương đã đuổi không cho đám người nhà thổi cơm ngoài hiên, lại che mắt cán bộ đem chậu vôi quệt trắng nham nhở lên những góc tường ám khói bếp. Thôi, nghỉ tay cái đã. Ngộ nhỡ các cô y tá vào, thấy ông bắt cua phê bình ông “đau chân mà đi bắt cua, cụ khỏi rồi ạ” rồi bảo ông bác sĩ cho ông đem sổ ốm về thì rầy rà. Ồi, mà cũng phải ngả dưng. Chỉ cúi xuống nhặt con cua mà cái sống lưng đã lục cục tê tê như bị ai dằn xuống.

Ông lão nghiêng đầu nhìn ra. Người nào lù rù đi vào như cái bà lão đụn rạ nhà mình. Không, không phải. Nhận ra người nào, nhận ra ai rồi. Cái bà lão ngày trước ở dưới bãi đây mà, chỉ thoang thoáng cũng nhận nhau ngay. Thuở con gái, ả này mê mình, mê tơi, đã thề không lấy được nhau thì nhảy xuống sông trẫm mình, thì uống dấm thanh thuốc phiện mà chết. Thế rồi mỗi người lại đi một ngả. Cho đến bây giờ, dường như đã quên nhau. Bây giờ làm sao lại biết ta ở đây mà mò vào. Vào đây có việc hay là bà lão thăm ai, nhưng mà ông lão cứ bỗng nhiên thấy mình như ngày xưa, như ngày xưa. Đằng ấy biết tớ ở đây, ư, gái phải hơi trai như thài lài gặp cứt chó, đi đâu cũng đánh hơi được Thánh thiên tử thật. Mà đã bao nhiêu năm nay ai biết ai thế nào, nó đi lấy chồng xa tận đâu, tít tận đâu chẳng biết. Ông lại càng thấy ông đương trở về ngày trước. Mày đến chấp chới tao.
Thế đấy... Thế đấy...

Bà lão đã bước lên thềm.
- Ông đấy à?

Bà lão cất tiếng trước. Ông lão làm như bây giờ mới nhìn ra và im lặng, ông lão thật thấy bà lão nhưng bởi vì cái giọng rè rè của người già lại làm cho cái thuở trẻ mơ hồ kia nhàn nhạt đi. Không phải cái bà lão rồi... Bà lão lại kêu lên trước:
- Ôi giời ôi? Sao lại hom hem mõ ra thế kia?

Tiên sư con quạ mổ, ông chúa ghét cái đứa độc miệng. Đã kêu giời, lại rủa hom hem mõ ra là thế nào. Ông lão bực mình, ông lão lầm lì không hỏi lại một câu. Ông câm như thóc. Nhưng bà lão dường như thương hại ông gầy yếu quá, bà lão tần ngần ngồi ngay xuống đầu giường.

- Ông ốm đến thế cơ à?
Ông lão lại cáu nữa. Bà lão nói:
- Tưởng ông đi đông đi tây ông lên xe xuống ngựa thế nào chứ ông lại co quắp mốc meo thế này à?

Con mẹ này nói đến thế thì ngu quá. Thôi chấp gì cái đứa lú lẫn đến nỗi cái lưng còng như con rùa cả đời nằm trong xó luồn bắt muỗi thế kia mà. Nhớ rồi, con này ngày ấy là cái đứa ăn nói ba toác, bạ gì nói đấy. Đàn bà ti hí mắt lươn, chúa ớ, chỉ khỏe nhìn trộm. Bây giờ mà cái quần vẫn bê bết bùn như lội dưới ao lên. Cái đũng sứt chỉ xuống đến đầu gối mà vẫn để toạc tè he như thế. Mày mới là con mẹ mõ già, mày mới là con mẹ sắp xuống lỗ.
Nghĩ thế, tưởng như đã hả, lão ra ý thương hại. Lão dịu giọng hỏi:
- Làm sao biết ở đây mà vào?

Bà lão cười nhe hai cái lợi nhợt nhạt chẳng còn chiếc răng nào. Ông lão cúi mặt, ghê cả người, không nhìn.
Thì bà lão nói nhỏ:
- Yêu nhau tam tử núi cũng trèo... Nói đùa chứ, nghe ở ngoài chợ họ rủa cái lão “đũa cả” lên nằm nhà thương rồi.

Ở ngoài chợ cũng phải đồn về tớ. Ông lão khoái bởi cái câu bà lão nói, nhưng ông chỉ thích nghe ra cái nửa câu nỉ non véo von Yêu nhau tam tứ núi... ông lại hỏi khe khẽ, đã nhãng những khó chịu từ nãy.
- Người ta nói láo thế à?
- Chúng nó còn bảo nhà lão ấy bây giờ hai niêu. Thế mà lão cứ bốc vụng cơm, bà lão tức không thổi nữa. Đói quát phải lên xin cơm nhà nước. Nghe thế cũng chạnh lòng, thử tạt vào xem thế nào?

Hai tiếng “chạnh lòng” làm cho ông lão nghĩ lại cái đời mình, cũng thấy ngậm ngùi, ông quên cả những lời đồn ác. Nhưng ông lại tỏ ra cứng cựa ngay. Ông hét:
- Xà! Mồm thiên hạ như cái đít trẻ con?
- Nằm chong gọng một xó thế này dễ người ta bêu xấu oan đấy?

Ông lão không nói gì nữa. Chẳng nhẽ lại đi cãi nhau với cái đứa lắm lời này. Bây giờ ông mới tẩn mẩn nhìn mặt bà lão, hai hàm răng rụng tiệt, cái cằm móp dẹt lại, trông như mặt con tườu. Ông lão nhớ ông có cái thú thỉnh thoảng ông ngồi đếm tay xem ngày trước đã có bao nhiêu đứa con gái mê ông, lần nào cũng đếm lẫn, ông thích đếm lẫn. Nhưng mà tớ phải cái tính dễ tặc Lưỡi, gái nào cắn câu cũng tặc lưỡi. Chứ người như con khỉ con tườu thế kia, đâu đã đáng lọt vào đuôi mắt, thì lão phải lòng phải bề nỗi gì. Trong khi lão rủa thầm, lão chê bà lão thì bà lão thở dài:
- Ngỡ những thế nào rồi mà bây giờ ngồi vót đũa...
- Xà Mày thì.., mày thì... Câm đi
- Ờ, cái gì sột soạt... Cái gói kia, cái gói gì đấy>
Ông lão nhìn chiếc túi nilông treo trên đầu giường ngay bên chân bà lão. Ông nói ơ hờ:
- Mấy con cua...
- Đồng áng nước trong như mắt mèo thế này mà bắt được cua, giỏi nhỉ?
- Mày thì biết gì! Cua thằng chủ nhiệm biếu... Người ta biếu?
- Thì vưỡn!

Ông định nói có ăn cua thì mang về. Mỗi con cua bây giờ cũng bạc trăm, mà phải lên chợ, chứ ra bến đâu dễ đã chuốc được. Ông lão định bảo bà lão thế, bởi ông lại nhớ cái tính ông huếch, ngày trước hay đi bẫy con gáy, có khi vác cần đi câu được con cá con chim lại đem cho các cô nhân ngãi. Ôi chao, bây giờ thì ông nói: Của thằng chủ tịch, thằng chủ nhiệm.., nghe cũng oai oai.

Bà lão nói: “Vào cữ này cua đồng ngọt thịt. Ngày trước, chỗ cánh ruộng nào cũng ối cua...”. Ông đương nói: “Này có...” thì có một bà lão xách hai cây mía, tò tò vào. Bà lão ở trong vẫn ngồi vắt chân lên đầu giường. Ôi chao, mắt toét nhoẻn mắt quáng gà hay sao.

Bà lão kia chống hai cây mía đứng ngoài hiên. Rồi nói vào như quát:
- Có nuôi được nhau thì đem nhau về.
Rồi vác hai cây mía, cung cúc đi ra. Ngoài cổng, các cô y tá ở ngoài chợ về, thấy bà lão đi xăm xăm, nước mắt nước mũi giàn giụa. Các cô hỏi:
- Cái gì hả bà? Ông ấy làm sao, hả bà?
Bà lão đứng xững lại, không nói. Mấy cô hốt hoảng chạy vào, xem ông lão làm sao.








 
Sửa lần cuối bởi điều hành viên:
Đón giao thừa


Chẳng nhớ đã mấy năm qua, mùa nước năm ấy đương nửa đêm, sóng ngoạm cả cái xóm bãi xuống sông. May, người còn chạy kịp. Thế là cái xóm tan tác, nhà thì phiêu bạt, nhưng vẫn có người còn bám vào mặt nước. Vợ chồng nhà ấy ôm đứa con đỏ đem nhau xuống ở thuyền. Từ cái đêm nước lên khủng khiếp ấy thế mà chốc đã ba mặt con, ba con vịt giời. Mới chỉ có cái Gái đỡ đần được, hai nhóc ba năm đôi kia thì mới chỉ biết ăn chưa biết gì.

Mấy năm gần đây, cá mú trong sông biến đâu vãn cả. Có hôm bơi lên đến cửa sông Hát, cả buổi mò mẫm chỉ kéo được mấy con thờn bơn. Rồi cái chợ Long Biên mọc lên ngay bên chân cầu Của chìm của nổi các tỉnh xuôi về thành phố lên đậu cả vào chợ. Thì thuở xưa xa đã là vậy. Bởi thế mấy cái phố mép sông mới có tên từ thuở nào là Hàng Khoai, Hàng Đậu, Hàng Nâu và các chợ Gạo, cái bến Nứa mới trên bến dưới thuyền.

Nay vẫn thế. Của rừng đổ về, con người kiếm cái ăn quanh công việc vận chuyển đó. Sông Đà, sông Lô vào sông Thao xuống sông Hồng, rừng đồi đưa các thức về đồng bằng. Sắn khoai, trứng gà, buồng chuối, sọt dứa, xa nữa đến mùa có muỗm châu Yên, mận Bắc Hà và những bè gỗ, bè vầu. Nhưng mà nhà mình xác xơ, chỉ trông thấy của người ta.

Chồng bảo vợ:
- Nhà nó này, tôi lên chợ Phương kiếm cái Tết.

Hôm trước, vợ chồng đã bàn chuyến này lên chợ Phương Lâm tải củ mài về bán. Tết nhất người ta ngán mỡ, chè củ mài hẳn đắt hàng. Ở nhà, mẹ con cái Gái lại như mọi ngày lội xuống bãi đón thuyền, những lái thuyền vào thuê người vác, người đội, người xách hàng lên chợ. Những cuốn lá dong thì vác vai, những giỏ trứng và bu gà thì cõng. Có những cái thùng nhôm, thùng thiếc bọc lá chuối khô, chẳng biết là sơn ta hay thùng mỡ, chủ hàng mặc cả quẩy một lèo không được đỗ.

Chặp tối, vẫn chưa thấy mẹ và chỉ Gái về. Hai đứa thức dậy, khóc váng một lúc mỏi mồm rồi im. Trông lên, ánh điện trên đường đã sáng viền suốt thành đê và trên cầu. Không rõ tiếng nước vỗ óc ách hay tiếng chân người lội. Những cái thuyền to mọi đêm vẫn về đậu trong bóng cầu, bây giờ mờ mịt đã lẫn vào bóng tối. Có lẽ tiếng người, hình như chân mẹ. Nhưng sao mãi không thấy vào. Hay là cứ mong thì tưởng ra như thế. Lúc sau tối hẳn, mẹ và chị mới lên đến chân cầu thật. Nghe tiếng khoả chân nước róc rách.

Đêm ba mươi, ở cái bến chân cầu cũng chẳng khác mọi khi tối om. Lúc nào cũng chỉ nghe tiếng nước nói thì thào. Các thuyền đã đi ngủ cả rồi. Mùi hương ở thuyền nhà ai cúng thơm ngát trong gió heo rào rạt. Ba đứa trẻ vẫn ngồi nhòm sáng điện ở lưng đê hắt xuống. Mẹ bảo:
- Chúng mày ngủ đi chứ.
Cái Gái nói:
- Còn đợi xem pháo bông giao thừa.
Mẹ dỗ:
- Nằm xuống cho ấm chỗ. Lúc nào có pháo bông tao gọi.
Hai đứa em thì nói một câu mọi tối vẫn nói:
- Đợi bố về mới đi ngủ chứ.
Vừa hay, một ánh đuốc lóe lên chân cầu. Rồi trông thấy bóng bố cao cao đi chập chờn tới.
Lũ trẻ đứng cả lên reo to.
Bố hỏi như quát:
- Chưa đứa nào ngủ à?
Lũ trẻ tranh nhau nói:
- Đợi bố! Đợi bố về!

Bố cắm đóm đuốc, buông bịch một buộc sắn xuống đất. Mình bố bóng nhoáng không biết là quần áo ướt hay là bùn ướt.
Bố nói:
- Chẳng mua được chó gì. May quá, được người ta thuê chở đá. Neo dưới bến rồi, đến mùng hai tốt ngày người ta mới ra lấy bấy giờ mới trả công mở hàng nhân thể.
Người vợ làu bàu:
- Nhỡ cái...
- Chẳng nhỡ gì cả. Đá là của mình, mình giữ trên bến rồi.

Bọn trẻ con ngỡ bố chở đá uống nước đá, có đứa thít lên tưởng tượng làm vẻ ghê răng. Mẹ chúng nó đã biết đấy là những tảng đá người ta tải trên ngược về bày ở ngoài chợ Long Biên, để bán cho người chơi cây cảnh.
 
Sửa lần cuối bởi điều hành viên:
Tác giả: Tô Hoài
Trên sông Hồng


Có người hỏi tôi sông Hồng với Hà Nội quan hệ như thế nào? Câu hỏi rộng quá, mà tôi chẳng chuyên môn ngành nào về cuộc đời non Sông và thành phố, tôi chỉ có thể có cảm tưởng và kỷ niệm về cái nơi tôi đã được sinh sống. Dưới bến Phà Đen hàng ngày bây giờ vẫn có thững chuyến tàu xuôi các bến xuống Cầu Bo dưới Thái Bình. Ngày trước, vào mùa nước còn có tàu huỷ ngược lên Sơn, lên Tuyên.

Và hôm nay thì ở bến đầu cầu chân cầu Long Biên ngày ngày có tàu du lịch xuôi ngược sông Hồng đến hết địa phận Hà Nội, khách ngồi trong tàu ngắm lên thành phố. Chưa bao giờ có thuyền chơi đêm sông Hồng như đêm sông Châu ngày rước và đêm Việt Trì cũng như đêm sông Hương rước kia và hôm nay.

Tôi đã thường ngược xuôi Sơn Tây, Thái Bình xưa kia và bây giờ có khi ngồi tàu du lịch trên sông Hồng. Sông Hồng và thành Hà Nội thế nào, sông Hồng đã chứng kiến ra đời Thăng Long từ nghìn năm. Sông Hồng hùng vĩ từ giữa lòng châu Á ra biển Đông, sông Hồng không cùng số phận hẩm hiu của sông Thiên Phù đã bị chui vào lòng đất và sông Hồng cũng không bị phai mờ như sông Tô Lịch, sông Kim Ngưu chỉ còn cái tên hoài cổ. Sách viết tên là sông Hồng, là Nhĩ Hà, Hồng Hà đoạn qua Hà Nội nhưng người Hà Nội xưa kia đều gọi nôm là sông Cái. Hầu như khắp mặt đất trên thế gian những trung tâm đất nước có sông lớn chảy qua đều gọi là sông Cái, sông Mẹ, sông Mê Kông, người Lào gọi là sông Mẹ Mẻ Khoỏng sông Nin người Ai Cập gọi là sông Mẹ. Tiếng cổ Việt Nam bố là cha, cái là mẹ, con sông Cái thân thiết và thiêng liêng đời đời.

Sông Cái là sông dữ. Màu nước quanh năm rực đỏ, con sông cả đời quằn quại giữa hai bờ. Trăm năm trước, dòng sông nghiêng về bên thành phố. Nước mấp mé ven đê mới có Bến Nứa và phố Hàng Nâu thì ở chân cổng ô Quan Chưởng- củ rừng được bè tải về Kẻ Chợ đổ lên đấy.

Trông cái bãi Giữa chân cầu Long Biên theo năm tháng bốn mùa có thể thấy được nguồn cơn vùng vẫy của con sông.

Thủa nhỏ, tôi học trường tiểu học Yên Phụ, buổi trưa thường lên cầu Long Biên chơi trông xuống bãi ngô xanh xanh ẩn hiện xóm cát, có cái thang tre làm lối lên cầu của người bãi Giữa. Chẳng bao lâu, bãi Giữa lại lặn cả vào làn nước cuồn cuộn đỏ. Và bây giờ cái bãi Giữa lại đương xanh tốt hớn hở bãi ngô và mọc lại đôi ba lều của người các nơi về làm màu khi mùa nước rút. Các xóm đất bãi đã sống trong những hãi hùng và những phẳng lặng ấy, không phải chỉ đến khi chạy lụt nước lên, mà sông Hồng quanh năm nước ngoạm lở đất, mất nhà, mất vườn rau và cây cối, mất người. Bây giờ vẫn khủng khiếp thế.

Thời Hà Nội thuộc Pháp trước 1945, chính quyền Tây không cho làm phố, làm nhà xây dưới bãi. Người làm cu li khuân vác, người ăn mày tụ tập dưới bãi ở nhà lá, lều lá. Có những năm vợ chồng nhà văn Nguyên Hồng về ở phố đã trú ngụ ngoài bãi. Nhà xây dưới bãi bắt đầu khoảng 1947 khi Pháp trở lại chiếm Hà Nội. Người Pháp chưa hoàn hồn, chưa chắc chân, nhiều việc hành chính bỏ bê còn lo đối phó với kháng chiến, dân hồi cư xuống bãi ở tràn lan chen chúc. Đến bây giờ nửa thế kỷ đã qua thì nhà xây, nhà tầng nổi ra đến tận mép nước.
Đợi cho đến bao giờ trị thuỷ sông Hồng sang giai đoạn hết lụt mới thật là yên tâm, chứ còn thử tưởng tượng như hôm nay, đến kỳ nước lên, nước lúc nào cũng sẵn sàng đánh sóng đẩy cả dãy nhà dãy phố xuống lòng sông. Cái cảnh sụt đất và chạy lụt vẫn diễn ra, là còi báo động đấy chứ đâu. Sông Hồng có vẻ đẹp hùng tráng của con sông dữ. Trên máy bay nhìn xuống bờ bãi và con nước đỏ không có cây cỏ nào có thể mọc sát mép nước trên đất bãi chuyển động. Chẳng như các con sông miền Nam lúc nào cũng lơ thơ cụm lục bình trôi như từ trong lạch vườn ra, không như sông Hương mảnh mai, yểu điệu, cây cỏ la đà quét xuống mặt nước xanh trong êm đềm.
Con sông dữ đượm vẻ nên thơ riêng của sông dữ. Tuy nhiên ngành du lịch và các dịch vụ chưa mấy phát hiện ra vẻ đẹp khác thường ấy của sông Hồng. Chơi trên sông Hồng, tham quan các làng mạc và đình chùa hai bên sông, còn ít ai biết. Tàu ngược rồi tàu xuôi, khách trên tàu người đi chơi giữa sông một quãng - hệt như cái “thuyền rồng” trên Hồ Tây lừ đừ từ bờ ra giữa hồ rồi lừ đừ quay về, thế gọi là tham quan Hồ Tây. Tàu đỗ bờ sông, lên làng gốm Bát Tràng, lên đền Chử Đồng Tử, lối đi ngổn ngang lầy lội chẳng khác đường sau làng ra làm đồng.













 
Sửa lần cuối bởi điều hành viên:
Tức nhau tiếng gáy


Làng tôi vào đám.

Ngày trước, tháng ba có hội lệ. Thịt con bò, chia phần bốn giáp. Vài ba năm lại có rước chạ, cắt lượt chạ trên chạ dưới. Nhưng các chạ đều nghèo, không làng nào sắm nổi cỗ kiệu, đám rước chỉ khiêng cái long đình gỗ mộc.
Không phải xưa nay đám thứ đều giống nhau. Cứ như tuổi tôi, từ thủa còn để chỏm tới ngày nay đã thấy bể dâu lắm nỗi. Cái năm kháng chiến, ngôi đình bị phá san phẳng theo lệnh tiêu thổ kháng chiến. Chỉ còn ba cây muỗm cổ thụ và một bờ rào duối đằng hậu cung. Đến khi Tây lại đóng đồn, sợ du kích về ẩn nấp, đã chặt nốt bờ rào duối, thế là cái đình cái sân nhẵn nhụi. Chỉ không biết cái long đình biến đi đâu. Có người đã lội xuống ao làng mò, hay là người ta đã giấu xuống đấy. Người không thấy.

Hoà bình lập lại, ngôi đình không dựng lại được nữa. Nhưng rồi làng cũng đóng góp xây lên được ba gian lợp ngói. Không có ông từ, nhưng tuần rằm mùng một, cũng có các cụ ra thắp hương. Đến cái năm cải cách ruộng đất, cái đình con con được cất lại ấy cũng bị bỏ hoang, Mấy người hay ra thắp hương cũng bị quy là mê tín dị đoan. May chỉ là “mấy ông lão lạc hậu” mới kém hiểu biết, mới chậm tiến thế, nên được châm chước chứ nếu còn tuổi trung niên chắc đã bị đem ra đấu ở xóm rồi.

Nhưng bây giờ đã khác, tôi nghe người trong làng ra kể ngôi đình đã được xây lại. Chỉ có cây muỗm cổ thụ thì không thể sống lại được nữa không biết ai có sáng kiến đem về trồng hai cây xà cừ cho chóng có bóng mát.
Làng vào đám năm nay tôi về được trông thấy đình mới. Cũng vẫn trong khuôn khổ ngôi đình ngày trước, nhưng quét vôi vàng và vôi màu đỏ loè loẹt sặc sỡ. Không còn bức tường rêu đằng hậu cung và con nghê sành đắp nổi trên cột trụ ngoài sân đình ngày trước của một bà con gái làng lấy chồng xa, vợ chồng về làng nộp treo, người rể làng có máu mặt đã cung tiến con nghê. Người ta thường nghĩ theo kỷ niệm, chẳng vui chẳng buồn, thế mà cũng nhớ.

Trong đình lúc ấy rộn rã người đi lại, trống đánh từng hồi. sắp tế thần. Cả loạt hơn chục ông, áo thụng xanh lam, mũ phốc, quần lụa mơ gà hoa chanh, đi hia đế trắng xốp mũi hia bọc nhung đỏ. Thoạt trông lạ mắt, nhưng rồi nhìn dần nhận ra, toàn mặt quen. Nhiềt ông trong làng, cũng có nhưng ông người thiên hạ, lấy vợ làng này hay tậu đất ở đây trạc trên sáu mươi, bảy mươi, cán bộ về hưu. Chà chà, xống áo tế lễ đẹp quá, sang quá. Ngày trước, năm ấy ông ngoại tôi đến tuổi đến phiên được làm chủ tế. Cả cỗ tế hơn hai mươi người chỉ có một ông tôi được mặc áo thụng xanh. Mọi người khác đều áo the, khăn lượt chít như thường ngày có việc đi đâu. Cái áo thụng lam ông tôi mặc cũng là của làng, của công, ai đến lượt làm chủ tế thì được mượn.

Ông chủ tế ra tiếp tôi. Ông ấy trước công tác ở bộ Nông nghiệp về hưu. Mấy người nữa xúm xít ra. Tôi lâu ngày mới về làng, chứ đều là quen biết trước kia, có khi còn có họ và tất cả đều là cán bộ là bộ đội về hưu - có anh ở tỉnh có anh trên ngành ở trung ương. Nói đùa có thể hội ý chi bộ hay tổ đảng ở đám tế được.

Hầu hết các ông này vẫn còn thua tuổi tôi. Như tuổi tôi mà còn ở thời ngày trước, hội hè thế này, bấy giờ đương là trai tráng trong làng. Những cuộc tể lễ như hôm nay mới chỉ được các cụ cắt ra những chân cầm cờ, che tán - gươm vàng, bát bửu thì chưa phải mặt, chưa đến lượt được vác. Ngoài ra thì khiêng long đình, kéo xe trống... Còn các anh hôm nay áo thụng đi hia ra bắt tay chào rồi ngồi chơi với tôi đây lúc ấy cũng chỉ khoảng lên mười, đầu để hoa roi, mũi thò lò, cứ ngó nháo nhác đi xem rước và ngồi chầu hẫu xem tế mà thôi.

Tôi hỏi một người ngồi cạnh:
- Các cậu cũng biết tế à? Giỏi nhỉ.
Mấy người cùng cười.
- Mỗi thời một khác. Mời bác ngồi chơi xem, em vào việc thánh.

Trống đánh nhịp, chủ tế ra đứng giữa chiếu hoa, các ông bồi tế bước lên, kẻ đứng ngồi quỳ chắp tay theo thứ tự. Các ông bồi tế lặng yên, kính cẩn. Ở ngoài, hai lên đứng lấp sau cột, xa hai mép chiếu, các ông bồi tế khác lần lượt xướng tế: Hương... Bái... Tiến tước... Quán tẩy sở... Tiết tửu...

Theo lời xướng, các ông bồi tế trong chiếu lóp ngóp quì xuống đứng lên, có lúc cúi đầu, có lúc hai tay bưng hai chén rượu như ông chủ tế, trịnh trọng bước lên.

Các ông đứng ngoài không mặc áo thụng đi hia mà áo sơ mi quần phăng, dép lê như tôi. Mặt mũi còn non lắm, chỉ được cái tiếng hô to. Và vì không mặc quần áo tế, các ông đứng nép vào cột. Ở ngoài của không trông thấy.
Phần nào, tôi đã đoán ra. Tôi hỏi một người ngồi xem bên cạnh:
- Đám thợ tế là các cậu thuê ở đâu?
Người ấy nói:
- Phải vào gọi tận Mễ Trì, xa lắm. Hẹn trước cả tháng đấy mà cơm rượu, lại phần phò, lại tiền nong tốn kém ghê. Dạo này vùng mình hội hè tế lễ nhiều mà.
Đến trưa, vào ngồi ăn việc làng, tôi nói với chủ tế - cái lão trước làm ở bộ Nông nghiệp:
- Làm gì mà khổ thế. Mà bát nháo cả. Làng mình xưa kia chẳng có tế thì đã sao.
Ông chủ tế mặt rượu đỏ lựng:
- Làng nó có làng mình cũng phải có chứ. Ông mà về làng, ông cũng đóng vai chủ tế thuê tế như tôi.
Tôi cười:
- Một chữ nho bẻ đôi không biết, tớ cũng chẳng biết tên cụ thành hoàng làng ta.
Ông chủ tế xua tay:
- Chẳngcần, chẳng cần!








 
Sửa lần cuối bởi điều hành viên:

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top